16/03/2023 17:30

Hành vi tạt axit rồi bỏ chạy thì phạm tội gì?

Hành vi tạt axit rồi bỏ chạy thì phạm tội gì?

Gần đây, tại Bình Dương xảy ra vụ án người phụ nữ bị người đàn ông chạy xe máy ngược chiều cầm ca nhựa tạt thẳng chất lỏng vào mặt, người phụ nữ, nạn nhân gục xuống đường rồi vặn ga bỏ chạy. Hành vi tạt axit gây tổn hại đến sức khỏe, tước đoạt mạng sống người khác thì phạm tội gì? Chị Đào - Bình Dương.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Yếu tố cấu thành tội “cố ý gây thương tích”

Để xác định tội danh “Cố ý gây thương tích” hay “Giết người” trong vụ tạt axít, cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định được động cơ, ý thức phạm tội, nồng độ axít mà đối tượng dùng để gây án.

Hầu như các vụ án tạt axít trước đây đều được các cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh “Cố ý gây thương tích”, trên cơ sở nhận định ý thức chủ quan của người phạm tội là không nhằm tước đoạt tính mạng mà chỉ gây thương tích; hơn nữa, đa phần người bị hại đều còn sống (dù thương tích rất nặng). Thực tế thì hiếm có người phạm tội nào thừa nhận có ý thức giết người.

Do đó, bài viết này sẽ làm rõ về tội “cố ý gây thương tích”

- Mặt khách quan:

Người phạm tội mong muốn gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

Khác với tội giết người, thì cố ý trong trường hợp gây thương tích mức độ nguy hiểm có thấp hơn, vì người phạm tội chỉ mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không mong muốn nạn nhân chết.

- Mặt khách thể: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là quyền được pháp luật bảo vệ về sức khỏe.

- Mặt chủ thể: Là người đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Mặt khách quan:

+ Hành vi: là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, thể hiện nhận thức và điều khiển hành vi của người phạm tội mong muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

+ Công cụ, phương tiện sử dụng: Dựa vào việc người phạm tội sử dụng công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội có thể xác định được là người phạm tội mong muốn giết người hay đơn thuần chỉ gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe.

+ Vị trí trên cơ thể mà người phạm tội gây ra thương tích , tổn hại sức khỏe.

Khi muốn tước đoạt sinh mạng của ai đó thì người phạm tội sẽ tấn công vào những nơi xung yếu trên cơ thể như: vùng đầu, vùng ngực, vùng cổ, vùng bụng…kết hợp việc sử dụng công cụ, phương tiện nếu là công cụ, phương tiện ít nguy hiểm, cùng với việc tấn công vào những nơi được coi là không xung yếu trên cơ thể, có thể xác định là hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe mà không phải là hành vi giết người.

+ Mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công

Xác định hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe dựa vào mức độ tấn công với cường độ mạnh hay yếu cùng với vị trí tấn công trên cơ thể xem hành vi đó có dồn dập và cường độ tấn công mạnh không? Nếu cường độ tấn công không mạnh và những vị trí tấn công không xung yếu, không nhằm tước đi sinh mạng của nạn nhân, khi đó sẽ không xác định là hành vi giết người mà là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác.

+ Hậu quả của tội phạm

Hậu quả của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác thể hiện ở tỷ lệ thương tật ( tỷ lệ %) mất sức lao động của nạn nhân.

2. Khung hình phạt tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Theo quy định tại Điều 136 Bộ Luật hình sự 2017 của Việt nam về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

- Khung hình phạt cơ bản: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người.

+ Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm.

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.

+ Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình.

+ Có tổ chức.

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

+ Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

+ Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê.

+ Có tính chất côn đồ.

+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

- Khung hình phạt thứ hai: Phạt tù từ 02 năm đến 06 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%.

+ Phạm tội 02 lần trở lên.

+ Tái phạm nguy hiểm.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

- Khung hình phạt thứ ba:  Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134.

- Khung hình phạt thứ tư: Phạt tù từ 07 năm đến 14 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Làm chết người.

+ Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134.

- Khung hình phạt thứ năm: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Làm chết 02 người trở lên.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134.

Ngoài ra, người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Đồng thời, người có hành vi cố ý gây thương tích phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015 của Việt Nam về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể:

- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

+ Bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

+ Một phần chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị, nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; trường hợp người bị hại chết thì người phạm tội còn phải lo chi phí mai táng hợp lí, tiền cấp dưỡng cho con nếu có và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật.

Trân trọng!

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Nguyễn Ngọc Trầm
1553


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;