18/06/2022 16:58

Trách nhiệm của NSDLĐ khi NLĐ bị tai nạn lao động?

Trách nhiệm của NSDLĐ khi NLĐ bị tai nạn lao động?

Người lao động (NLĐ) tai nạn lao động trong quá trình làm việc không phải là trường hợp hiếm gặp. Vậy khi xảy ra tai nạn lao động thì người sử đụng lao động (NSDLĐ) phải có trách nhiệm gì với NLĐ?

Theo quy định của Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 của Việt Nam thì NSDLĐ phải có các trách nhiệm sau đây:

Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;”

Như vậy, NSDLĐ ngoài các trách nhiệm như kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho NLĐ bị tai nạn lao động cũng như làm hồ sơ để NLĐ được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm của nhà nước Việt Nam thì NSDLĐ còn phải chi trả cho NLĐ chi phí y tế, tiền lương, tiền bồi thường...

Tuy nhiên, thực tế khá nhiều NSDLĐ cố tình không chi trả các khoản trên đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vậy những trường hợp NLĐ có thể khởi kiện và thắng kiện được không? Các bạn cùng tham khảo tại một số bản án sau:

1. Bản án về bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động số 01/2018/LĐ-ST

Nội dung vụ án: Anh Dương Tiến M là người lao động của công ty Trường Phát. Ngày 18/10/2015 trong lúc dọn dẹp vệ sinh quanh khu vực làm việc anh M dọn mùn cưa đổ vào lò đốt nhưng thấy lửa ở trong lò phụt ra nên đã khiến anh M bị bỏng nặng, đã được đưa cấp cứu tại bệnh viện Bảo Yên và  bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai điều trị 14 ngày. Sau khi ra viện bố mẹ anh M đã đến gặp lãnh đạo công ty để yêu cầu bồi thường nhưng công ty chỉ hỗ trợ 10.000.000đ, anh M không đồng ý với mức bồi thường do vậy đã khởi kiện ra tòa án để giải quyết yêu cầu công ty phải bồi thường số tiền 230.598.224đ ( gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe 42.098.224đ; thu nhập thực tế bị mất từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2017 là 16 tháng; chi phí người chăm sóc 32.000.000đ; bù đắp tổn thất tinh thần 60.500.000đ).

Kết quả giải quyết: Tòa án nhân dân huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai tuyên buộc Công ty Trường Phát. Người đại diện theo pháp luật ông Nguyễn Ngọc T phải bồi thường cho anh Dương Tiến M số tiền 88.183.224đ.

2. Bản án 01/2021/LĐ-PT ngày 23/09/2021 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động

Nội dung vụ án: Anh Nguyễn Thanh G là con ruột của ông S, bà L chưa có vợ, con. Anh G là công nhân của Công ty Tân Ngọc L (viết Cty) đã làm việc được 27 ngày, trong thời gian thử việc, ngày 16-4-2018 anh G làm việc tại Cty thì bị điện giật té từ mái nhà xưởng xuống đất và chết ngày 19-4-2018 tại bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng Công ty trình bày tại bệnh viện, anh G chết do bị tai nạn giao thông. Công ty đã bồi thường cho ông, bà số tiền 58.000.000 đồng, nhưng chi phí cứu chữa cho anh G tại bệnh viện, chi phí đám tang, xây mộ số tiền tổng cộng 93.000.000 đồng. Trong lúc gia đình lo đám tang vô cùng bối rối, nên không yêu cầu người bán hàng ghi giấy tờ, nên không đủ chứng cứ để nộp cho Tòa án.

Ông S, bà L yêu cầu Cty có nghĩa vụ xác định sự thật nguyên nhân cái chết của anh G là do điện giật hay bị tai nạn lao động và phải bồi thường cho ông bà số tiền 01 tỷ đồng về tính mạng và tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật.

Kết quả giải quyết: Toà án tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông S và bà L, buộc Công ty Tân Ngọc L tiếp tục bồi thường cho S và bà L số tiền 183.800.000 đồng.

3. Bản án 22/2017/LĐ-PT ngày 22/09/2017 về tranh chấp bồi thường trợ cấp tai nạn lao động

Nội dung vụ án: Trước khi làm việc cho Công ty D, ông M đã bị tai nạn lao động với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 31% và đang được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng là 460.000đ. Năm 2012, ông M vào làm việc tại Công ty D và bị tai nạn lao động lần 2. Ngày 28/11/2012, Hội đồng giám định y khoa tỉnh Đồng Nai ban hành biên bản giám định tổng hợp lao động số 08/BB-GĐYK về việc giám định mức độ suy giảm khả năng lao động tổng hợp của ông M là 52% vĩnh viễn. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay Công ty D không làm văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động cho ông M nên đã gây thiệt hại cho ông M hàng tháng không được nhận số tiền hưởng trợ cấp mới là 392.717đ, tính từ tháng 12/2012 đến tháng 4/2017 là 52 tháng. Căn cứ vào khoản 2 Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, ông M khởi kiện yêu cầu Công ty D phải bồi thường trợ cấp tai nạn lao động là 20.421.000đ, 

Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của M, buộc Công ty D phải bồi thường trợ cấp tai nạn lao động tính đến hết tháng 4/2017 cho ông Vũ Văn M với số tiền là 20.421.550đ. 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Nguyễn Sáng
784


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;