Quyền và nghĩa vụ của cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi
Pháp luật quy định tổ chức, cá nhân có nhu cầu công nhận dòng, giống vật nuôi mới phải thực hiện khảo nghiệm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi tại cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi. Vậy các cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi trong trường hợp này sẽ có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Ngày 19/11/2018 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, tại kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 (gọi tắt là Luật Chăn nuôi 2018).
Luật Chăn nuôi 2018 quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi.
Theo quy định tại Điều 31 Luật Chăn nuôi 2018 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020) thì quyền và nghĩa vụ của cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi được quy định cụ thể như sau:
1. Cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi có quyền sau đây:
- Được thực hiện khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi theo quy định của pháp luật;
- Được thực hiện kiểm định dòng, giống vật nuôi theo quy định tại Điều 28 Luật Chăn nuôi 2018;
- Được thanh toán chi phí khảo nghiệm, kiểm định dòng, giống vật nuôi theo quy định của pháp luật;
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi theo quy định của pháp luật;
- Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả thực hiện, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi có nghĩa vụ sau đây:
- Bảo đảm các điều kiện cơ sở khảo nghiệm trong quá trình hoạt động;
- Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện khảo nghiệm, kiểm định;
- Tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường;
- Lưu hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 03 năm sau khi kết thúc khảo nghiệm, kiểm định;
- Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!