Chưa đủ 18 tuổi có được đứng tên xe không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 08/09/2023

Xin hỏi: Chưa đủ 18 tuổi có được đứng tên xe không? Bao nhiêu tuổi được điều khiển xe máy?- Câu hỏi của bạn Hòa (Bình Định).

    • Chưa đủ 18 tuổi có được đứng tên xe không?

      Tại Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người chưa thành niên như sau:

      Người chưa thành niên

      1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

      2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

      3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

      4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

      Như vậy, hiện hành pháp luật chưa có quy định cụ thể về độ tuổi được đứng tên xe.

      Tuy nhiên, dựa vào độ tuổi được giao dịch dân sự thì người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Trừ trường hợp giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

      Mặt khác, xe là động sản phải đăng ký. Do đó, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được đứng tên xe nhưng phải được cha mẹ đồng ý.

      Chưa đủ 18 tuổi có được đứng tên xe không? (Hình từ Internet)

      Bao nhiêu tuổi được điều khiển xe máy?

      Tại khoản 2 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về giấy phép lái xe như sau:

      Giấy phép lái xe

      1. Căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới, giấy phép lái xe được phân thành giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn.

      2. Giấy phép lái xe không thời hạn bao gồm các hạng sau đây:

      a) Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;

      b) Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

      c) Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.

      ...

      Tại khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về tuổi được điều khiển xe máy như sau:

      Tuổi, sức khỏe của người lái xe

      1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

      a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

      b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

      ...

      Như vậy, xe máy (hay còn được gọi là xe mô tô hai bánh) là xe có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3. Do đó chỉ có người từ đủ 18 tuổi trở lên mới được phép lái xe máy.

      Người học lái xe cần phải đáp ứng điều kiện gì?

      Tại Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT có quy định người học lái xe cần phải đáp ứng điều kiện sau:

      - Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.

      - Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.

      - Người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau:

      + Hạng B1 số tự động lên B1: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;

      + Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;

      + Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng; các hạng D, E lên FC: thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;

      + Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.

      + Trường hợp người học nâng hạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thời gian lái xe an toàn được tính từ ngày chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

      - Người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn