08/08/2022 16:33

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các bản án liên quan

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các bản án liên quan

Tôi đang vướng vào tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Ban biên tập có thể cung cấp cho tôi một số bản án liên quan đến vấn đề này để tham khảo được không? – Anh Lê Huy (Tp. Hồ Chí Minh)

Chào anh Huy, dưới đây là một số bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nổi bật đã được cập nhật trên Lawnet, mời anh cùng tham khảo.

1. Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 41/2020/DS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét  xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh

- Tóm tắt nội dung: Nguyên đơn M Corp là chủ sở hữu bằng sáng chế đối với hoạt chất Sitagliptin được cấp phép bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Nguyên đơn được biết hiện nay Công ty H1 đã và đang nhập khẩu, lưu trữ và phân phối sản phẩm thuốc “GETSITALIP 100mg” và “ GETSITALIP 50mg” tại Việt Nam. Cả hai thuốc GETSITALIP 100mg và GETSITALIP 50mg mà Bị đơn nhập khẩu, lưu trữ và phân phối đều chứa hoạt chất Sitagliptin phosphat monohydrat và có chung mục đích sử dụng các sáng chế của Nguyên đơn đang được bảo hộ bởi BĐQSC số 5684 và BĐQSC số 7037. Theo Bản kết luận giám định của Viện khoa học Sở hữu trí tuệ thì hoạt chất Sitagliptin trong sản phẩm thuốc “GETSITALIP 100mg” và “GETSITALIP 50mg” trùng với sáng chế được bảo hộ của Nguyên đơn. Như vậy, việc bị đơn nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm thuốc “GETSITALIP 100mg” và “ GETSITALIP 50mg” là xâm phạm quyền đối với sáng chế của Nguyên đơn. Dô đó M Corp khởi kiện yêu cầu buộc bị đơn chấm dứt tất cả hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với bằng độc quyền sáng chế và bồi thường thiệt hại..

2. Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 01/2019/KDTM-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét  xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh

- Tóm tắt nội dung: Công ty Đ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (gọi tắt là GCNĐKNH) “Asano, hình” số 107919 ngày 25/8/2008 cho các hàng hóa Nhóm 07, Nhóm 09, Nhóm 11. Năm 2015, Công ty Đ phát hiện trên thị trường có Công ty A sử dụng nhãn hiệu ASANZO để gắn vào các hàng hóa và dịch vụ Công ty A Việt Nam như ti vi, máy lạnh, máy xay sinh tố và nhiều hàng hóa gia dụng khác với kiểu dáng, mẫu mã nhãn hiệu giống với nhãn hiệu mà Công ty Đ đã được đăng ký bảo hộ. Kết quả giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ khẳng định dấu hiệu ASANZO là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu ASANO. Hành động của Công ty A Việt Nam đã xâm phạm đến Công ty Đ về quyền và lợi ích hợp pháp, khiến uy tín của Công ty Đ giảm sút trầm trọng. Do đó, Công ty A Việt Nam vi phạm nên Công ty Đ đã khởi kiện đến Tòa án với yêu cầu Công ty A Việt Nam chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc xin lỗi cải chính công khai, bồi thường thiệt hại

3. Bản án 27/2020/KDTM-PT ngày 21/09/2020 về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét  xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội

- Tóm tắt nội dung: Ông Nguyễn Văn N đã phát hiện Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên V đã xâm phạm quyền tác giả của ông đối với tác phẩm: “Phương án in và phát hành xổ số sử dụng hiệu quả, tiết kiệm chi phí in vé xổ số”. Công ty V đã sao chép, chuyển thể, cải biên, biên soạn một cách bất hợp pháp từ xổ số trong Bản quyền đã được bảo hộ của ông, cắt xén, xáo trộn, thay tên đổi họ, xuyên tạc quyền nhân thân, thay đổi về vị trí, bố cục của chiếc vé ông thiết kế, nhằm che mắt chủ bản quyền cũng như cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó ông khởi kiện đề nghị Tòa án xử: Buộc bị đơn công nhận đã xâm phạm Bản quyền của ông và phải xin lỗi, trả thù lao dựa trên báo cáo thuế hàng năm.

4. Bản án 60/2020/KDTM-PT ngày 10/09/2020 về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét  xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh

- Tóm tắt nội dung: Công ty T là chủ sở hữu nhãn hiệu “AIKIDO” theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 64442 bảo hộ cho sản phẩm “găng tay y tế; trang thiết bị y tế; dụng cụ y tế; bao cao su tránh thai” và Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 8523 bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán”. Công ty P đã có hành vi sử dụng bao bì sản phẩm “miếng dán chườm lạnh” có kiểu dáng không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán” đang được bảo hộ theo Bằng độc quyền số 8523. Đồng thời, Công ty này cũng đã sử dụng dấu hiệu “Aikido” để gắn trên bao bì sản phẩm, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh, trên các phương tiện quảng cáo, phương tiện kinh doanh và trên các tài liệu khác liên quan đến việc nhập khẩu, kinh doanh, tàng trữ để bán sản phẩm “miếng dán chườm lạnh”. Nghiêm trọng hơn, Công ty P còn sử dụng toàn bộ các chỉ dẫn thương mại khác của Công ty T như tên, địa chỉ của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, mã số mã vạch...để gắn trên bao bì sản phẩm “miếng dán chườm lạnh” do mình nhập khẩu, kinh doanh. Do đó Công ty T khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty P, phải chấm dứt ngay lập tức hành vi xâm phạm quyền và xin lỗi, cải chính công khai.

5. Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế giữa pháp nhân với pháp nhân số 35/2020/KDTM-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét  xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh

- Tóm tắt nội dung: MS&D hiện đang sở hữu rất nhiều Bằng độc quyền sáng chế trên toàn cầu. Sitagliptin và các đối tượng được bảo hộ sáng chế liên quan là một trong số những sáng chế quan trọng nhất của MSD. MSD phát hiện các sản phẩm thuốc của Công ty ĐVP có tên gọi Zlatko-100 và Zlatko-50 đã được cấp số lưu hành đều có chứa hợp chất chính là Sitagliptin phosphat monohydrat thuộc phạm vi bảo hộ của Bằng ĐQSC số 7037. Mặc dù MSD đã thư cảnh báo nhưng ĐVP không trả lời. Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ Việt Nam ra Kết luận giám định khẳng định sản phẩm thuốc chứa hợp chất Sitagliptin phosphate monohydrate-cũng chính là hoạt chất của sản phẩm thuốc Zlatko-100 và Zlatko-50 là trùng lặp đối với sáng chế số 7037 đang được bảo hộ của Công ty MSD. Do đó MSD khởi kiện yêu cầu ĐVP chấm dứt tất cả các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, và bồi thường thiệt hại.

Trân trọng!

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Phương Uyên
1064


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;