Bản án 16/2023/DS-PT về tranh chấp yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất và hủy văn bản phân chia di sản thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 16/2023/DS-PT NGÀY 27/03/2023 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU CÔNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ HỦY VĂN BẢN PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 27 tháng 3 năm 2023, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 87/2022/TLPT - DS, ngày 08 tháng 12 năm 2022, về tranh chấp yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất và hủy văn bản phân chia di sản thừa kế, do Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2022/TCDS-ST, ngày 27/10/2022 của Toà án nhân dân huyện Bố Trạch bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 674/2023/QĐXX-PT ngày 07 tháng 3 năm 2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Châu Nhật T, sinh năm 1958; nơi cư trú: Thôn 4, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Bình; có mặt;

Người bảo vệ quyền và L ích hợp pháp của nguyên đơn:

Ông Nguyễn Hữu T1 - Luật sư Công ty Luật H, thuộc Đoàn Luật sư H; có mặt;

Ông Nguyễn Danh Huế - Luật sư Công ty Luật H, thuộc Đoàn Luật sư H; vng mặt;

2. Bị đơn: Bà Châu Thị L, sinh năm 1954; nơi cư trú: Tiểu khu 10, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình; có mặt;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Bà Trần Thị A, là Trợ giúp viên pháp lý, thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Bình; có mặt;

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Ủy ban nhân dân thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình;

Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn H - Chủ tịch UBND; đại diện theo ủy quyền ông Hoàng Tiến S - Công chức Tư pháp – Hộ tịch của UBND thị trấn H, có mặt;

+ Bà Châu Thị H, sinh năm 1961 và ông Đỗ Hữu K, sinh năm 1957, cùng cư trú tại Tiểu khu 2, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình; có mặt;

+ Bà Châu Thị M, sinh năm 1965; nơi cư trú: Tiểu khu 10, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình; có mặt;

+ Ông Châu Tiến S, sinh năm 1951; nơi cư trú: Tiểu khu 10, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt;

+ Người đại diện theo ủy quyền của ông Châu Tiến S là ông Châu Mạnh C, sinh năm 1980; nơi cư trú: Tiểu khu 10, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình, có mặt;

+ Bà Châu Thị Ch, sinh năm 1956; nơi cư trú: Ấp 3, xã X, huyện X, tỉnh Đồng Nai, có đơn xin xét xử vắng mặt;

- Người làm chứng:

+ Ông Châu Văn T2, sinh năm 1934; nơi cư trú: Tiểu khu 3, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình;

+ Bà Nguyễn Thị Hồng N, sinh năm 1944; nơi cư trú: Tiểu khu 10, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình;

+ Ông Phạm Hữu T, sinh năm 1943; nơi cư trú: Tiểu khu 6, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình;

+ Bà Nguyễn Thị D; nơi cư trú: Thôn 5, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Bình;

+ Ông Phan Quý Th; nơi cư trú: Thôn 4, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Bình;

+ Ông Nguyễn Văn R, sinh năm 1937; nơi cư trú: Thôn 3 xã T, huyện B, tỉnh Quảng Bình;

+ Ông Phan Văn Kh, sinh năm 1948; nơi cư trú: Thôn 8, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Bình;

+ Ông Hoàng Thanh M, sinh năm 1952; nơi cư trú: Tiểu khu 2, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình;

+ Ông Hoàng Công Ng; nơi cư trú: Tiểu khu 2, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình;

+ Ông Dương D; nơi cư trú: Tiểu khu 2, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình;

Bình;

+ Ông Nguyễn Hữu L; nơi cư trú: Tiểu khu 2, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng

+ Ông Lê Quang T, sinh năm 1950; nơi cư trú: Tiểu khu 2, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình;

+ Bà Trần Thị T, sinh năm1982; nơi cư trú: Tiểu khu 10, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình.

Xét thấy những người làm chứng đã có lời khai đầy đủ tại hồ sơ vụ án, nên Tòa án cấp phúc thẩm không triệu tập đến phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại Đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng, ông Châu Nhật T trình bày:

Năm 1984, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về địa phương, ông gặp ông Nguyễn Đăng B, lúc đó là Chủ tịch hội nông dân và là cán bộ quản lý ruộng đất xã T xin được khai hoang vùng đất phía Bắc của Trường cấp 3 B (nay là Trường THPT Lê Quý Đ) tại Tiểu khu 2, thị trấn H, cạnh nhà cô Nguyễn Thị Hồng N để làm vườn và xây nhà ở. Sau khi được ông B đồng ý và được Chính quyền địa phương chấp nhận, ông đã phát quang và thuê người san lấp mặt bằng, trong đó có ông Phạm Hữu T. Ông đã dùng tất cả của cải tập trung cho việc khai hoang, san lấp đất và xây dựng một ngôi nhà nhỏ, trồng các cây lâu năm để sinh sống và quản lý đất. Một thời gian sau, ông đưa bố mẹ về sống chung để tiện chăm sóc, phụng dưỡng. Sau đó, do tính chất công việc thường xuyên phải đi xa, và bố của ông ốm đau, nên ông quyết định xây dựng một ngôi nhà tạm tại Tiểu khu 10, thị trấn H, ngay sát nhà chị gái là bà Châu Thị L, rồi đưa bố mẹ về đây ở để anh chị em cùng tiện qua lại chăm sóc. Các năm 1994 và 1996, bố mẹ ông lần lượt qua đời. Nhà và đất tại Tiểu khu 2, thị trấn H, ông vẫn thường xuyên qua lại để chăm sóc, trông giữ. Năm 1997, vợ chồng em gái của ông là Châu Thị H và Đỗ Hữu K có xin ông về ở tạm trong ngôi nhà của ông tại khu đất khai hoang, nên ông đã đồng ý để cho vợ chồng em gái về sống tạm và đồng thời trông coi nhà cửa, vườn tược cho ông. Năm 2001, ông xây nhà tại Thôn 4, xã T và đưa vợ con về đây sinh sống. Năm 2002 đến năm 2004, khi chưa có ý kiến gì của ông thì bà Châu Thị H làm đơn xin cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và tách thửa đối với lô đất mà ông đã khai hoang và cho vợ chồng bà H ở nhờ. Ông đã làm đơn gửi đến UBND thị trấn H, yêu cầu dừng việc cấp GCNQSDĐ cho bà Châu Thị H. Sau đó, vì nghĩ vợ chồng bà H không có đất đai và chỗ ở, nên ông đã thông cảm, đồng ý cho vợ chồng bà H một phần diện tích đất; phần diện tích đất còn lại nay thuộc thửa đất số 559, tờ bản đồ số 29, diện tích 486,5 m2 ti Tiểu khu 2, thị trấn H (gọi tắt là Thửa đất số 559) ông giữ lại, thường xuyên qua lại để trông coi, chỉ cho phép vợ chồng bà H trồng cây hàng năm trên đất. Cũng thời điểm đó, ở vùng đất này có lưới điện đi qua, nên ông chưa được tiến hành làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ được. Đến khi mạng lưới đường dây điện được dỡ bỏ thì ông có nhờ cháu của ông là Trần Thị T, là con gái của bà Châu Thị L làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho ông. Vì tin tưởng cháu T quen biết rộng, nên ông đã giao toàn bộ giấy tờ để cháu T làm thủ tục cấp GCNQSD. Khi cháu T bảo ông đến UBND thị trấn H ký xác nhận vào giấy tờ, ông đã đến ký, mà không đọc nội dung văn bản. Một thời gian sau, khi ông hỏi cháu T về thủ tục cấp GCNQSD đã xong chưa, thì cháu T trả lời là thửa đất đó có nguồn gốc của ông bà ngoại, tức là của bố mẹ của ông; các anh chị em của ông, trong đó có ông đã thống nhất tặng cho bà L. Sau khi nghe cháu T nói như vậy, ông đã đến UBND thị trấn H, yêu cầu được xem hồ sơ, mới biết có văn bản là phân chia di sản thừa kế do bố mẹ ông là ông Châu Ắ, bà Nguyễn Thị M để lại và người được hưởng thừa kế là bà Châu Thị L. Như vậy, cháu T đã âm mưu lôi kéo và thuyết phục các anh chị em của ông để ký vào văn bản, theo đó cho rằng thửa đất do ông khai hoang có nguồn gốc do bố mẹ ông để lại và tặng cho bà L, mà chưa một lần tổ chức họp các anh chị em của ông. Do đó, ông đã làm đơn yêu cầu UBND thị trấn H dừng việc cấp GCNQSDĐ cho bà L và yêu cầu bà L rút hồ sơ về để ông tiến hành thủ tục đề nghị được cấp GCNQSDĐ cho mình theo quy định pháp luật. Bà L đã không đồng ý với yêu cầu của ông. Việc ông ký vào Văn bản phân chia di sản thừa kế nói trên là lúc ông đang trong tình trạng không được tỉnh táo, có hơi men, tin tưởng vào sự trung thực của cháu T, nên không đọc nội dung, và hơn nữa văn bản trên được lập khi chưa có cuộc họp của anh em gia đình về việc phân chia di sản và cũng không có người làm chứng. Sau khi ký, UBND thị trấn H không đưa cho ông văn bản nào để ông được giữ và biết nội dung trên. Việc các anh chị em của ông cho rằng thửa đất 559 có nguồn gốc do bố mẹ ông khai hoang là sai sự thật. Vì thửa đất này ông đã trực tiếp khai hoang, xây dựng nhà và canh tác ổn định, sau đó mới đưa bố mẹ ông về sinh sống cùng ông tại thửa đất này. Do đó, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, ông yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết, tuyên hủy Văn bản phân chia di sản thừa kế ngày 16/6/2020, đồng thời công nhận Thửa đất số 559 thuộc quyền sử dụng của ông.

- Bị đơn bà Châu Thị L trong quá trình tham gia tố tụng có ý kiến như sau:

Bà bác bỏ ý kiến trên của ông Châu Nhật T. Bà khẳng định thửa đất số 559 là do bố mẹ bà khai hoang từ năm 1983, lúc đó các em bà gồm Châu Nhật T, Châu Thị H và Châu Thị M đang sống cùng với bố mẹ. Năm 1984, ông Châu Nhật T đi bộ đội về, lập gia đình và sinh sống ở quê vợ tại xã Hải T (nay là xã Hải P). Năm 1986, ông T chuyển về sinh sống tại Tiểu khu 10, thị trấn H. Bố mẹ có cho ông T thửa đất tại Tiểu khu 10, thị trấn H, thì ông T chê thửa đất này nhỏ, nên sau đó chuyển về làm nhà và sinh sống tại Thôn 4, xã T, huyện B cho đến nay. Thửa đất số 559, bố mẹ bà giao cho vợ chồng em bà là Châu Thị H, Đỗ Hữu K canh tác trồng cây hàng năm, sau đó có cho bà H, ông K một phần thửa đất trên để làm nhà, sinh sống và đã được cấp GCNQSDĐ.

Năm 2020, do điều kiện bà và con gái Trần Thị T gặp khó khăn, nên bà đã trực tiếp gặp tất cả các anh chị em, xin phần đất mà bố mẹ để lại tại Tiểu khu 2, thị trấn H. Mọi người đều đồng ý. Ngày 16/6/2020, các anh chị em của bà gồm Châu Thị C, Châu Tiến S, Châu Nhật T, Châu Thị H, Châu Thị M đã đến UBND thị trấn H ký vào văn bản phân chia di sản thừa kế, theo đó thống nhất tặng cho bà phần được hưởng thừa kế của mỗi người. Khi bà tiến hành làm thủ tục cấp GCNQSD đất thì ông Châu Nhật T kiện, cho rằng thửa đất đó là của ông T khai hoang và Văn bản phân chia di sản thừa kế trên được ông T ký trong lúc không tỉnh táo, nên yêu cầu hủy Văn bản này. Điều này là hoàn toàn sai sự thật, nên bà bác bỏ yêu cầu của ông T.

Ông T khai nhận mình là người nuôi dưỡng bố mẹ trên thửa đất số 559 là không đúng. Thực tế bà là người trực tiếp nuôi dưỡng ông Ắ, bà M cho đến khi cả hai ông bà gần qua đời mới đưa về sống cùng với ông Châu Tiến S. Ông Châu Nhật T đi bộ đội về, lấy vợ và sinh sống tại quê vợ, chưa bao giờ chăm sóc, nuôi dưỡng bố mẹ. Trước khi làm văn bản phân chia di sản thừa kế, bà đã trực tiếp nói chuyện với tất cả anh chị em, tất cả đều nhất trí làm thủ tục cho bà hưởng toàn bộ. Ông T trực tiếp liên lạc với bà, bảo làm thủ tục nhanh để ông T ký. Sau khi ký vào văn bản nói trên, ông T yêu cầu con bà là Trần Thị T phải giao cho ông T 300.000.000 đồng. Khi bà không chấp nhận, thì lúc đó ông T thay đổi ý kiến, yêu cầu bà rút giấy tờ về để ông T làm thủ tục cấp GCNQSD đất cho mình, với lý do ông T đưa ra là thửa đất số 559 do ông T khai hoang. Bà hoàn toàn bác bỏ nội dung khởi kiện của T, vì thửa đất số 559 là của bố mẹ bà để lại và đã được tất cả anh chị em thống nhất tặng cho bà. Bà đề nghị Tòa án công nhận thửa đất trên do bố mẹ bà khai hoang và công nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế ngày 16/6/2020 là đúng pháp luật.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm các ông bà Châu Thị H, Đỗ Hữu K, Châu Thị M, Châu Tiến S,, Châu Thị C trong quá trình tham gia tố tụng có trình bày ý kiến, nội dung về cơ bản thống nhất với ý kiến trên của bà Châu Thị L.

UBND thị trấn H tại Báo cáo số 939/BC-UBND ngày 30/11/2021 có ý kiến, nội dung tóm tắt như sau:

Việc chứng thực Văn bản phân chia di sản thừa kế đang có tranh chấp trên của UBND thị trấn H là đúng pháp luật, cụ thể là đã thực hiện theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Thông tư số 20/2015/TT-BTP ngày 29/12/2015 của Bộ tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Thông tư số 226/2016/TT- BTC ngày 11/11/2016 của bộ tài chính quy định mức thu chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực.

Trong quá trình tham gia tố tụng, những người làm chứng có ý kiến như sau: Ý kiến của ông Châu Văn T:

Ngun gốc thửa đất 559 là do ông T khai hoang, vì sau khi đi bộ đội về, ông T có đến gặp ông, nhờ ông đưa ông T đến gặp ông B, lúc đó là cán bộ quản lý đất đai xã T, xin được khai hoang vùng đất gần Trường cấp 3 B, nay là thửa đất số 559. Sau khi được ông B đồng ý thì ông T khai hoang, thuê người san lấp vùng đất và làm nhà sinh sống trên đó. Sau đó ông T có đưa bố mẹ là ông Ắ, bà M đến sống cùng với ông T một thời gian. Ông T cũng có cho em gái là bà Châu Thị H một phần diện tích đất để bà H canh tác và làm nhà sinh sống trên phần đất này từ đó cho đến nay.

Ý kiến của bà Nguyễn Thị Hồng N:

Ngun gốc thửa đất 559 là do ông T khai hoang. Bà chỉ nhìn thấy ông T trực tiếp đến khai hoang và sinh sống ở đó một thời gian, sau đó có đưa ông Ắ, bà M đến sống cùng. Ngoài ra bà không biết gì thêm.

Ý kiến của các ông bà Phạm Hữu T, Nguyễn Thị D, Phan Quý T, Nguyễn Đăng B, là những người vắng mặt tại phiên toà sơ thẩm, nhưng có lời khai tại hồ sơ:

Ngun gốc thửa đất 559 là do ông Châu Nhật T khai hoang.

Ý kiến của ông Phan Văn K:

Ông thấy gia đình ông Ắ, bà M có các con là bà M, ông T, bà H lên khai hoang và sinh sống tại đó, nên theo bà thửa đất 559 là do hộ gia đình ông Ắ và bà M khai hoang.

Ý kiến của ông Lê Quang T (nguyên xóm trưởng):

Ông sinh sống gần thửa đất số 559 từ năm 34 tuổi cho đến nay. Quá trình sinh sống, ông chưa nghe và chưa thấy ông T khai hoang thửa đất này. Ông có thấy ông Ắ, bà M và các con của hai ông bà có tham gia trồng hoa màu, cây bạch đàn, nên theo ông thửa đất trên là do hộ gia đình ông Ắ và bà M khai hoang.

Ý kiến của các ông Nguyễn Văn R (nguyên Chủ tịch UBND xã T giai đoạn 1978-1982, Phó Chủ tịch UBND xã T giai đoạn 1982 - 1985), Hoàng Thanh M, Hoàng Công N, Nguyễn Hữu L, Dương D, là những người vắng mặt tại phiên toà sơ thẩm, nhưng có lời khai tại hồ sơ:

Ngun gốc thửa đất 559 là do ông Châu Ắ và bà Nguyễn Thị M khai hoang.

Ý kiến của bà Nguyễn Thị T:

Ngày 16/6/2020, các cậu, dì của bà gồm Châu Tiến S, Châu Thị L, Châu Thị Ch, Châu Thị M, Châu Thị H và Châu Nhật T cùng thống nhất ký vào văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, giao thửa đất số 559 cho mẹ của bà là Châu Thị L được quyền sử dụng và chịu trách nhiệm làm các thủ tục cấp giấy CNQSD đất mang tên bà L. Văn bản này được thị trấn H chứng thực. Việc ông T cho rằng ông T nhờ bà thực hiện làm các thủ tục để cấp giấy CNQSD đất cho ông T và sau đó ông T sẽ thanh toán thù lao cho bà là không đúng thực tế.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2022/TCDS-ST ngày 27/10/2022, Toà án nhân dân huyện Bố Trạch đã quyết định:

Căn cứ các khoản 5, 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, điểm c khoản 1 Điều 92, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 228, khoản 2 Điều 229 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 459, 502, 503, 612, 613, 620, 649, 650, 651, 660 Bộ luật Dân sự,khoản 1 Điều 95, khoản 3 Điều 167, các khoản 1, 3 Điều 188 Luật Đất đai, khoản 3 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án; xử:

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Châu Nhật T về việc tranh chấp quyền sử dụng thửa đất số 559, tờ bản đồ 29, có diện tích 486,5 m2 tại Tiểu khu 2, thị trấn H, huyện B và yêu cầu hủy văn bản thảo thuận phân chia di sản thừa kế ngày 16/6/2020.

- Công nhận thửa đất số 559, tờ bản đồ 29, có diện tích 486,5 m2 tại Tiểu khu 2, thị trấn H có nguồn gốc do ông Châu Ắ và bà Nguyễn Thị M khai hoang.

- Công nhận Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế ngày 16/6/2020 có hiệu lực pháp luật để thi hành.

Bà Châu Thị L có nghĩa vụ liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục đăng ký, kê khai sự thay đổi, biến động đối với thửa đất số 559, tờ bản đồ 29, có diện tích 486,5 m2 tại địa chỉ Tiểu khu 2, thị trấn H, huyện B.

- Ghi nhận sự tự nguyện của bà Châu Thị H và ông Đỗ Hữu K về việc tự thu hoạch, phá bỏ cây hoa màu đã trồng để trả lại mặt bằng cho thửa đất số 559, tờ bản đồ 29, có diện tích 486,5 m2 tại Tiểu khu 2, thị trấn H, huyện B.

- Buộc ông Châu Nhật T phải chịu 2.300.000 đồng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Số tiền này ông Châu Nhật T đã nộp đủ.

- Buộc ông Châu Nhật T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng, nhưng được trừ vào số tiền 300.000 đồng mà ông Châu Nhật T đã nộp tại Biên lai số 0000668 ngày 30/9/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B. Ông Châu Nhật T đã nộp đủ án phí.

Bản án sơ thẩm còn tuyên quyền thoả thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án, yêu cầu thi hành án; việc bị cưỡng chế thi hành án; vấn đề thời hiệu thi hành án và quyền kháng cáo.

Ngày 04/11/2022, ông Châu Nhật T có đơn kháng cáo, nội dung cho rằng việc đánh giá chứng cứ của Toà án cấp sơ thẩm thiếu khách quan, đầy đủ, dẫn đến phán quyết vụ án không đúng. Vì vậy đề nghị Toà án cấp phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm, chấp nhận các yêu cầu mà ông T đã đưa ra trong Đơn khởi kiện.

Ngày 30/12/2022, ông T có đơn gửi Tòa án cấp phúc thẩm, theo đó cho rằng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế ngày 16/6/2020 có chữ ký và phía dưới ghi tên bà Châu Thị C, trong khi bà C vào thời gian này đang ở Đồng N, nên việc chứng thực của UBND thị trấn H là trái pháp luật, không có giá trị. Ông T đề nghị Tòa án trưng cầu giám định chữ ký này với mẫu chữ ký của bà C tại đơn đề nghị giải quyết và xét xử vắng mặt ngày 07/12/2021 và đơn trình bày ý kiến ngày 07/12/2021 của bà C.

Theo yêu cầu trên của ông T, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có quyết định trưng cầu giám định.

Tại Kết luận giám định số 230/KL-KTHS ngày 13/3/2023, phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Bình đã kết luận: “Chữ ký dạng chữ viết “C” dưới mục “Những người tham gia thỏa thuận /(ký, ghi rõ họ tên)” trên mẫu cần giám định ký hiệu A so với chữ ký của Châu Thị C trên các mẫu so sánh ký hiệu M1, M2, M3 không phải do cùng một người ký ra”.

Tại phiên toà phúc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, nội dung tóm tắt như sau:

Về tố tụng:

Thẩm phán chủ tọa, Hội đồng xét xử, Thư ký toà án và những người tham gia tố tụng đã tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về thụ lý đơn kháng cáo, về tiến hành và thực hiện các hoạt động tố tụng trong quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa hôm nay.

Về nội dung:

- Ông Châu Nhật T không có bất cứ loại giấy tờ nào của Nhà nước giao quyền sử dụng thửa đất số 559, cũng như không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào chứng minh đang quản lý, sử dụng thửa đất. Vì vậy không có căn cứ để công nhận ông T có quyền sử dụng đối với thửa đất số 559.

- Về văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, tuy giám định xác định chữ ký phía trên tên của bà C không phải do bà C ký, tuy vậy các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện bà C đồng ý nhường quyền hưởng di sản của mình cho bà L. Mặt khác ông Châu Nhật T tại văn bản này cũng đã thể hiện ý kiến nhường quyền hưởng di sản của mình cho bà L. Do đó cần công nhận tính hiệu lực của văn bản này.

Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử bác đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về quá trình được giao và sử dụng thửa đất số 559, lời khai của các đương sự, người làm chứng không thống nhất, không ai cung cấp được bằng chứng thuyết phục chứng minh quan điểm của mình. Theo ông Nguyễn Đăng B – Chủ tịch Hội Nông dân, kiêm cán bộ quản lý ruộng đất xã T giai đoạn năm 1982 – 1989, thì năm 1984 ông đã chỉ khu vực đất cho ông Châu Nhật T khai hoang, làm nhà, làm vườn vùng đất sát cạnh nhà bà Nguyễn Thị Hồng N về phía Tây; đơn xin xác nhận đất khai hoang ngày 25/9/2020 của ông Châu Nhật T là đúng sự thật; thửa đất của ông bà Đỗ Hữu K, Châu Thị H đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất vườn đang ở hiện nay và thửa đất số 559, tờ bản đồ số 29 ở tiểu khu 2, thị trấn H cũng chính là do ông Châu Nhật T khai hoang năm 1984 (Bút lục số 18). Tuy vậy đây chỉ là ý kiến mang tính cá nhân của ông Nguyễn Đăng B, còn thực tế thì các bên đương sự, người làm chứng không ai cung cấp được bất cứ văn bản nào liên quan đến việc giao đất để xác định có việc chính quyền đã giao đất, giao đất cho ai và căn cứ vào quy định nào vào thời kỳ này để giao đất. Do đó không thể căn cứ vào các lời khai nói trên để xác định ai có quyền sử dụng thửa đất số 559, mà phải căn cứ vào quá trình sử dụng đất để xác định vấn đề trên.

[2] Thửa đất số 559, vào ngày 16/6/2020, là ngày các ông bà Châu Tiến S, Châu Thị L, Châu Thị C, Châu Nhật T, Châu Thị H, Châu Thị M lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như bất cứ loại giấy tờ nào cho bất cứ ai. Theo quy định tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004, tại phần II về thừa kế, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, thì trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ được hướng dẫn tại các tiểu mục 1.1 và 1.2 mục 1 Nghị quyết trên, đồng thời cũng không có tài sản là nhà ở, vật kiến trúc khác, cây lâu năm, thì quyền sử dụng đất này không được coi là di sản thừa kế. Theo lời khai của các đương sự, cũng như văn bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 11/01/2022 về hiện trạng sử dụng đất, thì trên thửa đất số 559 hiện tại không có nhà ở, công trình xây dựng, cây lâu năm nào do ông Ắ, bà M để lại; chỉ có một số cây cối do vợ chồng ông K, bà H trồng. Vì vậy quyền sử dụng thửa đất số 559 không phải là di sản của ông Ắ và bà M để lại. Do đó văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do các ông bà Châu Tiến S, Châu Thị L, Châu Thị C, Châu Nhật T, Châu Thị H, Châu Thị M lập, có sự chứng thực của Ủy ban nhân dân thị trấn H là văn bản vô hiệu.

[3] Như đã phân tích ở đoạn [1], cho đến hiện tại thửa đất số 559 chưa có bất cứ ai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc bất cứ loại giấy tờ nào, do đó ai được quyền sử dụng đối với thửa đất này cần căn cứ vào quá trình sử dụng đất và đối chiếu với các quy định pháp luật về đất đai để xác định. Theo khai nhận của ông Châu Nhật T thì năm 1984, trở về địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông được ông Nguyễn Đăng B, lúc đó là Chủ tịch Hội Nông dân và là cán bộ quản lý ruộng đất xã T giao cho lô đất gồm thửa đất số 559 và thửa đất mà hiện nay vợ chồng bà H, ông K đang sử dụng; ông đã khai hoang lô đất, xây nhà và trồng cây lâu năm trên đó. Do tính chất công việc nên sau đó ông chuyển về sinh sống và làm nhà tạm tại tiểu khu 10, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình. Năm 1997 vợ chồng ông xây nhà và sinh sống tại xã T, huyện B cho đến nay; ông giao lại lô đất trên, nhờ em gái là bà Châu Thị H trông giữ, sau đó đồng ý cho vợ chồng bà H làm thủ tục để được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với một phần diện tích lô đất cho vợ chồng bà H, ông K, phần đất còn lại là thửa số 559, ông tiếp tục quản lý, chỉ cho vợ chồng bà H trồng cây hàng năm. Tuy vậy những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các anh chị em của ông Châu Nhật T phủ nhận lời khai trên của ông T, cho rằng lô đất được bố mẹ của họ và ông T là ông Châu Ắ, bà Nguyễn Thị M khai hoang từ năm 1983; ông Châu Nhật T sau khi lấy vợ vào năm 1984, từ đó đến nay không sinh sống trên lô đất này, mà sinh sống một thời gian tại tiểu khu 10, thị trấn H sau đó chuyển về sinh sống tại xã T, huyện B, tỉnh Quảng Bình; không có việc bà H, ông K sinh sống trên thửa đất mà ông bà đang sử dụng, cạnh thửa đất số 559 và sau đó được giao quyền sử dụng đối với thửa đất này là do được sự đồng ý của ông T, cũng như không có việc ông bà đang sử dụng thửa đất số 559, trồng mía trên đó là nhờ sự đồng ý, cho phép của ông T. Tòa án cấp phúc thẩm cũng đã có văn bản xác minh tại Ủy ban nhân dân thị trấn H về việc trước đây, khi vợ chồng ông K, bà H làm thủ tục đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất ông bà đang sử dụng, cạnh thửa đất số 559, có khiếu nại của ông T, như trình bày của ông T trong đơn khởi kiện không, thì nhận được trả lời tại Công văn số 177/UBND ngày 21/02/2023, theo đó xác định hồ sơ lưu trữ khiếu nại tại Ủy ban nhân dân thị trấn H không có hồ sơ vụ việc trên. Như vậy tuy lời khai của các đương sự, người làm chứng trong vụ kiện có một số nội dung không thống nhất, trái ngược nhau, nhưng đều thể hiện một điều là từ năm 1997 đến nay, ông Châu Nhật T không sinh sống trên thửa đất số 559, đồng thời ông T cũng không cung cấp được bất cứ bằng chứng nào chứng minh mình đang quản lý, sử dụng ổn định thửa đất này. Do đó căn cứ khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai 2013, thì ông Châu Nhật T không thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 559 và vì vậy nội dung khởi kiện của ông Châu Nhật T về yêu cầu Tòa án công nhận ông có quyền sử dụng đối với thửa đất số 559 là không có căn cứ để được chấp nhận.

[4] Phạm vi giải quyết của Tòa án trong vụ án này là xem xét tính hiệu lực của văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do các ông bà Châu Tiến S, Châu Thị L, Châu Nhật T, Châu Thị H, Châu Thị M lập và ông Châu Nhật T có quyền sử dụng đối với thửa đất số 559 hay không, mà không xem xét việc nếu ông Châu Nhật T không có quyền sử dụng thì ai có quyền sử dụng đối với thửa đất này, vì đây là nội dung phản tố hay yêu cầu độc lập, phải có người có văn bản yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập cùng với đó là việc phải nộp tạm ứng án phí. Tuy vậy trong vụ án này không có ai phản tố hay có yêu cầu độc lập về vấn đề trên, nên Tòa án không có thẩm quyền giải quyết vấn đề này.

[5] Đối với số tiền 2.300.000 đồng mà ông Châu Nhật T nộp tại Tòa án cấp sơ thẩm, dùng để chi phí cho việc xem xét thẩm định tại chỗ thửa đất số 559, nhằm chứng minh cho yêu cầu được quyền sử dụng đối với thửa đất này của mình, thấy rằng do yêu cầu trên không được Tòa án chấp nhận, nên ông T phải chịu số tiền này.

[6] Đối với số tiền 1.500.000 đồng mà ông Châu Nhật T nộp tại Tòa án cấp phúc thẩm, dùng để chi phí cho việc giám định chữ ký và chữ viết của bà Châu Thị C trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế nhằm chứng minh việc bà Châu Thị không ký vào văn bản này, thấy rằng kết quả giám định xác định bà Chút không ký vào văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, do đó Bị đơn là bà Châu Thị L phải chịu số tiền này.

[7] Kháng cáo của ông Châu Nhật T được chấp nhận một phần, nên theo khoản 2 Điều 29, khoản 1 Điều 26 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, ông Châu Nhật T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nhưng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm với số tiền 300.000 đồng, vì yêu cầu được công nhận quyền sử dụng đối với thửa đất số 559 không được Tòa án chấp nhận.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148, khoản 1 Điều 157, khoản 2 Điều 161, khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 37 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; điểm c khoản 2 Điều 117, khoản 1 Điều 131, các Điều 357, 468 Bộ luật Dân sự; khoản 1 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Châu Nhật T, sửa Bản án sơ thẩm như sau:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Châu Nhật T, tuyên bố Văn bản phân chia di sản thừa kế ngày 16/6/2020 giữa các con của ông Châu Ắ và bà Nguyễn Thị M, có chứng thực của Ủy ban nhân dân thị trấn H là vô hiệu; không chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện của ông Châu Nhật T về yêu cầu Tòa án công nhận ông Châu Nhật T được quyền sử dụng thửa đất số 559, tờ bản đồ số 29, diện tích 486,5 m2 tại Tiểu khu 2, thị trấn H, huyện B, tỉnh Quảng Bình.

Bỏ nội dung [4] của Quyết định của Bản án sơ thẩm (nội dung ghi nhận sự tự nguyện của bà Châu Thị H và ông Đỗ Hữu về việc tự thu hoạch, phá bỏ cây hoa màu đã trồng để trả lại mặt bằng thửa đất số 559).

2. Bà Châu Thị L phải chịu số tiền 1.500.000 đồng về chi phí giám định văn bản phân chia di sản thừa kế để trả cho ông Châu Nhật T.

3. Ông Châu Nhật T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nhưng phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Ông T đã nộp số tiền tạm ứng án phí 600.000 đồng tại các biên lai số 0000668 ngày 30/9/2021 và 0002644 ngày 04/11/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, nên số tiền 300.000 đồng trong số tiền 600.000 đồng đã nộp trên được trừ vào số tiền án phí phải nộp, số tiền 300.000 đồng còn lại được trả lại cho ông T.

4. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của Người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng Bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành, theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, thì Người được thi hành án dân sự, Người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9, 7a, 7b Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án phúc thẩm (ngày 27/3/2023). 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

795
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 16/2023/DS-PT về tranh chấp yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất và hủy văn bản phân chia di sản thừa kế

Số hiệu:16/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;