12/08/2024 15:56

Hội thẩm là gì? Tiêu chuẩn để trở thành Hội thẩm theo Luật Tổ chức TAND 2024

Hội thẩm là gì? Tiêu chuẩn để trở thành Hội thẩm theo Luật Tổ chức TAND 2024

Hội thẩm là gì? Tiêu chuẩn để trở thành Hội thẩm theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 như thế nào? Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm là gì?

1. Hội thẩm là gì?

Theo Điều 121 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, Hội thẩm là người đại diện của Nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án.

Có thể hiểu Hội thẩm là những người được bầu ra hoặc được cử ra tham gia xét xử vụ án tại Tòa án nhân dân, nhằm góp phần bảo đảm việc xét xử đúng đường lối, chính sách và pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Theo đó, Hội thẩm gồm có:

+ Hội thẩm nhân dân;

+ Hội thẩm quân nhân.

2. Tiêu chuẩn để trở thành Hội thẩm theo Luật Tổ chức TAND 2024 là gì?

Căn cứ tại Điều 122 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, để trở thành Hội thẩm cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

(1) Người được bầu, cử làm Hội thẩm phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

- Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và với Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực;

- Từ đủ 28 tuổi đến 70 tuổi;

- Có kiến thức pháp luật;

- Có hiểu biết xã hội;

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Không đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức; không bị xử lý kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc;

- Không thuộc trường hợp đang bị xử lý hình sự hoặc đã bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật;

- Không thuộc trường hợp đã bị bãi nhiệm Hội thẩm.

(2) Người được bầu làm Hội thẩm tại Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

- Tiêu chuẩn quy định tại mục (1);

- Có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền xét xử, giải quyết của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.

Bên cạnh đó thì những người sau đây sẽ không được làm Hội thẩm (quy định tại Điều 123 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024), gồm:

- Người đang giữ chức danh tư pháp, công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan công an, cơ quan thi hành án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của luật.

- Luật sư.

- Công chứng viên.

- Thừa phát lại.

- Trợ giúp viên pháp lý.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm là gì?

Theo đó, Hội thẩm có các nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

- Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo phân công của Chánh án Tòa án nơi được bầu làm Hội thẩm nhân dân; đối với Hội thẩm tại Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thì theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.

- Hội thẩm quân nhân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự theo phân công của Chánh án Tòa án nơi được cử làm Hội thẩm quân nhân.

- Hội thẩm có nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án, trường hợp không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do.

- Trong 06 tháng công tác mà Hội thẩm không được Chánh án phân công làm nhiệm vụ xét xử thì có quyền yêu cầu Chánh án cho biết lý do.

- Khi xét xử, Hội thẩm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật.

(Quy định tại Điều 125 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024)

2. Chế độ, chính sách đối với Hội thẩm

Theo Điều 130 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, chế độ, chính sách đối với Hội thẩm như sau:  

- Hội thẩm được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tham gia hội nghị tổng kết công tác xét xử của Tòa án.

Tòa án nhân dân tối cao xây dựng chương trình, kế hoạch và tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm thống nhất trên phạm vi toàn quốc; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên và theo chuyên đề cho Hội thẩm theo quy định và nhu cầu thực tế.

- Hội thẩm là cán bộ, công chức, viên chức, quân nhân tại ngũ, công nhân quốc phòng thì thời gian làm nhiệm vụ Hội thẩm được tính vào thời gian làm việc ở cơ quan, đơn vị. Khi tham gia các hoạt động tại Tòa án, Hội thẩm được thanh toán các khoản chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật.

- Hội thẩm được tôn vinh, khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và quy định của Tòa án nhân dân tối cao.

- Chế độ phụ cấp đối với Hội thẩm khi tham gia xét xử do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

- Hội thẩm được cấp trang phục để làm nhiệm vụ xét xử. Mẫu trang phục của Hội thẩm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Việc cấp phát, sử dụng trang phục của Hội thẩm do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
141


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;