Bản án về yêu cầu hủy quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 541/2024/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 541/2024/DS-PT NGÀY 30/09/2024 VỀ YÊU CẦU HỦY QUYẾT ĐỊNH CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 30 tháng 9 năm 2024 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 360/2024/TLPT-DS ngày 22 tháng 7 năm 2024 về việc “Yêu cầu hủy quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chia di sản thừa kế”;

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2024/DS-ST ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 10201/2024/QĐPT-DS ngày 11 tháng 9 năm 2024 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Lương Văn X; địa chỉ: Số X, ngõ A đường TNH, khối VY, phường ĐV, thành phố V, tỉnh Nghệ An. Có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lương Thành V, sinh năm 1980; địa chỉ: Số X, ngõ A, đường TNH, khối VY, phường ĐV, thành phố V, tỉnh Nghệ An. (Văn bản uỷ quyền ngày 16/3/2022). Có mặt.

- Bị đơn: Ông Đỗ Văn M và bà Lương Thị T; địa chỉ: Thôn TA, xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa. Ông M có mặt, bà T vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Dương Lê Ước A và Luật sư Nguyễn Văn H - Công ty Luật hợp danh ĐAP, Đoàn Luật sư thành phố HN. Luật sư A có mặt, Luật sư H vắng mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân huyện TT, tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt.

2. Ủy ban nhân dân xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt.

3. Bà Lương Thị L; địa chỉ: Thôn ĐT, xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa.

Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 17/11/2022 và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Lương Văn X (do người đại diện) trình bày:

Cụ Lương Thế N (chết ngày 10/10/1980) và cụ Bùi Thị P (chết ngày 01/10/2007) sinh được 04 người con, gồm: Bà Lương Thị G (chết ngày 16/3/1989, khi chết đã ly hôn chồng và không có con), ông Lương Văn X, bà Lương Thị T và bà Lương Thị L.

Trước năm 1980, gia đình ông sinh sống trên thửa đất ngoài bờ sông thuộc thôn LT, xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa. Tháng 5/1983, cụ Bùi Thị P đồng ý cho bà Lương Thị T kết hôn với ông Đỗ Văn M. Sau khi kết hôn, ông M xin cụ P ở tại gia đình ông cho thuận lợi công việc làm ăn và cụ P đồng ý. Sau một thời gian, ông M có đưa bố đẻ và con riêng về nhà ông ở. Thấy hoàn cảnh đáng thương của bố con ông M và tình hình ở chung rất bất cập nên gia đình ông đã tạo điều kiện cho bố con ông M 01 bụi tre và 01 góc vườn để làm 01 gian nhà tre để ở.

Năm 1984 - 1985, lũ lụt xảy ra triền miên, UBND xã TĐ kết hợp với Hợp tác xã (viết tắt là HTX) LT thống nhất tiến hành sơ tán 15 hộ dân ở vùng lũ lụt ngoài bờ sông (trong đó có gia đình ông) ra ngoài khu vực Bái Đấu để tránh lũ lụt. Tại thời điểm đó, Chủ nhiệm HTX là ông Lê Văn Đ đã thay mặt chính quyền xã giao cho cụ Bùi Thị P 1.339m2 đất ở khu vực Bái Đấu. Tháng 12/1986, cụ P được sự giúp đỡ của anh em họ hàng đã dỡ nhà ngoài bờ sông chuyển vào Bái Đấu dựng lại để ở, có gia đình ông M, bà T cùng theo vào, bà Lương Thị G cũng chuyển nhà của bà về dựng ở cùng với cụ P (do đã ly hôn với chồng) để thuận tiện cho việc chăm sóc mẹ. Còn vợ chồng ông M, bà T sau một thời gian ở nhờ, đến năm 1996 cũng mua được một thửa đất ở cùng thôn TA để ở. Thửa đất ngoài bờ sông của gia đình ông đã bị xã thu hồi và để bồi thường 01 phần đất cho gia đình ông Lương Văn L do lấy đất của gia đình ông L đắp đê chống lũ, phần còn lại cho gia đình ông L đấu thầu. Năm 2007, sau khi cụ P chết thì vợ chồng ông M, bà T tự động tháo dỡ nhà đem bán cho người khác.

Về bản thân ông, năm 1976 lên đường nhập ngũ, cuối năm 1976 được điều về mặt trận 497 sang chiến đấu ở Campuchia, tháng 10/1978 chiến đấu với Trung Quốc, đến tháng 12/1987 ông phục viên, chuyển ngành về công tác tại Công ty giao thông khu vực 4 MT và sinh sống tại thành phố V, tỉnh Nghệ An. Năm 1996, ông đưa mẹ vào Nghệ An sống cùng để chăm lo cho mẹ, nhưng cụ P chỉ ở ba năm rồi tự động bỏ về do không quen lối sống thành phố, nhớ bà con làng xóm và con cháu ở nhà. Mặc dù công tác xa nhà, các con còn nhỏ, nhưng ông vẫn dành thời gian về thăm mẹ, thăm anh em, đồng thời tiết kiệm 01 phần lương để cho mẹ và chị gái trang trải cuộc sống trong gia đình. Thời gian mẹ và chị ông ốm, ông đều cắt phép về chăm mẹ, chăm chị. Quá trình chăm sóc và thuốc men đầy đủ, nhưng do bệnh nặng, tuổi già, mẹ ông không qua khỏi. Sau này ông mới biết trong quá trình mẹ ông ở với vợ chồng ông M, bà T, đã rất nhiều lần ông M có những lời lẽ thô tục, thái độ xúc phạm, chửi bới, thậm chí đánh cụ P với mục đích chiếm đoạt căn nhà, 02 con trâu và 01 chỉ vàng của mẹ ông (hiện nay bà T đang cất giữ).

Bản thân ông là con trai duy nhất nên cuối năm 2021 ông về quê để bàn với anh em nội tộc xây dựng nhà thờ trên mảnh đất bố mẹ để lại nhằm mục đích hương hỏa cho tổ tiên thì phát hiện ngày 30/12/2008 ông Đỗ Văn M đã tự ý kê khai sang tên thửa đất nêu trên và đã được UBND huyện TT cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là GCNQSD đất) cho ông M, bà T.

Sau khi phát hiện việc làm sai trái của ông M, bà T, anh em ông đã nhiều lần yêu cầu vợ chồng ông M, bà T trả lại quyền sử dụng đất cho cha mẹ để thực hiện quyền phân chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật nhưng ông M, bà T không đồng ý. Gia đình ông đã làm đơn gửi UBND xã TĐ để yêu cầu giải quyết. Ngày 29/11/2021, UBND xã TĐ lập biên bản họp tiếp công dân để hòa giải. Tại buổi hòa giải, ông X, bà L, vợ chồng ông M, bà T và UBND xã TĐ đều khẳng định thửa đất số 760, tờ bản đồ số 03, tại thôn TA, xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa, có diện tích 1.399m2 thuộc quyền sử dụng của bố mẹ ông. Vì vậy, việc UBND xã TĐ thiết lập hồ sơ đề nghị cấp GCNQSD đất nêu trên cho ông M, bà T và UBND huyện TT cấp GCNQSD đất cho ông M mà không có ý kiến của chị em ông (người thừa kế ở hàng thứ nhất của bố mẹ ông) là hoàn toàn trái quy định của pháp luật và cần phải hủy bỏ. Vì vậy, ông đề nghị Tòa án giải quyết:

- Hủy quyết định cấp GCNQSD đất, hủy GCNQSD đất số H00285 do UBND huyện TT cấp ngày 20/12/2008 cho ông Đỗ Văn M và bà Lương Thị T, đối với thửa đất số 760, tờ bản đồ số 03, diện tích 1.399m2 theo quy định của pháp luật.

- Chia di sản thừa kế đối với quyền sử dụng đất tại thửa đất số 760, tờ bản đồ số 03, diện tích 1.399m2, địa chỉ tại: thôn TA, xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa cho các đồng thừa kế của bố mẹ ông theo quy định pháp luật.

Bị đơn là ông Đỗ Văn M và bà Lương Thị X trình bày:

Tháng 5/1983, bà T gặp ông M tìm hiểu và mong muốn đi tới hôn nhân. Khi báo cáo với gia đình, cụ Bùi Thị P và anh em trong gia đình nói rằng “Hoàn cảnh gia đình neo người, cụ P có ông X là con trai duy nhất, nhưng đi thoát ly xa nhà, hơn nữa ông X rất ít khi về thăm mẹ và gia đình. Nếu ông M đồng ý ở đây sinh sống và giúp đỡ cụ P thì cả gia đình sẽ đồng ý gả bà T cho ông ông M”. Tháng 10/1983, ông bà kết hôn với nhau, đồng thời vợ chồng ông bà làm ngôi nhà tranh tre bên cạnh nhà cụ P để thuận tiện cho việc chăm sóc mẹ và lo cho em gái là bà Lương Thị L ăn học.

Năm 1984 – 1985, lũ lụt xảy ra triền miên, trạm bơm nước từ sông lên phục vụ đồng ruộng của HTX bị hư hỏng. Thời gian đó, Chủ nhiệm HTX An Toàn là ông Trần Đình T (hiện nay đã chết) nhờ ông M sửa chữa trạm bơm cho HTX. Ông M nhận lời và sau đó tiến hành sửa chữa những phần trạm bơm hư hỏng. Tại thời điểm đó, vì thấy gia đình ông bà hoàn cảnh, ông T đã giao cho vợ chồng ông bà một thửa đất để canh tác, do lúc đó vợ chồng ông bà ở cùng với mẹ là cụ Bùi Thị P trong một khu vườn khá chật hẹp (là khu đất ở bờ sông Bưởi). Đầu tháng 12/1986, ông Trần Đình T đại diện cho HTX đã chỉ và giao đất tại khu Bái Đấu (thuộc HTX quản lý) cho gia đình ông bà để gia đình ông bà làm nhà ở và canh tác. Cuối tháng 12/1986, vợ chồng ông bà đã làm nhà trên khu đất mà HTX giao cho. Thời gian này, cụ P vẫn ở nhà của cụ ở khu bờ sông Bưởi, nhưng mọi sinh hoạt và đời sống của cụ P đều do vợ chồng bà chăm sóc. Khi HTX giao đất cho gia đình bà thì gần 2/3 diện tích là đất trũng, gia đình bà đã phải dùng sức người gánh đất, kéo đất để san lấp cho thửa đất bằng phẳng để làm nhà và trồng trọt. Đầu năm 1989, do nhà của cụ P ở bờ sông bị hư hỏng nặng và không thể sửa chữa được nữa nên cụ P đã chuyển vào Bái Đấu ở với vợ chồng ông bà, thửa đất của cụ P ở bờ sông Bưởi cho gia đình ông Lương Văn L mượn. Năm 1990, UBND xã đã tiến hành thực hiện việc kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của gia đình bà để kê khai nguồn gốc sử dụng đất, ai là người quản lý sử dụng đất. Đến năm 2008, gia đình ông bà được cấp GCNQSD đất. Từ khi xây dựng gia đình đến năm 2007, vợ chồng ông bà là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ và nuôi em gái Lương Thị L ăn học, lo cưới chồng cho bà L vào năm 1985. Năm 1986, bà Lương Thị G (chị gái bà T) lấy chồng không hạnh phúc nên đã ly hôn, Tòa án chia cho bà G 01 gian nhà gỗ, sau đó bà G bị bệnh hiểm nghèo nằm liệt tại chỗ, vợ chồng bà đã đem gian nhà bà G được chia về dựng tại nhà ông bà để bà G ở và tiện việc chăm sóc, đến năm 1990 bà G qua đời. Thửa đất của cụ P ở bờ sông Bưởi cho ông L mượn nhưng ông L không trả, năm 2009 bà T làm đơn đề nghị UBND xã TĐ giải quyết, nhưng UBND xã cho rằng đây là đất của UBND xã giao cho ông L do cụ P không sử dụng nữa và chuyển vào ở với vợ chồng bà nên xã quản lý. Như vậy, ông X đã đánh đồng khu đất của cụ P ở bờ sông Bưởi với khu đất ở khu vực Bái Đấu mà HTX giao cho vợ chồng ông bà năm 1986 để yêu cầu chia thừa kế là không đúng, vì khu đất này vợ chồng ông bà được HTX xã giao cho chứ không phải đất của cụ P để lại.

Ông Lương Văn X là con trai duy nhất của cụ P nhưng đi thoát ly từ những năm 1976 - 1977, không quan tâm chăm sóc cho mẹ và chị em trong gia đình. Tháng 7/1996, ông X đã về bán 01 số bụi tre của cụ P ở khu vực bờ sông cho ông L, sau đó đưa cụ P vào thành phố V sinh sống, nhưng cụ P chỉ đi được gần 01 tháng rồi lại quay về. Ông bà khẳng định đất là ông bà được HTX cấp cho, không phải đất của cụ N và cụ P để lại. Vì vậy, ông bà đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông X.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm:

Bà Lương Thị L trình bày: Bà thống nhất với trình bày của nguyên đơn và bị đơn về quan hệ huyết thống. Về nguồn gốc nhà đất tại thửa số 176 nêu trên bà thống nhất với trình bày và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

UBND xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa trình bày:

Năm 1984 xảy ra trận lụt lớn; năm 1986, chính quyền địa phương có chính sách di dời các hộ dân ở bờ sông đến nơi khác ở để đảm bảo an toàn cho nhân dân, trong đó có hộ bà Bùi Thị P. Trong số các hộ di dời có hộ được di dời vào khu vực Bái Đấu, có hộ vào khu vực Bái Mào và khu vực khác. Sau khi các hộ di chuyển vào khu vực Bái Đấu, Bái Mào thì thời điểm đó HTX LT cấp đất cho các hộ dân trên cơ sở di dân, trong đó có hộ cụ Bùi Thị P, còn ai đứng ra kê khai, nhận đất thì UBND xã không nắm được. Hiện nay gia đình ông Lương Văn L1, ông Hoàng U cũng là những hộ được di chuyển đang sinh sống tại khu vực Bái Đấu, một số hộ khác được di dời đến khu vực Bái Mào, còn một số hộ vẫn ở lại khu vực bờ sông.

Ngoài ra, UBND xã TĐ còn cung cấp các tài liệu chứng cứ sau:

- Trích biên bản Hội nghị thôn TA về việc thu thập ý kiến khu dân cư về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của thửa đất số 760, tờ bản đồ số 03, địa chỉ thôn TA, xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa, do gia đình ông Đỗ Văn M và bà Lương Thị T đang quản lý sử dụng, kết quả bỏ phiếu:

Phát ra 23 phiếu, thu vào 23 phiếu, trong đó:

+ Số phiếu xác định là đất của cụ Bùi Thị P: 03 phiếu.

+ Số phiếu xác định là đất của ông Đỗ Văn M: 01 phiếu.

+ Số phiếu ghi không rõ nguồn gốc là: 08 phiếu.

+ Số phiếu để trắng là: 11 phiếu.

Đại đa số các ý kiến của những người tham gia hội nghị biết về nguồn gốc đất được trích trong biên bản đều xác định là quyền sử dụng đất của cụ P.

- Sổ thu thuế nhà đất của xã TA năm 1998, cột ghi tên đối tượng nộp thuế ở số thứ tự số 30 ghi tên cụ Bùi Thị P, số thứ tự số 73 ghi tên ông Đỗ Văn M.

- Theo UBND xã TĐ cho biết: Theo hồ sơ địa chính 299 là đo bao, của HTX, thể hiện là đất ở, hồ sơ 382 không có, năm 2007 mang tên gia đình ông Đỗ Văn M, bà Lương Thị T.

- Nghị quyết của HĐND xã TĐ, Nghị quyết Đại hội HTX và các văn bản, tài liệu khác liên quan đến chính sách di dân từ vùng lũ lụt vào vùng an toàn năm 1984 - 1985 hiện nay không còn lưu giữ tại UBND xã TĐ.

UBND huyện TT trình bày:

- Về quy trình cấp GCNQSD đất cho ông Đỗ Văn M, bà Lương Thị T là đúng quy định pháp luật, việc ông Lương Văn X yêu cầu hủy GCNQSD đất thì đề nghị Tòa án căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ để xem xét, quyết định.

Ngoài ra, UBND huyện TT cung cấp cho Tòa án hồ sơ cấp GCNQSD đất cho ông Đỗ Văn M, bà Lương Thị T.

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện TT cung cấp cho Tòa án sổ mục kê và trích đo bản đồ địa chính năm 2007 đối với thửa đất số 760, tờ bản đồ số 03, địa chỉ thửa đất: Thôn TA, xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa.

Người làm chứng gồm:

Người làm chứng đứng về phía nguyên đơn (gồm bà Lưu Thị V1, bà Phạm Thị L1, cụ Lê Thị H1, ông Trần Văn Ứ, ông Lê Văn Đ, bà Phạm Thị T1) thống nhất trình bày: Nguồn gốc đất đang tranh chấp là của cụ P, không phải của ông M, bà T.

Người làm chứng đứng về phía bị đơn (gồm ông Đào Quang T1, ông Lưu Đình N1, ông Phạm Lâm Đ1) thống nhất trình bày: Nguồn gốc đất đang tranh chấp là do Hợp tác xã LT cấp cho ông Đỗ Văn M và bà Lương Thị T.

Kết quả đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ và thẩm định giá tài sản:

1/ Về đất: Tổng diện tích đất theo GCNQSD đất là 1.399m2 (trong đó đất ở 500m2, đất trồng cây lâu năm 899m2), tại thửa đất số 760, tờ bản đồ số 03, bản đồ địa chính xã TĐ năm 2007, địa chỉ thửa đất: Thôn TA, xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa.

Tổng diện tích thực tế đo theo hiện trạng là 1.477,1m2, có tứ cận:

- Phía Tây giáp đường bê tông: (26,45 + 11,65)m.

- Phía Bắc giáp nhà ông Lương Xuân H2: (17,19 + 8,04 + 6,15 + 5,03 + 3,82 + 3,60 + 3,26 + 7,87)m.

- Phía Đông giáp nhà ông Lương Xuân H2 (đất hình L): (10,01 + 1,61 + 3,46 + 11,27 + 9,99)m.

- Phía Nam giáp nhà ông Lương Xuân N2: (11,33 + 5,62 + 17,88)m.

Theo báo cáo của UBND xã TĐ: Thửa đất đang tranh chấp hiện nay do gia đình ông Đỗ Văn M và bà Lương Thị T đang quản lý, sử dụng để canh tác, không có tranh chấp với các hộ liền kề. Lý do diện tích đất đo thực tế tăng so với diện tích theo GCNQSD đất là do sai sót trong đo đạc.

2/ Tài sản trên đất:

- 01 nhà cấp 04 mái ngói, diện tích 26,3m2, do ông M bà T xây dựng năm 1990 và không sử dụng để ở từ năm 1996 đến nay.

- 01 giếng đào năm 1986.

- Cây cối, hoa màu trên đất:

+ 04 cây vú sữa (giáp mặt đường bê tông và giáp nhà ông N2).

+ 01 cây xoan (giáp mặt đường bê tông và giáp nhà ông N2).

+ 11 cây nhãn (giáp mặt đường bê tông và giáp nhà ông N2).

+ 01 cây ổi (giáp nhà ông N2).

+ 07 cây mít (05 cây giáp tường rào nhà ông N2, 02 cây giáp bờ rào nhà ông H2).

+ 02 cây xoài (01 cây giáp đường bê tông, 01 cây giáp nhà ông N2).

+ 01 cây trứng gà (giáp tường rào nhà ông H2).

+ 01 cây bưởi (giáp tường rào nhà ông H2).

+ 06 hàng chè xanh, mỗi hàng dài 5m (giáp tường rào nhà ông H2 và nhà ông N2).

+ 1.450,8m2 trồng cỏ voi.

3/ Kết quả thẩm định giá tài sản:

- Về đất: 500m2 đất ở trị giá 800.000.000 đồng, 977,1m2 đất trồng cây lâu năm trị giá 16.610.700 đồng (làm tròn số).

- Tài sản trên đất: trị giá 8.033.000 đồng.

- Cây trồng trên đất: trị giá 22.407.000 đồng (làm tròn số).

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2024/DS-ST ngày 18 tháng 01 năm 2024, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định:

Áp dụng khoản 5 Điều 26, Điều 34, khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, khoản 2 Điều 244, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 609, Điều 611, Điều 612, Điều 613, Điều 618, Điều 623, Điều 649, Điều 651, Điều 660, Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự; Điều 95 Luật Đất đai; điểm đ khoản 1 Điều 12; điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; điểm b tiểu mục 1.3 mục 1, phần II danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết, xử:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Lương Văn X:

- Hủy Quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H00285 do UBND huyện TT cấp ngày 20/12/2008 cho ông Đỗ Văn M và bà Lương Thị T, đối với thửa đất số 760, tờ bản đồ số 03, diện tích 1399m2 (trong đó đất ở 500m2, đất trồng cây lâu năm 899m2), địa chỉ: thôn TA, xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa.

- Chia di sản thừa kế của cụ Bùi Thị P để lại theo quy định pháp luật:

+ Xác định di sản thừa kế của cụ P để lại sau khi trích chia công sức cho ông M, bà T còn 638,55m2 đất (trong đó 216,15m2 đất ở, 422,4m2 đất trồng cây lâu năm), thuộc thửa số 760, tờ bản đồ số 03, địa chỉ: Thôn TA, xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa, trị giá 353.020.000 đồng.

+ Xác định người được hưởng di sản thừa kế của cụ P gồm: Ông Lương Văn X, bà Lương Thị T, bà Lương Thị L.

- Về phân chia di sản thừa kế:

+ Chia cho ông Đỗ Văn M và bà Lương Thị T được hưởng gồm: phần di sản hết thời hiệu chia thừa kế của cụ Lương Thế N 738,55m2 đất (trong đó 250m2 đất ở, 488,55m2 đất trồng cây lâu năm) trị giá 408.305.000 đồng; trích công sức 100m2 đất (trong đó đất ở 33,85m2, đất trồng cây lâu năm 66,15m2) trị giá 55.284.000 đồng; kỷ phần thừa kế của bà T được hưởng của cụ Bùi Thị P 212,85m2 (trong đó có 72,05m2 đất ở, 140,8m2 đất trồng cây lâu năm), trị giá 117.673.000 đồng; phần diện tích đất trồng cây lâu năm 3,9m2 do ông X và bà L tự nguyện để lại. Tổng cộng là 1.055,3m2 đất (trong đó 355,9m2 đất ở và 699,4m2 đất trồng cây lâu năm), trị giá 581.328.000 đồng. Phần đất có tứ cận như sau:

Phía Tây giáp đường bê tông;

Phía Bắc giáp nhà ông Lương Xuân H2;

Phía Đông giáp nhà ông Lương Xuân H2;

Phía Nam giáp phần đất chia cho bà Lương Thị L.

Diện tích đất được mô tả tại thửa số 01 (chi tiết các cạnh có sơ đồ kèm theo bản án sơ thẩm).

+ Chia cho bà Lương Thị L được hưởng kỷ phần thừa kế của cụ Bùi Thị P là 209,1m2 đất (trong đó đất ở 72,05m2, đất trồng cây lâu năm 137,05m2) trị giá 117.609.000 đồng. Phần đất có tứ cận như sau: Phía Tây giáp đường bê tông;

Phía Bắc giáp phần đất chia cho ông Đỗ Văn M, bà Lương Thị T;

Phía Đông giáp nhà ông Lương Xuân H2;

Phía Nam giáp phần đất chia cho ông Lương Văn X.

Diện tích đất được mô tả tại thửa số 02 (chi tiết các cạnh có sơ đồ kèm theo bản án sơ thẩm).

+ Chia cho ông Lương Văn X được hưởng kỷ phần thừa kế của cụ Bùi Thị P là 212,7m2 (trong đó đất ở 72,05m2, đất trồng cây lâu năm 140,65m2), trị giá 117.671.000 đồng. Phần đất có tứ cận như sau:

Phía Tây giáp đường bê tông;

Phía Bắc giáp phần đất chia cho bà Lương Thị L;

Phía Đông giáp nhà ông Lương Xuân H2; Phía Nam giáp nhà ông Lương Xuân N2.

Diện tích đất được mô tả tại thửa số 03 (chi tiết các cạnh có sơ đồ kèm theo bản án sơ thẩm).

- Ông X và bà L có trách nhiệm trả cho gia đình ông M, bà T giá trị tài sản trên đất (01 giếng nước và cây trồng trên đất) là 25.820.600 đồng, chia phần: ông X phải trả 12.910.300 đồng, bà L phải trả 12.910.300 đồng.

Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo của đương sự theo quy định pháp luật.

Ngày 26/01/2024, bị đơn là ông Đỗ Văn M, bà Lương Thị T có đơn kháng cáo với nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm; đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; bị đơn là ông M giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, bà T vắng mặt không có lý do; các bên đương sự giữ nguyên quan điểm đã trình bày và không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày: Biên bản kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất của UBND xã TĐ ngày 26/8/1990 thể hiện đất giao cho hộ gia đình ông M vào năm 1986 phù hợp với lời khai của nguyên Chủ tịch UBND xã, nguyên Chủ tịch HTX An Toàn. Giấy xác nhận của Trưởng Công an xã TĐ đủ điều kiện chứng minh ông M đã nhập khẩu tại địa phương từ năm 1983. Từ thời điểm HTX An Toàn giao đất vào năm 1986 đến khi phát sinh tranh chấp khoảng 37 năm, bị đơn đều không có ý kiến gì. Bà Lương Thị L còn mượn GCNQSD đất của ông M, bà T để thế chấp tại Ngân hàng nhưng không có ý kiến gì về việc ông M, bà T được cấp GCNQSD đất. Người làm chứng cũng đã xác nhận việc cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình ông M căn cứ vào Quyết định cấp đất năm 1990 nhưng cấp sơ thẩm không thu thập được tài liệu này, các đơn vị liên quan cũng xác nhận bị thất lạc hồ sơ cấp đất. Bị đơn sử dụng đất có công tôn tạo thửa đất bằng phẳng như hiện nay, đóng thuế đất hằng năm. Cụ P có 04 người con, 03 gái, 01 trai. Cụ P có đất không ở được nên chuyển về ở cùng ông M. Đất ngoài bờ sông hiện nay vẫn đang tranh chấp với ông L, chứ không phải diện tích đất đó đã được giao cho ông L như hồ sơ vụ án thể hiện. Quá trình cấp GCNQSD đất đúng quy định pháp luật. Biên bản hòa giải của UBND xã không thể hiện đúng ý chí của ông M do ông M không biết nội dung, không đọc lại nội dung, đây là trình bày từ một phía. Cấp sơ thẩm đánh giá chứng cứ dựa trên lời khai của người làm chứng, đây chỉ là một trong các nguồn chứng cứ phi vật chất, không phải là chứng cứ vật chất, không đảm bảo tính hợp pháp, liên quan và xác thực theo quy định pháp luật. Tài liệu, chứng cứ bị đơn cung cấp là chứng cứ vật chất để đánh giá tính hợp pháp. Năm 2009, bà M đã có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thể hiện diện tích đất ngoài bờ sông vẫn chưa được cấp cho ai khác. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lương Thị L thống nhất với trình bày ý kiến của nguyên đơn. Đối với ý kiến của bị đơn cho rằng bà mượn GCNQSD đất của ông M, bà T để thế chấp tại Ngân hàng, bà cho biết thời điểm đó, bà mượn GCNQSD đất cho con gái bà vay tiền để làm nhà. Tuy nhiên, bà không biết ông M, bà T cho mượn GCNQSD đất của vợ chồng ông bà hay của cụ Bùi Thị P. Bà chỉ là người hỏi mượn, con gái bà làm việc trực tiếp với vợ chồng ông M, bà T. Tuy nhiên, ông M, bà T trực tiếp ra Ngân hàng để làm thủ tục thế chấp, sau đó chuyển tiền về cho con gái bà. Bà và con gái bà không giữ GCNQSD đất và không trực tiếp làm thủ tục thế chấp tại Ngân hàng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Đơn kháng cáo của ông Đỗ Văn M, bà Lương Thị T trong hạn luật định và hợp lệ nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm. Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa tuân theo pháp luật tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm, mặc dù đã được triệu tập hợp lệ nhưng người kháng cáo là bà Lương Thị T vắng mặt không rõ lý do, được coi như là từ bỏ quyền kháng cáo theo quy định pháp luật, đề nghị HĐXX đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bà Lương Thị T.

Về nội dung: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập có trong hồ sơ vụ án cũng lời khai của các đương sự, có căn cứ xác định cụ N và cụ P tạo lập được mảnh đất ngoài bờ sông và cả gia đình sinh sống trên mảnh đất này. Đến năm 1984, theo chủ trương của Nhà nước về việc di dân từ vùng lũ lụt vào vùng an toàn để xây dựng đê chống lũ thì gia đình cụ P được cấp đổi vào mảnh đất đang có tranh chấp hiện nay. Có sự việc dịch chuyển đất từ bờ sông sang bờ đê, căn cứ Nghị quyết của HĐND xã TĐ, Nghị quyết đại hội HTX LT, Ban chủ nhiệm HTX đã cắt đất cho cụ Bùi Thị P vào khu vực Bái Đấu ở để tránh lũ. Có nhiều hộ chuyển dịch chứ không riêng cụ P, phù hợp với lời khai của nhiều người làm chứng như theo lời khai của ông Lê Văn Đ - Chủ nhiệm HTX LT từ năm 1982 - 1984, ông Trần Văn Ứ - cán bộ quản lý ruộng đất (cán bộ địa chính) và bà Phạm Thị T1 - Chủ tịch UBND xã TĐ từ năm 1969 - 1989. Không có tài liệu, chứng cứ thể hiện đất được giao cho hộ ông M vào năm 1986. Ông M kê khai nguồn gốc sử dụng đất là đất bố mẹ để lại, trong khi bố mẹ ông M không ở tại địa phương. Vì vậy, có căn cứ xác định thửa đất đang tranh chấp là của cụ Bùi Thị P được cấp đổi khi thực hiện chính sách di dân từ vùng lũ lụt vào vùng an toàn. Tòa án cấp sơ thẩm xác định đúng di sản thừa kế, diện và hàng thừa kế từ đó chia thừa kế theo quy định pháp luật là có căn cứ. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp không đúng chủ sử dụng đất, không đúng trình tự, thủ tục, không xem xét nguồn gốc đất cần thiết phải bị hủy. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án; căn cứ vào tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ đã được thẩm tra công khai và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về thủ tục kháng cáo: Kháng cáo của ông Đỗ Văn M và bà Lương Thị T đảm bảo đúng thời hạn. Căn cứ Điều 273, Điều 276 Bộ luật Tố tụng dân sự, kháng cáo của ông M, bà T được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[1.2]. Về sự có mặt, vắng mặt của các đương sự: Tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo là bà Lương Thị T mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần 02 nhưng vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, đồng thời bà T cũng không có văn bản đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia phiên tòa, được coi như từ bỏ việc kháng cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự; mặt khác, các đương sự có kháng cáo là vợ chồng và đều kháng cáo về cùng nội dung nên việc bà T vắng mặt không làm thay đổi bản chất vụ án khi Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục tiến hành xét xử đối với kháng cáo của ông M nên Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bà T.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND huyện TT, UBND xã TĐ vắng mặt nhưng không có kháng cáo và đã được triệu tập hợp lệ 02 lần, căn cứ quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, HĐXX tiến hành xét xử vắng mặt họ.

[2] Xét kháng cáo của ông Đỗ Văn M, HĐXX thấy:

[2.1] Cụ Lương Thế N (chết năm 1980) và cụ Bùi Thị P (chết năm 2007) là vợ chồng. Trước đây, hai cụ tạo lập được thửa đất ngoài bờ sông thuộc thôn LT, xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa và cả gia đình sinh sống trên thửa đất này. Theo trình bày của ông X, bà L thì năm 1984, theo chủ trương của Nhà nước về việc di dân từ vùng lũ lụt vào vùng an toàn để xây dựng đê chống lũ thì gia đình cụ P được cấp đổi vào mảnh đất thuộc khu vực Bái Đấu (nay là thửa đất số 760, tờ bản đồ số 03), địa chỉ tại thôn TA, xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa, với diện tích đất 1.399m2. Khi chuyển vào Bái Đấu ở thì có gia đình ông M, bà T vào ở cùng cụ P. Thửa đất của hai cụ ngoài bờ sông đã được UBND xã LT kết hợp cùng HTX LT thu hồi, cắt bù cho gia đình ông Lương Văn L 247m2 do lấy 01 phần đất để làm đê chống lũ, diện tích đất còn lại HTX đã ký hợp đồng cho ông Lương Văn L đấu thầu canh tác.

[2.2] Theo trình bày của UBND xã TĐ và người làm chứng gồm: bà Lưu Thị V1, bà Phạm Thị L1, bà Trịnh Thị H3, cụ Lê Thị H1 thì đúng là có sự kiện lũ lụt vào thời điểm 1984 - 1985 và năm 1986 có việc di dân (những hộ ngoài bờ sông), trong đó có gia đình cụ P và HTX đã cấp đất cho các hộ dân bị di dời, trong đó có gia đình của cụ P; còn đất ngoài sông trước đây vợ chồng cụ P, cụ N ở thì để cho gia đình ông L, bà Hoa do gia đình ông L phải lấy đất để đắp đê lụt; phần diện tích còn lại của gia đình cụ P thì sau này gia đình ông L đấu thầu.

[2.3] Ông Đỗ Văn M và bà Lương Thị T khẳng định UBND huyện TT cấp GCNQSD đất cho gia đình ông bà là đúng quy định pháp luật, vì năm 1993, ông Trần Đình T (Chủ nhiệm HTX LT) đã cấp đất cho gia đình ông bà. Giấy cấp đất của HTX LT gia đình ông bà đã nộp cho UBND xã TĐ để xin cấp GCNQSD đất và ngày 20/12/2008 gia đình ông bà đã được cấp GCNQSD đất. Ông bà xuất trình “Biên bản kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất” do UBND xã TĐ lập ngày 26/8/1990 để chứng minh thửa đất thuộc quyền sở hữu của mình. Tuy nhiên, Biên bản này là văn bản kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất lập theo Quyết định số 130/UBTT của UBND huyện TT về việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm chế độ quản lý và sử dụng đất đai, không phải là quyết định cấp đất cho gia đình ông M, cũng không phải là văn bản xác định quyền sử dụng đất của hộ ông M. Ngoài ra, HTX không thực hiện việc giao đất cho ông Đỗ Văn M vì thời điểm đó ông M không có hộ khẩu tại thôn TA, xã TĐ, huyện TT mà ông M chỉ ở rể ở nhà cụ P. Ngoài ra, tại đơn xin cấp GCNQSD đất năm 2008, ông M1 ghi đất có nguồn gốc của bố mẹ để lại. Vậy, việc ông M bà T được UBND huyện TT cấp GCNQSD đất đối với thửa đất của cụ P là không đúng quy định của pháp luật.

[2.4] Hơn nữa, tại “Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai” ngày 06/10/2021 của UBND xã TĐ, ông M bà T đều thừa nhận là đất của cụ P để lại cho ông bà. Tại biên bản này, bà T thừa nhận: “…Đất của bà P để lại đã cho tôi. Khi mẹ tôi còn sống được vợ chồng tôi phụng dưỡng lúc tuổi già. Đất của bà P cho tôi, tôi có quyền sử dụng, tôi không nhất trí chia cho ai”; ông M thừa nhận:“…Năm 1983 ông M kết hôn với bà T, cụ P ở một mình, ông M có ở rể để nuôi mẹ già và cùng bà T làm ăn sinh sống tại thôn TA, cụ P có cho ông M và bà T đất”. Như vậy, việc ông M, bà T thừa nhận đất là của cụ P phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác thu thập có trong hồ sơ vụ án. Ông M, bà T trình bày nguồn gốc đất là của gia đình ông bà được HTX cấp vì thời điểm đó ông M đã có hộ khẩu ở thôn TA, xã TĐ, huyện TT nhưng không cung cấp được giấy cấp đất của HTX. Hồ sơ cấp GCNQSD đất cho ông M, bà T không có tài liệu, văn bản nào thể hiện ông M, bà T có Giấy giao đất, cấp đất hoặc có các giấy tờ hợp pháp về việc được chuyển nhượng, tặng cho... nhưng UBND huyện TT đã làm thủ tục cấp GCNQSD đất cho ông Đỗ Văn M và bà Lương Thị T dựa trên đề nghị của ông M với nguồn gốc đất “do bố mẹ để lại” là không đúng với thực tế và trái quy định của pháp luật.

[2.5] Theo lời khai của bà Phạm Thị T1 (Chủ tịch UBND xã TĐ từ năm 1969 đến năm 1989), ông Lê Văn Đ (Chủ nhiệm HTX LT từ năm 1982 đến năm 1984), ông Trần Văn Ứ (Cán bộ quản lý ruộng đất), những hộ dân cùng di chuyển vào khu vực Bái Đấu ở cùng cụ P; căn cứ vào hợp đồng đấu thầu giữa UBND xã TĐ với gia đình ông Lương Văn L đối với thửa đất của cụ P ngoài bờ sông (sau khi cụ P chuyển vào khu vực Bái Đấu ở) và xác nhận của UBND xã TĐ thì năm 1984 sau khi xảy ra lũ lụt, UBND xã TĐ và HTX LT đã có chủ trương di dân từ vùng lũ lụt vào vùng an toàn là có thật trên thực tế, trong đó có hộ cụ Bùi Thị P.

Cụ N, cụ P có thửa đất bên ngoài bờ sông nên khi di dân vào khu vực Bái Đấu mới được cấp đổi diện tích đất hiện nay đang tranh chấp. Phần đất ngoài bờ sông đã được HTX thu hồi và bồi thường một phần cho hộ gia đình khác và một phần cho đấu thầu, cụ P không còn đất ngoài đê. Do đó, có căn cứ xác định nguồn gốc thửa đất số 760 là của gia đình cụ P và là di sản thừa kế do bố mẹ ông X, bà L, bà T để lại.

Ngày 30/12/2008, ông Đỗ Văn M đã tự ý kê khai sang tên thửa đất trên và đã được UBND huyện TT cấp GCNQSD đất mang tên ông M, bà T. Ngày 29/11/2021, UBND xã TĐ lập biên bản họp tiếp công dân để hòa giải sau khi nhận đơn khiếu nại của ông Lương Văn X. Tại buổi hòa giải, ông X, bà L, vợ chồng ông M, bà T và UBND xã TĐ đều khẳng định thửa đất số 760, tờ bản đồ số 03, địa chỉ thôn TA, xã TĐ, huyện TT, tỉnh Thanh Hóa, có diện tích 1399m2 có nguồn gốc của cụ P. Với các lập luận từ mục [2.1] đến [2.4] nêu trên, có căn cứ xác định việc UBND huyện TT cấp GCNQSD đất là không đúng quy định pháp luật nên Toà án cấp sơ thẩm hủy quyết định cấp GCNQSD đất và huỷ GCNQSD đất là đúng phù hợp quy định pháp luật.

[2.6] Về yêu cầu chia thừa kế:

[2.6.1] Về thời điểm mở thừa kế: Cụ Lương Thế N chết ngày 10/10/1980.

Căn cứ Điều 149, Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015; Pháp lệnh thừa kế năm 1990Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì thời hiệu chia di sản thừa kế của cụ N đã hết. Do đó, theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 phần di sản thừa kế của cụ N sẽ thuộc về người đang quản lý di sản. Từ năm 2007 (sau khi cụ P chết) gia đình ông M, bà T quản lý nhà đất này để trồng trọt, canh tác. Toà án cấp sơ thẩm giao cho bà Lương Thị T được hưởng phần di sản của cụ N để lại là ½ khối tài sản chung của cụ N và cụ P, cụ thể là 738,55m2 đất (trong đó có 250m2 đất ở; 488,55m2 đất trồng cây lâu năm), thuộc thửa số 760 trị giá 408.305.000 đồng là đã đảm bảo quyền lợi cho gia đình bà T, ông M.

Cụ Bùi Thị P chết năm 2007. Ngày 17/11/2022, ông Lương Văn X khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ P để lại là còn thời hiệu theo quy định tại Điều 623, Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[2.6.2] Di sản của cụ Bùi Thị P để lại là ½ khối tài sản chung của cụ N và cụ P, cụ thể là 738,55m2 (trong đó 250m2 đất ở; 488,55m2 đất trồng cây lâu năm) trị giá 408.305.000 đồng.

[2.6.3] Về trích chia công sức: Ông Đỗ Văn M và bà Lương Thị T có thời gian trông coi, bảo quản thửa đất từ năm 2007 (sau khi cụ P chết). Toà án sơ thẩm xác định ông M, bà T có công trong việc quản lý, giữ gìn di sản, nên trích một phần tài sản trong khối di sản của cụ P để lại cho ông M, bà T là 100m2 đất (trong đó đất ở 33,85m2; 66,15m2 đất trồng cây lâu năm), trị giá 55.284.000 đồng là phù hợp.

[2.6.4] Xác định người được hưởng di sản thừa kế của cụ P: Cụ P chết không để lại di chúc, nên di sản của cụ để lại được chia theo quy định pháp luật. Cụ P có 04 người con, gồm bà Lương Thị G (chết ngày 16/3/1989, không có con), ông Lương Văn X, bà Lương Thị T và bà Lương Thị L. Hiện nay cha mẹ và chồng của cụ P không còn, nên xác định các con của cụ (trừ bà G) thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được quyền hưởng di sản thừa kế của cụ P để lại.

[2.6.5] Về phân chia di sản: Di sản của cụ P để lại sau khi trích chia công sức cho ông M, bà T còn 638,55m2 đất (trong đó 216,15m2 đất ở; 422,4m2 đất trồng cây lâu năm) trị giá 353.020.000 đồng, được chia đều cho các đồng thừa kế của cụ. Các đồng thừa kế đều có nguyện vọng được sử dụng đất nhận hiện vật. Ông X và bà L đều thống nhất để tiện cho việc cấp GCNQSD đất và phần đất phân chia được vuông vắn nên tự nguyện lấy phần diện tích đất ít hơn kỷ phần thừa kế mình được chia và tự nguyện để lại cho bà T, không yêu cầu bà T phải trả lại tiền chênh lệch giá trị tài sản. Toà án cấp sơ thẩm căn cứ hiện trạng sử dụng hiện nay và tính đến công năng sử dụng đất nên đã chia diện tích 638,55m2 đất (trong đó 216,15m2 đất ở; 422,4m2 đất trồng cây lâu năm) thành 03 kỷ phần, mỗi kỷ phần tương ứng 212,85m2 đất (trong đó có 72,05m2 đất ở; 140,8m2 đất trồng cây lâu năm), trị giá 117.673.000 đồng, mỗi người được hưởng 01 kỷ phần là phù hợp và đã đảm bảo quyền lợi của các đồng thừa kế.

Phần ông Đỗ Văn M và bà Lương Thị T được hưởng gồm: 738,55m2 đất trị giá 408.305.000 đồng; trích công sức 100m2 đất trị giá 55.284.000 đồng; kỷ phần thừa kế của bà T được hưởng của cụ Bùi Thị P 212,85m2 trị giá 117.673.000 đồng; phần diện tích đất trồng cây lâu năm 3,9m2 do ông X và bà L tự nguyện để lại. Tổng cộng là 1.055,3m2 đất trị giá 581.328.000 đồng. Vị trí phần đất được chia có sơ đồ kèm theo bản án sơ thẩm.

Phần ông Lương Văn X và bà Lương Thị L mỗi người được hưởng một kỷ phần thừa kế bằng 212,85m2 đất trị giá 117.673.000 đồng, thực tế phần đất ông X được chia là 212,7m2 trị giá 117.671.000 đồng; bà L được chia 209,1m2 trị giá 117.609.000 đồng là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của ông X và bà L. Vị trí phần đất được chia có sơ đồ kèm theo bản án sơ thẩm.

[2.6.6] Đối với tài sản trên đất: Phần đất ông X và bà L được chia có 01 giếng nước và một số cây trồng của gia đình ông M, bà T. Vì vậy, ông X và bà L phải có trách nhiệm thanh toán lại giá trị tài sản theo kết quả định giá cho ông M, bà T là đúng quy định.

[3] Với các căn cứ nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm, không phát sinh tình tiết mới, nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông Đỗ Văn M, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

[4] Về án phí: Mặc dù kháng cáo không được chấp nhận nhưng ông Đỗ Văn M là người cao tuổi và có đơn xin miễn án phí, căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng xét xử miễn án phí dân phúc thẩm cho ông M.

Xét bà Lương Thị T là người cao tuổi và có đơn xin miễn án phí, Tòa án cấp sơ thẩm không buộc bà Lương Thị T phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên Hội đồng xét xử không đề cập xử lý.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 148; điểm d khoản 1 Điều 289; khoản 3 Điều 296;

khoản 1, khoản 5 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị đơn là bà Lương Thị T.

2. Không chấp nhận kháng cáo của ông Đỗ Văn M. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2024/DS-ST ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá.

3. Về án phí phúc thẩm: Miễn án phí phúc thẩm cho ông Đỗ Văn M.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

30
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về yêu cầu hủy quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 541/2024/DS-PT

Số hiệu:541/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 30/09/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: [email protected]
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;