06/05/2024 11:11

Nhà hàng lột quần áo của khách để ép thanh toán tiền: Mức xử phạt như thế nào?

Nhà hàng lột quần áo của khách để ép thanh toán tiền: Mức xử phạt như thế nào?

Tôi vừa đọc được thông tin nhà hàng đã lột quần áo của khách để ép thanh toán tiền thì sẽ phải chịu mức xử phạt như thế nào? Anh Bình - TP.HCM

Chào anh, Ban biên tập xin trả lời như sau:

1. Vụ Nhà hàng lột quần áo của khách để ép thanh toán tiền

Vào sáng ngày 17/04, anh D một mình đến nhà hàng N để uống bia. Đến nhà hàng, anh D được nhân viên tư vấn gói dịch vụ uống bia, karaoke với giá 40 USD/giờ. Lúc anh D đi vệ sinh vào, phát hiện có rất nhiều vỏ lon bia. Nghi ngờ nhóm nhân viên này khui bia để khách tính tiền, anh D mời các nhân viên ra ngoài, chỉ để lại 1 người.

Khi anh D yêu cầu tính tiền để ra về thì được nhân viên đưa hóa đơn với tổng số tiền là hơn 10.000.000 đồng, bao gồm nhiều phí dịch vụ, thuế giá trị gia tăng, đồ ăn, thức uống mà anh D không sử dụng và không yêu cầu sử dụng. Thấy số tiền phải thanh toán khác với gói dịch vụ 40 USD/giờ đã được tư vấn ban đầu, anh D không đồng ý thanh toán và yêu cầu đến công an để làm rõ. Trước thái độ của anh D, nhóm nhân viên nhà hàng chửi bới xúc phạm và yêu cầu anh D trả tiền xong mới được cho ra khỏi nhà hàng. Nhà hàng đề nghị giảm còn 9.500.000 đồng mà anh D vẫn không đồng ý liền bị nhóm nhân viên kéo vào trong nhà hàng, khóa cửa, kéo rèm rồi hành hung. Chưa dừng lại ở đó, nhóm nhân viên còn khống chế và cởi hết quần áo của anh D để quay video lại và tiếp tục đấm đá anh này. Sau đó, anh D vẫn không đồng ý trả tiền nên nhân viên nhà hàng mở cửa đẩy anh D ra khỏi nhà hàng trong tình trạng không mảnh vải che thân. Khi anh D van xin thì nhóm nhân viên mở cửa cho vào lại nhà hàng, đồng thời tự ý mở bóp lấy thẻ tín dụng quẹt thanh toán số tiền 9.500.000 đồng. Sau khi bị ép ký vào hóa đơn thì anh D mới được lấy lại quần áo và ra về.

2. Mức xử phạt đối với nhà hàng lột quần áo của khách để ép thanh toán tiền

Đối với tội danh cưỡng đoạt tài sản thì dấu hiệu đặc trưng là đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đó:

- Đe dọa dùng vũ lực là thể hiện thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói làm cho người bị đe dọa cảm giác sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nếu không để cho lấy tài sản.

- Dùng thủ đoạn khác là hành vi đe dọa sẽ làm một hoặc nhiều việc gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội.

Như vậy, ở đây nhân viên nhà hàng đã kéo anh D vào nhà hàng, khóa cửa, kéo rèm hành hung đồng thời còn khống chế và cởi quần áo anh D để quay video gây thiệt hại về danh dự của anh D, nhằm ép buộc anh D thanh toán số tiền 9.500.000 đồng. Những hành động trên đã đủ cấu thành tội phạm của tội Cưỡng đoạt tài sản.

 Mức xử phạt đối với tội danh là cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

- Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

- Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, với hành vi cưỡng đoạt tài sản là hành hung, đấm đá và tự mở bóp lấy thẻ thanh toán thì nhóm nhân viên nhà hàng có thể phải chịu mức phạt tù từ 01 đến 05 năm. Nếu thêm yếu tố có tổ chức thì mức phạt từ sẽ từ 03 đến 10 năm. 

Ngoài tội danh cưỡng đoạt tài sản thì nhóm nhân viên nhà hàng còn có các dấu hiệu của tội danh làm nhục người khác. Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 Việt Nam thì làm nhục người khác được thể hiện thông qua hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Các hành vi có thể thể hiện bằng lời nói hoặc hành động nhằm hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác như:

- Thể hiện bằng lời nói: sỉ nhục, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu…

- Thể hiện qua hành động: lột trần truồng nạn nhân, nhổ nước bọt vào mặt, ném phân, mắm tôm, trứng thối vào người khác,...

Và nhóm nhân viên nhà hàng đã có đầy đủ các dấu hiệu của tội danh làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015. Với tội danh này, nhóm nhân viên có thể phải chịu mức xử phạt như sau:

- Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

- Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Đối với người đang thi hành công vụ;

+ Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

- Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Làm nạn nhân tự sát.

Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trân trọng!

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Phạm Thị Thu Hà
13


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;