Theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Đồng thời, tại Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam hướng dẫn ly hôn theo yêu cầu của một bên quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình như sau:
Điều 4. Ly hôn theo yêu cầu của một bên quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình
1. “Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình” là vợ, chồng có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
2. “Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” là vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kia.
Ví dụ: Vợ, chồng phá tán tài sản gia đình.
3. “Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng;
b) Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình;
c) Vợ, chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau;
d) Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.
Như vậy, nếu một bên có đủ căn cứ chứng minh hôn nhân không còn khả năng duy trì, Tòa án sẽ giải quyết ly hôn theo đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các bên. Cụ thể, Tòa án giải quyết ly hôn khi:
- Bạo lực gia đình: Vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế theo quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, gây tổn hại nghiêm trọng đến người còn lại.
- Vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ vợ, chồng: Không thực hiện trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ lẫn nhau, gây tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của đối phương.
- Hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, không thể cứu vãn: Khi không còn tình nghĩa vợ chồng, sống ly thân kéo dài, ngoại tình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hoặc có sự bất bình đẳng nghiêm trọng về quyền lợi và nghĩa vụ.
- Một bên mất tích: Nếu vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích, bên còn lại có quyền yêu cầu ly hôn.
Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
(1) Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
(2) Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Lưu ý: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo quy định tại Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn như sau:
- Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
- Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.
Như vậy, quan hệ hôn nhân chấm dứt từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Sau đó, Tòa án sẽ gửi quyết định này đến cơ quan đăng ký kết hôn để cập nhật vào sổ hộ tịch, đồng thời thông báo cho các bên liên quan theo quy định.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về