TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 60/2020/KDTM-PT NGÀY 10/09/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Ngày 10 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 36/2020/TLPT- KDTM ngày 26 tháng 3 năm 2020 về việc “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 1417/2019/KDTM-ST ngày 18 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 910/2020/QĐ-PT ngày 13 tháng 8 năm 2020, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty TNHH dược phẩm T; địa chỉ: Khu đô thị Tr, phường Tr1, quận C, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền:
1.1. Ông Phan Đức A, sinh năm 1987 (có mặt)
1.2. Bà Bùi Thị Lệ H, sinh năm 1993 (có mặt)
2. Bị đơn: Công ty TNHH dược phẩm P; địa chỉ: đường C, Phường 7, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Mộng H, sinh năm 1969 (có mặt)
3. Người kháng cáo: Do có kháng cáo của nguyên đơn Công ty TNHH dược phẩm T.
NỘI DUNG VỤ ÁN
1- Nguyên đơn trình bày:
Công ty TNHH dược phẩm T (gọi tắt là Công ty T) là chủ sở hữu nhãn hiệu “AIKIDO” theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 64442, cấp ngày 05-07- 2005, bảo hộ cho sản phẩm “găng tay y tế; trang thiết bị y tế; dụng cụ y tế; bao cao su tránh thai” thuộc nhóm 10 và Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 8523 cấp ngày 08-09-2005 bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán”. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 64442 và Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 8523 nêu trên hiện đang có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
- Kể từ tháng 09-2017, tại Việt Nam, Công ty P đã có hành vi sử dụng bao bì sản phẩm “miếng dán chườm lạnh” có kiểu dáng không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán” đang được bảo hộ theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 8523 của Công ty T. Đồng thời, Công ty này cũng đã sử dụng dấu hiệu “Aikido” để gắn trên bao bì sản phẩm, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh, trên các phương tiện quảng cáo, phương tiện kinh doanh và trên các tài liệu khác liên quan đến việc nhập khẩu, kinh doanh, tàng trữ để bán sản phẩm “miếng dán chườm lạnh” (là một loại trang thiết bị y tế theo quy định của Bộ Y tế). Nghiêm trọng hơn, Công ty P còn sử dụng toàn bộ các chỉ dẫn thương mại khác của Công ty T như tên, địa chỉ của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, mã số mã vạch...để gắn trên bao bì sản phẩm “miếng dán chườm lạnh” do mình nhập khẩu, kinh doanh. Cụ thể như sau:
+ Bao bì sản phẩm “miếng dán chườm lạnh” mà Công ty P sử dụng có các đặc điểm tạo dáng cơ bản về bố cục, màu sắc, đường nét trang trí hoàn toàn trùng lặp với kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán” đang được bảo hộ của Công ty T đến mức không thể phân biệt được sự khác biệt. Bao bì sản phẩm “miếng dán chườm lạnh” mà Công ty P sử dụng có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao của kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của Công ty T.
+ Dấu hiệu “Aikido” mà Công ty P sử dụng trùng lặp hoàn toàn với nhãn hiệu “AIKIDO” đang được bảo hộ của Công ty T cả về cấu tạo, cách phát âm.
+ Hàng hóa gắn dấu hiệu “Aikido” là “miếng dán chườm lạnh” – một loại trang thiết bị y tế theo quy định của Bộ Y tế trùng lặp với hàng hóa gắn nhãn hiệu AIKIDO đang được bảo hộ cả về bản chất (có cùng thành phần là các hoạt chất, chất), về chức năng, công dụng (chườm mát trong trường hợp bị nóng sốt, say nắng, đau răng, đau cơ) và có cùng kênh tiêu thụ (cùng được bán tại các cửa hàng dược, trang thiết bị y tế).
- Việc sử dụng bao bì sản phẩm “miếng dán chườm lạnh” có kiểu dáng không khác biệt với kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán” nêu trên của Công ty P đã được Viện khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận tại Bản kết luận giám định số KD109-17YC/KLGĐ ngày 13-11-2017 là “chứa yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán” đang được bảo hộ theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 8523 của Công ty TNHH dược phẩm T” - Việc sử dụng dấu hiệu “Aikido” nêu trên của Công ty P cũng đã được Viện khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận tại Bản kết luận giám định số NH522- 17YC/KLGĐ ngày 13.11.2017 là “hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 64442 của Công ty TNHH dược phẩm T”.
- Hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán” và giả mạo nhãn hiệu AIKIDO của Công ty P đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cũng như uy tín cho Công ty T trên thị trường Việt Nam.
- Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Công ty TNHH Dược phẩm T đã tiến hành ký với công ty TNHH luật W Hợp đồng dịch vụ pháp lý số 14-12/2017/HĐDV ngày 14-12-2017, theo hợp đồng này chi phí của công ty W cung cấp tư vấn xử lý đối với mỗi điểm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tư vấn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm là 315.000.000 đồng (đã bao gồm VAT). Chi phí đã thanh toán cho Công ty W là 210.000.000 đồng theo hóa đơn số 000726 ngày 12-04-2019.
- Trong quá trình điều tra xử lý vi phạm, Công ty P bị chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt hành chính theo quyết định xử phạt hành chính số 0127680/QĐ-XPVPHC ngày 09-02-2018.
- Số lượng hàng hóa vi phạm Công ty P bị thu giữ là 205 hộp miếng dán hạ sốt hiệu Aikido gel cool patch. Số hàng hóa xâm phạm này nếu được bán trên thị trường sẽ gây ra thiệt hại cho Công ty T là 12.000.000 đồng (giá trị hàng hóa của số lượng hàng hóa bị thu giữ nếu bán ra trên thị trường là 12.000.000 đồng tuy nhiên công ty TNHH Dược phẩm T không xuất trình chứng từ hóa đơn mua số hàng hóa này nên không chứng minh được chi phí mua hàng hóa nên xem chi phí mua hàng hóa này là 0 đ, và tiền thu lợi bất chính khi bán số hàng hóa này là 12.000.000 đồng).
Công ty T đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết những yêu cầu sau:
1.1- Buộc Công ty P, phải chấm dứt ngay lập tức hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán”; chấm dứt hành vi giả mạo nhãn hiệu AIKIDO của Công ty T, cụ thể là chấm dứt ngay lập tức việc nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông, quảng cáo, chào bán sản phẩm miếng dán chườm lạnh gắn nhãn hiệu “Aikido” trên toàn lãnh thổ Việt Nam;
1.2- Buộc Công ty P, phải xin lỗi, cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể là xin lỗi trên 03 đầu báo gồm báo T, báo L, báo N trong 03 số liên tiếp , nội dung xin lỗi như sau: “Công ty TNHH dược phẩm P đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu AIKIDO của Công ty TNHH dược phẩm T. Chúng tôi thành thật xin lỗi Công ty TNHH dược phẩm T và cam kết sẽ chấm dứt hoàn toàn việc vi phạm này đồng thời xin chịu trách nhiệm pháp lý do hành vi xâm phạm quyền này gây ra.”.
1.3- Buộc Công ty P tiêu hủy sản phẩm miếng dán chườm lạnh gắn nhãn hiệu “Aikido” do Công ty P nhập khẩu, lưu thông, quảng cáo, chào bán 1.4- Buộc Công ty P phải bồi thường thiệt hại, cụ thể như sau:
- Khoản lợi nhuận bất hợp pháp mà Công ty P thu được từ hành vi xâm phạm quyền là 12.000.000 đồng - Chi phí Công ty T thuê Luật sư là 315.000.000 đồng (đã bao gồm 10% thuế VAT).
Tổng số tiền yêu cầu Công ty P bồi thường thiệt hại là 327.000.000 đồng.
2- Bị đơn trình bày:
- Bị đơn đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn buộc Công ty P phải chấm dứt ngay lập tức hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán”; chấm dứt hành vi giả mạo nhãn hiệu AIKIDO và kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán” của Công ty T, cụ thể là chấm dứt ngay lập tức việc nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông, quảng cáo, chào bán sản phẩm miếng dán chườm lạnh gắn nhãn hiệu “Aikido” trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngay khi biết được hàng hóa có vi phạm thì bị đơn đã chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Hiện nay, bị đơn không còn nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông, quảng cáo, chào bán sản phẩm miếng dán chườm lạnh gắn nhãn hiệu AIKIDO nữa.
- Đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải xin lỗi cải chính công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bị đơn đề nghị nguyên đơn xem xét lại yêu cầu này. Vì khi thực hiện việc công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ gây ra hoang mang lo lắng cho người tiêu dùng rằng sản phẩm miếng dán chườm lạnh nhãn hiệu AIKIDO có nhiều hàng giả, hàng nhái. Hơn nữa, khi bị đơn mua các sản phẩm thì bị đơn hoàn toàn không biết được các sản phẩm này là sản phẩm giả mạo nhãn hiệu AIKIDO, nên sau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chi cục quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Đội quản lý Thị trường 5A thì bị đơn đã chấm dứt ngay hành vi vi phạm.
- Về yêu cầu Buộc tiêu hủy sản phẩm miếng dán chườm lạnh gắn nhãn hiệu “Aikido” do Công ty P nhập khẩu, lưu thông, quảng cáo, chào bán thì hiện nay, bị đơn không còn lưu giữ sản phẩm miếng dán chườm lạnh gắn nhãn hiệu “Aikido”. Tất cả các sản phẩm miếng dán chườm lạnh gắn nhãn hiệu “Aikido” có vi phạm đã bị tịch thu theo quyết định xử phạt hành chính của Chi cục quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh Đội quản lý Thị trường 5A.
- Về yêu cầu buộc bị đơn bồi thường thiệt hại: Sau khi mua về các sản phẩm miếng dán chườm lạnh gắn nhãn hiệu “Aikido”. Bị đơn chưa bán và thu lợi nhuận từ sản phẩm này và sau đó đã bị tịch thu toàn bộ các sản phẩm này theo quyết định xử phạt hành chính.
- Về chi phí Công ty T thuê luật sư: Bị đơn không đồng ý vì khi bị đơn nhập khẩu hàng, bị đơn hoàn toàn không nhận được thư thông báo, hoặc thư cảnh báo về hàng giả từ phía nguyên đơn, vì vậy bị đơn hoàn toàn không biết về hành vi vi phạm của mình cho đến khi có quyết định xử phạt hành chính của Chi cục quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa, đại diện bị đơn thấy rằng chi phí luật sư nguyên đơn đưa ra không hợp lý, phía luật sư của nguyên đơn chỉ thưc hiện được các công việc như tư vấn, trợ giúp pháp lý, soạn thảo chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và tham gia tố tụng tại Tòa án ...... nên mức chi phí luật sư là 20.000.000 mới phù hợp với thực tế và phù hợp với quy định của pháp luật.
* Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 1417/2019/KDTM-ST ngày 18 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định:
Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 qui định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH dược phẩm T, cụ thể:
1. Công ty TNHH dược phẩm P phải chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán”; chấm dứt hành vi giả mạo nhãn hiệu AIKIDO của Công ty TNHH dược phẩm T, cụ thể là chấm dứt ngay việc nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông, quảng cáo, chào bán sản phẩm miếng dán chườm lạnh gắn nhãn hiệu “Aikido” trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
2. Công ty TNHH dược phẩm P phải xin lỗi, cải chính công khai 01 số trên báo T (Thành phố Hồ Chí Minh), nội dung như sau:
“Công ty TNHH dược phẩm P đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu AIKIDO của Công ty TNHH dược phẩm T. Chúng tôi thành thật xin lỗi Công ty TNHH dược phẩm T và cam kết sẽ chấm dứt hoàn toàn việc vi phạm.” 3. Buộc Công ty TNHH dược phẩm P phải tiến hành tiêu hủy hàng hóa có nhãn vi phạm, chưa qua sử dụng là 205 hộp miếng dán hạ sốt hiệu AIKIDO gel cool patch số lô CHD16632, hạn sử dụng 08-12-2019; 6 miếng/hộp; xuất xứ: Mỹ theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 0127680/QĐ-XPVPHC ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Đội quản lý Thị trường 5A - Chi cục quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Xử lý theo qui định tại khoản 8 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01-11-2017.
4. Công ty TNHH dược phẩm P phải trả cho Công ty TNHH dược phẩm T số tiền là 169.500.000 đồng, gồm:
Bồi thường thiệt hại: 12.000.000 đồng Chi phí thuê luật sư: 157.500.000 đồng Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, việc thi hành án và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.
Ngày 04-11-2019, nguyên đơn Công ty TNHH dược phẩm T kháng cáo yêu cầu sửa lại lời xin lỗi, cải chính công khai trên báo T, L, báo N trong 3 số liên tiếp; phải bồi thường thiệt hại đối với khoản lợi nhuận bất hợp pháp của bị đơn và chi phí thuê luật sư của nguyên đơn. Tại cấp phúc thẩm, phía nguyên đơn rút một phần yêu cầu kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại đối với khoản lợi nhuận bất hợp pháp của bị đơn.
* Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phát biểu quan điểm như sau:
Đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử đối với nội dung kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại.
Về các yêu cầu kháng cáo còn lại đề nghị không chấp nhận và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa; kết quả tranh luận tại phiên tòa; các qui định của pháp luật, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng:
Tại phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu kháng cáo về số tiền bồi thường thiệt hại. Xét thấy đây là sự tự nguyện của đương sự và không trái pháp luật. Vì vậy, Hội đồng xét xử đình chỉ đối với phần yêu cầu kháng cáo này theo luật định.
[2] Về xem xét các yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn:
[2.1] Đối với yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn buộc Công ty P, phải xin lỗi, cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể là xin lỗi trên 03 báo gồm: Báo T, báo L, báo N trong 03 số liên tiếp, Hội đồng xét xử xét thấy:
Do bị đơn đã có các hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán” và hành vi giả mạo nhãn hiệu AIKIDO của Công ty T. Nên việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải xin lỗi, cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng là có cơ cở chấp nhận, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ chỉ qui định tổ chức, cá nhân có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phải xin lỗi, cải chính công khai mà không qui định trong bao nhiêu báo và trong bao nhiêu số liên tiếp nên Hội đồng xét xử nhận thấy để đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự và phù hợp qui định của pháp luật nên chỉ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải xin lỗi, cải chính công khai 01 số trên báo T.
[2.2] Nội dung như sau đăng báo như sau: “Công ty TNHH dược phẩm P đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu AIKIDO của Công ty TNHH dược phẩm T. Chúng tôi thành thật xin lỗi Công ty TNHH dược phẩm T và cam kết sẽ chấm dứt hoàn toàn việc vi phạm”.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ phần yêu cầu này của nguyên đơn là có căn cứ.
[2.3] Đối với yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn đòi bị đơn thanh toán chi phí thuê luật sư là 315.000.000 đồng, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:
Việc Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ Hợp đồng dịch vụ số 14- 12/2017/HĐDV ngày 14-12-2017 ký giữa Công ty TNHH dược phẩm T và Công ty TNHH luật W xem xét từng hạng mục đã thực hiện để tính chi phí dịch vụ mà nguyên đơn phải trả cho Công ty TNHH luật W và nhận định: do nguyên đơn không xác định được mức phí dịch vụ cho từng công việc cụ thể nên tổng thù lao sẽ được chia đều cho 14 mục. Như vậy, xác định phí cho mỗi mục công việc sẽ là 22.500.000 đồng.
Để từ đó xét 14 mục trong hợp đồng và trình bày của các đương sự xác định Công ty TNHH luật W đã thực hiện các dịch vụ cho nguyên đơn gồm các mục công việc 1, 4, 6, 9, 10, 11, 12 , tổng cộng phí dịch vụ đã thực hiện là 157.000.000 đồng là có cơ sở và phù hợp với quy định của pháp luật.
[3] Kháng cáo của phía nguyên đơn là không có cơ sở chấp nhận như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.
[4] Do kháng cáo không được chấp nhận, vì vậy phía nguyên đơn phải chịu án phí phúc thẩm theo luật định.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với nội dung yêu cầu bồi thường thiệt hại. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên quyết định của Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 1417/2019/KDTM-ST ngày 18 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 qui định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Tuyên xử:
I. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH dược phẩm T, cụ thể:
1. Công ty TNHH dược phẩm P phải chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán”; chấm dứt hành vi giả mạo nhãn hiệu AIKIDO của Công ty TNHH dược phẩm T, cụ thể là chấm dứt ngay việc nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông, quảng cáo, chào bán sản phẩm miếng dán chườm lạnh gắn nhãn hiệu “Aikido” trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
2. Công ty TNHH dược phẩm P phải phải xin lỗi, cải chính công khai 01 số trên báo T (Thành phố Hồ Chí Minh), nội dung như sau:
“Công ty TNHH dược phẩm P đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu AIKIDO của Công ty TNHH dược phẩm T. Chúng tôi thành thật xin lỗi Công ty TNHH dược phẩm T và cam kết sẽ chấm dứt hoàn toàn việc vi phạm.” 3. Công ty TNHH dược phẩm P phải trả cho Công ty TNHH dược phẩm T số tiền chi phí thuê luật sư: 157.500.000 đồng II. Nguyên đơn Công ty TNHH dược phẩm T phải chịu án phí phúc thẩm 2.000.000 đồng, nhưng khấu trừ vào số tiền đã nộp theo biên lai thu số 0045055 ngày 28-11-2019 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất qui định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 60/2020/KDTM-PT ngày 10/09/2020 về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ
Số hiệu: | 60/2020/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 10/09/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về