Thông tư 36/2024/TT-BGTVT quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ?
Thông tư 36/2024/TT-BGTVT quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ?
Ngày 15/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 36/2024/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe; trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác.
Thông tư 36/2024/TT-BGTVT áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe.
Thông tư 36/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Thông tư 36/2024/TT-BGTVT quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ? (Hình từ Internet)
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải niêm yết thông tin nào?
Căn cứ Điều 8 Thông tư 36/2024/TT-BGTVT quy định đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định:
Điều 8. Quy định đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định
1. Tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.
2. Niêm yết thông tin theo quy định tại khoản 4 Điều 7 của Thông tư này.
3. Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi, giường nằm trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe; đánh số thứ tự lớn dần từ trái sang phải theo hàng ghế và từ phía trước đến phía sau xe.
4. Trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm; đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ).
[...]
Như vậy, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải niêm yết thông tin sau:
- Niêm yết ở phía trên kính trước: tên bến xe nơi đi, tên bến xe nơi đến; chiều cao chữ tối thiểu 06 cm
- Niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; giá vé (giá cước) đã kê khai
- Niêm yết ở trong xe: biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), giá vé (giá cước) đã kê khai, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải, của Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu.
Hoạt động vận tải đường bộ là gì?
Căn cứ Điều 56 Luật Đường bộ 2024 quy định hoạt động vận tải đường bộ:
Điều 56. Hoạt động vận tải đường bộ
1. Hoạt động vận tải đường bộ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để vận tải người, hàng hóa trên đường bộ trong nước, quốc tế. Hoạt động vận tải đường bộ gồm hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ.
2. Hoạt động vận tải đường bộ trong nước là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để vận tải người, hàng hóa trên đường bộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
3. Hoạt động vận tải đường bộ quốc tế là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe cơ giới để vận tải người, hàng hóa qua lại giữa Việt Nam với các nước. Hoạt động vận tải đường bộ quốc tế phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Xe cơ giới hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế của nước khác không được vận tải người, hàng hóa có điểm bắt đầu và điểm kết thúc cùng nằm trên lãnh thổ Việt Nam.
4. Kinh doanh vận tải đường bộ là hoạt động do tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là đơn vị kinh doanh vận tải) sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để cung cấp dịch vụ vận tải người, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
[...]
Theo quy định trên, hoạt động vận tải đường bộ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để vận tải người, hàng hóa trên đường bộ trong nước, quốc tế. Hoạt động vận tải đường bộ gồm hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ.