Đã khai sinh cho con ở nước ngoài về Việt Nam có phải làm lại giấy khai sinh cho con không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 09/11/2022

Đã khai sinh cho con ở nước ngoài về Việt Nam có phải làm lại giấy khai sinh cho con không? Tên trên Giấy khai sinh sai có thể đăng ký lại Giấy khai sinh không? Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh như thế nào?

Chào anh chị Luật sư. Con tôi sinh ở nước ngoài và chúng tôi đã làm khai sinh tại đó. Nay chúng tôi về Việt Nam sinh sống, muốn con có mã định danh cá nhân và giấy tờ để đi học trong nước. Và chúng tôi đều quốc tịch Việt Nam, nay có cần làm khai sinh lại cho con không?

Kính nhờ anh chị Luật sư tư vấn. Tôi cảm ơn. 

    • 1. Đã khai sinh cho con ở nước ngoài về Việt Nam có phải làm lại giấy khai sinh cho con không?

      Tại Điều 22 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định việc ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, cụ thể như sau:

      1. Công dân Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, đã được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, nếu có yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh thì cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện ghi vào Sổ hộ tịch, cấp Trích lục ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh và bản sao Giấy khai sinh cho người yêu cầu.

      2. Trường hợp công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam có yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn để làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, thì thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký kết hôn trước đây hoặc nơi đăng ký kết hôn mới.

      Ngoài ra, Khoản 1 Điều 29 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định cách ghi Sổ, giấy tờ hộ tịch:

      1. Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, công chức làm công tác hộ tịch của Phòng Tư pháp, viên chức ngoại giao, lãnh sự (sau đây gọi chung là công chức làm công tác hộ tịch) phải tự ghi vào Sổ hộ tịch, giấy tờ hộ tịch. Nội dung ghi phải chính xác; chữ viết phải rõ ràng, đủ nét, không viết tắt, không tẩy xóa; viết bằng loại mực tốt, cùng một màu; không dùng các màu mực khác nhau; không dùng mực đỏ.

      Trường hợp ứng dụng công nghệ thông tin để in giấy tờ hộ tịch thì phải in bằng loại mực tốt, màu đen, không bị nhòe, mất nét hoặc phai màu.

      Theo đó, trường hợp của con bạn sẽ không cần làm thêm thủ tục đăng ký khai sinh cho con ở Việt Nam mà chỉ cần đến Ủy ban nhân dân cấp huyện (Phòng Tư pháp) để làm thủ tục ghi vào sổ Hộ tịch việc đã đăng ký khai sinh con bạn ở nước ngoài.

      2. Tên trên Giấy khai sinh sai có thể đăng ký lại Giấy khai sinh không?

      Căn cứ Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định điều kiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử, theo đó:

      1. Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.

      2. Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.

      3. Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.

      Với quy định nêu trên thì việc đăng ký lại khai sinh sẽ chỉ được thực hiện khi bạn làm mất Giấy khai sinh nên trường hợp thông tin sai bạn không thể xin cấp lại giấy khai sinh được.

      3. Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh như thế nào?

      Theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định giá trị pháp lý của Giấy khai sinh, cụ thể như sau:

      1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

      2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

      3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

      Như vậy, giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân, thể hiện những thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân và là cơ sở để xác định các thông tin của một cá nhân trên các loại hồ sơ giấy tờ liên quan đến nhân thân.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn