Phương tiện giao thông đường bộ là gì? Phương tiện giao thông đường bộ được phân loại thế nào?

Phương tiện giao thông đường bộ là gì? Phương tiện giao thông đường bộ được phân loại thế nào? Xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải đáp ứng các điều kiện nào?

Phương tiện giao thông đường bộ là gì?

Căn cứ Điều 2 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trạng thái giao thông trên đường bộ có trật tự, bảo đảm an toàn, thông suốt; được hình thành và điều chỉnh bởi các quy tắc, nguyên tắc, quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
2. Phương tiện giao thông đường bộ là các loại xe, bao gồm: phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới), phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ), xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự.
3. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ là phương tiện giao thông đường bộ tham gia giao thông trên đường bộ.
[...]

Như vậy, phương tiện giao thông đường bộ là các loại xe, bao gồm: phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự.

Phương tiện giao thông đường bộ là gì? Phương tiện giao thông đường bộ được phân loại thế nào?

Phương tiện giao thông đường bộ là gì? Phương tiện giao thông đường bộ được phân loại thế nào? (Hình từ Internet)

Phương tiện giao thông đường bộ được phân loại thế nào?

Căn cứ Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định phương tiện giao thông đường bộ được phân loại như sau:

[1] Xe cơ giới bao gồm:

- Xe ô tô gồm: xe có từ bốn bánh trở lên chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, không chạy trên đường ray, dùng để chở người, hàng hóa, kéo rơ moóc, kéo sơ mi rơ moóc hoặc được kết cấu để thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt, có thể được nối với đường dây dẫn điện; xe ba bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg; xe ô tô không bao gồm xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ

- Rơ moóc là xe không có động cơ để di chuyển, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, được kéo bởi xe ô tô; phần chủ yếu của khối lượng toàn bộ rơ moóc không đặt lên xe kéo

- Sơ mi rơ moóc là xe không có động cơ để di chuyển, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ; được kéo bởi xe ô tô đầu kéo và có một phần đáng kể khối lượng toàn bộ đặt lên xe ô tô đầu kéo

- Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ là xe có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở người, vận tốc thiết kế không lớn hơn 30 km/h, số người cho phép chở tối đa 15 người (không kể người lái xe)

- Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ là xe có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở hàng, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một khung xe, có tối đa hai hàng ghế và chở tối đa 05 người (không kể người lái xe), vận tốc thiết kế không lớn hơn 60 km/h và khối lượng bản thân không lớn hơn 550 kg; trường hợp xe sử dụng động cơ điện thì có công suất động cơ không lớn hơn 15 kW

- Xe mô tô gồm: xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, trừ xe gắn máy; đối với xe ba bánh thì khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg

- Xe gắn máy là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50 km/h; nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50 cm3; nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất của động cơ không lớn hơn 04 kW; xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy

- Xe tương tự các loại xe trên

[2] Xe thô sơ bao gồm:

- Xe đạp là xe có ít nhất hai bánh và vận hành do sức người thông qua bàn đạp hoặc tay quay

- Xe đạp máy, gồm cả xe đạp điện, là xe đạp có trợ lực từ động cơ, nguồn động lực từ động cơ bị ngắt khi người lái xe dừng đạp hoặc khi xe đạt tới tốc độ 25 km/h

- Xe xích lô

- Xe lăn dùng cho người khuyết tật

- Xe vật nuôi kéo

- Xe tương tự các loại xe trên

[3] Xe máy chuyên dùng bao gồm:

- Xe máy thi công

- Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp

- Máy kéo

- Rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi máy kéo

- Xe máy thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt

- Các loại xe đặc chủng sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ

[4] Phương tiện giao thông thông minh là xe cơ giới cho phép tự động hóa một phần hoặc toàn bộ hoạt động điều khiển phương tiện, xác định lộ trình và xử lý tình huống khi tham gia giao thông đường bộ.

Xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải đáp ứng các điều kiện nào?

Căn cứ Điều 35 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ:

Điều 35. Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được cấp chứng nhận đăng ký xe và gắn biển số xe theo quy định của pháp luật;
b) Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
3. Phương tiện giao thông thông minh bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
[...]

Như vậy, xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Được cấp chứng nhận đăng ký xe và gắn biển số xe theo quy định của pháp luật

- Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật

Cùng chủ đề
Tác giả:
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;