Bảng lương mới 2024 cán bộ công chức sau cải cách tiền lương có chưa?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 23/11/2023

Tôi muốn hỏi: Bảng lương mới 2024 cán bộ công chức sau cải cách tiền lương có chưa?- Câu hỏi của anh Tín (Ninh Bình).

    • Bảng lương mới 2024 cán bộ công chức sau cải cách tiền lương có chưa?

      Vào ngày 10/11/2023, thực hiện Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

      Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được thực hiện từ ngày 01/07/2024.

      Và nếu không có gì thay đổi, bảng lương mới 2024 cán bộ công chức sau cải cách tiền lương chính thức được áp dụng từ ngày 01/07/2024.

      Bảng lương mới của cán bộ công chức sau khi cải cách tiền lương được quy định như sau:

      Cơ cấu tiền lương mới:

      - Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).

      - Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

      Bảng lương mới 2024 đối với cán bộ, công chức bao gồm:

      - 01 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

      - 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp áp dụng chung đối với công chức không giữ chức danh lãnh đạo.

      Việc thiết kế bảng lương mới được xác định dựa trên các yếu tố sau:

      - Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

      - Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.

      - Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp bậc 1 không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.

      - Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.

      - Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức phù hợp với quy định của bảng lương mới.

      Bảng lương mới 2024 cán bộ công chức sau cải cách tiền lương có chưa? (Hình từ Internet)

      Cán bộ, công chức được hưởng quyền lợi gì về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương?

      Tại Điều 12 Luật Cán bộ, công chức 2008 có quy định về quyền của cán bộ, công chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương như sau:

      Quyền của cán bộ, công chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương

      1. Được Nhà nước bảo đảm tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Cán bộ, công chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trong các ngành, nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

      2. Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

      Như vậy, về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương, cán bộ công chức được hưởng những quyền lợi sau:

      - Bảo đảm tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

      Làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trong các ngành, nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi.

      - Hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác.

      Cán bộ, công chức cấp xã gồm có những chức vụ, chức danh nào?

      Tại Điều 61 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 có quy định về các chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã như sau:

      - Cán bộ cấp xã có các chức vụ:

      + Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ;

      + Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;

      + Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;

      + Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

      + Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

      + Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

      + Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);

      + Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

      - Công chức cấp xã có các chức danh:

      + Trưởng Công an (áp dụng đối với xã, thị trấn chưa tổ chức công an chính quy theo quy định của Luật Công an nhân dân 2018)

      + Chỉ huy trưởng Quân sự;

      + Văn phòng - thống kê;

      + Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã);

      + Tài chính - kế toán;

      + Tư pháp - hộ tịch;

      + Văn hóa - xã hội.

      Công chức cấp xã do cấp huyện quản lý.

      Lưu ý: Cán bộ, công chức cấp xã trên bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn