17/04/2023 12:00

Phạt đến 40 triệu đồng khi công ty trừ lương người lao động thay cho hình thức kỷ luật?

Phạt đến 40 triệu đồng khi công ty trừ lương người lao động thay cho hình thức kỷ luật?

Cho tôi hỏi công ty có được phạt tiền người lao động khi người lao động vi phạm các quy định nội bộ của công ty không? “An Nhiên-Hà Nội”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Các hình thức xử lý kỷ luật lao động?

Theo Điều 124 Bộ luật Lao động 2019, khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động, người sử dụng lao động có thể lựa chọn các hình thức xử lý kỷ luật lao động sau:

- Khiển trách,

- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng,

- Cách chức,

- Sa thải.

Như vậy, tùy vào mức độ và hậu quả của hành vi để lại, người sử dụng lao động có thể cân nhắc áp dụng các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật cần đảm bảo thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể:

Điều 122. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động

Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.

Theo đó, khi xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ chứng minh lỗi của người lao động. Ngoài ra, phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên. Việc xử lý kỷ luật lao động phải có mặt người lao động, người lao động có quyền tự bảo chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa. Đối với người lao động dưới 15 tuổi, khi bị xử lý kỷ luật lao động, phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật. Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.

2. Phạt tiền, trừ lương người lao động thay cho hình thúc kỷ luật có trái pháp luật?

Theo Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động, cụ thể như sau:

- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.

- Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

- Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

Như vậy, trường hợp công ty xử phạt tiền người lao động khi đi trễ, làm việc riêng trong giờ làm,… thay thế cho việc xử lý kỷ luật lao động là hành vi bị pháp luật cấm.

3. Mức xử phạt công ty yêu cầu phạt tiền khi người lao động vi phạm

Theo điểm b, khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, quy định về mức xử phạt khi công ty yêu cầu phạt tiền khi người lao động vi phạm, như sau:

Điều 19. Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

….

b) Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;

Theo đó, khi người sử dụng lao động có hành vi dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động, sẽ bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng tùy vào mức độ hành vi .

Ngoài ra, người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau:

- Buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động tương ứng với những ngày nghỉ việc khi người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải thuộc hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ;

- Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương những ngày tạm đình chỉ công việc đối với người lao động khi có hành vi quy định tại điểm e, g khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP;

- Buộc người sử dụng lao động xin lỗi công khai đối với người lao động và trả toàn bộ chi phí điều trị, tiền lương cho người lao động trong thời gian điều trị nếu việc xâm phạm gây tổn thương về thân thể người lao động đến mức phải điều trị tại cơ sở y tế khi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP;

- Buộc người sử dụng lao động trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

 Trân trọng!

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Lê Thị Phương Ngân
768


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;