27/06/2022 14:43

Sử dụng đất không đúng mục đích bị xử lý thế nào?

Sử dụng đất không đúng mục đích bị xử lý thế nào?

Sử dụng đất đúng mục đích là một trong những nguyên tắc mà người sử dụng đất phải tuân thủ theo quy định của Việt Nam. Do đó người dân cần hết sức lưu ý để đảm bảo việc sử dụng đất không vi phạm pháp luật, tránh những rủi ro sau này. Vậy trường hợp sử dụng đất không đúng với mục đích sẽ bị xử phạt như thế nào?

1. Xử phạt hành chính hành vi sử dụng đất sai mục đích

Điều 6 Luật Đất đai 2013 của Việt Nam quy định nguyên tắc sử dụng đất như sau:

- Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.

- Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.

- Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc xác định loại đất theo một trong các căn cứ sau đây:

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

- Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai 2013 đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận;

- Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận;

- Đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 Luật Đất đai 2013 thì việc xác định loại đất thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 9 đến Điều 13 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định cụ thể từng trường hợp được coi là sử dụng đất không đúng mục đích kèm theo mức xử phạt, bao gồm:

- Sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm a và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai

- Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm c và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai

- Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm b và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai

- Sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm đ, e và g khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định; sử dụng đất vào mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định

Như vậy, người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng với mục đích ghi nhận trong Giấy chứng nhận hoặc các quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước. Nếu vi phạm có thể bị xử phạt hành chính và bị thu hồi đất.

2. Quy định về thu hồi đất sử dụng sai mục đích

Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó có trường hợp:

“Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm”

Như vậy, những trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm sẽ bị Nhà nước thu hồi đất.

Điều 66 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất như sau:

Bước 1: Lập biên bản vi phạm hành chính để làm căn cứ quyết định thu hồi đất.

Trường hợp vi phạm pháp luật mà phải thu hồi đất, khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm lập biên bản về vi phạm hành chính để làm căn cứ quyết định thu hồi đất.

Bước 2: Thẩm tra, xác minh thực địa (nếu cần thiết)

Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra, xác minh thực địa khi cần thiết, trình UBND cùng cấp quyết định thu hồi đất.

Bước 3: Thông báo thu hồi đất.

Khi hộ gia đình, cá nhân vi phạm thì UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) có trách nhiệm:

- Thông báo việc thu hồi đất cho người sử dụng đất và đăng trên trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện.

- Chỉ đạo xử lý phần giá trị còn lại của giá trị đã đầu tư vào đất hoặc tài sản gắn liền với đất (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Bước 4: Tiến hành thu hồi đất.

Bước 5: Cưỡng chế thu hồi đất (nếu có).

Tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất nếu người có đất không thực hiện quyết định thu hồi.

Bước 6: Cập nhật thông tin địa chính, thu hồi sổ đỏ.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Phương Uyên
1682


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;