Giáo viên tiểu học được nghỉ hè bao lâu? Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên tiểu học hạng 1 được quy định như thế nào?
Giáo viên tiểu học được nghỉ hè bao lâu? Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên tiểu học hạng 1 được quy định như thế nào?
Giáo viên tiểu học được nghỉ hè bao lâu?
Tại Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định giáo viên giảng dạy tiểu học được quy định thời gian nghỉ hè như sau:
Thời gian nghỉ hè của nhà giáo
1. Thời gian nghỉ hè của nhà giáo:
a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
b) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
c) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
d) Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt, trường trung cấp và trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.
2. Ngoài thời gian nghỉ hè theo quy định tại khoản 1 Điều này, giáo viên, giảng viên được nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động.
3. Căn cứ kế hoạch thời gian năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thời điểm nghỉ hè của giáo viên ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trường chuyên biệt trên địa bàn.
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng quyết định thời điểm nghỉ hè của giáo viên, giảng viên phù hợp với kế hoạch đào tạo và điều kiện cụ thể của từng trường.
4. Việc nghỉ hè của nhà giáo trong cơ sở giáo dục thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
Như vậy, từ quy định trên có thể thấy thời gian nghỉ hè của giáo viên trường tiểu học là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Thời gian nghỉ hè cụ thể sẽ được xác định dựa trên kế hoạch năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ngoài nghỉ hè, giáo viên còn được hưởng các ngày nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Giáo viên tiểu học được nghỉ hè bao lâu? Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên tiểu học hạng 1 được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên tiểu học hạng 1 được quy định như thế nào?
Theo Điều 2a Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT được bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên tiểu học hạng 1 như sau:
- Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục tiểu học.
- Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh.
- Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
- Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên tiểu học hạng 1 được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 5 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT sửa đổi bởi khoản 3, khoản 6 Điều 2 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên tiểu học hạng 1 như sau:
- Tích cực, chủ động thực hiện và tuyên truyền vận động, hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục tiểu học vào các nhiệm vụ được giao;
- Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục để phù hợp với học sinh, nhà trường, địa phương; hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt kế hoạch giảng dạy, giáo dục;
- Tích cực, chủ động chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh;
- Có khả năng đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp làm các sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng từ cấp huyện trở lên;
- Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp;
- Có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm;
- Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp bộ/ban/ngành/tỉnh trở lên; hoặc bằng khen từ cấp tỉnh trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên;
- Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng 1 phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng 2 hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Nhà giáo phải đáp ứng các tiêu chuẩn gì?
Căn cứ theo Điều 67 Luật giáo dục 2019 quy định về tiêu chuẩn của nhà giáo như sau:
Tiêu chuẩn của nhà giáo
Nhà giáo phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
1. Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt;
2. Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm;
3. Có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;
4. Bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp
Như vậy nhà giáo phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
- Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt;
- Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm;
- Có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;
- Bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp