28/09/2024 16:39

Danh mục 30 thuốc phải kê đơn và bán theo đơn tạm thời

Danh mục 30 thuốc phải kê đơn và bán theo đơn tạm thời

Những loại thuốc nào thuộc danh mục thuốc phải kê đơn và bán theo đơn tạm thời của Bộ Y tế hướng dẫn? Nguyên tắc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú là gì?

Danh mục 30 thuốc phải kê đơn và bán theo đơn tạm thời

Theo hướng dẫn thực hiện Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú tại Công văn 1517/BYT-KCB 2008 về danh mục thuốc phải kê đơn và bán theo đơn tạm thời quy định như sau:

(1) Thuốc gây nghiện;

(2) Thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc;

(3) Thuốc gây mê;

(4) Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid trừ acetylsalicylic acid (Aspirin) và paracetamol;

(5) Thuốc điều trị bệnh Gút;

(6) Thuốc cấp cứu và chống độc;

(7) Thuốc điều trị giun chỉ, sán lá;

(8) Thuốc kháng sinh;

(9) Thuốc điều trị virút;

(10) Thuốc điều trị nấm;

(11) Thuốc điều trị lao;

(12) Thuốc điều trị sốt rét;

(13) Thuốc điều trị đau nửa đầu (Migraine);

(14) Thuốc điều trị ung thư và tác động vào hệ thống miễn dịch;

(15) Thuốc điều trị parkinson;

(16) Thuốc tác động lên quá trình đông máu;

(17) Máu, chế phẩm máu, dung dịch cao phân tử;

(18) Nhóm thuốc tim mạch: thuốc điều trị bệnh mạch vành, thuốc chống loạn nhịp, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị hạ huyết áp, thuốc điều trị suy tim, thuốc chống huyết khối, thuốc hạ lipid máu;

(19) Thuốc dùng cho chẩn đoán;

(20) Thuốc lợi tiểu;

(21) Thuốc chống loét dạ dày: thuốc kháng histamin H2, thuốc ức chế bơm proton;

(22) Hoc môn (corticoide, insulin và nhóm hạ đường huyết, …) và nội tiết tố (trừ   thuốc tránh thai);

(23) Huyết thanh và globulin miễn dịch;

(24) Thuốc giãn cơ và tăng trương lực cơ;

(25) Thuốc làm co, dãn đồng tử và giảm nhãn áp;

(26) Thuốc thúc đẻ, cầm máu sau đẻ và chống đẻ non;

(27) Thuốc điều trị hen;

(28) Sinh phẩm dùng chữa bệnh (trừ men tiêu hoá)

(29) Thuốc điều trị rối loạn cương;

(30) Dung dịch truyền tĩnh mạch.

Nguyên tắc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú là gì?

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 52/2017/TT-BYT về nguyên tắc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

- Chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh.

- Kê đơn thuốc phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh.

- Việc kê đơn thuốc phải đạt được mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả. Ưu tiên kê đơn thuốc dạng đơn chất hoặc thuốc generic.

- Việc kê đơn thuốc phải phù hợp với một trong các tài liệu sau đây:

+ Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hoặc Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS do Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận; Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng theo quy định tại Điều 6 Thông tư 21/2013/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị trong bệnh viện trong trường hợp chưa có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế.

+ Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm với thuốc đã được phép lưu hành.

+ Dược thư quốc gia của Việt Nam;

- Số lượng thuốc được kê đơn thực hiện theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị được quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 4 Thông tư 52/2017/TT-BYT hoặc đủ sử dụng nhưng tối đa không quá 30 (ba mươi) ngày, trừ trường hợp quy định tại các điều 7, 8 và 9 Thông tư 52/2017/TT-BYT.

- Đối với người bệnh phải khám từ 3 chuyên khoa trở lên trong ngày thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ủy quyền (trưởng khoa khám bệnh, trưởng khoa lâm sàng) hoặc người phụ trách chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi xem xét kết quả khám bệnh của các chuyên khoa trực tiếp kê đơn hoặc phân công bác sỹ có chuyên khoa phù hợp để kê đơn thuốc cho người bệnh.

- Bác sỹ, y sỹ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến 4 được khám bệnh, chữa bệnh đa khoa và kê đơn thuốc điều trị của tất cả chuyên khoa thuộc danh mục kỹ thuật ở tuyến 4 (danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

- Trường hợp cấp cứu người bệnh, bác sĩ, y sĩ quy định tại các khoản 1, 2 Điều 2 Thông tư 52/2017/TT-BYT kê đơn thuốc để xử trí cấp cứu, phù hợp với tình trạng của người bệnh.

- Không được kê vào đơn thuốc các nội dung quy định tại Khoản 15 Điều 6 Luật dược, cụ thể:

+ Các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh;

+ Các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam,

+ Thực phẩm chức năng;

+ Mỹ phẩm.

Như vậy, nguyên tắc kê đơn thuốc hóa dược và sinh phẩm trong điều trị ngoại trú được quy định chi tiết tại Điều 4 Thông tư 52/2017/TT-BYT. Điểm qua một vài nguyên tắc như: chỉ kê đơn sau khi khám và chẩn đoán; đảm bảo an toàn, hợp lý và hiệu quả; tuân thủ hướng dẫn điều trị và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc; giới hạn số lượng thuốc kê đơn;...

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Nguyễn Ngọc Trầm
25


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;