Hành vi nào bị nghiêm cấm trong kiểm toán nhà nước? Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán được quy định như thế nào?
Các hành vi bị nghiêm cấm trong kiểm toán nhà nước?
Theo quy định tại Điều 8 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (một cụm từ bị thay thế bởi điểm a khoản 15 Điều 1 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019) về nội dung này như sau:
Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên Kiểm toán nhà nước:
- Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán;
- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán;
- Đưa, nhận, môi giới hối lộ;
- Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi;
- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán;
- Tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức.
Theo đó, nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán:
- Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;
- Cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;
- Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;
- Mua chuộc, đưa hối lộ cho Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên Kiểm toán nhà nước;
- Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công.
Nghiêm cấm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước.
Hành vi nào bị nghiêm cấm trong kiểm toán nhà nước? Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán được quy định như thế nào?
Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 7 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 về nội dung này như sau:
- Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
- Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là căn cứ để:
+ Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện: mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước;
+ Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
+ Hội đồng nhân dân sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
+ Đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại.
Đơn vị được kiểm toán có được khiếu nại khi cho rằng kết luận, kiến nghị kiểm toán xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình không?
Theo quy định tại Điều 69 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Luật Kiểm toán sửa đổi 2017) về nội dung này như sau:
- Đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại (sau đây gọi là người khiếu nại) về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán, về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước khi có căn cứ cho rằng hành vi, đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Thời hiệu khiếu nại là 30 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước hoặc kể từ ngày biết được hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán khiếu nại về nghĩa vụ thuế trong thông báo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước thì thời hiệu khiếu nại là 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc xác định nghĩa vụ thuế theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 của Luật Quản lý thuế 2019.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
- Việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước được quy định như sau:
+ Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Trường hợp người khiếu nại ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý;
+ Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành một phần hoặc toàn bộ kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì Tổng Kiểm toán nhà nước ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ kết luận, kiến nghị kiểm toán đó. Quyết định tạm đình chỉ của Tổng Kiểm toán nhà nước hết hiệu lực kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước có hiệu lực pháp luật;
+ Trong thời hạn giải quyết khiếu nại, Tổng Kiểm toán nhà nước phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước.
- Quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ký và phải được gửi ngay đến người khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành.
-Trường hợp sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy ánh tại khoản 8 Điều này, Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm điều chỉnh báo cáo kiểm toán và gửi báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị đã điều chỉnh cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời hạn 10 ngày làm việc.
- Trong quá trình khiếu nại, người khiếu nại vẫn phải thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, trừ trường hợp Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định tạm đình chỉ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;