Bộ TT&TT ngăn chặn và xử lý hơn 15 website giả mạo Công ty tài chính để lừa đảo trong 05 tháng đầu năm 2022?
Đánh giá tình hình cho vay tín dụng đen hiện nay?
Trong thời gian qua, hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” với nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, đặc biệt thủ đoạn cho vay tiền thông qua ứng dụng (app) hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh, thiếu niên... vay tiền đang có diễn biến phức tạp. Đối tượng mà các cá nhân, tổ chức cho vay “tín dụng đen” hướng tới là những người có hoàn cảnh khó khăn, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp,...
Đối với loại tội phạm này, Bộ Công an và các bộ, ngành chức năng đã và đang đẩy mạnh các hoạt động điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho tín dụng đen. Hoạt động tín dụng đen trên mạng được triển khai tinh vi, gắn với hoạt động đòi nợ thuê trong đời sống thực, vi phạm luật hình sự nên cần được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh để răn đe.
Dù cho thời gian qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo để quyết liệt đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” đang ngày một rầm rộ và phổ biến. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn và đem lại những kết quả xấu cho xã hội. Đã có trường hợp con nợ đánh hoặc giết chủ nợ cho vay “tín dụng đen” hoặc con nợ quyết định tự tử vì không thể trả hết lãi.
Bộ Thông tin và Truyền thông: Ngăn chặn và xử lý hơn 15 website giả mạo Công ty tài chính để lừa đảo trong 5 tháng đầu năm 2022?
Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện các giải pháp gì để ngăn chặn tình hình “tín dụng đen” hiện nay?
Căn cứ vào Công văn 2163/BTTTT-VP ngày 06/6/2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành về việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo. Theo như nội dung của Công văn này thì Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai và phối hợp với các Bộ, Cơ quan ban ngành có liên quan những giải pháp sau đây để ngăn chặn tình hình “tín dụng đen”:
“- Chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí:
+ Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm nói chung và cho vay tài chính “tín dụng đen” nói riêng.
+ Đề xuất xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong công tác truyền thông phòng, chống tội phạm về tài chính và hoạt động “tín dụng đen”.
- Chỉ đạo, xử lý thông tin trên mạng:
+ Bộ đã chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước tăng cường rà soát, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng để ngăn chặn hoạt động vi phạm.
+ Yêu cầu mạng xã hội xuyên biên giới gỡ bỏ các đường link lừa đảo liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”
+ Nghiên cứu áp dụng các công cụ kỹ thuật để rà quét thông tin trên mạng về nội dung “tín dụng đen”, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý thông tin.
- Hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm về công tác thanh tra với các Sở Thông tin và Truyền thông để triển khai đồng bộ và tập trung nguồn lực, chủ động phát hiện, xử lý sớm các vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói chung và “tín dụng đen” trên môi trường mạng nói riêng.
- Phối hợp chặt chẽ và cung cấp thông tin cho các bộ, ban, ngành liên quan như: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi phạm tội trên không gian mạng và trên phạm vi toàn quốc.
Kết quả cụ thể: Trong 5 tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản và áp dụng các hệ thống kỹ thuật riêng để chỉ đạo, điều phối các nhà mạng viễn thông để ngăn chặn, xử lý hơn 15 Website giả mạo các Công ty tài chính chính thông như: Homecredit, LOTTE Finance... để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến.
Trong công tác phối hợp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành xác minh và cung cấp các thông tin cho cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an và các cơ quan liên quan hơn 40 sự vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” thông qua ứng dụng (app) hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp công nhân thanh thiếu niên... vay tiền”
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những nỗ lực nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả hoạt động “tín dụng đen” trên môi trường mạng thông qua những giải pháp nêu trên.
Cho vay “tín dụng đen” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Căn cứ vào Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (thay thế cụm từ bởi điểm i khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định như sau:
“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo đó, cho vay “tín dụng đen” nếu thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;