Bộ Công Thương yêu cầu đảm bảo cung ứng điện cuối năm 2023 và các năm tiếp theo?
Xin hỏi: Bộ Công Thương có yêu cầu gì về đảm bảo cung ứng điện cuối năm 2023 và các năm tiếp theo?- Câu hỏi của anh Phương (Hà Nội).
Bộ Công Thương yêu cầu đảm bảo cung ứng điện cuối năm 2023 và các năm tiếp theo?
Ngày 29/09/2023, Bộ Công thương ban hành Công điện 6718/CĐ-BCT năm 2023 về việc đảm bảo cung ứng điện cuối năm 2023 và các năm tiếp theo.
Theo đó, nhằm thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng theo Quy hoạch điện 8 phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg năm 2023, tránh lặp lại các sự cố gây thiếu điện cục bộ như đã xảy ra trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương có yêu cầu đối với:
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện các công việc sau:
+ Chủ động xây dựng kế hoạch, phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện theo các kịch bản linh hoạt, ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện.
+ Khẩn trương rà soát cung cầu điện năng, công suất hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là cho khu vực miền Bắc đến 2025 và đến 2030, báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 30/11/2023.
+ Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt việc bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện, lưới điện truyền tải-phân phối để đảm bảo vận hành với công suất thiết kế; chuẩn bị sẵn sàng phương án, nguồn lực để kịp thời sửa chữa, khắc phục nhanh hỏng hóc, sự cố, làm tốt công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai,... để các nhà máy điện, lưới điện truyền tải - phân phối hoạt động an toàn, hiệu quả.
+ Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện, lưới điện được giao làm chủ đầu tư, đặc biệt là các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm phục vụ cấp điện cho miền Bắc như đường dây 500kV mạch 3, Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I.
+ Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đầu tư thêm nguồn điện tại khu vực phía Bắc để đảm bảo cung ứng đủ điện đến năm 2030.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương còn có một số yêu cầu trọng tâm như sau:
- Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc:
+ Đảm bảo cung cấp đủ than, khí cho các nhà máy điện theo nhu cầu sản xuất điện và các hợp đồng cung cấp nhiên liệu đã ký; phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới.
- Đối với các chủ đầu tư nhà máy điện có trách nhiệm như sau:
+ Khẩn trương thực hiện đúng trình tự các bước theo quy định của pháp luật đối với các các dự án đầu tư để đưa dự án vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
+ Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để thực hiện đầy đủ, đúng quy định công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư và các yêu cầu về môi trường đối với dự án.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
+ Đôn đốc chủ đầu tư các dự án điện trên địa bàn khẩn trương thực hiện dự án, đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII đã được thủ tướng chính phê duyệt, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai đền bù giải phóng mặt bằng theo thẩm quyền.
+Khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật.
....
Bộ Công Thương yêu cầu đảm bảo cung ứng điện cuối năm 2023 và các năm tiếp theo? (Hình từ Internet)
Các chính sách mà nhà nước hỗ trợ, khuyến khích tiết kiệm điện là gì?
Tại Điều 13 Luật Điện lực 2004 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Luật điện lực sửa đổi 2012 có quy định về chính sách và biện pháp khuyến khích, thúc đẩy tiết kiệm điện như sau:
Chính sách và biện pháp khuyến khích, thúc đẩy tiết kiệm điện
1. Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích tiết kiệm điện bằng các chính sách sau đây:
a) Khuyến khích sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu, áp dụng ưu đãi về thuế đối với sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm tiết kiệm điện và trang thiết bị, vật tư, dây chuyền công nghệ nhập khẩu để sản xuất sản phẩm tiết kiệm điện;
b) Dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm tiết kiệm điện hoặc dự án đầu tư nhằm mục đích tiết kiệm điện được vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ;
c) Dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo được hưởng ưu đãi về đầu tư, giá điện và thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng các chương trình, dự án thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; bố trí kinh phí thích đáng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ mục tiêu tiết kiệm điện.
3. Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Như vậy, các chính sách mà nhà nước hỗ trợ, khuyến khích tiết kiệm điện là:
- Khuyến khích sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu, áp dụng ưu đãi về thuế đối với sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm tiết kiệm điện và trang thiết bị, vật tư, dây chuyền công nghệ nhập khẩu để sản xuất sản phẩm tiết kiệm điện;
- Dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm tiết kiệm điện hoặc dự án đầu tư nhằm mục đích tiết kiệm điện được vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ;
- Dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo được hưởng ưu đãi về đầu tư, giá điện và thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Hành vi nào bị cấm trong hoạt động sử dụng điện và điện lực?
Tại Điều 7 Luật Điện lực 2004 có quy định hành vi bị cấm trong hoạt động sử dụng điện và điện lực bao gồm:
- Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực.
- Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật này.
- Đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật.
- Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện.
- Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.
- Trộm cắp điện.
- Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp quy định tại Điều 59 Luật Điện lực 2004.
- Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện.
- Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.
- Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về điện lực.
Trân trọng!