Theo quy định tại Điều 37 Bộ Luật lao động 2019 của Việt Nam thì:
“Điều 37. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
3. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
3.Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
“Điều 122. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động
...
4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;
d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành thì NLDLĐ không được xử lý kỷ luật lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với NLĐ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên các trường hợp thực tế được Toà án giải quyết như thế nào? Các bạn tham khảo thêm tại một số bản án sau:
- Trích dẫn nội dung: “Chị A vào làm cho Công ty từ ngày 17/7/2006, được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trước khi nghỉ thai sản chị A làm kế toán kiêm thủ quỹ văn phòng với mức lương 20.393.000 đồng/ tháng. Tháng 6/2014 chị A nghỉ sinh con nên Công ty đã tuyển kế toán mới làm thay công việc của chị A. Kế toán mới đã phát hiện chị A có một số sai sót về kế toán trong thời gian làm việc. Vì vậy khi chị A đi làm, ngày 30/12/2014 Tổng giám đốc Công ty đã ra quyết định 008-14 điều chuyển chị A làm kế toán ở bộ phận khác từ ngày 05/01/2015 nhưng chị A không đồng ý và tự ý bỏ về. Sau khi chị A có khiếu nại, Công ty đã hủy bỏ quyết định điều chuyển 008-14, ra quyết định 008-15 ngày 06/01/2015 bố trí cho chị A làm kế toán thống kê nhưng chị A cũng không trở lại làm việc. Công ty đã gửi 3 lần thông báo yêu cầu chị A đến nhận quyết định và làm việc nhưng chị A không đến mà vẫn tiếp tục nghỉ. Ngày 20/3/2015 Công ty đã họp xử lý kỷ luật lao động sa thải chị A với lý do tự ý nghỉ việc 5 ngày không có lý do chính đáng.”
- Kết quả giải quyết: “Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Tuyên bố việc kỷ luật lao động sa thải của Công ty I đối với chị A là trái pháp luật. Buộc Công ty I phải: Trả cho chị A tiền lương trong những ngày không được làm việc cộng với 02 tháng lương là: 469.039.000 đồng. Trả cho chị A trợ cấp thôi việc là 25.491.250 đồng. Tổng cộng 494.530.250 đồng.”
- Trích dẫn nội dung: “Nguyên đơn làm luật sư, đây là công việc có tính chất thường xuyên, do đó theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 ít nhất bị đơn phải ký hợp đồng lao động 01 năm với nguyên đơn nhưng thực tế bị đơn chỉ ký hợp đồng lao động 10 tháng là trái quy định, cho nguyên đơn nghỉ việc khi đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi là trái quy định. Do đó, bà Viviane C yêu cầu HL Việt Nam phải có trách nhiệm bồi thường cho bà 01 lần ngay khi án có hiệu lực pháp luật số tiền 146.880.000 đồng do việc chấm dứt Hợp đồng lao động vào ngày 30/4/2016.
- Kết quả giải quyết: “ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc bị đơn là Công ty Luật TNHH H.L phải thanh toán cho nguyên đơn là bà Viviane C 12 ngày lương cho những ngày phép chưa nghỉ theo Hợp đồng lao động là 4.080.000 đồng. Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty Luật TNHH H.L đồng ý hỗ trợ cho bà Viviane C số tiền 20.400.000 đồng, tương đương 02 tháng tiền lương.
- Trích dẫn nội dung: “Xét thấy trong quá trình làm việc tại Trung tâm đăng kiểm, anh T đã có hành vi vi phạm là không chấp hành sự điều hành của lãnh đạo đơn vị, trong việc đăng kiểm phương tiện cơ giới là xe ô tô xe ô tô 29A - 83791 ngày 02/11/2018; sau đó đã có những phản ứng bằng việc điện thoại đến lãnh đạo các cơ quan quản lý cấp trên không theo đúng nguyên tắc tổ chức. Thấy rằng Trung tâm đăng kiểm làm việc trên 01 hệ thống dây chuyền, bao gồm nhiều công đoạn để kiểm định đối với từng phương tiện cơ giới, việc không chấp hành sự điều hành của người quản lý của một cá nhân có thể dẫn đến ngừng hoạt động của toàn bộ dây chuyền, ảnh hưởng đến nguồn thu của đơn vị cũng như thu nhập của toàn bộ người lao động trong đơn vị, ảnh hưởng đến hoạt động của các cá nhân và doanh nghiệp vận tải khác; vi phạm của anh T mang tính chất nghiêm trọng, cần được xử lý kỷ luật bằng hình thức cao nhất là sa thải theo nội quy lao động của Trung tâm Đăng kiểm. Đối với nội dung cho rằng anh T đang trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nên không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, HĐXX thấy rằng anh T không phải là người duy nhất của gia đình đang trực tiếp nuôi con nhỏ nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu này.
- Kết quả giải quyết: Toà án tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn anh Nguyễn Đức T.
- Trích dẫn nội dung: “Hết thời gian nghỉ sinh, tôi được bà H1 gọi lên hướng dẫn viết đơn xin nghỉ không lương tháng 4/2016. Hết tháng 4/2016, tôi lên gặp Trưởng đài là ông Lưu Anh T xin đi làm việc lại, ông T nói là HĐLĐ ký sai, Phòng nội vụ và phòng Tài chính không có tiền trả lương, Đài không còn cần người nữa, tôi bị đuổi việc. Tôi có viết đơn trình bày nguyện vọng tiếp tục được làm việc vì tôi được ký HĐLĐ không xác định thời hạn, quá trình công tác tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, không sai phạm trong mọi việc nhưng ông T nhận đơn mà không đưa ra cơ quan để làm việc, không chấp nhận cho tôi đi làm lại, tôi đề nghị đưa quyết định thôi việc cho tôi nhưng ông T không đưa. Không đồng ý với việc bị cho thôi việc bằng miệng khi đang nuôi con nhỏ, tôi đã nhiều lần viết đơn gửi các Ban ngành liên quan nhưng không được giải quyết dứt điểm cho tôi.”
- Kết quả giải quyết: Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên chấp nhận một phần đơn khởi kiện của bà Ngô Thị Kim H: Buộc Ủy ban nhân dân thành phố B phải có trách nhiệm ký lại Hợp đồng lao động theo đúng thẩm quyền và nhận bà Ngô Thị Kim H trở lại làm việc.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về