TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN M’ĐRẮK, TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 14/2022/DS-ST NGÀY 09/06/2022 VỀ YÊU CẦU MỞ MƯƠNG DẪN NƯỚC QUA
BẤT ĐỘNG SẢN LIỀN KỀ
Ngày 09 tháng 6 năm 2022 tại hội trường Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thụ lý số: 115/2021/TLST-DS ngày 15 tháng 6 năm 2021 về “Yêu cầu mở mương dẫn nước qua bất động sản liền kề” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 15/2022/QĐST-DS ngày 12 tháng 5 năm 2022 giữa các đương sự:
1/ Nguyên đơn:
+ Ông Hầu Seo T, sinh năm 1972. Địa chỉ: Thôn 8, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Triệu Minh Đ, sinh năm 1979. Địa chỉ: Thôn 8, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Giàng Seo S, sinh năm 1993. Địa chỉ: Thôn 8, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Triệu Minh P, sinh năm 1979. Địa chỉ: Thôn 8, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Lù Seo L, sinh năm 1955. Địa chỉ: Thôn 8, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Lù Seo P, sinh năm 1986. Địa chỉ: Thôn 8, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Lù Seo C, sinh năm 1984. Địa chỉ: Thôn 8, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Lù Seo S, sinh năm 1983. Địa chỉ: Thôn 8, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Sùng Seo G, sinh năm 1968. Địa chỉ: Thôn 8, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Lù Seo L, sinh năm 1972. Địa chỉ: Thôn 8, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Giàng Seo P, sinh năm 1992. Địa chỉ: Thôn 8, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk.
Ông Hầu Seo T, ông Triệu Minh Đ, ông Giàng Seo S, ông Triệu Minh P, ông Lù Seo L, ông Lù Seo P, ông Lù Seo C, ông Lù Seo S, ông Sùng Seo G và ông Lù Seo L đều ủy quyền cho ông Giàng Seo P tham gia tố tụng, có mặt.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị X – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
2/ Bị đơn: Ông Liều Quang H và bà Giàng Thị C. Cùng địa chỉ: Thôn 7, xã Cư C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Phạm Công M – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
3/ Người làm chứng:
- Ông Cù Minh H, địa chỉ: Thôn 7, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Ông Ma Seo P, địa chỉ: Thôn 7, xã K, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Ông Vàng Văn S, địa chỉ: Thôn 5, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk. có đơn xin xét xử vắng mặt.
4/ Người phiên dịch:
- Ông Liều Vang T, sinh năm 1974. Địa chỉ: Thôn 7, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk (phiên dịch cho bị đơn, có mặt).
- Ông Lò Seo M, sinh năm 1998. Địa chỉ: Thôn 8, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk (phiên dịch cho nguyên đơn, có mặt).
- Ông Sùng Seo T, sinh năm 1995. Thôn E, xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, (phiên dịch cho nguyên đơn, vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện và quá trình tố tụng, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Giàng Seo P trình bày:
Năm 2000, ông Giàng Seo P và 10 hộ dân tại thôn 8, xã C, huyện M thỏa thuận với vợ chồng ông Liều Quang H, bà Giàng Thị C làm một mương dẫn nước từ trên suối về để phục vụ cho việc cung cấp nước tưới cho các hộ dân trồng lúa nước. Trong đó có đoạn mương nước đi qua đất của gia đình ông Liều Quang H với chiều rộng mương nước khoảng 0,8m và chiều dài khoảng 57m. Quá trình sử dụng mọi người đều sử dụng chung và không có ai tranh chấp về con mương này.
Đến tháng 7 năm 2018, do mâu thuẫn trong sử dụng nguồn nước tưới với ông Phành và các hộ dân khác nên bà Giàng Thị C có xảy ra xô xát với ông P. Sau đó vợ chồng bà C đã tự ý phá bỏ đoạn mương nước đi qua ruộng lúa của gia đình bà C. Vì vậy, 11 hộ dân tại thôn 8, xã C, huyện M không có nước tưới để phục vụ cho việc trồng lúa nước.
Ông P và các hộ dân khác đã nhiều lần gặp vợ chồng ông H, bà C để thương lượng nhưng vợ chồng ông H, bà C đều không đồng ý. Việc tự ý phá bỏ mương dẫn nước đã làm ảnh hưởng đến việc trồng lúa nước của ông Phành và các hộ gia đình khác.
Vì vậy, ông P yêu cầu Tòa án giải quyết buộc vợ chồng ông H, bà C phải dành một phần diện tích đất để các hộ dân làm mương dẫn nước qua thửa đất của ông H, bà C và không được tự ý phá bỏ con mương này. Đồng thời yêu cầu ông H, bà C phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho 11 hộ dân mất thu nhập do thiếu nước canh tác lúa trong ba năm. Tổng giá trị mất thu nhập của 11 hộ gia đình là 45 tấn lúa với giá 5.000.000đồng/tấn= 225.000.000 đồng.
* Quá trình tố tụng và tại phiên tòa, bị đơn vợ chồng ông Liều Quang H, bà Giàng Thị C cùng trình bày:
Năm 1998, gia đình ông H, bà C đến xã C, huyện M sinh sống. Quá trình sinh sống tại địa phương, vợ chồng ông H, bà C khai hoang được một thửa đất tại thôn 8, xã C, huyện M. Đến ngày 29 tháng 6 năm 2004 được Ủy ban nhân dân huyện M cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo thửa đất số 87, tờ bản đồ số 16, diện tích 2.010m2.
Năm 2000, 11 hộ dân có ruộng lúa tại thôn 8, xã C, huyện M và vợ chồng ông Hồng, bà Chống thỏa thuận làm một con mương nước chảy qua ruộng lúa nước của vợ chồng ông H, bà C để cung cấp nước cho 11 hộ dân trồng lúa nước tại khu vực phía dưới (Trong đó có một đoạn mương nước đi qua ruộng lúa của gia đình ông H, bà C).
Đến khoảng tháng 7 năm 2018, giữa vợ chồng ông H, bà C và ông Giàng Seo P xảy ra mâu thuẫn về mương dẫn nước. Trong lúc xô xát, ông Giàng Seo P có đánh và gây thương tích cho bà Giàng Thị C. Sau đó bà Giàng Thị C phải nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện M và chi phí điều trị hết khoảng 3.800.000 đồng. Tuy nhiên các hóa đơn, chứng từ điều trị tại bệnh viện vợ chồng ông H, bà C đã làm thất lạc. Do bị ông P đánh nên vợ chồng ông H, bà C bức xúc và phá bỏ đoạn mương nước đi qua ruộng lúa của gia đình mình và không cho nước chảy qua để cung cấp nước cho 11 hộ dân trồng lúa nước phía dưới.
Hiện nay ông Giàng Seo P và 10 hộ dân tại thôn 8, xã C yêu cầu vợ chồng ông H, bà C mở lại mương nước. Tại phiên tòa, vợ chồng ông H, bà C đồng ý để 11 hộ dân mở mương dẫn nước qua thửa đất của gia đình mình nhưng phải bồi thường cho ông H, bà C 11.000.000đồng.
* Quá trình tố tụng, người làm chứng ông Cù Minh H, Vàng Văn S, ông Ma Seo P đều trình bày:
Vào khoảng năm 1999 đến năm 2000, do không có nước để phục vụ cho việc trồng lúa nước nên 11 hộ gia đình tại thôn 8, xã C, huyện M đã thỏa thuận với nhau để làm một mương dẫn nước từ thượng nguồn chảy về các ruộng lúa của 11 hộ dân tại thôn 8, xã C. Trong đó mương nước có đi qua ruộng lúa nước vợ chồng ông Liều Quang H, bà Giàng Thị C.
Khi làm mương nước các hộ dân thôn 8, xã C đã gặp và hỏi ý kiến vợ chồng Liều Quang H, bà Giàng Thị C thì vợ chồng ông Liều Quang H, bà Giàng Thị C đồng ý cho mọi người làm mương nước chảy qua ruộng lúa của mình. Đoạn mương nước đi qua đất của gia đình ông Liều Quang H với chiều rộng khoảng 0,8m và chiều dài khoảng 57m. Quá trình sử dụng mọi người đều sử dụng chung và không có ai tranh chấp về con mương này. Tại thời điểm các hộ dân cùng nhau làm con mương nước này ông H, ông S và ông P đều chứng kiến.
Hiện nay vợ chồng ông Liều Quang H, bà Giàng Thị C đã phá bỏ mương nước và không cho các hộ dân tại thôn 8, xã C sử dụng thì ông H, ông S, ông P không nắm rõ. Quá trình hòa giải tại cơ sở ông H, ông S, ông P nghe mọi người nói do có mâu thuẫn với nhau nên vợ chồng bà Chống đã tự ý phá bỏ đoạn mương dẫn nước đi qua ruộng lúa của gia đình bà C. Vì vậy, các hộ dân tại thôn 8, xã C không có nước tưới để phục vụ cho việc trồng lúa nước.
* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phát biếu ý kiến: Ông Giàng Seo P và 10 hộ dân sử dụng mương dẫn nước chảy qua đất của vợ chồng ông H, bà C là có thật, đây là mương nước duy nhất để phục vụ sản xuất cho hộ ông Phành và 10 hộ dân tại thôn 8, xã C, huyện M. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, mở mương dẫn nước qua thửa đất vợ chồng ông H, bà C để phục vụ tưới tiêu cho hộ ông P và các hộ dân khác tại thôn 8, xã C, huyện M.
Đối với yêu cầu ông H, bà C bồi thường thiệt hại cho hộ ông P và 10 hộ dân mất thu nhập do thiếu nước để canh tác lúa nước trong ba năm (từ năm 2018 đến năm 2020) đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo quy định của pháp luật.
* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn phát biếu ý kiến: Nguồn gốc tại thửa đất số 87, tờ bản đồ số 16, diện tích 2.010m2 của gia đình ông Hồng là do khai hoang năm 1997. Năm 2004, Ủy ban nhân dân huyện M cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông H và bản đồ quy hoạch không thể hiện có mương nước qua đất của vợ chồng ông H, bà C.
Đến năm 2000, vợ chồng ông H, bà C tạo điều kiện để 11 hộ dân tại thôn 8, xã C, huyện M làm mương dẫn nước qua thửa đất mà hộ ông Hồng đang canh tác và sử dụng. Năm 2018, do mâu thuẫn với ông P nên vợ chồng ông H, bà C đã phá bỏ đoạn mương dẫn nước này. Hiện nay các nguyên đơn khởi kiện, ý kiến của bị đơn như sau:
Thứ nhất: Vợ chồng ông H, bà C đồng ý để các nguyên đơn làm mương dẫn nước nhưng phải đặt ống ngầm dưới thửa đất ông H đang canh tác (Đặt bị cống) để không ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và không yêu cầu các nguyên đơn phải bồi thường về giá trị đất.
Thứ hai: Trường hợp nguyên đơn không đặt bi cống ngầm dưới đất mà làm mương dẫn nước trên ruộng lúa của bị đơn thì phải bồi thường số tiền 11.000.000 đồng cho bị đơn.
Thứ ba: Vợ chồng ông H, bà C không đồng ý bồi thường cho các nguyên đơn số tiền 225.000.000 đồng.
* Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên:
- Về tố tụng:
+ Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử: Xác định đúng quan hệ pháp luật, thẩm quyền giải quyết vụ án; xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của các đương sự việc, thu thập chứng cứ, trình tự giải quyết vụ án theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
+ Việc chấp hành pháp luật của các đương sự: Thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Qua các tài liệu, chứng cứ thu thập trong hồ sơ vụ án, yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 245, Điều 246, Điều 248, Điều 253 của Bộ luật dân sự năm 2015. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
+ Buộc bị đơn phải dành cho các nguyên đơn một phần đất để mở lại mương dẫn nước có diện tích 38,1m2 (chiều dài mương dẫn nước các cạnh:
38,3m; 36,12m; chiều rộng các cạnh: 0,89m; 1,81m) tại thửa đất số 87, tờ bản đồ số 16, địa chỉ thửa đất tại thôn 8, xã C, huyện M. (Vị trí mương nước theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 28/12/2021 của Toà án nhân dân huyện M’Đrắk).
+ Các nguyên đơn phải có nghĩa vụ bồi thường cho bị đơn số tiền 2.095.000 đồng tương đương với giá trị diện tích đất bị thiệt hại do mở mương dẫn nước. Chia theo phần, mỗi người phải bồi thường số tiền 190.500 đồng.
+ Bác yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn phải bồi thường số tiền 225.000.000 đồng bị thiệt hại do không canh tác được trong ba năm (từ năm 2018 đến năm 2022).
+ Về chi phí tố tụng: Chấp nhận nguyên đơn tự nguyện nộp 4.000.000 đồng về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.
+ Về án phí: Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho nguyên đơn và bị đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX nhận định:
[1] Về tố tụng: Nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn phải mở mương dẫn nước qua bất động sản liền kề là đất của bị đơn. Bị đơn có nơi cư trú tại thôn 7, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk. Đây là “Tranh chấp quyền về cấp nước qua bất động sản liền kề” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk theo quy định tại khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS).
Ông Hầu Seo T, ông Triệu Minh Đ, ông Giàng Seo S, ông Triệu Minh P, ông Lù Seo L, ông Lù Seo P, ông Lù Seo C, ông Lù Seo S, ông Sùng Seo G và ông Lù Seo L ủy quyền cho ông Giàng Seo P tham gia tố tụng. Việc ủy quyền của các đương sự phù hợp quy định tại Điều 87 BLTTDS.
Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện và không yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại cho 11 hộ dân mất thu nhập do thiếu nước để canh tác lúa trong ba năm. Tổng giá trị thu nhập của 11 hộ gia đình là 45 tấn lúa với mức giá 5.000.000đồng/tấn = 225.000.000 đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa đại diện cho các nguyên đơn tiếp tục yêu cầu bị đơn phải bồi thường 225.000.000đồng. Vì vậy, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.
[2] Về nội dung:
[2.1] Các nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận trước đây có trồng lúa nước tại thôn 8, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk. Năm 2000 do không có nước tưới nên các nguyên đơn thỏa thuận với bị đơn ông Liều Quang H, bà Giàng Thị C làm một con mương dẫn nước từ trên thượng nguồn về để phục vụ cho việc cung cấp nước để trồng lúa nước. Trong đó có đoạn mương dẫn nước đi qua đất của gia đình ông Liều Quang H, bà Giàng Thị C tại thửa đất số 87, tờ bản đồ số 16.
Mặc dù mương nước không thể hiện trên bản đồ địa chính mà được hình thành trong quá trình sử dụng đất của các hộ dân, mương nước cũng không thuộc nhà nước quản lý nhưng nguyên đơn, bị đơn đều xác nhận về thời gian, quá trình xây dựng, sử dụng. Mương nước được hình thành từ sự thỏa thuận, công sức đóng góp của nguyên đơn và bị đơn. Đây là tình tiết có thật không cần phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 của BLTTDS.
Khi tạo lập mương dẫn nước trên thì không chỉ có nguyên đơn mà bị đơn cũng là người được hưởng lợi. Mục đích của việc mở mương dẫn nước là để dẫn nước từ trên thượng nguồn về để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp (trồng lúa nước) của các nguyên đơn và bị đơn. Đây là nhu cầu thực tế và cần thiết.
Tại Điều 246 và Điều 253 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 246. Căn cứ xác lập quyền đối với bất động sản liền kề: Quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập do địa thế tự nhiên, theo quy định của luật, theo thoả thuận hoặc theo di chúc”.
“Điều 253. Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác: Người có quyền sử dụng đất canh tác khi có nhu cầu về tưới nước, tiêu nước, có quyền yêu cầu những người sử dụng đất xung quanh để cho mình một lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới, tiêu; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó; nếu người sử dụng lối dẫn nước gây thiệt hại cho người sử dụng đất xung quanh thì phải bồi thường”.
Tại Điều 171 Luật đất đai quy định:
“1. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.
2. Việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 95 của Luật này”.
Qua xác minh thực địa tại địa phương và xem xét thẩm định tại chỗ thể hiện (vị trí thửa đất mà các nguyên đơn đang canh tác) ngoài việc mở lại mương dẫn nước cũ trước đây thì không còn vị trí và thửa đất nào có thể làm mương dẫn nước qua 11 hộ dân (các nguyên đơn đang canh tác tại thôn 8, xã C, huyện M). Việc mở mương dẫn nước qua thửa đất của bị đơn là yếu tố bắt buộc do địa thế tự nhiên tạo ra, không phải ý muốn chủ quan của nguyên đơn (đất của bị đơn ở trên thượng nguồn còn đất của nguyên đơn ở phía dưới). Mương dẫn nước qua đất của bị đơn là duy nhất, thuận tiện cho việc cung cấp nước để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của nguyên đơn. Do đó yêu cầu của các nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải mở mương dẫn nước là phù hợp với thực tế nhu cầu sử dụng của nguyên đơn và phù hợp với quy định của pháp luật.
[3] Việc mở mương dẫn nước đi qua thửa đất bị đơn đang sử dụng sẽ gây thiệt hại một phần diện tích 38,1m2 tại thửa đất số 87, tờ bản đồ số 16, địa chỉ thửa đất tại thôn 8, xã C, huyện M. Do đó bị đơn yêu cầu các nguyên đơn phải đền bù giá trị quyền sử dụng đất bị thiệt hại là có cơ sở để chấp nhận. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị đơn yêu cầu các nguyên đơn phải trả số tiền 11.000.000 đồng là cao so với giá trị đất thực tế địa phương. Căn cứ biên bản định giá tài sản thửa đất bị đơn đang sử dụng có giá trị 55.000đồng/m2. Vì vậy, Hội đồng xét xử buộc các nguyên đơn phải trả bị đơn số tiền 2.095.000 đồng (tương ứng 55.000đồng x 38,1m2) về giá trị diện tích đất bị thiệt hại do mở mương dẫn nước.
[4] Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cho rằng bị đơn tự ý phá hủy mương dẫn nước tại thửa đất số 87, tờ bản đồ số 16 dẫn đến các nguyên đơn không trồng được lúa trong ba năm (từ năm 2018 đến năm 2021) gây thiệt hại 45 tấn lúa trị giá 225.000.000 đồng. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án yêu cầu các nguyên đơn cung cấp các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến thiệt hại mất thu nhập của 11 hộ dân tại thôn 8, xã C, huyện M do thiếu nước để canh tác lúa. Tuy nhiên, các nguyên đơn không đưa ra được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho thiệt hại của mình. Mặt khác, trong thời gian không có nước để canh tác trồng lúa nước, các nguyên đơn chuyển đổi sang canh tác các loại cây trồng khác như: Bắp, đậu…Như vậy, các nguyên đơn vẫn có thu nhập trên diện tích đất đang canh tác. Do đó, các nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường 225.000.000 đồng về thiệt hại mất thu nhập là không có cơ sở đế chấp nhận.
[5] Về chi phí tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án, chi phí hợp lý cho việc xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản 4.000.000 đồng. Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận, nên bị đơn phải chịu toàn bộ tiền chi phí tố tụng. Tuy nhiên, tại phiên tòa nguyên đơn và đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn tự nguyện nộp toàn bộ chi phí tố tụng và không yêu cầu bị đơn trả lại số tiền trên.
[6] Về án phí: Nguyên đơn và bị đơn đều là người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp được miễn toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 92, khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 165, Điều 220, khoản 1 Điều 227, Điều 288 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Căn cứ Điều 245, Điều 246, Điều 248, Điều 253 của Bộ luật dân sự 2015.
Căn cứ Điều 171 điểm Điều 203 của Luật đất đai năm 2013;
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14 và Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Ông Hầu Seo T, ông Triệu Minh Đ, ông Giàng Seo S, ông Triệu Minh P, ông Lù Seo L, ông Lù Seo P, ông Lù Seo C, ông Lù Seo S, ông Sùng Seo G, ông Lù Seo L và ông Giàng Seo P.
1. Buộc vợ chồng ông Liều Quang H, bà Giàng Thị C phải có nghĩa vụ dành cho các nguyên đơn một phần đất để mở mương dẫn nước với diện tích 38,1m2 (chiều dài mương dẫn nước có các cạnh: 38,3m; 36,12m; chiều rộng các cạnh: 0,89m; 1,81m) tại thửa đất số 87, tờ bản đồ số 16, địa chỉ thửa đất tại thôn 8, xã C, huyện M. Được Ủy ban nhân dân huyện Mcấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số V 140386 cho hộ ông Liều Quang H vào ngày 29/6/2004 (Vị trí mương nước theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 28/12/2021 của Toà án nhân dân huyện M’Đrắk).
2. Ông Hầu Seo T, ông Triệu Minh Đ, ông Giàng Seo S, ông Triệu Minh P, ông Lù Seo L, ông Lù Seo P, ông Lù Seo C, ông Lù Seo S, ông Sùng Seo G, ông Lù Seo L và ông Giàng Seo P phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho vợ chồng ông Liều Quang H, bà Giàng Thị C số tiền 2.095.000 đồng tương đương với giá trị diện tích đất bị thiệt hại do mở mương dẫn nước. Chia theo phần, mỗi người phải bồi thường cho vợ chồng ông Liều Quang H, bà Giàng Thị C số tiền 190.500 đồng (làm tròn số).
“Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
3/ Bác yêu cầu của nguyên đơn ông Hầu Seo T, ông Triệu Minh Đ, ông Giàng Seo S, ông Triệu Minh P, ông Lù Seo L, ông Lù Seo P, ông Lù Seo C, ông Lù Seo S, ông Sùng Seo G, ông Lù Seo L và ông Giàng Seo P về việc yêu cầu vợ chồng ông Liều Quang H, bà Giàng Thị C phải bồi thường số tiền 225.000.000 đồng bị thiệt hại do không canh tác được trong ba năm (từ năm 2018 đến năm 2022).
4. Về chi phí tố tụng: Chấp nhận nguyên đơn ông Hầu Seo T, ông Triệu Minh Đ, ông Giàng Seo S, ông Triệu Minh P, ông Lù Seo L, ông Lù Seo P, ông Lù Seo C, ông Lù Seo S, ông Sùng Seo G, ông Lù Seo L và ông Giàng Seo P tự nguyện nộp 4.000.000 đồng tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.
5. Về án phí: Nguyên đơn ông Hầu Seo T, ông Triệu Minh Đ, ông Giàng Seo S, ông Triệu Minh P, ông Lù Seo L, ông Lù Seo P, ông Lù Seo C, ông Lù Seo S, ông Sùng Seo G, ông Lù Seo L, Giàng Seo P và bị đơn vợ chồng ông Liều Quang H, bà Giàng Thị C được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.
6. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.
Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án về yêu cầu mở mương dẫn nước qua bất động sản liền kề số 14/2022/DS-ST
Số hiệu: | 14/2022/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện M'Đrắk - Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 09/06/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về