Vào ngày 05/9/1945, sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa vào 3 ngày trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các em học sinh nhân khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập mới. Và ngày này cũng là ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam ta.
Từ đó, vào ngày 05 tháng 9, học sinh các cấp trên toàn quốc sẽ chính thức bước vào năm học mới vào ngày 5 tháng 9. Đây là ngày mà các em học sinh háo hức trở lại trường, gặp gỡ bạn bè, thầy cô và bắt đầu những bài học mới. Đây cũng là ngày mà cả nước cùng chung tay đưa các em học sinh đến trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và khích lệ tinh thần học tập của các em.
Đồng thời, tại Điều 1 Quyết định 2045/QĐ-BGDĐT năm 2024 về ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng trong toàn quốc. Theo đó, vào năm học 2024-2025, học sinh các cấp trên cả nước cũng sẽ được tổ chức khai giảng vào thứ Năm, ngày 05/9/2024.
Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn 5321/SGDĐT-VP về hướng dẫn tổ chức Lễ Khai giảng và triển khai một số hoạt động đầu năm học 2024 - 2025.
Xem Công văn 5321/SGDĐT-VP tại File đính kèm.
Cụ thể, chương trình Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025 tại TPHCM được hướng dẫn như sau:
Xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên phụ trách, đảm bảo tính an toàn, vui tươi, ý nghĩa, ngắn gọn, thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường. Chương trình khai giảng cần chú trọng tạo dấu ấn, hấp dẫn đối với học sinh - học viên, giúp các em có những trải nghiệm đáng nhớ trong ngày đầu tiên của năm học mới.
Tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025 đồng loạt vào buổi sáng ngày 05/9/2024. Chương trình Lễ Khai giảng ngắn gọn gồm các nội dung như sau:
+ Văn nghệ chào mừng;
+ Nghi thức đón học sinh đầu cấp (ngắn gọn, ý nghĩa);
+ Chào cờ, hát Quốc ca (không dùng bản nhạc có lời bài hát được ghi sẵn);
+ Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu;
+ Báo cáo và cắt băng khánh thành (đối với trường mới);
+ Đọc thư của Chủ tịch nước (mời Lãnh đạo địa phương);
+ Diễn văn khai giảng của Hiệu trưởng (ngắn gọn);
+ Đánh trống khai trường (Hiệu trưởng đánh trống khai trường);
+ Tặng hoa chúc mừng (Lãnh đạo Thành phố, nếu có);
+ Khen thưởng, trao học bổng (nếu có);
+ Bế mạc.
Sau phần Lễ, nhà trường tổ chức phần Hội để tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới, đảm bảo tuyệt đối an toàn, lành mạnh.
Lưu ý có chương trình đặc thù theo từng cấp học:
+ Đối với Giáo dục Mầm non: triển khai tổ chức Ngày hội “Bé vui đến trường”, trong đó, tập trung các hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú phù hợp từng đơn vị; tận dụng các không gian để bố trí các hoạt động như: trò chơi vận động, các hoạt động phát triển thẩm mỹ, trò chơi dân gian, xem xiếc, múa rối,…tạo không khí vui tươi phấn khởi cho trẻ.
+ Đối với giáo dục phổ thông (tiểu học, THCS, THPT, GDNN-GDTX): 100% học sinh - học viên tham dự Lễ Khai giảng, đối với đơn vị không đủ điều kiện thì phải đảm bảo 100% học sinh - học viên đầu cấp và cuối cấp tham dự phần Lễ, nhưng phải đảm bảo 100% học sinh - học viên được tham dự phần Hội chào đón năm học mới sau phần Lễ.
Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các hoạt động trên, báo cáo kết quả về Sở Giáo dục và Đào tạo qua hệ thống văn phòng điện tử trước ngày 10/9/2024.
Tại Điều 28 Luật giáo dục 2019 quy định cấp học và độ tuổi của đi học của học sinh hiện nay như sau:
- Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm;
- Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm;
- Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm.
Trường hợp học sinh được học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật giáo dục 2019 bao gồm:
- Học sinh học vượt lớp trong trường hợp phát triển sớm về trí tuệ;
- Học sinh học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông. Học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.
Như vậy, tuổi của học sinh vào lớp 1 là 06 tuổi, vào lớp 6 là 11 tuổi và vào lớp 10 là 15 tuổi (tuổi được tính theo năm).
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về