Giống gốc là gì?
Tôi đang tìm hiểu một số khái niệm mà pháp luật có quy định cụ thể trong lĩnh vực chăn nuôi, và cần được anh chị giúp đỡ. Cụ thể là pháp luật trong chăn nuôi có giải thích khái niệm "Giống gốc" là gì hay không? Nếu có thì cụ thể như thế nào?
Ngày 19/11/2018 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, tại kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 (gọi tắt là Luật Chăn nuôi 2018).
Luật Chăn nuôi 2018 quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi.
Theo quy định tại Khoản 14 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020) thì giống gốc là đàn giống cấp cụ kỵ, ông bà đối với lợn, gia cầm; đàn giống hạt nhân đối với giống gia súc khác; đàn thuần chủng đối với ong; giống nguyên chủng đối với tằm.
Trong đó:
- Đàn giống cấp cụ kỵ đối với lợn, gia cầm là đàn giống vật nuôi thuần chủng hoặc đàn giống đã được chọn để sản xuất ra đàn giống cấp ông bà.
- Đàn giống cấp ông bà đối với lợn, gia cầm là đàn giống vật nuôi được sinh ra từ đàn giống cấp cụ kỵ để sản xuất ra đàn giống cấp bố mẹ.
- Đàn giống cấp bố mẹ đối với lợn, gia cầm là đàn giống vật nuôi được sinh ra từ đàn giống cấp ông bà để sản xuất ra đàn thương phẩm.
- Đàn giống hạt nhân là đàn giống tốt nhất, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, được nuôi dưỡng và chọn lọc theo một quy trình nhất định nhằm đạt được tiến bộ di truyền cao để sản xuất ra đàn nhân giống.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!