Bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải (huỷ quyết định sa thải) số 01/2021/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

BẢN ÁN 01/2021/LĐ-PT NGÀY 26/03/2021 VỀ TRANH CHẤP XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG THEO HÌNH THỨC SA THẢI

Trong các ngày 23, 26 tháng 3 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số: 04/2019/TLPT-LĐ ngày 31 tháng 12 năm 2019 về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 29 tháng 10 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện L bị kháng cáo và bị kháng nghị tại Quyết định kháng nghị số 03/QĐKNPT-VKS-LĐ ngày 12/11/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện L.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 01/2021/QĐPT-LĐ ngày 08 tháng 3 năm 2021, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

Bà Trần Thị P, sinh năm 1985; (có mặt) Địa chỉ: Số 09, đường số 55, tổ 1, thôn 4, xã Vũ Hòa, huyện L, tỉnh T.

1 2. Bị đơn:

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao Su T;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn T, chức vụ: Tổng Giám đốc. (vắng mặt) Người đại diện theo ủy quyền:

+ Ông Đàm T, sinh năm 1982, chức vụ: Chuyên viên phòng Thanh tra- Bảo vệ- Quân sự (Văn bản ủy quyền ngày 16/6/2019). (có mặt)

+ Ông Huỳnh Quốc P, sinh năm 1984, chức vụ: Phó phòng Thanh tra- Bảo vệ- Quân sự (Văn bản ủy quyền ngày 16/7/2019). (có mặt) Địa chỉ: khu phố 9, thị trấn Đức Tài, huyện L, tỉnh T.

3. Người kháng cáo: Bà Trần Thị P là nguyên đơn.

4. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn trình bày:

Trước đây, bà là công nhân thuộc Đội 3, Nông trường Gia Huynh thuộc Công ty TNHH MTV Cao Su T từ năm 2001 theo hình thức “Hợp đồng lao động không xác định thời hạn”. Theo chính sách của Công ty cho công nhân trồng cây trên đất ven suối để cải thiện cuộc sống, nên năm 2002 bà đã khai hoang khoảng 05ha diện tích đất ven suối tại phần Lô giao cho bà quản lý để trồng điều. Bà bắt đầu trồng từ năm 2003 và 2004, bà là người trực tiếp chăm sóc và thu hoạch cây điều cho đến năm 2017 không bị ai ý kiến hay tranh chấp gì. Đến tháng 9/2017, bà trồng xen 3.000 cây tràm vào phần diện tích cây điều bị chết, chứ không mở rộng diện tích mới. Sau khi trồng được 3.000 cây tràm thì Ban chỉ huy đội cùng với bảo vệ lập biên bản hiện trạng buộc bà phải nhổ bỏ số cây tràm đã trồng. Tuy nhiên, Ban chỉ huy đội không đưa ra được cơ sở pháp lý nên bà không đồng ý nhổ bỏ. Sau đó, bà tiến hành trồng thêm 1.000 cây tràm. Đến ngày 04/01/2018, Giám đốc Nông trường Gia Huynh ban hành quyết định số 01/QĐ-NTGH về việc thi hành kỷ luật lao động đối với bà, theo hình thức kỷ luật lao động là Khiển trách. Theo quyết định này cho rằng bà vi phạm điểm 1.9 khoản 1 Điều 29 Nội quy Lao động năm 2017 của Công ty là “Để phần cây, vườn cây được giao quản lý, sử dụng bị lấn chiếm, tự lấn chiếm, hoặc để xảy ra thiệt hại mà không báo cáo, không có lý do chính đáng”. Bà nhận thấy bà trồng cây theo chính sách của Công ty, đồng thời bà không lấn chiếm vườn cây hay phần cây mà chỉ trồng tại phần diện tích đất ven suối, tức đất cách phần diện tích đất trồng cây cao su. Chính sách cho công nhân trồng cây trên diện tích đất suối thì chỉ được phổ biến bằng miệng, không có văn bản của Công ty. Rất nhiều công nhân khác cũng tiến hành trồng tràm và điều chứ không phải một mình bà. Ngày 18/4/2018, Công ty TNHH MTV Cao Su T ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động số 68/QĐ-CSBT, với hình thức kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng đối với bà. Việc Công ty TNHH MTV Cao Su T ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động số 260/QĐ-CSBT ngày 25/7/2018, với hình thức Sa thải là trái quy định của pháp luật, không phù hợp với Nội quy lao động của Công ty.

Bà Trần Thị P yêu cầu Tòa án tuyên hủy 03 quyết định nêu trên. Buộc Công ty TNHH MTV Cao Su T phải khôi phục lại toàn bộ quyền lợi của bà trong thời gian bà nghỉ việc; buộc Công ty bố trí lại công việc cho bà tương đương với vị trí việc làm trước khi bị Sa thải; buộc Công ty phải chi trả thu nhập bị mất trong thời gian nghỉ việc bao gồm: Tiền lương thực nhận trong thời gian nghỉ việc kể từ ngày bị Sa thải (26/7/2018) cho đến khi vụ việc được giải quyết xong, tạm tính đến ngày khởi kiện (04/5/2019) là 09 tháng 08 ngày, số tiền là 74.133.000 đồng; tiền phép năm là 14 ngày x 266.000 đồng/ngày = 3.724.000 đồng; tiền các ngày nghỉ Lễ theo quy chế chi tiêu nội bộ là 2.100.000 đồng (Tết Nguyên đán 1.000.000 đồng, Tết Dương lịch 500.000 đồng, Lễ 30/4 và 1/5 là 300.000 đồng, Lễ 2/9 là 200.000 đồng, Ngày 8/3 là 100.000 đồng); quà Tết 1.000.000 đồng; trợ cấp chế độ độc hại 3.150.000 đồng; bồi thường tổn thất tinh thần là 6.950.000 đồng. Tổng số tiền phải bồi thường tạm tính đến ngày 04/5/2019 là 91.057.000 đồng (Chín mươi mốt triệu không trăm năm mươi bảy nghìn đồng).

Bị đơn trình bày:

Bà Trần Thị P là công nhân thuộc đội 3, Nông trường Gia Huynh trực thuộc Công ty TNHH MTV Cao Su T, có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, ký kết vào năm 2001. Trong quá trình làm việc bà P được bàn giao khu vực Lô 57, việc phân lô không có quyết định bàn giao. Trước đây, nhằm tạo điều kiện tăng thu nhập cho công nhân nên Công ty có cho công nhân phát dọn diện tích ven suối để trồng thêm hoa màu, chứ không cho trồng cây công nghiệp, cây dài ngày. Đồng thời, công nhân nếu muốn trồng thì phải làm đơn gửi cho Công ty, nếu Công ty đồng ý mới được trồng. Bà P đã tự ý trồng cây điều trên diện tích đất ven suối gần diện tích trồng cây bà P được giao quản lý mà không được sự đồng ý của Công ty. Do công tác quản lý chưa được chặt chẽ, đến tháng 9/2017 khi bà P tiến hành trồng thêm 3.000 cây tràm thì Ban chỉ huy đội tại Nông trường Gia Huynh mới tiến hành lập biên bản đề nghị bà P nhổ bỏ số cây tràm đã trồng, tuy nhiên bà P không đồng ý. Sau đó, Giám đốc Nông trường Gia Huynh ban hành quyết định số 01/QĐ-NTGH ngày 04/01/2018 về việc thi hành kỷ luật lao động đối với bà P với hình thức kỷ luật lao động là khiển trách, thời hạn là 03 tháng. Tuy nhiên, chưa hết thời hạn khiển trách bà P lại tiếp tục trồng 1.000 cây tràm. Vì vậy, ngày 18/4/2019 Công ty TNHH MTV Cao Su T ra quyết định xử lý kỷ luật lao động số 68/QĐ-CSBT, với hình thức kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng đối với bà P. Sau đó, bà P vẫn không chấp hành theo Nội quy lao động của Công ty, không chịu khắc phục hậu quả, Công ty đã làm việc yêu cầu bà P nhổ bỏ 4.000 cây tràm, tuy nhiên bà P vẫn không thực hiện, vì vậy Công ty đã họp xử lý kỷ luật lao động đối với bà P theo hình thức cao hơn theo Nội quy lao động. Ngày 18/7/2018, Công ty đã tiến hành họp xét để xử lý kỷ luật lao động đối với bà P. Tại cuộc họp có mặt bà P và đầy đủ thành phần như đã ghi trong biên bản xử lý vi phạm kỷ luật lao động. Ngày 25/7/2018, Công ty TNHH MTV Cao Su T đã ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động số 260/QĐ-CSBT, hình thức kỷ luật là Sa thải đối với bà Trần Thị P. Theo Công ty thì việc sa thải bà P là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật và Nội quy của Công ty. Tuy bà P trồng cây tràm tại phần đất ven suối, không phải phần đất đã trồng cây cao su nhưng đây cũng là đất của Công ty, cũng thuộc phần đất trong phần vườn cây giao cho bà P quản lý. Vì vậy, Công ty TNHH MTV Cao Su T không chấp nhận toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của bà Trần Thị P, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện L.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 29 tháng 10 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện L, đã quyết định:

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 32, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 92, Điều 147 và khoản 1 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 123, Điều 124, Điều 125 của Bộ luật Lao động; Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động; Điểm a khoản 1 Điều 12 chương I Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Điều 26 Luật Thi hành án dân sự.

Tuyên xử:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định án phí sơ thẩm, trách nhiệm thi hành án nhưng không có kháng cáo, không bị kháng nghị.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

- Bà Trần Thị P kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án;

- Viện kiểm sát nhân dân huyện L kháng nghị toàn bộ Bản án số 01/2019/LĐ-ST ngày 29 tháng 10 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện L theo hướng sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn;

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo như đơn kháng cáo.

- Đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên kháng nghị.

- Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và quan điểm giải quyết vụ án:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; các đương sự tham gia tố tụng chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung vụ án: Trình tự tiến hành các cuộc họp xử lý kỷ luật vi phạm pháp luật lao động, do không có đủ chữ ký của các thành viên hội đồng kỷ luật; Sau khi bị xử lý kỷ luật kéo dài thời gian nâng lương không quá 06 tháng, bà P không có hành vi trồng cây tràm trên đất của Công ty nhưng Công ty TNHH MTV Cao Su T cho rằng bà P tái phạm và tiến hành xử lý kỷ luật với hình thức sa thải là không đúng quy định Điều 126 Bộ luật lao động 2012; Công ty TNHH MTV Cao Su T cho rằng bà P trồng cây tràm trên đất của Công ty trước ngày 15/01/2018 nhưng ngày 25/7/2018 Công ty TNHH MTV Cao Su T mới ban hành quyết định xử lý kỷ luật số 260/QĐ-CSBT là hết thời hiệu 06 tháng xử lý kỷ luật; Bà P ký hợp đồng lao động với Công ty TNHH MTV Cao Su T thì công ty mới là người sử dụng lao động nhưng giám đốc Nông trường Gia Huynh ban hành quyết định xử lý kỷ luật khiển trách là không đúng thẩm quyền theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ. Vì vậy, đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm, hủy Quyết định số 01/QĐ- NTGH ngày 04/01/2018 của giám đốc Nông trường Gia Huynh; Quyết định số 68/QĐ-CSBT ngày 18/4/2018 của Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Su T; Quyết định số 260/QĐ-CSBT ngày 25/7/2018 của Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Su T; Buộc Công ty TNHH MTV Cao Su T nhận bà Trần Thị P trở lại làm việc; Buộc Công ty TNHH MTV Cao Su T phải trả cho bà Trần Thị P tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày không được làm việc và 02 tháng lương theo hợp đồng lao động.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh T, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Về thủ tục tố tụng:

- Quyết định kháng nghị số 03/QĐKNPT-VKS-LĐ ngày 12/11/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện L và kháng cáo của bà Trần Thị P thực hiện trong hạn luật định nên được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm;

- Về thủ tục thụ lý đơn khởi kiện: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải: Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải …”, bà Trần Thị P yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết đối với 03 quyết định xử lý kỷ luật trong đó có quyết định xử lý kỷ luật theo hình thức khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng chưa qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động nhưng Tòa án sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải” và thụ lý giải quyết là chưa đảm bảo về thủ tục tố tụng nên cần rút kinh nghiệm cho những vụ việc tương tự.

[2] Về quan hệ lao động:

Bà Trần Thị P và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Su T (gọi tắt là Công ty TNHH MTV Cao Su T) thừa nhận hai bên có ký kết hợp đồng lao động ngày 01/01/2001, chức danh công việc: công nhân, công việc phải làm: trồng và chăm sóc cao su. Sau khi ký hợp đồng, bà P làm việc tại Nông trường Gia Huynh trực thuộc Công ty TNHH MTV Cao Su T đến nay, hai bên không ký thêm hợp đồng lao động nào khác. Do hợp đồng lao động ngày 01/01/2001 có thời hạn 12 tháng nhưng hết hạn hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới và bà P vẫn tiếp tục làm việc tại Nông trường Gia Huynh nên căn cứ khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012, hợp đồng lao động ngày 01/01/2001 trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Như vậy giữa bà Trần Thị P và Công ty TNHH MTV Cao Su T có quan hệ lao động theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

[3] Xét kháng cáo của bà Trần Thị P và kháng nghị của Viện kiểm sát:

[3.1] Đối với Quyết định số 01/QĐ-NTGH ngày 04/01/2018 của giám đốc Nông trường Gia Huynh về việc thi hành kỷ luật lao động bà Trần Thị P với hình thức khiển trách:

Bà Trần Thị P thừa nhận đã được Nông trường Gia Huynh phổ biến Nội quy lao động ban hành kèm theo Quyết định số 91/QĐ-CSBT ngày 08/5/2017 nhưng khoảng tháng 9 năm 2017 đã tự ý trồng khoảng 3.000 cây tràm trên diện tích đất suối của lô 57 thuộc diện tích đất của Công ty TNHH MTV Cao Su T. Ngày 07/12/2017, Nông trường Gia Huynh lập biên bản hiện trạng và kiểm đếm tổng số cây tràm bà P trồng là 2.900 cây. Ngày 03/01/2018, Nông trường Gia Huynh lập biên bản họp Hội đồng kỷ luật lao động đối với bà Trần Thị P. Ngày 04/01/2018, giám đốc Nông trường Gia Huynh ban hành Quyết định số 01/QĐ- NTGH về việc thi hành kỷ luật lao động bà Trần Thị P với hình thức khiển trách.

Giám đốc Nông trường Gia Huynh ban hành Quyết định số 01/QĐ-NTGH là trong thời hạn, thời hiệu quy định. Về nội dung: Phần đất mà bà Trần Thị P trồng cây tràm thuộc quyền sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Cao Su T, bà P là người lao động nên có nghĩa vụ chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động và tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động theo khoản 2 Điều 5 Bộ luật lao động năm 2012. Việc Bà Trần Thị P cho rằng không có hành vi vi phạm vì chỉ trồng cây trên phần đất đã trồng cây điều trước đó là không đúng. Về thẩm quyền: Theo khoản 2 Điều 3 Bộ luật lao động năm 2012 quy định “Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động …”, bà P giao kết hợp đồng lao động với Công ty TNHH MTV Cao Su T nên Công ty TNHH MTV Cao Su T là người sử dụng lao động. Tuy nhiên, theo khoản 1, khoản 3 Điều 22 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 83/QĐ- HĐTV ngày 22/9/2017 của Công ty TNHH MTV Cao Su T, Nông trường Gia Huynh là đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Cao Su T; theo khoản 4 Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định “Người giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại các Điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 3 Nghị định này là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách”. Kể từ sau khi giao kết hợp đồng lao động, bà Trần Thị P làm việc tại Nông trường Gia Huynh; việc Công ty TNHH MTV Cao Su T quy định cho phép Nông trường Gia Huynh xử lý kỷ luật lao động với hình thức khiển trách là phù hợp pháp luật lao động nên giám đốc Nông trường Gia Huynh ban hành Quyết định số 01/QĐ-NTGH về việc thi hành kỷ luật lao động với hình thức khiển trách đối với bà Trần Thị P là đúng thẩm quyền.

Do đó Quyết định số 01/QĐ-NTGH ngày 04/01/2018 của giám đốc Nông trường Gia Huynh là đúng quy định pháp luật.

[3.2] Đối với Quyết định số 68/QĐ-CSBT ngày 18/4/2018 của Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Su T về việc thi hành kỷ luật lao động đối với bà Trần Thị P với hình thức kéo dài thời hạn nâng bậc lương không quá 06 tháng:

Bà Trần Thị P thừa nhận sau khi bị giám đốc Nông trường Gia Huynh ban hành Quyết định số 01/QĐ-NTGH về việc thi hành kỷ luật lao động với hình thức khiển trách thì bà tiếp tục trồng thêm khoảng 1.000 cây tràm trên phần đất đã trồng tràm trước đó. Ngày 29/01/2018, Công ty TNHH MTV Cao Su T lập biên bản xử lý vi phạm kỷ luật lao động đối với bà P. Ngày 18/4/2018, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Su T ra Quyết định số 68/QĐ-CSBT ngày 18/4/2018 về việc thi hành kỷ luật lao động đối với bà Trần Thị P với hình thức kéo dài thời hạn nâng bậc lương không quá 06 tháng do đã có hành vi tái phạm tự ý trồng 4.000 cây tràm trái phép trên đất của công ty. Về hình thức, Công ty TNHH MTV Cao Su T ban hành Quyết định số 68/QĐ-CSBT là đúng thẩm quyền, trong thời hạn, thời hiệu quy định. Về nội dung, việc bà P tiếp tục trồng cây trên đất của công ty là vi phạm nội quy lao động, nhưng xác định bà P có hành vi trồng 4.000 cây tràm là chưa đúng thực tế. Bởi lẽ sau khi có Quyết định số 01/QĐ-NTGH thì bà P chỉ trồng thêm khoảng 1.000 cây tràm. Tuy nhiên, nội dung quyết định chỉ sai sót về định lượng và không ảnh hưởng đến việc xác định bà Trần Thị P tái phạm.

Do đó Quyết định số 68/QĐ-CSBT ngày 18/4/2018 của Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Su T về việc thi hành kỷ luật lao động đối với bà Trần Thị P với hình thức kéo dài thời hạn nâng bậc lương không quá 06 tháng là đúng quy định pháp luật.

[3.3] Đối với Quyết định số 260/QĐ-CSBT ngày 25/7/2018 của Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Su T về việc thi hành kỷ luật lao động đối với bà Trần Thị P với hình thức sa thải:

Sau khi trồng thêm 1.000 cây tràm vào tháng 01 năm 2018 và bị xử lý kỷ luật theo Quyết định số 68/QĐ-CSBT ngày 18/4/2018 của Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Su T thì bà Trần Thị P không có hành vi trồng cây tràm trên đất của công ty, việc này cũng được Công ty TNHH MTV Cao Su T xác nhận. Tuy nhiên, Quyết định số 260/QĐ-CSBT ngày 25/7/2018 của Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Su T xác định bà P “Trồng cây dài ngày trên đất của Công ty sai chủ trương của công ty, mặc dù Công ty đã nhắc nhở, xử lý kỷ luật vẫn không chấp hành, không khắc phục” là tái phạm, là không đúng khoản 2 Điều 126 Bộ luật lao động 2012 quy định “Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này”. Vì hành vi không chấp hành tháo dỡ cây đã trồng và hành vi tiếp tục trồng cây trên đất sau khi đã bị xử lý kỷ luật là hai hành vi khác nhau.

Do đó, Quyết định số 260/QĐ-CSBT ngày 25/7/2018 của Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Su T về việc thi hành kỷ luật lao động đối với bà Trần Thị P với hình thức sa thải là không đúng quy định pháp luật.

[3.4] Về nội dung kháng nghị trình tự tiến hành các cuộc họp xử lý kỷ luật vi phạm pháp luật lao động, do không có đủ chữ ký của các thành viên hội đồng kỷ luật: Mặc dù biên bản các cuộc họp xử lý kỷ luật khiển trách, kéo dài thời hạn nâng bậc lương và sa thải không có đủ chữ ký của các thành viên hội đồng kỷ luật nhưng về thành phần tham dự có người sử dụng lao động, đại diện Ban chấp hành công đoàn, người lao động và được lập biên bản là đảm bảo quy định khoản 1 Điều 123 Bộ luật lao động 2012 nên không vi phạm.

[3.5] Về nội dung kháng nghị và kháng cáo xác định việc ban hành quyết định xử lý kỷ luật số 260/QĐ-CSBT của Công ty TNHH MTV Cao Su T khi đã hết thời hiệu 06 tháng xử lý kỷ luật (do bà P trồng cây tràm trên đất của nông trường trước ngày 15/01/2018 nhưng ngày 25/7/2018 mới ra quyết định): Việc bà Trần Thị P tự ý trồng cây tràm trên phần đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty TNHH MTV Cao Su T là hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài sản của công ty nên thời hiệu xử lý kỷ luật theo khoản 1 Điều 124 Bộ luật lao động 2012 tối đa 12 tháng, vì vậy việc ban hành quyết định xử lý kỷ luật sa thải là không vi phạm về thời hiệu.

Từ những nhận định trên, xét thấy kháng nghị của Viện kiểm sát, kháng cáo của bà Trần Thị P là có căn cứ chấp nhận một phần nên sửa bản án sơ thẩm và xem xét các yêu cầu của bà Trần Thị P do bị sa thải trái pháp luật.

[3.6] Về trách nhiệm bồi thường do sa thải trái pháp luật: Bà Trần Thị P yêu cầu được trở lại làm việc, căn cứ khoản 3 Điều 33 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ và khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012, Công ty TNHH MTV Cao Su T phải có nghĩa vụ: Nhận bà Trần Thị P trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết, trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

- Về thời gian tính bồi thường: Bà Trần Thị P yêu cầu được bồi thường từ ngày nghỉ việc do bị sa thải (ngày 27/7/2018) đến khi vụ việc được giải quyết xong. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 270 Bộ luật Tố tụng dân sự “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị”. Vì vậy, thời gian tính bồi thường được tính từ ngày không được làm việc (ngày 27/7/2018) đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 29/10/2019), tổng cộng 15 tháng 02 ngày. Tuy nhiên theo lời khai bà Trần Thị P tại phiên tòa phúc thẩm, bà P làm việc tại Nông trường Gia Huynh được công ty trả lương theo sản phẩm mủ cao su khai thác, mỗi năm thời gian làm việc và được nhận lương là từ tháng 5 năm trước đến tháng 01 năm sau, thời gian còn lại (03 tháng) không làm việc nên được công ty cho ứng lương để nộp các khoản bảo hiểm, người lao động sẽ thanh toán lại cho công ty khi vào thời gian làm việc. Do đó, thời gian tính bồi thường còn lại là 12 tháng 02 ngày.

- Về tiền lương làm căn cứ bồi thường:

Bà Trần Thị P làm việc hưởng lương theo sản phẩm, không có mức cố định hàng tháng. Vì vậy lấy mức bình quân lương của 06 tháng liền kề liên tục trước khi bị sa thải để làm căn cứ tính lương và các khoản bồi thường là phù hợp. Theo các bảng thanh toán lương do Công ty TNHH MTV Cao Su T cung cấp cho Tòa án kèm theo Công văn số 713/CSBT-TTBVQS ngày 11/8/2020, lương bình quân tháng từ tháng 8 năm 2017 đến tháng 01 năm 2018 của bà P được Công ty TNHH MTV Cao Su T chi trả là: (11.959.200đồng/tháng 8/2017 + 11.718.000đồng/tháng 9/2017 + 15.085.800đồng/tháng 10/2017 + 14.169.600đồng/tháng 11/2017 + 9.611.100đồng/tháng 12/2017 + 8.774.030 đồng/tháng 01/2018)/6 = 11.886.288đồng/tháng. Tiền lương của 12 tháng 02 ngày không được làm việc là (12*11.886.288đồng) + (11.886.288/30*02 ngày) = 143.427.879 đồng.

- Theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012, Điều 19 và khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014), Điều 43, Điều 44 Luật Việc làm 2013 thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là nghĩa vụ chung của người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, Công ty TNHH MTV Cao Su T phải đóng các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho bà Trần Thị P tương ứng với phần trách nhiệm của mình với thời gian 12 tháng 02 ngày theo mức lương là 11.886.288đồng/tháng theo qui định của pháp luật.

- Buộc Công ty TNHH MTV Cao Su T phải thanh toán cho bà Trần Thị P 02 tháng tiền lương là: 11.886.288 đồng x 2 = 23.772.576đồng. [3.7] Về các yêu cầu khác:

- Về tiền phép năm 3.724.000 đồng; Tiền thưởng lễ, tết (Tết Nguyên đán 1.000.000 đồng, Tết Dương lịch 500.000 đồng, Lễ 30/4 và 1/5 là 300.000 đồng, Lễ 2/9 là 200.000 đồng, Ngày 8/3 là 100.000 đồng); Tiền quà tết 1.000.000 đồng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động 2012, tiền phép năm; Tiền thưởng lễ, tết; Tiền quà tết không được xem là tiền lương, phụ cấp lương nên căn cứ khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động 2012, không có cơ sở chấp nhận các yêu cầu này của bà Trần Thị P;

- Về bồi thường tổn thất tinh thần 6.950.000 đồng: Điều 42 Bộ luật Lao động 2012 không quy định khi bị sa thải trái pháp luật thì người lao động được bồi thường tổn thất tinh thần nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu này của bà Trần Thị P.

- Về trợ cấp chế độ độc hại: Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động 2012, điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ, trợ cấp chế độ độc hại là phụ cấp lương nên căn cứ khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động 2012 có cơ sở chấp nhận các yêu cầu này của bà Trần Thị P. Theo quy định của Công ty TNHH MTV Cao Su T thì hàng tháng người lao động được nhận số tiền trợ cấp độc hại 450.000 đồng. Vì vậy Công ty TNHH MTV Cao Su T phải thanh toán trợ cấp chế độ độc hại cho bà P trong 12 tháng 02 ngày là: (450.000 đồng x 12 tháng) + (450.000đồng/30*02 ngày) = 5.430.000 đồng;

Như vậy Công ty TNHH MTV Cao Su T phải thanh toán cho bà Trần Thị P tổng số tiền là 172.630.455 đồng. Do số tiền lẻ đến 455 đồng sẽ không thi hành án được nên cần làm tròn là 172.630.000 đồng.

[4] Về án phí: Bà Trần Thị P là người lao động có yêu cầu khởi kiện về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải nên không phải chịu án phí lao động sơ thẩm, phúc thẩm. Công ty TNHH MTV Cao Su T phải chịu án phí lao động sơ thẩm tương ứng với số tiền thanh toán cho bà Trần Thị P.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Trần Thị P; Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát;

Sửa một phần Bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 29 tháng 10 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện L.

Áp dụng: khoản 2 Điều 22, Điều 42, Điều 90, Điều 120, Điều 123, Điều 124, Điều 125, Điều 126 Bộ luật Lao động 2012; Điều 19 và khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội; Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014); Điều 43, Điều 44 Luật Việc làm 2013; điểm b khoản 1 Điều 21, khoản 3 Điều 33 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ; Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thị P về việc:

- Hủy Quyết định số 260/QĐ-CSBT ngày 25/7/2018 của Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao Su T về việc thi hành kỷ luật lao động đối với bà Trần Thị P với hình thức sa thải.

- Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao Su T nhận bà Trần Thị P trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết.

- Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Su T phải thanh toán cho bà Trần Thị P các khoản gồm: Tiền lương thời gian không được làm việc 143.427.879 đồng; 02 tháng tiền lương 23.772.576 đồng; Trợ cấp chế độ độc hại 5.430.000 đồng. Tổng cộng số tiền là 172.630.000đồng (Một trăm bảy mươi hai triệu sáu trăm ba mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao Su T phải đóng các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho bà Trần Thị P tương ứng với phần trách nhiệm của mình với thời gian 12 tháng 02 ngày (từ ngày 27/7/2018 đến ngày 31/01/2019 và từ ngày 01/5/2019 đến ngày 29/10/2019) theo mức lương là 11.886.288 đồng/tháng theo qui định của pháp luật.

2. Không chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thị P về việc:

- Hủy Quyết định số 01/QĐ-NTGH ngày 04/01/2018 của giám đốc Nông trường Gia Huynh về việc thi hành kỷ luật lao động bà Trần Thị P với hình thức khiển trách;

- Hủy Quyết định số 68/QĐ-CSBT ngày 18/4/2018 của Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao Su T về việc thi hành kỷ luật lao động đối với bà Trần Thị P với hình thức kéo dài thời hạn nâng bậc lương không quá 06 tháng;

- Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao Su T thanh toán tiền phép năm, tiền thưởng lễ, tết, tiền quà tết với tổng số tiền 6.824.000 đồng.

- Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao Su T bồi thường tổn thất tinh thần số tiền 6.950.000 đồng.

3. Về án phí:

- Bà Trần Thị P không phải chịu tiền án phí lao động sơ thẩm;

- Bà Trần Thị P không phải chịu tiền án phí lao động phúc thẩm;

- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao Su T phải chịu tiền án phí lao động sơ thẩm là 8.631.500 đồng (Tám triệu sáu trăm ba mươi mốt nghìn năm trăm đồng).

4. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án dân sự, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 26/3/2021).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

453
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải (huỷ quyết định sa thải) số 01/2021/LĐ-PT

Số hiệu:01/2021/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Thuận
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 26/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;