Hình thức và nội dung thi công chức theo Nghị định 116 mới nhất năm 2024?

Hình thức và nội dung thi công chức theo Nghị định 116 mới nhất năm 2024? Đối tượng nào được đăng ký dự tuyển công chức? Tuyển dụng công chức theo nguyên tắc nào?

Hình thức và nội dung thi công chức theo Nghị định 116 mới nhất năm 2024?

Căn cứ Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP quy định hình thức, nội dung và thời gian thi công chức:

Điều 8. Hình thức, nội dung và thời gian thi
1. Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính; nội dung thi gồm 02 phần, cụ thể như sau:
a) Phần I: Kiến thức chung, 60 câu hỏi hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ. Thời gian thi 60 phút;
b) Phần II: Ngoại ngữ, 30 câu hỏi theo yêu cầu về ngoại ngữ dự thi đối với từng vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút.
Đối với vị trí việc làm không yêu cầu trình độ ngoại ngữ thì không phải tổ chức thi Phần II.
[...]

Như vậy, hình thức và nội dung thi công chức được quy định như sau:

[1] Vòng 1

Thi trắc nghiệm trên máy vi tính; nội dung thi gồm 02 phần, cụ thể như sau:

- Phần 1: Kiến thức chung, 60 câu hỏi hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ. Thời gian thi 60 phút

- Phần 2: Ngoại ngữ, 30 câu hỏi theo yêu cầu về ngoại ngữ dự thi đối với từng vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút

Lưu ý:

- Đối với vị trí việc làm không yêu cầu trình độ ngoại ngữ thì không phải tổ chức thi Phần 2

- Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi; nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.

- Trường hợp đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức mà kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức còn trong thời hạn tính đến ngày hết thời hạn nhận Phiếu đăng ký dự tuyển và đáp ứng yêu cầu về thang điểm theo quy định thì không phải dự thi vòng 1 quy định tại khoản này.

[2] Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành. Hình thức thi: Viết hoặc kết hợp viết và phỏng vấn.

- Đối với bài thi viết:

+ Nội dung thi: Kiểm tra kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

+ Thời gian thi 180 phút (không kể thời gian chép đề).

+ Căn cứ vào đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức có thể tổ chức thi viết bằng hình thức thi trên máy vi tính, đồng thời quyết định số lượng câu hỏi phù hợp, bảo đảm số lượng tối thiểu 60 câu, tối đa 120 câu (theo hình thức câu hỏi trắc nghiệm). Thời gian thi tương ứng với tổng số câu hỏi, bảo đảm tối thiểu là 90 phút, tối đa là 180 phút.

- Đối với bài thi phỏng vấn:

+ Nội dung thi phỏng vấn tập trung đánh giá về năng lực: tư duy, giao tiếp, phán đoán tình huống, học hỏi, phát triển, diễn đạt, thái độ và các năng lực khác theo yêu cầu của vị trí việc làm.

+ Thời gian thi: Tối đa 30 phút.

+ Thang điểm bài thi viết: 100 điểm; bài thi phỏng vấn: 100 điểm.

Trường hợp thi viết bằng hình thức thi trên máy vi tính thì Hội đồng tuyển dụng (Ban đề thi) xây dựng các nhóm câu hỏi có mức độ phức tạp khác nhau và quyết định mức điểm tương ứng với từng câu hỏi.

Trường hợp lựa chọn hình thức thi kết hợp viết và phỏng vấn thì tổng điểm bài thi viết và bài thi phỏng vấn được quy đổi về thang điểm 100 theo tỷ lệ điểm của bài thi viết là 70%, của bài thi phỏng vấn là 30% (được làm tròn đến 02 chữ số thập phân).

Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì Hội đồng tuyển dụng phải tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức có yêu cầu đặc thù cao hơn về nội dung, thời gian thi môn nghiệp vụ chuyên ngành so với quy định tại khoản này thì phải xác định cụ thể trong Kế hoạch tuyển dụng.

Hình thức và nội dung thi công chức theo Nghị định 116 mới nhất năm 2024?

Hình thức và nội dung thi công chức theo Nghị định 116 mới nhất năm 2024? (Hình từ Internet)

Đối tượng nào được đăng ký dự tuyển công chức?

Căn cứ Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi điểm đ khoản 20 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức:

- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam

- Đủ 18 tuổi trở lên

- Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng

- Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt

- Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ

- Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển

Lưu ý: Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức:

- Không cư trú tại Việt Nam

- Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Tuyển dụng công chức theo nguyên tắc nào?

Căn cứ Điều 38 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định tuyển dụng công chức theo nguyên tắc sau:

- Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

- Bảo đảm tính cạnh tranh.

- Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm.

- Ưu tiên tuyển chọn người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số.

Cùng chủ đề
Tác giả:
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;