Dự kiến thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có 11 môn thi?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 17/09/2023

Xin hỏi: Có phải dự kiến thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có 11 môn thi phải không?- Câu hỏi của chị Hoa (Tp.HCM).

    • Dự kiến thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có 11 môn thi?

      Ngày 8/9/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông báo 1489/TB-BGDĐT năm 2023 về kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp về dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

      Theo đó, tại Thông báo 1489/TB-BGDĐT năm 2023 có công bố phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được dự kiến như sau:

      1. Về mục đích Kỳ thi, thời gian thi: Giữ nguyên mục đích, ý nghĩa của Kỳ thi tốt nghiệp THPT như đã nêu trong Dự thảo Phương án đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến xã hội. Thực hiện tốt sự phân cấp, trách nhiệm trong tổ chức thi; nghiên cứu để tổ chức Kỳ thi hằng năm vào thời điểm sớm hơn hiện nay.

      2. Tổ chức thi theo môn, gồm các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn trong Chương trình GDPT năm 2018: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học.

      Nghiên cứu, giải trình rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, những điểm mới và những khó khăn vướng mắc chủ yếu trong triển khai thực hiện để xem xét, lựa chọn số môn thi của Phương án thi.

      3. Hình thức thi: Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

      4. Nội dung thi: Bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu của lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Có lộ trình phù hợp để tăng nội dung đánh giá năng lực mỗi năm phù hợp với thời gian học tập theo Chương trình GDPT 2018 của học sinh.

      5. Phương thức xét tốt nghiệp: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp.

      Tuy nhiên mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo có đính chính đối với mục tổ chức thi theo môn, gồm các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn trong Chương trình GDPT năm 2018 phải bổ sung thêm môn Địa lý.

      Như vậy, dự kiến các môn thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ bao gồm 11 môn sau: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

      Lưu ý: Phương án các môn thi tốt nghiệp THPT 2025 vẫn chưa chính thức và vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến.

      Dự kiến thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có 11 môn thi? (Hình từ Internet)

      Theo quy định hiện hành, bài thi tốt nghiệp THPT bao gồm những bài thi nào?

      Tại Điều 3 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT có quy định về bài thi tốt nghiệp THPT như sau:

      Bài thi

      Tổ chức thi 05 bài thi, gồm: 03 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 01 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (viết tắt là KHTN) gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 01 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (viết tắt là KHXH) gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.

      Như vậy, hiện hành bài thi tốt nghiệp THPT bao gồm 05 bài thi.

      Trong đó:

      - 03 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ;

      - 01 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học;

      - 01 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.

      Chính phủ yêu cầu BGĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả và giảm áp lực, chi phí?

      Tại Mục 14 Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2023, Chín phủ có yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ sau:

      Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

      a) Đôn đốc, kiểm tra và phối hợp với các địa phương trong việc khắc phục hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương, bất cập giữa các cấp học, chưa đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định, đặc biệt là giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương triển khai Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024.

      b) Sớm hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2023.

      c) Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chuẩn bị tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 theo quy định; sớm nghiên cứu, công bố Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội.

      Như vậy, theo yêu cầu của Chính phủ thì Bộ GDĐT phải sớm nghiên cứu và công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đồng thời phương án phải đảm bảo được sự gọn nhẹ, hiệu quả, đặc biệt là giảm áp lực và chi phí thi tốt nghiệp THPT.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn