Công thức tính lương cán bộ, công chức, viên chức kể từ ngày 01/7/2024?
Công thức tính mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 01/7/2024? Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ được quy định như thế nào?
Công thức tính mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 01/7/2024?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 07/2024/TT-BNV quy định các tính mức lương, phụ cấp và hoạt động phí:
Cách tính mức lương, phụ cấp và hoạt động phí
1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 8 và 9 Điều 1 Thông tư này:
Căn cứ vào hệ số lương và phụ cấp hiện hưởng quy định tại các văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 73/2024/NĐ-CP) để tính mức lương, mức phụ cấp và mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) như sau:
a) Công thức tính mức lương:
(Mức lương thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2024) = (Mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng) x (Hệ số lương hiện hưởng)
b) Công thức tính mức phụ cấp:
- Đối với các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở:
(Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2024) = (Mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng) x Hệ số phụ cấp hiện hưởng)
- Đối với các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có):
(Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2024) = (Mức lương thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 + Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 (nếu có) + Mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 (nếu có)) x (Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định)
- Đối với các khoản phụ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể thì giữ nguyên theo quy định hiện hành.
c) Công thức tính mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có):
(Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2024) =(Mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng) x (Hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng (nếu có))
...
Như vậy, công thức tính mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 01/7/2024 như sau:
Mức lương thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 = Mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng x Hệ số lương hiện hưởng
Công thức tính mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 01/7/2024? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay?
Tại Quyết định 129/2007/QĐ-TTg có quy định về Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, nguyên tắc giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay được quy định như sau:
[1] Nguyên tắc chung (tại Điều 8 Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg)
Cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ phải thực hiện các quy định về những việc phải làm và những việc không được làm theo quy định của pháp luật.
Trong giao tiếp và ứng xử, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng. Ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt.
[2] Giao tiếp và ứng xử với nhân dân (tại Điều 9 Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg)
Trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc.
Cán bộ, công chức, viên chức không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ.
[3] Giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp (tại Điều 10 Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg)
Trong giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ trung thực, thân thiện, hợp tác.
[4] Giao tiếp qua điện thoại (tại Điều 11 Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg)
Khi giao tiếp qua điện thoại, cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; không ngắt điện thoại đột ngột.
Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 9 Luật Cán bộ, công chức 2008, nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ được quy định như sau:
- Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.
- Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.
- Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.