60 Tuổi có còn được làm thừa phát lại không? Hồ sơ bổ nhiệm thừa phát lại gồm những gì?
60 Tuổi có còn được làm thừa phát lại không? Hồ sơ bổ nhiệm thừa phát lại gồm những gì?
Chào anh/chị, em đang tìm hiểu các quy định của pháp luật về thừa phát lại, em muốn hỏi là người cao tuổi, cụ thể là 60 tuổi, thì có được bổ nhiệm thừa phát lại nữa không?Nhờ anh/chị tư vấn.
1. 60 Tuổi có còn được làm thừa phát lại không?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP có quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại như sau:
1. Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.
2. Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.
3. Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.
4. Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại quy định tại Điều 7 của Nghị định này.
5. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.
Như vậy, theo quy định như trên, công dân 60 tuổi vẫn có thể được bổ nhiệm thừa phát lại nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định như trên.
2. Hồ sơ bổ nhiệm thừa phát lại gồm những gì?
Theo Khoản 1 Điều 10 Nghị định 08/2020/NĐ-CP người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 của Nghị định này nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;
b) Phiếu lý lịch tư pháp được cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;
c) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật để đối chiếu;
d) Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật bao gồm: Quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội; giấy tờ chứng minh đã miễn nhiệm, thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc thu hồi thẻ đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 của Nghị định này; giấy tờ chứng minh đã nghỉ hưu hoặc thôi việc đối với trường hợp thuộc khoản 3 Điều 11 của Nghị định này;
đ) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề Thừa phát lại để đối chiếu.
Theo đó, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại sẽ bao gồm những hồ sơ như trên.
Trân trọng!