Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 103/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 103/2021/DS-PT NGÀY 10/06/2021 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 10 tháng 6 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 59/2021/TLPT-DS ngày 07 tháng 4 năm 2021 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do bản án dân sự sơ thẩm số: 36/2020/DS-ST ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện VT, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 73/2021/QĐ-PT ngày 07 tháng 5 năm 2021 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

1.1. Bà T1, sinh năm 1964. (Có đơn xin vắng mặt)

1.2. Ông T2, sinh năm 1965. (Có mặt)

1.3. Ông T3, sinh năm 1967 (Có mặt)

Cùng địa chỉ: Xã P, huyện VT, tỉnh Kiên Giang.

2. Bị đơn:

2.1. Ông E, sinh năm 1957. (Vắng mặt)

2.2. Ông Q, sinh năm: 1963. (Vắng mặt)

2.3. Ông B, sinh năm 1966. (Vắng mặt)

2.4. Ông P. (Vắng mặt)

2.5. Ông B2, sinh năm 1982. (Vắng mặt)

Cùng địa chỉ: Xã P, huyện VT, tỉnh Kiên Giang;

2.6. Ông L, sinh năm 1985. (Vắng mặt)

Địa chỉ: Thị trấn VT, huyện VT, tỉnh Kiên Giang;

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ủy ban nhân dân xã P. (Vắng mặt) Địa chỉ trụ sở: xã P, huyện VT, tỉnh Kiên Giang;

3.2. Ông Đ, sinh năm 1973. (Vắng mặt). Địa chỉ: Xã P, huyện VT, tỉnh Kiên Giang;

3.3. Ông H1, sinh năm 1970. (Vắng mặt). Địa chỉ: Xã P, huyện VT, tỉnh Kiên Giang;

3.4. Ông D, sinh năm 1967. (Vắng mặt) Địa chỉ: xã P, huyện VT, tỉnh Kiên Giang;

3.5. Ông H2, sinh năm 1974. (Vắng mặt). Địa chỉ: Xã P, huyện VT, tỉnh Kiên Giang;

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn ông T2, ông T3.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo lời khai của các đồng nguyên đơn:

1. Ông T2, bà T1 trình bày:

Tháng 02/2018 (âm lịch) ông E, ông Q, ông B1, ông P, ông L cuốc vuông nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch. Phần diện tích đất ruộng của ông T2 giáp ranh đất vuông tôm của ông E, ông Q, ông B1, ông P, ông L, đất ông T2 cho thuê để xạ lúa 02 vụ mỗi năm. Khi cuốc vuông nuôi tôm thì các bị đơn không làm đường thoát nước, nên khi bơm nước mặn vào vuông nuôi tôm thì bị tràn qua đất của ông T2.

Trong khi đất của ông T2 dùng để sản xuất lúa nên khi nước mặn tràn qua với độ mặn từ 17- 20, nước mặn ngấm vào đất làm đất bị nhiễm mặn, nên ông T2 không thể cho mướn đất để xạ lúa trong 02 năm 2018 - 2019. Từ đó, làm thiệt hại đến quyền lợi của ông, nên ông yêu cầu các bị đơn bồi thường thiệt hại. Cụ thể ông T2, bà T1 yêu cầu ông B1, ông Q, ông E, ông P, ông L phải bồi thường thiệt hại cho ông, bà với số tiền là 190.128.000 đồng/46,6 công đất tầm 3m trong năm 2018 và năm 2019.

Yêu cầu căn cứ vào diện tích đất thực tế mỗi bị đơn sử dụng giáp ranh để tính ra số tiền mỗi người phải bồi thường thiệt hại cho ông, bà.

Ông T2 xác định phần đất của ông P cho ông H1 thuê, hiện ông H1 đang canh tác đất. Ông T2 xác định ông chỉ yêu cầu ông P bồi thường thiệt hại, do ông H1 không gây ra thiệt hại cho ông nên không yêu cầu.

2. Ông T3 trình bày:

Ông T3 có 02 thửa đất gồm: Thửa 5 công tầm 3m giáp ranh đất với đất ông B2 và ông E; thửa 2,5 công tầm 3m giáp với đất của ông B1.

Tháng 02/2018 (âm lịch) ông B2 và ông E, ông B1 cuốc vuông nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch. Phần diện tích đất ruộng của ông T3 giáp ranh đất vuông tôm của ông B2, ông E và ông B1, đất ông T3 thì ông xạ lúa 02 vụ mỗi năm. Khi cuốc vuông nuôi tôm thì ông B2, ông E, ông B1 không làm đường thoát nước nên khi bơm nước mặn vào vuông bị tràn qua đất của ông T3. Trong khi đất của ông T3 dùng để sản xuất lúa, nên khi nước mặn tràn qua với độ mặn từ 17- 20, nước mặn ngấm vào làm đất bị nhiễm mặn nên không xạ lúa được. Từ đó làm thiệt hại nên yêu cầu ông B2, ông E, ông B1 bồi thường thiệt hại. Cụ thể:

+ Phần đất 2,5 công: Ông T3 yêu cầu ông B1 bồi thường thiệt hại cho ông với số tiền là 25.000.000 đồng/2,5 công đất/02 vụ trong 02 năm 2018 và năm 2019.

+ Phần đất 5 công: Ông T3 yêu cầu ông B2, ông E bồi thường thiệt hại cho ông số tiền là 50.000.000 đồng/05 công đất/02 vụ trong 02 năm 2018 và năm 2019.

Yêu cầu căn cứ vào diện tích đất thực tế mỗi bị đơn sử dụng giáp ranh để tính ra số tiền mỗi người phải bồi thường thiệt hại cho ông.

Theo lời khai của các đồng bị đơn:

1. Ông B2, ông E, L trình bày:

Các ông có diện tích đất tọa lạc tại xã P, huyện VT, tỉnh Kiên Giang. Từ trước đến nay các ông canh tác 02 vụ lúa mỗi năm, đến tháng 12/2017 chính quyền địa phương phát động chuyển đổi mô hình kinh tế, động viên khuyến khích nông dân chuyển từ trồng 02 vụ lúa sang trồng 01 vụ lúa, nuôi 01 vụ tôm. Thấy mọi người ai cũng cuốc vuông nên ông B2, ông L, ông E cũng cuốc vuông nuôi tôm, giáp ranh đất của các ông thì có diện tích đất của ông T2, ông T3. Khi các ông cuốc vuông thì không ai ngăn cản và đại diện chính quyền địa phương là ông Đấu thống nhất cho các ông múc vuông. Việc ông B2, ông L, ông E cuốc vuông là do sự động viên của chính quyền địa phương, các ông không tự phát nuôi tôm, khi cuốc vuông các phần đất ngoài Cống Ông Cả chạy vào mọi người đã cuốc vuông nuôi tôm hết, phần đất của các ông ở trong nên bắt buộc các ông phải cuốc vuông để nuôi tôm cho đồng loạt. Trước khi múc vuông thì các ông có tiến hành trao đổi trực tiếp với ông T2 và bà T1 để đổi đường nước để ông T2 canh tác vì ông T2 cũng muốn nuôi tôm, nhưng do không thỏa thuận được đường nước nên ông T2 không múc vuông nữa. Khi chuẩn bị cuốc vuông các ông có nói thì bà T1 xác định ông T2 không đồng ý đổi đất và kêu các ông cuốc vuông trước nên các ông đã tiến hành cuốc đất làm vuông.

Do ông T2 và ông T3 tự bỏ đất không canh tác, nay yêu cầu bồi thường nên các ông không đồng ý.

2. Ông B trình bày: Ông có phần đất tọa lạc tại xã P. Từ trước đến nay ông sống bằng nghề trồng lúa, cho đến tháng 12/2017 thì chính quyền địa phương phát động chuyển đổi kinh tế, động viên, khuyến khích nông dân chuyển đổi mô hình từ trồng 02 vụ lúa sang trồng 01 vụ lúa, nuôi 01 vụ tôm. Thấy xung quanh mọi người đều thống nhất đồng lòng cuốc vuông nên ông cũng cuốc luôn phần đất của ông. Trong quá trình cuốc vuông thì chính quyền địa phương đồng ý và ông T3, ông T2 cũng không có ngăn cản.

Giáp ranh đất là phần đất diện tích trên 02 công của ông T3. Đối với phần đất giáp với ông T2, trước khi cuốc vuông thì giữa ông T2 và ông Q có trao đổi về việc đổi đất làm đường nước nhưng không thành. Sau đó UBND xã P có tiến hành hòa giải thì phía ông T2 ra giá mướn đất là 3.000.000 đồng/công/năm, nhưng ông và các bị đơn khác không đồng ý mà chỉ muốn thuê với giá 2.000.000 đồng/công/năm.

Nay ông T2 và ông T3 yêu cầu bồi thường thì ông không đồng ý. Do ông nuôi tôm không phải tự phát, mà thực hiện theo chủ trương của chính quyền địa phương.

3. Ông Q trình bày: Vào khoảng tháng 12/2017 chính quyền địa phương có vận động cho ông và bà con nông dân nuôi 01 vụ tôm và trồng 01 vụ lúa. Sau khi được vận động ông và một số bà con chuyển đổi sang phương thức canh tác tôm - lúa. Trước khi bắt đầu chuẩn bị nuôi tôm, ông có đến gia đình ông T2 bàn bạc để trao đổi đất cho ông T2 làm đường nước nhưng ông T2 không đồng ý, ông T2 nói “Nếu bán thì ông T2 mua chứ đổi đất thì ông T2 không đổi”, gia đình ông đông con mà diện tích đất lại ít nên ông không thể nào bán đất cho ông T2. Bên cạnh đó các hộ lân cận phần đất của ông T2 và ông có trao đổi với ông T2 là mướn toàn bộ đất của ông T2 để canh tác, nhưng ông T2 cũng không chịu. Nay ông T2 yêu cầu bồi thường thì ông không đồng ý.

4. Ông P vắng mặt và không trình bày lời khai.

Theo lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân xã P có ý kiến: Theo quy hoạch hàng năm thì UBND xã có chủ trương để quy hoạch nuôi tôm ở khu vực xã P thuộc huyện VT. Quá trình thực hiện chưa chặt chẽ giữa ấp và UBND xã là chưa có biên bản họp dân, mà ấp chỉ báo miệng với UBND xã là đã họp dân và đã thống nhất cuốc vuông hết, UBND xã tin tưởng ấp là đã họp tất cả những người dân lại nên UBND trình Hội đồng nhân dân xã và đồng chí Chủ tịch xã đã cho chủ trương, nên các hộ trong ấp múc vuông thì xảy ra tranh chấp giữa các bị đơn với ông T2 và ông T3. Hội đồng nhân dân xã chưa có nghị quyết để chuyển đổi 01 vụ tôm 01 vụ lúa, nhưng trước đó đã có chủ trương và hơn 90% người dân ở đó đã tiến hành múc vuông nuôi tôm. Năm 2018 chưa thông qua được với Hội đồng nhân dân, nhưng đến năm 2019 đã thông qua Hội đồng nhân dân nên phần đất này đã quy hoạch chuyển đổi 01 vụ tôm 01 vụ lúa. Nay hai bên nên thỏa thuận các bị đơn nên hỗ trợ cho ông T3 và ông T2 một phần để cải tạo đất và thỏa thuận đường nước để canh tác cho thuận tiện.

2. Ông Đ trình bày: Tại thời điểm tháng 02/2018 thì phần đất ở các hộ đang tranh chấp là đất nông nghiệp 02 vụ lúa nên không bị nhiễm mặn. Sau đó các hộ dân khu vực đó gồm ông B1, ông E, ông B2, ông P, ông L và một số hộ khác thống nhất múc vuông nuôi tôm thì có đến trình báo chính quyền địa phương, nên chính quyền địa phương có liên hệ thì ông T2 trình bày là ai nuôi tôm thì ông cũng nuôi, còn ông T3 thì chưa trao đổi được. Do các hộ ở khu vực đó đều thống nhất nuôi tôm, còn đất của ông T2 và ông T3 không có đường nước và khi múc vuông cũng không thỏa thuận được đường nước, nên ông T2 và ông T3 không tiến hành múc vuông nuôi tôm được. Ông T2 và ông Q có 02 phần đất giáp nhau và có thỏa thuận đổi đất làm đường nước nhưng ông T2 không chịu, nên khi các bị đơn bơm nước thì đất của ông T2, ông T3 bị nhiễm mặn.

3. Ông D trình bày: Vào năm 2017 chính quyền địa phương có chính sách múc vuông nuôi tôm ở khu vực ấp Vĩnh Tây 1, ông có 01 phần đất khoảng 12.000 m2 giáp ranh đất của ông T2, cuối năm 2017 thì người dân đồng loạt nuôi tôm nhưng ông T2, ông T3 không múc vuông do không thỏa thuận được đường nước. Phần vuông của ông múc xong giáp ranh với đất ông T2, nhưng phía ông T2 không múc vuông nên ông không tiến hành nuôi tôm, ông bỏ đất trống đến tháng 5/2019 thì được quy hoạch nuôi tôm nên ông mới bơm nước. Ông xác định việc tranh chấp giữa ông T2 với các bị đơn không liên quan đến ông.

4. Ông H2 trình bày: Vào tháng 12/2017 chính quyền địa phương có chính sách múc vuông nuôi tôm ở khu vực ấp Vĩnh Tây 1, ông có diện tích 5,5 công đất giáp với đất của ông T2, khi mọi người múc vuông thì ông cũng múc vuông nhưng ông T2 không múc vuông nên ông cũng để trống, đến tháng 7/2019 thì ông mới tiến hành nuôi tôm đến nay. Ông Hiền xác định việc tranh chấp giữa ông T2 với các bị đơn không liên quan đến ông.

5. Ông H1 trình bày: Ông H1 có thuê phần đất khoảng 09 công của ông P từ khoảng tháng 01/2018 đến 01/2021 là hết hạn hợp đồng. Trước khi ông H1 thỏa thuận thuê đất thì phần đất của ông P đã múc vuông nhưng ông P không nuôi mà cho ông H1 thuê nuôi tôm từ đó cho đến nay. Phần đất của ông H1 thuê của ông P giáp ranh với đất của ông T2. Việc đất của ông T2 bị thiệt hại ông H1 không biết và không có liên quan gì trong vụ kiện này và không có yêu cầu gì trong vụ kiện này.

* Tại bản án dân sự số: 36/2020/DS-ST ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện VT, tỉnh Kiên Giang quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T2, bà T1 đối với ông B1, ông E, ông Q, ông L;

Buộc ông E phải bồi thường cho ông T2, bà T1 số tiền 10.802.720 đồng; Ông Q phải bồi thường cho ông T2, bà T1 số tiền 13.503.400 đồng; Ông L phải bồi thường cho ông T2, bà T1 số tiền 3.780.952 đồng; Ông B1 phải bồi thường cho ông T2, bà T1 số tiền 15.123.808 đồng.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T3 đối với ông B2, ông E; Buộc ông E có trách nhiệm bồi thường cho ông T3 số tiền 5.556.000 đồng, ông B2 có trách nhiệm bồi thường cho ông T3 số tiền 6.945.000 đồng.

3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T2, bà T1 đối với ông B1, ông E, ông Q, ông L, ông P về yêu cầu bồi thường số tiền 142.596.000 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T3 đối với ông B2, ông E với số tiền 37.500.000 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T3 đối với ông B1 với số tiền 25.000.000 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo theo quy định.

* Ngày 11/12/2020, nguyên đơn ông T2, ông T3 kháng cáo với nội dung:

- Ông T3 yêu cầu ông B1 bồi thường số tiền 25.000.000 đồng; Yêu cầu ông E và ông B2 bồi thường số tiền là 50.000.000 đồng.

- Ông T2 yêu cầu ông Q, ông B1, ông E, ông P, ông L bồi thường 02 năm bị thiệt hại với số tiền là 190.128.000 đồng (cụ thể: Mỗi năm 2018, 2019 02 vụ lúa với số tiền là 95.064.000 đồng/năm).

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn trình bày:

+ Ông T3 xác định lại yêu cầu khởi kiện với tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 75.000.000 đồng (2 năm, 4 vụ).

+ Ông T2 yêu cầu ông B1, ông Q, ông E, ông P, ông L phải bồi thường thiệt hại cho ông với số tiền là 190.128.000 đồng/46,6 công đất tầm 3m (2 năm, 4 vụ).

- Phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa: Về việc tuân theo thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử ở giai đoạn phúc thẩm là đúng quy định pháp luật;

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của nguyên đơn ông T2, ông T3. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số: 36/2020/DS-ST ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện VT, tỉnh Kiên Giang. Theo hướng, buộc ông B1 bồi thường thiệt hại cho ông T3 và ông P phải bồi thường thiệt hại cho ông T2.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt. Căn cứ vào Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử quyết định xét xử theo quy định.

[2] Nội dung vụ án như sau:

Phần đất của ông T2 có diện tích là 46,6 công và giáp ranh với đất của ông E (20 công), ông Q (25 công), ông B (28 công), ông P (08 công) và ông L (07 công);

Phần đất của ông T3 có 02 thửa: 01 thửa có diện tích 05 công tầm 3m thì giáp ranh với đất của ông B2 và ông E; 01 thửa có diện tích 2,5 công tầm 3m thì giáp ranh với đất của ông B.

Vào tháng 12/2017 chính quyền địa phương (ấp, xã) vận động chuyển đổi từ hình thức canh tác 02 vụ lúa sang hình thức 01 vụ lúa 01 vụ tôm. Tuy nhiên, chưa có văn bản chính thức về việc này. Phần đất của ông T2 bị vây bọc bởi đất của ông E, ông Q, ông B1, ông P và ông L. Trước khi chuyển đổi sang hình thức nuôi tôm thì các bị đơn này có thỏa thuận với ông T2 để có đường dẫn nước mặn, nhưng các bên không thỏa thuận được. Vì vậy, khi các bị đơn cuốc vuông (đào đất để làm vuông nuôi tôm) thì không có đường nước, nên khi bơm nước mặn vào các vuông nuôi tôm thì nước bị tràn (do không có đường dẫn – thoát nước). Theo đó, đất của ông T2, ông T3 bị nhiễm mặn 17-20‰ (Biên bản ngày 24/6/2018 của Phòng tài nguyên môi trường huyện VT) và tại Công văn số 18/CV-NN ngày 20/6/2019 của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện VT (Bút lục 166) cũng khẳng định với độ mặn như trên thì không thể trồng lúa được. Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ ghi nhận phần đất của ông T2, ông T3 chỉ giáp ranh với các bị đơn và không giáp với nguồn nước nào khác. Theo Công văn số 223/UBND, ngày 30/9/219 của UBND xã P xác định các bị đơn múc vuông nuôi tôm là theo chủ trương của chính quyền địa phương.

Đến ngày 06/12/2017 UBND huyện VT có Quyết định số 2815/QĐ-UBND quy định về việc mở rộng quy hoạch nuôi 01 vụ tôm, 01 vụ lúa (Bút lục 170) trên địa bàn xã P, huyện VT, tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2017-2020 (Năm 2019: diện tích 168 ha, năm 2020: diện tích 100 ha). Như vậy, trên địa bàn có đất của các nguyên đơn, bị đơn đều thuộc diện quy hoạch.

[3] Xét thấy, mặc dù theo chủ trương vận động của chính quyền địa phương nhưng tại thời điểm đầu năm 2018 phần đất này chưa được chuyển đổi quy hoạch, các bị đơn cuốc vuông nuôi tôm nhưng không làm mương dẫn – thoát nước mặn, cũng như không có biện pháp an toàn nào khác, nên khi bơm nước mặn vào vuông đã bị tràn và ngấm sang các phần đất giáp ranh, trong khi đất của ông T2 và ông T3 được sử dụng trồng lúa, nên đã gây thiệt hại cho ông T2 và ông T3. Đối với việc Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào biên bản đo độ mặn ngày 14/6/2018 xác định độ mặn là 17-20‰ và mức thiệt hại do nguyên đơn đưa ra nhưng phía bị đơn đồng ý và không có phản đối, nên được làm cơ sở giải quyết vụ án là phù hợp. Vì vậy, cấp sơ thẩm buộc các bị đơn bồi thường thiệt hại cho ông T2 và ông T3 là có căn cứ.

[4] Nhận thấy, sau khi thu hoạch xong vụ lúa thứ nhất của năm 2018, ông T2, ông T3 không thực hiện việc cải tạo lại đất để canh tác lúa thứ 2 mà để đất trống không sử dụng vào mục đích gì; từ vụ lúa thứ 2 (của năm 2018) các bị đơn không bơm nước mặn và cũng không có cơ sở xác định độ mặn tại thời điểm này. Hơn nữa ông T2, ông T3 không chứng minh được thiệt hại tại vụ lúa thứ 2 là vì nguyên nhân gì và không chứng minh được thiệt hại ở mức độ như thế nào. Mặt khác, từ năm 2019 thì phần đất đã nằm trong quy hoạch chuyển sang nuôi tôm, theo đó các hộ dân phải thực hiện theo chủ trương của Nhà nước. Vì vậy, năm 2019 các bị đơn nuôi tôm là hoàn toàn không có lỗi. Mặt khác, phần đất của ông T2 ông T3 nằm trong vùng quy hoạch, nhưng từ năm 2019 ông T2, ông T3 không thực hiện chủ trương theo Quyết định của UBND huyện là có phần làm ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch chung. Vì vậy, cấp sơ thẩm không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở.

[5] Từ nhận định nêu trên, xét kháng cáo của ông T2, ông T3 là không có cơ sở chấp nhận toàn bộ. Theo đó:

[5.1] Thiệt hại của ông T2 tại vụ lúa thứ nhất năm 2018 được cấp sơ thẩm tính thiệt hại là 47.532.000 đồng (thu hoạch 02 vụ/năm là 95.064.000 đồng, nên 01 vụ là 47.532.000 đồng). Từ đó, mỗi bị đơn có nghĩa vụ bồi thường số tiền tương đương với diện tích đất sử dụng. Như vậy, ông E bồi thường số tiền là 10.802.720 đồng (540.136 đồng x 20 công); Ông Q bồi thường số tiền là 13.503.400 đồng (540.136 đồng x 25 công); Ông L bồi thường với số tiền là 3.780.952 đồng (540.136 đồng x 7 công); Ông B1 bồi thường với số tiền là 15.123.808 đồng (540.136 đồng x 28 công).

Riêng phần kháng cáo của ông T2 đối với ông P, tại thời điểm tháng 01/2018 ông P có múc vuông, sau đó thì cho ông H1 thuê đất để sử dụng. Xét thấy, mục đích múc vuông của ông P là để nuôi tôm và thực tế ông H1 thuê đất và được sử dụng để nuôi tôm. Vì vậy, việc nuôi tôm có gây thiệt hại thì ông P là chủ sử dụng đất phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông T2. Phần đất của ông P có 8 công đất giáp với đất của ông T2, nên ông P phải bồi thường số tiền là 4.321.000 đồng.

[5.2] Thiệt hại của ông T3 tại vụ lúa thứ nhất (của năm 2018) được cấp sơ thẩm xác định thiệt hại tính theo yêu cầu của ông T3 là 2.500.000 đồng/công x 5 công tầm 3m = 12.500.000 đồng. Theo đó, ông E, ông B2 có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại 01 vụ lúa của năm 2018 (vụ đầu năm). Tổng diện tích đất của ông E và ông B2 là 45 công, do đó thiệt hại được tính tương đương trên mỗi công đất là 277.777 đồng (12.500.000 đồng/45 công), cụ thể như sau: Ông E bồi thường với số tiền là 5.556.000 đồng (20 công x 277.777 đồng); Ông B2 bồi thường với số tiền là 6.944.000 đồng (25 công x 277.777 đồng).

Riêng phần kháng cáo của ông T3 đối với ông B1 như sau: Ông B1 có phần đất diện tích 12 công, giáp với đất có diện tích 2,5 công của ông T3. Cấp sơ thẩm nhận định theo lời khai của ông Lê Văn Ghi từ tháng 8/2018 ông T3 cho ông Ghi mượn đất sử dụng nhưng lại không chấp nhận yêu cầu của ông T3 là chưa phù hợp. Bởi lẽ, vào thời điểm ông Ghi mượn đất ông T3 sử dụng là vụ lúa thứ 2 của năm 2018, trong khi ông T3 yêu cầu ông B1 bồi thường vụ lúa thứ nhất của năm 2018, nên tại thời điểm này ông B1 bơm nước mặn gây thiệt hại thì phải có nghĩa vụ bồi thường theo quy định. Như vậy, ông B1 phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại vụ lúa thứ nhất (của năm 2018) cho ông T3 với số tiền là 3.333.240 đồng (277.777 đồng x 12 công). Vì vậy, có cơ sở chấp nhận một phần kháng cáo của ông T3 đối với ông B1.

[6] Ngoài ra, bị đơn không có kháng cáo, các đương sự không có yêu cầu nào khác, nên HĐXX cấp phúc thẩm không có cơ sở xem xét giải quyết.

[7] Từ những căn cứ nhận định trên, trong thảo luận nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm không có cơ sở chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông T2, ông T3; chấp nhận một phần kháng cáo của ông T3 đối với ông B1 và của ông T2 đối với ông P; Thống nhất đề nghị của Kiểm sát viên về việc sửa bản án sơ thẩm số 36/2020/DS- ST ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện VT, tỉnh Kiên Giang. Theo hướng buộc ông B1 bồi thường thiệt hại cho ông T3, buộc ông P bồi thường thiệt hại cho ông T2.

[8] Về án phí dân sự:

- Án phí dân sự sơ thẩm:

Buộc nguyên đơn ông T2, bà T1 phải nộp số tiền là 7.129.800 đồng (chịu án phí 5% đối với phần yêu cầu không được chấp nhận với số tiền là 142.596.000 đồng (số tiền yêu cầu bồi thường là 190.128.000 đồng, tổng số tiền các bị đơn phải bồi thường là 47.532.000 đồng. Như vậy, số tiền không được chấp nhận là 142.596.000 đồng)). Theo đó, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí là 4.752.000 đồng theo các biên lai thu tạm ứng án phí số 0002191 ngày 06/12/2018; số 0009748 ngày 06/3/2020 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện VT, tỉnh Kiên Giang. Vì vậy, ông T2, bà T1 còn phải nộp thêm số tiền là 2.377.800 đồng;

Buộc nguyên đơn ông T3 phải nộp số tiền là 2.958.000 đồng (chịu án phí 5% đối với phần yêu cầu không được chấp nhận với số tiền là 59.165.760 đồng (số tiền yêu cầu bồi thường là 75.000.000 đồng, tổng số tiền các bị đơn phải bồi thường là 15.834.240 đồng. Như vậy, số tiền không được chấp nhận là 59.165.760 đồng)). Theo đó, được khấu trừ vào tạm ứng án phí với số tiền là 1.873.500 đồng theo các biên lai thu tạm ứng án phí số 0002195 ngày 06/12/2018; số 0002194 ngày 06/12/2018; số 0002253 ngày 03/01/2019; số 0009741 ngày 27/02/2020 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện VT. Theo đó, ông T3 phải nộp thêm số tiền là 1.084.500 đồng.

+ Buộc ông B phải chịu 922.800 đồng;

+ Buộc ông Q phải chịu 675.000 đồng.

+ Buộc ông L phải chịu 300.000 đồng.

+ Buộc ông E phải chịu 817.900 đồng.

+ Buộc ông B2 phải chịu 347.200 đồng.

+ Buộc ông P phải chịu 300.000 đồng.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Do sửa bản án dân sự sơ thẩm nên ông T2, ông T3 được hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Các điều 147, 148, Điều 6, khoản 4 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Áp dụng các điều 287, Điều 585, khoản 2 Điều 589 Bộ luật dân sự 2015;

Chấp nhận một phần kháng cáo của ông T2; Chấp nhận một phần kháng cáo của ông T3.

Sửa bản án sơ thẩm số: 36/2020/DS-ST ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện VT, tỉnh Kiên Giang.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T2, bà T1 đối với ông B1, ông E, ông Q, ông L và ông P.

- Xử buộc: Ông E phải bồi thường cho ông T2, bà T1 số tiền 10.802.720 đồng;

Ông Q bồi thường cho ông T2, bà T1 số tiền 13.503.400 đồng; Ông L phải bồi thường cho ông T2, bà T1 số tiền 3.780.952 đồng; Ông B1 phải bồi thường cho ông T2, bà T1 số tiền 15.123.808 đồng; Ông P phải bồi thường cho ông T2, bà T1 số tiền 4.321.088 đồng.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T3 đối với ông B2, ông E và ông B1.

- Xử buộc: Ông E có trách nhiệm bồi thường cho ông T3 số tiền 5.556.000 đồng;

Ông B2 có trách nhiệm bồi thường cho ông T3 số tiền 6.945.000 đồng;

Ông B1 có trách nhiệm bồi thường cho ông T3 số tiền 3.333.240 đồng.

3. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T2, bà T1 đối với ông B1, ông E, ông Q, ông L và ông P về yêu cầu bồi thường với số tiền là 142.596.000 đồng.

Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T3 đối với ông B2, ông E và ông B1 về yêu cầu bồi thường với số tiền là 59.165.760 đồng.

4. Về án phí:

- Về án phí dân sự sơ thẩm:

Buộc nguyên đơn ông T2, bà T1 phải nộp số tiền là 7.129.800 đồng. Theo đó, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí là 4.752.000 đồng theo các biên lai thu tạm ứng án phí số 0002191 ngày 06/12/2018; số 0009748 ngày 06/3/2020 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện VT, tỉnh Kiên Giang. Vì vậy, ông T2, bà T1 còn phải nộp thêm số tiền là 2.377.800 đồng;

Buộc nguyên đơn ông T3 phải nộp số tiền là 2.958.000 đồng. Theo đó, được khấu trừ vào tạm ứng án phí với số tiền là 1.873.500 đồng theo các biên lai thu tạm ứng án phí số 0002195 ngày 06/12/2018; số 0002194 ngày 06/12/2018; số 0002253 ngày 03/01/2019; số 0009741 ngày 27/02/2020 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện VT. Theo đó, ông T3 phải nộp thêm số tiền là 1.084.500 đồng.

+ Buộc ông B phải chịu 922.800 đồng;

+ Buộc ông Q phải chịu 675.000 đồng.

+ Buộc ông L phải chịu 300.000 đồng.

+ Buộc ông E phải chịu 817.900 đồng.

+ Buộc ông B2 phải chịu 347.200 đồng.

+ Buộc ông P phải chịu 300.000 đồng.

- Về án phí dân sự phúc thẩm:

Hoàn trả cho ông T2 300.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0003949 ngày 28/12/2020 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện VT, tỉnh Kiên Giang.

Hoàn trả cho ông T3 300.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0003944 ngày 23/12/2020 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện VT, tỉnh Kiên Giang.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a, Điều 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

401
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 103/2021/DS-PT

Số hiệu:103/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 10/06/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;