TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 738/2020/LĐ-PT NGÀY 31/07/2020 VỀ TRANH CHẤP XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG THEO HÌNH THỨC SA THẢI VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Trong các ngày 10 và ngày 31 tháng 7 năm 2020, tại phòng xử án, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử công khai vụ án lao động phúc thẩm thụ lý số: 80/2019/TLPT-LĐ ngày 02/12/2019 về việc: “Tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.Do Bản án lao động sơ thẩm số 14/2019/LĐ-ST ngày 20 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân quận Đ, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 3196/2020/QĐ-PT ngày 23 tháng 6 năm 2020 và Quyết định tạm ngừng phiên toà số 7789/2020/QĐ-PT ngày 10 tháng 7 năm 2020, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Bùi Văn L, sinh năm 1984; Cư trú tại: 177/45 đường K, khu phố L, phường H, thị xã A, tỉnh B.
Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Lê Huân C, sinh năm 1975; Cư trú tại: 28/1/5T Đường số K, khu phố C, phường T, quận Đ, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo Giấy uỷ quyền số công chứng 7666 ngày 25/3/2019 tại Phòng công chứng C, Thành phố Hồ Chí Minh) (có mặt).
Bị đơn: Công ty A Trụ sở tại: Lô 50-57 Đường số A, Khu chế xuất T, phường C, quận Đ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người địa diện theo pháp luật: Ông P, sinh năm 1944; Cư trú tại: 28 A, Số 118 đường H, phường Đ, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Phan Đức L, sinh năm 1977; Cư trú tại: B24.12A Chung cư P, phường Đ, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo Giấy uỷ quyền ngày 22/6/2020 của Công ty A) (có mặt).
Người kháng cáo: Bị đơn là Công ty A.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, quá trình tham gia tố tụng, nguyên đơn ông Bùi Văn L có người đại diện theo ủy quyền là ông Lê Huân C trình bày:
Ông Bùi Văn L chính thức ký hợp đồng không xác định thời hạn với Công ty A (gọi tắt là Công ty) vào ngày 24/5/2004, lương thỏa thuận là 16.900.000 đồng/tháng, công việc phải làm là nhân viên bộ phận C. Trong quá trình làm việc gần 15 năm ông L không vi phạm bất kỳ nội quy nào của Công ty và không bị hình thức xử lý kỷ luật nào. Tuy nhiên, vào ngày 19/12/2018 ông L nhận được quyết định tạm đình chỉ công việc của Công ty với lý do để điều tra vụ việc. Trong thời gian bị tạm đình chỉ phía Công ty không thanh toán tiền lương và tiền thưởng tháng 13 cho ông L theo quy định của Bộ luật lao động. Do vậy, ngày 15/3/2019, ông L đã nộp đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng lao động với Công ty yêu cầu thanh toán tiền lương và tiền thưởng tháng 13, với tổng số tiền là 60.400.000 đồng. Trong khi Tòa án đang thụ lý giải quyết về tranh chấp tiền lương, thì ngày 23/3/2019, Công ty đã có quyết định cấm ông L vào Công ty làm việc, đến ngày 27/3/2019 phía Công ty gọi ông L vào nhận thư mời về việc xử lý kỷ luật lao động. Ngày 29/3/2019, ông L đến trụ sở Công ty để tham gia phiên họp xử lý kỷ luật lao động, tại phiên họp người đại diện theo pháp luật của Công ty tuyên bố sa thải ngay lập tức ông L, nhưng cho đến nay ông L chưa nhận được quyết định xử lý kỷ luật sa thải. Do vậy, ngày 14/5/2019, ông L đã khởi kiện bổ sung và sửa đổi toàn bộ yêu cầu khởi kiện cụ thể như sau:
- Tuyên bố hủy Quyết định xử lý kỷ luật sa thải số 02/QĐKL/2019 ngày 29/3/2019 của Công ty đối với ông L vì trái pháp luật, ông L không yêu cầu trở lại làm việc.
- Buộc Công ty phải chi trả cho ông L các khoản tiền sau:
+ Tiền lương của năm 2018 Công ty chưa chi trả là 35.050.000 đồng (trong đó: tiền lương từ ngày 01/12/2018 đến ngày 18/12/2018 là 9.700.000 đồng; lương thâm niên năm 2018 là 8.450.000 đồng; lương tháng 13 năm 2018 là 16.900.000 đồng);
+ Tiền lương trong những ngày ông L không được làm việc tính từ ngày 19/12/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm ngày 20/9/2019 là 09 tháng x 16.900.000 đồng = 152.100.000 đồng;
+ Trả cho ông L 02 tháng tiền lương để chấm dứt hợp đồng không xác định thời hạn khi ông L không đồng ý quay trở lại Công ty làm việc với số tiền là 33.800.000 đồng;
+ Bồi thường cho ông L 02 tháng tiền lương vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, với số tiền là 33.800.000 đồng;
+ Bồi thường cho ông L do vi phạm thời gian báo trước 45 ngày với số tiền là 16.900.000 đồng/tháng x 1,5 tháng = 25.350.000 đồng;
+ Chi trả tiền trợ cấp thôi việc là 84.500.000 đồng (tính từ tháng 6/2004 đến 31/12/2008, 4 năm 6 tháng, làm tròn là 5 năm; mỗi năm 01 tháng lương bình quân 16.900.000 đồng).
Tổng số tiền ông Bùi Văn L yêu cầu Công ty phải thanh toán là 364.600.000 đồng.
- Buộc Công ty nộp đầy đủ tiền Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và chốt sổ Bảo hiểm xã hội cho ông L đến ngày xét xử sơ thẩm 20/9/2019; trả sổ Bảo hiểm xã hội số 0204206037 cho ông Bùi Văn L.
Tại phiên toà sơ thẩm, ông C nêu rõ những điểm sai sót và trái pháp luật đối với Quyết định số 02/QĐKL/2019 về việc xử lý kỷ luật sa thải lao động Bùi Văn L và yêu cầu phản tố của bị đơn, cụ thể:
- Tại buổi họp xét xử lý kỷ luật ngày 29/3/2019, Công ty không chứng minh được hành vi vi phạm pháp luật cũng như lỗi của người lao động. Kết thúc buổi họp, ông J – Tổng giám đốc, chủ toạ cuộc họp tuyên bố “sa thải ngay lập tức đối với ông Bùi Văn L”. Sau khi Biên bản họp được đánh máy xong, ông C (tham gia với tư cách người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người lao động), ông L, ông H và bà C đã cùng ký vào Biên bản họp; riêng ông J và các thành viên khác không ký tên. Ông C và ông L đợi đến hết giờ làm việc (17 giờ 15 phút) vẫn không thấy ông J ký biên bản, nên ông L đành cầm 01 biên bản họp về để làm bằng chứng (bản gốc có chữ ký các thành viên nêu trên).
- Sau khi ông L ra về, Công ty ban hành biên bản họp xử lý kỷ luật khác (ghi cùng ngày 29/03/2019), không có chữ ký của ông C và ông L (lý do Công ty đưa ra là ông C, ông L tự ý ra về và không đồng ý ký vào biên bản) là nhằm nguỵ tạo chứng cứ, hoàn toàn không đúng bản chất sự việc. Biên bản phiên họp hoàn toàn khác so với biên bản ông L đang lưu giữ. Ngày 20/05/2019, bà Lê Thị Mỹ H (đại diện của Công ty) nộp cho Toà án một Biên bản xử lý kỷ luật (không có chữ ký của ông C, ông L); So sánh nội dung biên bản này với Biên bản ông L đang giữ cho thấy Công ty đã tự ý sửa chữa, thêm nhiều thông tin không xác thực, gây bất lợi cho ông L (bị đơn đã photo Biên bản Công ty cung cấp và đánh dấu chi tiết những đoạn khác biệt).
- Ngày 09/07/2019, ông Nguyễn Thành L1 (đại diện của Công ty) lại cung cấp cho Toà án một Biên bản xử lý kỷ luật ngày 29/03/2019 (có nội dung đính chính ngày 30/03/2019), cùng văn bản đính chính quyết định 02/QĐKL/2019 ngày 29/03/2019; nội dung đính chính như sau: “ngày 30/03/2019: đại diện người sử dụng lao động, ông J đính chính nội dung trình bày của ông J ghi tại điểm d khoản 2 Mục II như sau: d. Vi phạm điều 28.9 nội quy lao động của công ty, cụ thể “cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật phẩm liên quan đến thiết kế, sản phẩm, thông tin kinh doanh cho người khác trái phép”. Công ty nói là đính chính nội dung Biên bản họp nhưng thực chất, sau khi sửa nội dung cáo buộc từ điều 27.9 sang điều 28.9 nội quy lao động, thì bản chất sự việc nó đã khác đi hoàn toàn. Việc đính chính biên bản họp nếu có, thì cũng chỉ được sửa chữa lỗi chính tả mà thôi và phải thực hiện ngay tại thời điểm kết thúc buổi họp kỷ luật, có sự xác nhận của thành viên dự họp. Căn cứ theo điều 27.9, Công ty xử lý lý luật sa thải ông L là sai, vì điều 27.9 chỉ quy định “Hình thức kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 (sáu) tháng hoặc cách chức”; mặc dù, Công ty đã đính chính, dùng điều 28.9 làm căn cứ sa thải, nhưng Công ty cũng không chứng minh được ông L vi phạm được quy định điều 28.9 của nội quy lao động. Việc ngày hôm sau (ngày 30/3/2019) đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động ông J “đã tự ý bổ sung nội dung” vào biên bản cuộc họp xử lý kỷ luật ngày 29/3/2019 (sau khi buổi họp đã kết thúc) là không tuân thủ đúng trình tự xử lý kỷ luật lao động.
Do vậy, đề Nghị Tòa án tuyên hủy Quyết định số 02/QĐKL/2019 về việc xử lý kỷ luật sa thải lao động ông Bùi Văn L của Công ty và bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật lao động, đúng như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã nêu ở trên.
- Để phản bác lại những chứng cứ của Công ty đưa ra, phía nguyên đơn đã đưa ra một số lập luận như sau:
+ Chứng cứ 01: Thư điện tử (email) của ông L có tập tin (file) đính kèm là thư mà ông L gửi báo giá lô hàng xuất khẩu cho 04 khách người Trung Quốc (tên gồm: Mr.Y, Mr.W, Ms. W và Ms. W-PL). Ông L cho rằng mình không gửi email nêu trên. Nguyên đơn nhận thấy, không có bằng chứng chứng tỏ rằng email trên do ông L gửi, bởi vì email: bvl@a.com được quản lý bởi Công ty, nên Công ty hoàn toàn có thể can thiệp (nếu cần). Công ty cho rằng đã mở một cuộc điều tra nội bộ, kiểm tra email của ông L - vậy tại sao Công ty không lập biên bản ghi nhận sự việc, với sự chứng kiến của ông L. Xét về nội dung, thì chứng cứ 1 chỉ có hai bảng ghi số tiền, chứ không phải bảng báo giá lô hàng như Công ty cáo buộc. Do vậy, chứng cứ này không mang tính khách quan và tính liên quan. Mặc dù Công ty đã đưa ra Vi bằng số 845/2019/VB-TPLQ.TĐ do Văn phòng thừa phát lại quận Đ lập ngày 03/6/2019 để chứng minh cho yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, vi bằng cũng không có bất kỳ nội dung nào xác định được ông L có hành vi “ăn cắp mẫu mã độc quyền của khách hàng”. Còn nếu để chứng minh cho Quyết định số 02/QĐKL/2019 về việc xử lý kỷ luật sa thải lao động ông L là hoàn toàn không hợp lý và khách quan bởi lẽ vi bằng này lập sau 03 tháng kể từ ngày mở phiên họp xử lý kỷ luật ông L.
+ Chứng cứ 2: Đoạn phim (video clip) ngắn khoảng 05 phút: Nguồn gốc video này rất mơ hồ: Công ty nói video này được khách hàng Trung Quốc gửi cho CEO Công ty - Vậy khách hàng này là ai. Công ty nói 03 người khách Trung Quốc tên Mr.Y, Mr.W, Ms.W đã đặt 03 container hàng cho Công ty H thông qua ông L; họ đang đi cùng ông L để kiểm tra hàng hoá đã đặt tại phòng trưng bày Công ty H. Vậy bằng chứng việc mua bán 03 container hàng giữa Công ty H và khách hàng Trung Quốc đâu. Bản thân ông L cũng không xác định được mình có trong video đó hay không. Ông L khẳng định không có chuyện giới thiệu cho khách hàng Trung Quốc các mẫu mã độc quyền của Công ty L; hơn nữa, không có bằng chứng gì xác định những hàng hoá xuất hiện trong video là hàng độc quyền của Công ty L. Do vậy, chứng cứ này cũng không mang tính khách quan và liên quan.
+ Chứng cứ 3: Hoá đơn liệt kê hàng hoá (Profroma invoice) của Công ty H. Chứng cứ này chỉ là bản photo, nên không thể xem là chứng cứ; việc photo, cắt dán tài liệu này rất dễ dàng thực hiện.
+ Chứng cứ 4: Thư giải trình của Công ty H: Chứng cứ này chỉ là bản photo, nên không thể xem là chứng cứ; nếu có bản chính để xem xét, thì trong nội dung văn bản này, Công ty H chỉ thừa nhận “sản xuất 01 đơn hàng với mẫu mã gần giống mẫu hàng của Công ty cho 01 khách hàng nội địa Việt Nam”. Vậy căn cứ vào đâu Công ty nói Công ty H xuất hàng bán cho khách Trung Quốc. Việc này cũng không liên quan gì đối với ông L.
+ Chứng cứ 5: email trao đổi giữa ông Bùi Văn L và ông Bùi Hữu C (nhân viên của Công ty): Công ty cho rằng ông Bùi Hữu C đã thừa nhận rằng: “ông L có nhờ ông C1 giới thiệu ông L qua nhà máy cung cấp da tại Thái Lan để mua da cho Công ty H”. Nhưng không có tài liệu, chứng cứ nào ông C1 thừa nhận nội dung trên. Ông L cho rằng mình không nhờ ông C1 như cáo buộc của Công ty, không có bằng chứng chứng tỏ rằng email trên do ông L đã gửi. Công ty không chứng minh được địa chỉ Email: Lbuitn@gmail.com là tài khoản cá nhân của ông L.
Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án bị đơn là Công ty A có người đại diện theo uỷ quyền là ông Nguyễn Thành L1 trình bày:
Công ty A (gọi tắt là Công ty) xác nhận, có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với ông Bùi Văn L ngày 24/4/2004, lương thỏa thuận là 16.900.000 đồng/tháng, công việc phải làm là Giám sát - Phòng mua hàng.
Trong quá trình lao động ông L có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy lao động của Công ty nên ngày 29/3/2019 đã bị Công ty ra Quyết định số 02/QĐKL/2019 về việc xử lý kỷ luật sa thải lao động ông Bùi Văn L. Việc Công ty đã họp và ra quyết định sa thải lao động ông Bùi Văn L là đúng quy định của pháp luật nên đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ngày 11/7/2019, Công ty có yêu cầu phản tố về việc yêu cầu ông Bùi Văn L bồi thường thiệt hại số tiền 4.910.976.000 đồng, vì cho rằng ông Bùi Văn L có hành vi tham gia giao dịch, bán cho những người khác những mẫu mã độc quyền của khách hàng quốc tế đã giao cho Công ty gia công, vi phạm nghĩa vụ của người lao động, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Công ty. Vì vậy, ông L phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại 100% giá trị thực của lô hàng xuất bán cho bốn thương nhân người Trung Quốc căn cứ vào hợp đồng số 01/Mr.Yin, mà ông Bùi Văn L đã gửi thư điện tử (Email) báo giá lô hàng có giá trị thanh toán thực là 211.680 USD, tương đương 4.910.976.000 đồng. Để chứng minh cho yêu cầu phản tố Công ty đã nộp cho Tòa án 05 tập tài liệu in từ email và trên mạng internet và đoạn video clip dài khoảng 05 phút mà Công ty cho rằng do ông Bùi Văn L thực hiện. Tuy nhiên, toàn bộ tài liệu, chứng cứ của Công ty đưa ra đã bị phía nguyên đơn phủ nhận toàn bộ.
Tại phiên toà sơ thẩm, ông Nguyễn Thành L1 xác định, việc bị đơn Công ty yêu cầu ông L bồi thường số tiền 4.910.976.000 đồng là yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, không phải là bồi thường trách nhiệm vật chất giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 và Điều 131 của Bộ luật Lao động năm 2012. Công ty xác định ông L bị tạm đình chỉ công tác và không được vào Công ty làm việc từ ngày 19/12/2018 đến khi bị xử lý kỷ luật sa thải. Do vậy, Công ty chỉ đồng ý trả cho ông L 50% tiền nợ lương từ ngày 01/12/2018 đến ngày 18/12/2018 và trả toàn bộ tiền lương của 09 ngày làm việc từ ngày 21/3/2019 đến ngày 29/3/2019. Vì quyết định số 02/QĐKL/2019 về việc xử lý kỷ luật sa thải lao động ông L của Công ty là đúng theo quy định của pháp luật nên không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của ông L và không đồng ý nhận ông L trở lại làm việc. Đối với yêu cầu phản tố, Công ty xác định thiệt hại của ông L gây ra cho Công ty rất lớn. Căn cứ vào thông tin lấy trên email của ông L thì số tiền thiệt hại xảy ra là 211.680 USD, tương đương với 4.910.976.000 đồng, tuy nhiên Công ty không có chứng cứ để chứng minh được thiệt hại đã xảy ra.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 14/2019/LĐ-ST ngày 20 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân quận Đ, Thành phố Hồ Chí Minh, tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
1.1. Hủy Quyết định số 02/QĐKL/2019 ngày 29/3/2019 của Công ty A về việc xử lý kỷ luật sa thải lao động ông Bùi Văn L;
1.2. Buộc Công ty A có nghĩa vụ trả cho ông Bùi Văn L tổng số tiền 322.350.000 đồng, gồm có: Tiền nợ lương chưa thanh toán 9.700.000 đồng; tiền lương cho những ngày ông L không được làm việc 152.100.000 đồng; Bồi thường 02 tháng tiền lương do sa thải trái pháp luật 33.800.000 đồng; Chi trả 02 tháng tiền lương chấm dứt hợp đồng lao động, không đồng ý nhận người lao động trở lại làm việc 33.800.000 đồng; Tiền trợ cấp thôi việc đến ngày 31/12/2008 là 42.250.000 đồng; Tiền bồi thường do vi phạm thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật 25.350.000 đồng; Tiền lương tháng thứ 13 theo thỏa thuận là 16.900.000 đồng và tiền thâm niên làm việc 8.450.000 đồng.
Kể từ ngày ông Bùi Văn L có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty A không trả hoặc chậm trả số tiền nợ nói trên thì hàng tháng còn phải chịu thêm tiền lãi, theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án, cho đến khi thanh toán xong khoản nợ.
1.3. Buộc Công ty A thực hiện ngay việc tiếp tục đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động ông Bùi Văn L kể từ ngày Công ty A tạm ngừng đóng đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm (ngày 20/9/2019), trên mức lương đã thỏa thuận 16.900.000 đồng/tháng và trả lại sổ Bảo hiểm xã hội số: 0204206037 cho ông L.
1.4. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Bùi Văn L về việc không đồng ý quay trở lại Công ty A làm việc.
2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty A về việc yêu cầu Tòa án buộc ông Bùi Văn L bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 4.910.976.000 đồng.
3. Về án phí: Buộc Công ty A phải nộp án phí lao động sơ thẩm 9.670.500 đồng đồng và án phí dân sự sơ thẩm 112.910.976 đồng. Tổng số tiền án phí buộc Công ty A phải nộp theo quy định là 122.581.476 đồng, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm 56.455.488 đồng, đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2019/0003420 ngày 19/7/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Đ, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty A còn phải nộp thêm số tiền 66.125.988 đồng.
Ngày 23 tháng 9 năm 2019, bị đơn là Công ty A có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, bị đơn không rút đơn phản tố, không rút đơn kháng cáo, các dương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án như sau:
- Công ty A đồng ý giao cho ông Bùi Văn L số tiền 200.000.000 đồng.
- Ông Bùi Văn L đồng ý không quay trở lại Công ty A làm việc.
- Công ty đồng ý đóng và chốt sổ Bảo hiểm xã hội cho ông Bùi Văn L tính đến thời điểm ngày 20 tháng 9 năm 2019 và giao tờ chốt sổ bảo hiểm xã hội cho ông Bùi Văn L.
- Công ty tự nguyện chịu số tiền án phí lao động sơ thẩm và lao động phúc thẩm trên số tiền thoả thuận là 200.000.000 đồng theo quy định của pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:
- Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong giai đoạn phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Về nội dung vụ án: Tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Việc thỏa thuận của các đương sự là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Do đó, căn cứ Điều 300 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án lao động sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của Công ty A trong hạn luật định nên được chấp nhận.
[2] Về nội dung:
Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án như đã trình bày ở phần trên. Việc thỏa thuận của các đương sự là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Do đó, căn cứ Điều 300 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử sửa bản án lao động sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án lao động sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Xét đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[3] Về án phí:
- Về án phí lao động sơ thẩm: Bị đơn là Công ty A tự nguyện chịu trên số tiền các bên đã thỏa thuận.
- Về án phí lao động phúc thẩm: Người kháng cáo là Công ty A phải chịu án phí phúc thẩm là 300.0000 (Ba trăm nghìn) đồng theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 37; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 148; Điều 300; khoản 2 Điều 308; Điều 309; Điều 482 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ Điều 38, Điều 42, Điều 48, Điều 90, Điều 96, Điều 123, Điều 126, Điều 129, Điều 200 và Điều 202 của Bộ luật Lao động năm 2012;
Căn cứ Điều 21, Điều 85, Điều 86 và Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
Căn cứ Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014;
Tuyên xử:
Sửa Bản án lao động sơ thẩm số 14/2019/LĐ-ST ngày 20 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân quận Đ, Thành phố Hồ Chí Minh.
[1]. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự:
[1.1]. Công ty A có trách nhiệm giao cho ông Bùi Văn L số tiền 200.000.000 (Hai trăm triệu) đồng.
[1.2]. Ông Bùi Văn L không đồng ý quay trở lại Công ty A làm việc.
[1.3]. Công ty A có trách nhiệm đóng và chốt sổ Bảo hiểm xã hội cho ông Bùi Văn L đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 20 tháng 9 năm 2019 và giao các giấy tờ liên quan đến sổ Bảo hiểm xã hội cho ông Bùi Văn L.
[2]. Về án phí:
[2.1]. Án phí lao động sơ thẩm:
- Án phí lao động sơ thẩm bị đơn Công ty A phải chịu là 10.000.000 (Mười triệu) đồng nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 56.455.488 (Năm mươi sáu triệu bốn trăm năm mươi lăm nghìn bốn trăm tám mươi tám) đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Toà án số AA/2019/0003420 ngày 19 tháng 7 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Đ, Thành phố Hồ Chí Minh. Hoàn lại cho Công ty A số tiền 46.455.488 (Bốn mươi sáu triệu bốn trăm năm mươi lăm nghìn bốn trăm tám mươi tám) đồng.
[2.2]. Án phí lao động phúc thẩm: Công ty A phải chịu án phí phúc thẩm là 300.0000 (Ba trăm nghìn) đồng nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2019/0003908 ngày 02 tháng 10 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Đ, Thành phố Hồ Chí Minh.
[3]. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
[4]. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 738/2020/LĐ-PT
Số hiệu: | 738/2020/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 31/07/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về