Đoàn viên không đóng đoàn phí bao lâu thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo?
Đoàn viên không đóng đoàn phí bao lâu thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo?
Căn cứ Điều 25 Quy định xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn ban hành kèm theo Quyết định 5130/QĐ-TLĐ năm 2022 quy định nội dung vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật đối với đoàn viên:
Điều 25. Nội dung vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật đối với đoàn viên
1. Đoàn viên vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Không chấp hành và không thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết, quyết định, quy định, kế hoạch, chương trình công tác... của công đoàn các cấp gây hậu quả ít nghiêm trọng.
b) Không dự họp 50% trở lên số kỳ họp công đoàn trong một năm.
c) Không đóng đoàn phí liên tục 6 tháng mà không có lý do chính đáng.
2. Đoàn viên vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo:
a) Đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại tiết a khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng.
b) Không dự họp 70% trở lên số kỳ họp công đoàn trong một năm.
c) Không đóng đoàn phí liên tục 9 tháng mà không có lý do chính đáng.
3. Đoàn viên vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại tiết a khoản 2 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả rất nghiêm trọng.
b) Không dự họp 90% trở lên số kỳ họp công đoàn trong một năm.
c) Không đóng đoàn phí liên tục 12 tháng mà không có lý do chính đáng.
Theo quy định trên, đoàn viên không đóng đoàn phí liên tục 9 tháng mà không có lý do chính đáng thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Đoàn viên không đóng đoàn phí bao lâu thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo? (Hình từ Internet)
Công đoàn Việt Nam có bao nhiêu cấp?
Căn cứ Điều 8 Luật Công đoàn 2024 quy định hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam:
Điều 8. Hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam
1. Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất bao gồm 4 cấp sau đây:
a) Cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
b) Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương bao gồm liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp tỉnh); công đoàn ngành trung ương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
c) Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bao gồm liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp huyện); công đoàn ngành địa phương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
d) Công đoàn cấp cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập và xác định cấp công đoàn đối với công đoàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên cơ sở quyết định của Quốc hội về thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
3. Mô hình tổ chức công đoàn được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động, yêu cầu thực tiễn và quy định của pháp luật. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện nội dung quy định tại khoản này.
[...]
Theo quy định trên, công đoàn Việt Nam có 04 cấp. Cụ thể như sau:
[1] Cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
[2] Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương bao gồm:
- Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Công đoàn ngành trung ương
- Công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
[3] Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bao gồm:
- Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương
- Công đoàn ngành địa phương
- Công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty không thuộc trường hợp [2]
- Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao
- Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam
[4] Công đoàn cấp cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
Hợp tác quốc tế về công đoàn có các nội dung nào?
Căn cứ Điều 9 Luật Công đoàn 2024 quy định hợp tác quốc tế về công đoàn có các nội dung sau:
- Thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ công đoàn
- Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn, phong trào công nhân quốc tế; thực hiện các hoạt động đoàn kết, hỗ trợ quốc tế
- Thiết lập quan hệ hợp tác, đàm phán, ký kết và thực hiện cam kết, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương; đại diện cấp quốc gia của người lao động tham gia các diễn đàn quốc tế; tham gia hoạt động, gia nhập hoặc rút khỏi tổ chức công đoàn quốc tế
- Vận động, điều phối, phê duyệt, tiếp nhận, quản lý sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác quốc tế cho Công đoàn theo quy định của pháp luật
- Tiếp nhận và trao tặng các hình thức khen thưởng
- Thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam