18/10/2022 18:03

Tuyển tập bản án về chấp nhận mức lãi suất cho vay trên 20%/năm

Tuyển tập bản án về chấp nhận mức lãi suất cho vay trên 20%/năm

Được biết, lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm thì không hợp pháp thế nhưng tôi thấy một số công ty tài chính, ngân hàng vẫn cho vay với lãi suất cao ngất ngưởng đến 40%-50%/năm. Vậy các mức lãi suất đó có đúng luật không? “Thùy Minh-Bắc Ninh”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp thắc mắc của chị như sau:

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 của Việt Nam quy định:

- Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Theo đó, trong quan hệ cho vay tài sản thì lãi suất sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy nhiên, cũng theo quy định nêu trên, nếu “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” thì lãi suất cho vay sẽ thực hiện theo quy định đó.

Tại Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định: Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

Do đó, các công ty tài chính không chỉ chịu điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015 mà còn chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản có liên quan.

Tại Điều 9 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định:

- Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

- Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Do pháp luật không có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa của các công ty tài chính là bao nhiêu nên mức lãi suất tối đa cho việc cho mục đích tiêu dùng tại Công ty tài chính sẽ do Công ty tài chính tự điều chỉnh và phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng.

Cũng tại, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định:

- Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều 13 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

- Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:

+ Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

+ Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;

+ Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

+ Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

+ Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

Như vậy, mức lãi suất cho vay sẽ do các bên thỏa thuận và công ty tài chính sẽ được tự ấn định mức lãi suất cho vay riêng. Hơn hết, khi tự ấn định mức lãi suất, các công ty tài chính còn phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, việc các Công ty tài chính cho vay lãi suất cao hơn 20% theo quy định của Bộ luật Dân sự là không vi phạm pháp luật và không thể bị xử phạt.

Dưới đây, là một số bản án Tòa án chấp nhận mức lãi suất cho vay trên 20%/năm, chị có thể tham khảo thêm:

Bản án 50/2017/DS-ST ngày 15/08/2017 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

- Trích dẫn nội dung: “Ngày 07/09/2014, ông Trần Hồng H đã ký vào đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng (gọi tắt là hợp đồng tín dụng) với Ngân hàng thương mại cổ phần A (gọi tắt là Ngân hàng). Theo thỏa thuận trong hợp đồng, Ngân hàng cho ông H vay số tiền 31.430.184 đồng (trong đó có 1.496.675 đồng là tiền đóng bảo hiểm hợp đồng) với lãi suất 4.59%/tháng để tiêu dùng cá nhân; thời hạn vay 19 tháng, tổng số tiền gốc và lãi phải trả là 47.771.000 đồng, trả vào ngày 08 hàng tháng, trong đó 19 tháng đầu mỗi tháng trả 2.515.000đ, tháng cuối cùng trả 2.501.000đ.”

Bản án 45/2019/DS-ST ngày 25/07/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An

- Trích dẫn nội dung: “Ngày 25/10/2017, ông Huỳnh Lê Minh T1 có ký Đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng số 20171026-0004706 với Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng V (gọi tắt Công ty) để vay số tiền 33.338.000 đồng, lãi suất thỏa thuận là 3,92%/tháng, mục đích vay tiền để tiêu dùng cá nhân, khi vay ông T1 không có thế chấp bất kỳ tài sản nào cho Công ty. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, ông T1 có trách nhiệm thanh toán cho Công ty số tiền gốc và lãi là 63.544.639 đồng, trả dần liên tiếp trong vòng 36 tháng, cụ thể 35 tháng đầu, mỗi tháng trả số tiền 1.743.000 đồng và tháng cuối cùng trả 2.539.639 đồng. Kỳ thanh toán đầu tiên bắt đầu từ ngày 01/12/2017.”

Bản án 34/2018/DSST ngày 06/04/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

- Trích dẫn nội dung: “Qua yêu cầu khởi kiện của Công ty, Hội đồng xét xử thấy rằng: Căn cứ vào hợp đồng tín dụng số 20160407-105007-1009 ngày 4/4/2016, xác định anh B có vay của Công ty số tiền là 42.200.000đ với lãi suất cho vay là 2.92%/tháng và tính cả vốn và lãi thành 59.263.000đ, hình thức vay là vay trả chậm trong hạn 24 tháng. Thực hiện hợp đồng, Anh B có trả được 03 lần với số tiền 7.410.000đ và đến ngày 20/4/2017 thì không trả bất kỳ khoản nào. Nay chị P đại diện cho Công ty yêu cầu Anh B có trách nhiệm trả số tiền là số tiền 49.383.000đ. Trong đó nợ gốc là 33.550.834đ, tiền lãi là 15.832.166đ. Anh B thồng nhất số nợ nhưng xin trả dần mỗi tháng 2.470.000đ cho đến khi hết nợ nhưng không được chị P đại diện cho Công ty chấp nhận. Xét thấy việc anh B nợ Công ty đã lâu mà không có thiện chí trả nợ nên Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết phải buộc anh B trả cho Công ty số tiền số tiền 49.383.000đ. Trong đó nợ gốc là 33.550.834đ, tiền lãi là 15.832.166đ là phù hợp với quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự.”

Bản án 03/2019/KDTM ngày 25/10/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh

- Trích dẫn nội dung: “Giấy đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ, dịch vụ ngân hàng điện tử và vay vốn (Số LDxxxxxxxxx), ngày 28/11/2016 các bên đã thỏa thuận mức lãi suất nợ trong hạn là 42%/năm, không thỏa thuận mức lãi suất nợ quá hạn. Tại phiên tòa đại diện theo ủy quyền Ngân hàng TMCP V yêu cầu mức lãi suất mức lãi suất nợ trong hạn là 42%/năm, lãi suất nợ quá hạn là 150% mức lãi suất mức lãi suất nợ trong hạn tính từ ngày 01/10/2017. HĐXX xét thấy mức lãi suất nợ trong hạn các bên thỏa thuận mặc dù cao hơn mức lãi suất giới hạn được quy định tại điều 468 BLDS nhưng phù hợp với quy định tại điều 91 Luật các tổ chức tín dụng và khoản 5 điều 466 BLDS do đó được chấp nhận”

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 78/2021/DS-ST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh 

- Trích dẫn nội dung: “Ngày 28/4/2010 bị đơn ký Giấy đề nghị cấp thẻ tín dụng kiêm hợp đồng và bản Điều khoản và Điều kiện phát hành sử dụng thẻ tín dụng và đồng ý mức lãi suất theo Biểu phí sản phẩm dịch vụ thẻ S phát hành tại Việt Nam và theo Thông báo số 113/TB-TTT ngày 04/7/2011 của S áp dụng mức lãi suất cho thẻ tín dụng là 2,15%/tháng, mức lãi suất nợ quá hạn là 150% của lãi suất được công bố áp dụng tại thời điểm hiện tại, mức lãi suất quá hạn là 3,225%/tháng. Xét thấy việc thỏa thuận lãi suất vay phù hợp theo quy định tại Khoản 2 Điều 91, Điều 95 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và phù hợp quy định tại Khoản 1, 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Hội đồng xét xử xét thấy việc thỏa thuận lãi suất giữa nguyên đơn và bị đơn là hoàn toàn tự nguyện và không trái pháp luật. Vì vậy, S yêu cầu bà P trả số tiền lãi tính đến ngày xét xử 16/6/2021 là 53.999.936 (năm mươi ba triệu chín trăm chín mươi chín nghìn chín trăm ba mươi sáu) đồng, là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận.”

Trân trọng!

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Như Ý
892


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;