13/09/2024 17:42

Hàng xóm bịa đặt, nói xấu người khác xử lý như thế nào?

Hàng xóm bịa đặt, nói xấu người khác xử lý như thế nào?

Tại Việt Nam, nếu hàng xóm có hành vi bịa đặt, nói xấu người khác thì sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Tại Việt Nam, không thiếu những trường hợp hàng xóm láng giềng có những lời lẽ mang tính xỉa xói, bới móc đời tư của người khác. Những cụm từ như “camera chạy bằng cơm” hay “camera đầu xóm” là những từ ngữ châm biếm ám chỉ những trường hợp này.

1. Hàng xóm bịa đặt, nói xấu người khác xử lý như thế nào?

Đối với việc hàng xóm bịa đặt, nói xấu người khác thì theo quy định, tùy vào mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

Xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 2.000.000 VNĐ đến 3.000.000 VNĐ đối với một trong những hành vi sau đây:

- Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ, người trong gia đình.

- Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy theo quy định nêu trên, hàng xóm có hành vi bịa đặt nói xấu người khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 2 triệu đến 3 triệu VNĐ. Đồng thời, người vi phạm còn bị buộc cải chính thông tin sai sự thật; buộc xin lỗi công khai trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu.

Trường hợp hành vi xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của hàng xóm được diễn ra trên mạng xã hội thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 05 triệu đến 10 triệu VNĐ và bị buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm (theo Điều 4, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP).

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp hàng xóm có hành vi bịa đặt, nói xấu người khác đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì không xử phạt hành chính mà thay vào đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự Việt Nam 2015, cụ thể:

- Phạt tiền từ 10.000.000 VNĐ đến 50.000.000 VNĐ, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với hành vi:

+ Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

+ Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Mức phạt tối đa đối với hành vi này có thể lên đến 07 năm tù, cùng với các hình phạt bổ sung khác như phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, nếu hàng xóm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này thì mức hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu VNĐ, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm; và mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Quy định về bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Bên cạnh việc bị xử lý hành chính hoặc hình sự, hàng xóm bịa đặt nói xấu người khác còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự Việt Nam 2015, cụ thể:

- Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gồm:

+ Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo các khoản nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Khi gặp trường hợp này, người bị hại có thể thực hiện những việc sau đây:

- Khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại nếu người có hành vi bịa đặt chỉ bị xử lý hành chính.

- Yêu cầu Tòa án xử lý yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự nếu người có hành vi bịa đặt bị xử lý hình sự.

Trân trọng!

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Đỗ Minh Hiếu
301


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;