Tại Việt Nam, hợp đồng đại lý thanh toán là một trong những hợp đồng không thể thiếu khi có nhu cầu cung cấp hàng hóa, sản phẩm. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thêm thông tin về loại hợp đồng này.
Căn cứ Điều 3 Thông tư 07/2024/TT-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định về khái niệm hoạt động đại lý thanh toán và hợp đồng đại lý thanh toán như sau:
- Hoạt động đại lý thanh toán là việc bên giao đại lý thanh toán ủy quyền cho bên đại lý thanh toán để thực hiện một phần quy trình mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng và cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng.
- Hợp đồng đại lý thanh toán là thỏa thuận giữa bên giao đại lý và bên đại lý về việc thực hiện một phần quy trình mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng và cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng.
Theo đó, ta có thể hiểu rằng hợp đồng đại lý thanh toán là thỏa thuận giữa 2 bên, trong đó bên giao đại lý thanh toán ủy quyền cho bên đại lý thanh toán thực hiện một phần quy trình mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng và cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng.
Bên giao đại lý thanh toán bao gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bên làm đại lý thanh toán bao gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, tổ chức khác.
Theo Điều 8 Thông tư 07/2024/TT-NHNN thì những nội dung cần có trong hợp đồng đại lý thanh toán tại Việt Nam bao gồm những nội dung sau đây:
(1) Tên, địa chỉ của bên giao đại lý, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của bên giao đại lý;
(2) Tên, địa chỉ của bên đại lý, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của bên đại lý;
(3) Phạm vi giao đại lý, trong đó bao gồm các nội dung hoạt động được giao đại lý và hạn mức áp dụng đối với khách hàng, hạn mức áp dụng đối với bên đại lý;
(4) Thời hạn giao đại lý;
(5) Thời gian giao dịch hàng ngày và giờ làm việc;
(6) Phí giao đại lý thanh toán;
(7) Số lượng điểm đại lý hoặc danh sách điểm đại lý;
(8) Quyền, nghĩa vụ của bên giao đại lý, bên đại lý;
(9) Phương thức giải quyết tranh chấp;
(10) Chấm dứt hợp đồng đại lý thanh toán.
Ngoài những nội dung nêu trên, các bên được thỏa thuận các nội dung khác tại hợp đồng đại lý thanh toán theo quy định tại Thông tư 07/2024/TT-NHNN này và quy định của pháp luật có liên quan.
Theo Điều 11 Thông tư 07/2024/TT-NHNN thì ở Việt Nam, bên giao đại lý có những trách nhiệm sau đối với việc triển khai thực hiện hoạt động giao đại lý thanh toán:
- Tối thiểu 30 ngày trước khi triển khai thực hiện hoạt động giao đại lý thanh toán, bên giao đại lý phải gửi thông báo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Thanh toán), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn có trụ sở chính của bên giao đại lý và trên các địa bàn có các điểm đại lý thanh toán và đăng tải trên trang thông tin điện tử của mình các thông tin chi tiết về bên đại lý, cách thức hợp tác, phạm vi đại lý, thời hạn giao đại lý, cách thức quản lý các điểm đại lý thanh toán.
- Định kỳ hàng quý, bên giao đại lý phải gửi báo cáo về tình hình hoạt động giao đại lý theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Thanh toán) để theo dõi.
- Khi ngừng thực hiện hoạt động giao đại lý thanh toán với một bên đại lý, chậm nhất trong 05 ngày làm việc, bên giao đại lý phải gửi thông báo bằng văn bản đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Thanh toán), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn có trụ sở chính của bên giao đại lý và trên các địa bàn có các điểm đại lý thanh toán ngừng hoạt động để theo dõi, giám sát và đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình.
- Chậm nhất ngày 10 hàng tháng, bên giao đại lý phải gửi báo cáo danh sách các đại lý, điểm đại lý thanh toán có dấu hiệu gian lận, giả mạo theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trân trọng!
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về