Vi bằng có thể thay thế cho văn bản công chứng không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 01/12/2022

Vi bằng có thể thay thế cho văn bản công chứng không? Trường hợp vi bằng có nhiều trang thì Thừa phát lại có phải ký hết tất cả các trang không? Việc lập vi bằng được thỏa thuận như thế nào?

Chào Ban biên tập, tôi có vấn đề cần được giải đáp. Trong thời kỳ hôn thì tôi và vợ có lập vi bằng để xác nhận tài sản riêng của nhau. Sắp tới tôi phải ra tòa để ly hôn thì vi bằng xác nhận tài sản riêng đấy có thể thay cho văn bản xác nhận tài sản riêng có công chứng không?

Rất mong được Ban biên tập giải đáp, tôi cảm ơn.

    • Vi bằng có thể thay thế cho văn bản công chứng không?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Vi bằng có thể thay thế cho văn bản công chứng không?

      Tại Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng như sau:

      1. Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này.

      2. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

      3. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

      4. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.

      Như vậy, theo quy định trên vi bằng không thể thay thế cho văn bản công chứng. Vi bằng chỉ là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự, hành chính.

      Vi bằng xác nhận tài sản riêng của bạn và vợ bạn chỉ là nguồn chứng cứ để Tòa án xét xử khi phiên tòa ly hôn diễn ra, chứ không thể thay thế cho văn bản xác nhận tài sản riêng của cả 2 có công chứng.

      2. Trường hợp vi bằng có nhiều trang thì Thừa phát lại có phải ký hết tất cả các trang không?

      Theo Điều 39 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định thủ tục lập vi bằng như sau:

      1. Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.

      Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.

      Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.

      2. Vi bằng phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

      3. Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.

      4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.

      Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng; thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

      Do đó, theo quy định trên nếu như vi bằng có nhiều trang thì Thừa phát lại phải ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

      3. Việc lập vi bằng được thỏa thuận như thế nào?

      Căn cứ Điều 38 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định thỏa thuận về việc lập vi bằng như sau:

      1. Người yêu cầu lập vi bằng phải thỏa thuận bằng văn bản với Trưởng Văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng với các nội dung chủ yếu sau đây:

      a) Nội dung vi bằng cần lập;

      b) Địa điểm, thời gian lập vi bằng;

      c) Chi phí lập vi bằng;

      d) Các thỏa thuận khác (nếu có).

      2. Thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

      Trên đây là những thỏa thuận về việc lập vi bằng mà pháp luật quy định.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn