25/02/2025 10:31

Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới nhất 2025 theo Nghị định 26 thế nào?

Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới nhất 2025 theo Nghị định 26 thế nào?

Từ 24/02/2025, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thế nào? Chức năng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là gì?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan gì?

Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 26/2025/NĐ-CP về vị trí và chức năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (sau đây gọi là tiền tệ và ngân hàng) và các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối và các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.

Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới nhất 2025 theo Nghị định 26 thế nào?

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị định 26/2025/NĐ-CP ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, tại Điều 3 Nghị định 26/2025/NĐ-CP quy định về cơ cấu tổ chức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:

(1) Vụ Chính sách tiền tệ.

(2) Vụ Thanh toán.

(3) Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.

(4) Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính.

(5) Vụ Hợp tác quốc tế.

(6) Vụ Pháp chế.

(7) Vụ Tài chính - Kế toán.

(8) Vụ Tổ chức cán bộ.

(9) Văn phòng.

(10) Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

(11) Sở Giao dịch.

(12) Cục Công nghệ thông tin.

(13) Cục Phát hành và kho quỹ.

(14) Cục Quản lý ngoại hối.

(15) Cục Phòng, chống rửa tiền.

(16) Cục Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng.

(17) Cục An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

(18) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại các Khu vực (Ngân hàng Nhà nước Khu vực).

(19) Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam.

(20) Thời báo Ngân hàng.

Lưu ý:

- Các đơn vị quy định từ 1 đến 18 là tổ chức hành chính giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương; các đơn vị quy định tại 19 và 20 là đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.

- Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính có 6 phòng. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Tổ chức cán bộ có 5 phòng. Vụ Thanh toán có 4 phòng. Vụ Pháp chế có 3 phòng.

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn gì trong việc quản lý hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng?

Theo khoản 14 Điều 2 Nghị định 26/2025/NĐ-CP  thì Ngân hàng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Tổ chức Chính phủ, quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý nhà nước ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng cụ thể, như sau:

- Quản lý hoạt động ngoại hối trong các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam; hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối; hoạt động ngoại hối khu vực biên giới theo quy định của pháp luật;

- Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước theo quy định của pháp luật; mua, bán ngoại hối trên thị trường trong nước vì mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia; mua, bán ngoại hối với ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế và các nguồn khác; mua, bán ngoại hối trên thị trường quốc tế và thực hiện giao dịch ngoại hối khác theo quy định của pháp luật;

- Công bố tỷ giá hối đoái; quyết định chế độ tỷ giá hối đoái, cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái;

- Cấp, thu hồi văn bản chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

- Quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài theo quy định của pháp luật;

- Quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quy định của pháp luật;

- Quản lý hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú là các đối tượng được thực hiện tự vay, tự trả nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn thủ tục, tổ chức thực hiện xác nhận đăng ký hoặc đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật;

- Quản lý hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:[email protected]
Nguyễn Ngọc Trầm
102


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: [email protected]
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;