Việt Nam luôn tạo điều kiện để cho phạm nhân có thể gặp gỡ thân nhân trong gia đình. Tuy nhiên với những trường hợp không phải là thân nhân thì liệu họ có được thăm phạm nhân hay không, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ Điều 4 Thông tư 14/2020/TT-BCA của Bộ Công an Việt Nam ban hành, đối tượng được vào trại giam thăm phạm nhân bao gồm những đối tượng: Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột, dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột.
Tuy nhiên, ngoài các đối tượng nêu trên thì đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác cũng có thể được thăm gặp phạm nhân nếu Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xét thấy việc thăm gặp là phù hợp với lợi ích hợp pháp của phạm nhân cũng như yêu cầu quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và phòng, chống tội phạm
Vì vậy cho nên ở Việt Nam, trong trường hợp không phải là thân nhân nói chung, chưa phải là vợ chồng nói riêng cũng vẫn có thể được vào trại giam thăm phạm nhân nếu được Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân cho phép.
Cũng tại Điều 5 Thông tư 14/2020/TT-BCA quy định thủ tục giải quyết cho phạm nhân gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác như sau:
- Thân nhân đến gặp phạm nhân phải là người có tên trong Sổ gặp phạm nhân (trường hợp gặp lần đầu chưa có Sổ hoặc không có tên trong Sổ thì phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh là thân nhân phạm nhân) hoặc đơn xin gặp phạm nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập và phải có một trong những giấy tờ cá nhân sau (trừ người dưới 14 tuổi): Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh là cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên nếu thuộc lực lượng vũ trang.
Đối với phạm nhân không mang quốc tịch Việt Nam, thủ tục giải quyết cho phạm nhân gặp thân nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự Việt Nam 2019.
- Đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác khi đến gặp phạm nhân phải có đề nghị bằng văn bản (đối với cá nhân, văn bản đề nghị phải được cơ quan nơi đang làm việc, học tập hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận) và phải có một trong những giấy tờ cá nhân cần chuẩn bị khi thân nhân đến gặp phạm nhân.
- Trường hợp người đến gặp phạm nhân không có giấy tờ cá nhân thì phải có đơn đề nghị được dán ảnh do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập xác nhận, đóng dấu vào đơn và đóng dấu giáp lai vào ảnh.
Như vậy, vì không phải là vợ chồng nên không thuộc trường hợp được xác định là thân nhân để được gặp phạm nhân. Do đó để được gặp phạm nhân, người yêu của phạm nhân phải chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Văn bản đề nghị gặp phạm nhân (đã được cơ quan nơi đang làm việc, học tập hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận).
- Một trong các giấy tờ gồm: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc thẻ căn cước hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh là cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên nếu thuộc lực lượng vũ trang.
Trường hợp người yêu của phạm nhân không có một trong các giấy tờ cá nhân nêu trên thì phải có đơn đề nghị được dán ảnh do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc, học tập xác nhận, đóng dấu vào đơn và đóng dấu giáp lai vào ảnh.
Đối với những người khác không phải là thân nhân của phạm nhân thì cũng cần chuẩn bị những giấy tờ nêu trên để được vào trại giam thăm phạm nhân.
Trân trọng!
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về