Ngày 30/11/2024, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Luật Điện lực Việt Nam 2024.
Luật Điện lực Việt Nam 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/02/2025.
Theo đó giá điện từ ngày 01/02/2025 được quy định tại Điều 50 Luật Điện lực Việt Nam 2024 như sau:
- Giá bán lẻ điện được quy định như sau:
+ Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ chính sách giá điện, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện;
+ Giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt.
Giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày được áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện đủ điều kiện, bao gồm giá bán lẻ điện giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường.
Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt, áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang tăng dần đối với khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không tham gia mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh.
- Giá bán buôn điện theo hợp đồng mua buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định;
- Thẩm quyền xây dựng, trình, phê duyệt, quyết định giá điện được quy định như sau:
+ Chính phủ quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân;
+ Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân;
+ Bộ Công Thương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định 2 nội dung vừa nêu; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia, phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; lộ trình giảm bù chéo giá điện quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật Điện lực Việt Nam 2024; lộ trình cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, bao gồm giá bán lẻ điện có nhiều thành phần mà trong đó có tối thiểu 02 thành phần như giá công suất, giá điện năng, giá cố định, giá biến đổi hoặc thành phần giá khác (nếu có) được áp dụng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép; cơ chế giá điện phù hợp cho các nhóm khách hàng sử dụng điện quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật Điện lực Việt Nam 2024;
+ Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá bán buôn điện; phương pháp lập và trình tự, thủ tục phê duyệt khung giá bán buôn điện.
Theo Điều 52 Luật Điện lực Việt Nam 2024 quy định thì căn cứ lập giá điện từ 01/02/2025 bao gồm:
(1) Chính sách giá điện;
(2) Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
(3) Quan hệ cung cầu về điện;
(4) Chi phí sản xuất, kinh doanh điện hợp lý và lợi nhuận hợp lý của đơn vị điện lực;
(5) Cấp độ thị trường điện cạnh tranh;
(6) Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hằng năm của đơn vị điện lực.
- Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được quy định như sau:
+ Giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh;
+ Khi thị trường bán lẻ điện vận hành, giá bán lẻ điện thực hiện theo cơ chế thị trường;
- Đơn vị điện lực có trách nhiệm lập, công bố công khai chi phí sản xuất, kinh doanh điện hằng năm. Hình thức và nội dung công khai thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Căn cứ điều chỉnh giá dịch vụ phát điện tại hợp đồng mua bán điện đã ký bao gồm:
+ Thay đổi về chính sách, pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành làm ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp của bên bán điện hoặc bên mua điện;
+ Thực hiện yêu cầu rà soát, điều chỉnh giá dịch vụ phát điện của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Bên bán điện được giao đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các hạng mục (ngoài phạm vi quản lý đầu tư của đơn vị phát điện tại hợp đồng mua bán điện đã ký) để thực hiện quy hoạch hoặc để thực hiện yêu cầu mới về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật;
+ Tối ưu hoá quy trình quản lý, sản xuất, thay đổi công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất điện.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về