Bản án 02/2021/LĐ-PT ngày 26/02/2021 về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

BẢN ÁN 02/2021/LĐ-PT NGÀY 26/02/2021 VỀ TRANH CHẤP XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG THEO HÌNH THỨC SA THẢI

Ngày 26 tháng 02 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 06/2020/TLPT-LĐ ngày 25 tháng 12 năm 2020 về tranh chấp “Xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải”.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 03/2020/LĐ-ST ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 673/2020/QĐ-PT ngày 29 tháng 12 năm 2020 giữa các đương sự:

-Nguyên đơn: Nguyn Thị S , sinh năm 1981 (có mặt);

Địa chỉ: ấp Chợ, xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

-Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L Địa chỉ: Khu công nghiệp M, xã Trung A, thành phố M, tỉnh Tiền Giang. Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Minh N, sinh năm 1958, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị .

Đại diện ủy quyền: Lê Thị Tuyết N, sinh năm 1983(có mặt);

Địa chỉ: số 91/4 ấp C, xã Trung A, thành phố M, tỉnh Tiền Giang.

Chổ ở hiện nay: số 91/4 ấp C, xã Trung A, thành phố M, tỉnh Tiền Giang. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang. Địa chỉ: số 152 H, Đường Lý Thường Kiệt, phường 6 , thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang Người đại diện theo pháp luật: Ông Võ Khánh B – Giám đốc Người đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Thị M - Phó giám đốc (xin vắng mặt).

Cùng địa chỉ: số 152 H , Đường Lý Thường K, phường 6 , thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang Người làm chứng:

1. Trần Thị Phương L, sinh năm 1986 (Vắng mặt);

Địa chỉ: ấp Tân An, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

2. Nguyễn Trung B, sinh năm 1981(Vắng mặt);

Địa chỉ: số 1479 ấp 1, xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

3. Nguyễn Thị Ngọc L1, sinh năm 1977(Vắng mặt);

Địa chỉ: ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

4. Phí Thị H, sinh năm 1986(Vắng mặt);

Địa chỉ: số 9 Hồ Bé, phường 6, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

5. Phan Vân Tr, sinh năm 1976(Vắng mặt);

Đia chỉ: số 1050/76/20 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn S.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm, nguyên đơn bà S trình bày:

Bà vào làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam of L kể từ ngày 30/01/2004. Bà đã ký kết hợp đồng lao động lần thứ nhất xác định thời hạn 12 tháng từ ngày 01/02/2005 đến ngày 31/01/2006; Hợp đồng lao động thứ hai xác định thời hạn 12 tháng từ ngày 01/02/2006 đến 03/01/2007 và Hợp đồng lao động không xác định thời hạn số 77/05/2004NOL-HĐLĐ vào ngày 01/02/2007 với công việc đánh số tại phân xưởng cắt, mã nhân viên là C-0215; Mức lương hiện hưởng là 5.782.350 đồng.

Sau khi tan ca tối vào ngày 15/3/2019. Bà có nhặt một mảnh vải thừa đầu cây trong thùng đựng vải phế liệu và mang ra để trong cốp xe, vì bà thường thấy vải này được cắt phá nhỏ đem ra bán ký. Lúc tan ca ra về, bộ phận bảo vệ công ty đã kiểm tra và phát hiện trong cốp xe và thu hồi mảnh vải mà không lập biên bản vì lúc đó có ông Tr giám đốc chứng kiến. Bà đã trình bày sự việc với ông Tr và ông Tr bảo bà an tâm ra về.

Sáng ngày 16/3/2019, bà vẫn đi làm việc bình thường thì đến khoảng 08 giờ, Thanh tra công ty mang biên bản sự việc hôm trước đến buộc bà phải ký tên. Ngay sau đó, ông Tr – Tổng giám đốc đã mời bà lên họp, cuộc họp chỉ có ông Tr, bà N Phó tổng giám đốc (kiêm Chủ tịch công đoàn cơ sở) và bà Hảo (phụ trách nhân sự). Ngay sau cuộc họp, công ty TNHH Nam of L đã lập Quyết định sa thải số 049/2019/NOL-QĐST ngày 16/3/2019 và biên bản thanh lý hợp đồng lao động số 049/2019/NOL-TLHĐLĐ ngày 16/3/2019 đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn số 77/05/2004/NOL-HĐLĐ giữa bà và công ty, lý do: Vi phạm điều 1.6.2 trang 18 Nội quy lao động của công ty “Có hành vi trộm cắp tài sản trong công ty”. Đồng thời, công ty ban hành thêm quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019 với lý do: Tôi xin nghỉ việc vì bận việc gia đình. Bà S cho rằng công ty TNHH Nam of L kỷ luật sa thải để chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà là trái pháp luật. Bà S yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề gồm:

1. Bà S yêu cầu hủy quyết định số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà và hủy quyết định sa thải số số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019.

2. Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L phải nhận bà trở lại làm việc và đọc loa xin lỗi bà trước toàn công ty.

3. Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L trả một lần khi án có hiệu lực pháp luật các khoản tiền như sau:

Bồi thường 02 tháng tiền lương do Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 5.782.350 đồng/tháng x 02 tháng = 11.564.700 đồng.

Bồi thường lương và bảo hiểm xã hội trong những ngày không được làm việc. Thời gian từ ngày 16/3/2019 đến khi xét xử. Tạm tính là 06 tháng, bồi thường tiền lương = 5.782.350 đồng/tháng x 10 tháng = 57.823.500 đồng, tiền bảo hiểm xã hội = 5.782.350 đồng/tháng x 21,5% x 10 tháng = 12.432.053 đồng.

Tổng cộng là 81.820.253 đồng.

4. Nếu Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L không nhận bà S trở lại làm việc thì phải bồi thường thêm cho bà khoản tiền:

Vì công ty từ chối nhận lại bà nên bà bị mất việc và vì bà đã cống hiến cả tuổi trẻ cho công ty, nay bà tuổi cao sức yếu khó xin việc làm chổ khác, có khả năng không được hưởng lương hưu và nay sinh con không được hưởng chế độ thai sản nên bà yêu cầu 04 tháng tiền lương: 5.782.350 đồng x 04 tháng = 23.129.400 đồng.

Trợ cấp thôi việc cho bà đối với khoảng thời gian bà không tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Từ 30/01/2004 đến 31/12/2008 = 04 năm 11 tháng và từ 01/2013 đến tháng 01/2019 có 11 tháng không tham gia bảo hiểm tổng cộng 05 năm 10 tháng được làm tròn 06 năm bằng ½ tháng lương = 5.782.350 đồng x 06 tháng : 2 = 17.347.050 đồng.

Tiền lương cho những ngày không báo trước: 5.782.350 đồng/tháng : 26 ngày x 45 ngày = 10.007.913 đồng.

Tổng cộng 50.484.363 đồng.

5. Bà S yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L bồi thường cho bà tổn thất về tinh thần là 1.490.000 đồng x 10 tháng = 14.900.000 đồng.

Bà S yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L bồi thường cho bà tất cả các khoản nêu trên với tổng số tiền là 147.204.000 đồng.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn luật sư Nguyễn Quang Tấn trình bày:

Bà S và Công ty TNHH Nam of L đã ký các hợp đồng lao động như sau: Lần 1: Hợp đồng xác định thời hạn từ ngày 01/02/2005 đến ngày 31/01/2006;

Lần 2: Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ ngày 01/02/2006 đến ngày 31/01/2007;

Lần 3: Hợp đồng không xác định thời hạn ký từ ngày 01/02/2007, công việc của bà S là đánh số tại bộ phần xưởng cắt các công việc cụ thể theo sự phân công của quản lý bộ phận theo Điều 1 HĐLĐ với mức lương được hưởng là 5.782.350 đồng/tháng, thời gian làm việc là 08 giờ/ngày.

Việc Công ty TNHH Nam of L (gọi tắt là Công ty NOL) chấm dứt hợp đồng lao động với bà S bởi các lý do và nguyên nhân như sau:

Vào lúc 20 giờ 15 phút ngày 15/3/2019, bảo vệ của công ty đang làm nhiệm vụ, trong quá trình rà soát vé xe và kiểm tra xe công nhân tăng ca về thì phát hiện bà S có biểu hiện rất lạ, bảo vệ yêu cầu bà S mở cốp xe nhưng bà S lại từ chối không cho mở cốp xe, bà S lấy tay đè không cho bảo vệ mở cốp xe. Bảo vệ đã giải thích cho bà S nội quy của công ty nhưng bà S vẫn không chịu mở cốp xe. Vào thời gian đó, bảo vệ đã báo lại sự việc cho ông Tr vì ông Tr ở gần công ty nên ông Tr đã yêu cầu bà S mở cốp xe. Bà S mở cốp xe thì bảo vệ thấy bên trong bịch nhựa màu đen có để hai bó vải cột thành một cuộn và chụp lại hình ảnh để báo lên công ty chờ xử lý.

Ngày 16/3/2019, công ty NOL đã tổ chức cuộc họp để xử lý vi phạm kỷ luật lao động và ra quyết định sa thải đối với bà S về hành vi “Lấy trộm tài sản trong công ty” theo điều 1.6.2 của nội quy lao động. Nhưng bà S đã năng nỉ công ty xin nghỉ việc để còn được nhận trợ cấp thôi việc. Công ty không đồng ý vì giải quyết như vậy sẽ không răng đe được những người còn lại làm việc theo nội quy. Bà S đã trình bày: Nếu công ty ra quyết định sa thải thì bà không còn mặt mũi nào nhìn vào xã hội và bà còn đi làm việc ở nơi khác, thời gian bà S gắn bó với công ty đã lâu mà không sa thải bà. Xét nguyện vọng của bà S, vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 16/3/2019, Ban giám đốc đã họp, làm việc với bộ phận xưởng cắt và yêu cầu phòng tổ chức hành chính thực hiện công việc như sau:

Thu hồi Quyết định sa thải số 049/2019/NOL-QĐST và biên bản thanh lý hợp đồng lao động số 049/TLHĐLĐ đối với bà S ngày 16/3/2019.

Tiến hành giải quyết các thủ tục cho thôi việc và tính trợ cấp cho thôi việc cho bà S theo quy định pháp luật.

Cùng ngày 16/3/2019, dựa trên cuộc họp của Ban giám đốc và Đơn xin nghỉ việc riêng của bà S, Phòng tổ chức (TCHC) đại diện là bào Hảo đã tiến hành thủ tục trình Ban giám đốc phê duyệt quyết định thôi việc số 049/2019/QĐNV ngày 16/3/2019 v/v chấm dứt hợp đồng lao động với bà S với lý do: Bận việc gia đình.

Công ty NOL ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà S là có căn cứ pháp lý, cụ thể như sau: Dựa trên đơn xin thôi việc của bà S ngày 16/3/2019; Biên bản họp Ban giám đốc với bộ phận xưởng cắt ngày 16/3/2019. Quyết định cho thôi việc số 049/2019/QĐNV có hiệu lực ngày 16/3/2019. Thực tiễn nguyên tắc ban hành quyết định thứ hai mà có lợi hơn cho người lao động thì luôn được áp dụng và ưu tiên. Công ty thông báo trả trợ cấp thôi việc cho bà S vào ngày 16/3/2019.

Công ty NOL không chấp nhận tất cả yêu cầu khởi kiện của bà S vì các lý do sau: Công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà S hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của bà S và có đơn xin thôi việc của bà S vì lý do “bận việc gia đình”. Sau khi thực hiện hành vi lấy trộm vải, bà S đã vi phạm nội quy lao động. Bà S đã biết lỗi và trình bày với quản lý bộ phận xưởng cắt và có đơn xin thôi việc để được hưởng “tiền trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc”. Mặc khác để tránh dư luận tại tập thể người lao động công ty, bà con hàng xóm nên công ty đã chấp nhận đơn xin thôi việc của bà S.

Sau khi sự việc xảy ra đối với bà S, tại xưởng cắt thì tập thể cán bộ công nhân viên và quản lý bộ phận đã kiến nghị với Ban giám đốc và Ban chấp hành công đoàn xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bà S. Cho nên cùng ngày 16/3/2019, Ban giám đốc đã có cuộc họp với bộ phận xưởng cắt để kiểm điểm đơn vị và xem xét nguyện vọng của bà S và được Ban giám đốc chỉ đạo cụ thể việc này với bà S.

Ngoài ra, căn cứ vào hồ sơ và thủ tục của bà S xin hưởng trợ cấp thôi việc của tại Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Tiền Giang vào ngày 08/5/2019 thể hiện: Bà S đã được hưởng trợ cấp thôi việc là 09 tháng. Điều này chứng tỏ bà S thể hiện ý chí có đơn thôi việc và cất quyết định sa thải và biên bản thanh lý hợp đồng đã ban hành trước đó. Công ty NOL chỉ chấp nhận một phần bồi thường của nguyên đơn với số tiền trợ cấp thôi việc là 17.347.050 đồng và công ty đã thông báo thanh toán cho người lao động nhưng do bộ phận kế toán sai sót chứng từ nên không có thanh toán cho người lao động trong thời hạn. Ngày 13/5/2020, công ty đã sao lục toàn bộ hồ sơ thì mới biết yêu cầu trợ cấp thôi việc chưa được thanh toán nên công ty đã thanh toán chuyển khoản cho bà S. Công ty NOL không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang trình bày:

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội 2006 (BHXH) và Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009, do đó cơ quan BHXH chỉ thực hiện thu BHTN từ ngày 01/01/2009 trở về sau:

Từ tháng 01 năm 2009 đến tháng 02 năm 2019, bà S có tham gia BHTN theo mức đóng bằng 2%. Như vậy, tổng thời gian đóng BHTN từ tháng 01/2009 đến tháng 02/2019 của bà S là 09 năm 03 tháng (có gián đoạn do nghỉ ốm đau, nghỉ không lương, thai sản).

Căn cứ Quyết định số 3919/QĐ-SLĐTBXH ngày 08/5/2019 của Sở Lao động – Thương binh xã hội tỉnh Tiền Giang, BHXH tỉnh Tiền Giang đã thực hiện chỉ trả 09 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp cho thời gian đóng từ tháng 01/2009 đến tháng 10/2018 (tính đủ 09 năm đóng) với tổng số tiền đã hưởng là 31.224.690 đồng.

Còn lại 03 tháng đóng BHTN (tháng 11, tháng 12/2018 và tháng 02/2019) do chưa đủ điều kiện hưởng (12 tháng) nên được bảo lưu thời gian đóng chưa hưởng vào sổ BHXH.

Do bà S có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp, vì vậy việc giải quyết hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp cho bà S theo Quyết định số 3919/QĐ-SLĐTBXH ngày 08/5/2019 của Sở Lao động thương binh xã hội là đúng quy định pháp luật.

Giả sử trong Tr hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S, thực hiện hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và buộc công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L nhận bà S trở lại làm việc, đồng thời yêu cầu Công ty bồi thường tiền lương và các khoản BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN tương ứng thời gian bị sa thải, trên cơ sở quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, BHXH tỉnh sẽ thực hiện các bước sau: Đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định chấm dứt hưởng và thu hồi số tiền trợ cấp thất nghiệp mà bà S đã hưởng và phục hồi lại quá trình BHTN chưa hưởng (9 năm);

Thực hiện truy thu BHXH, BHTN, BHYT và tiền lãi phát sinh theo quy định. Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang có ý kiến thông báo không tham gia tố tụng cho đến khi vụ kiện được giải quyết xong.

Người làm chứng Nguyễn Trung B trình bày: Ông là công nhân của Công ty TNHH Nam of L, công việc của ông là IT và thanh tra. Vào năm 2019, ông không nhớ rõ ngày tháng. Ông đang sửa máy vi tính cho Tổng giám đốc Phan Vân Tr, ông có thấy một giấy tay được viết bằng giấy tập để trên bàn làm việc của ông Tr. Ông chỉ nhìn sơ qua và thấy giấy viết tay có nội dung: Đơn xin xem xét giảm nhẹ hình phạt không sa thải của bà S. Trong đơn bà S trình bày: Bà có lấy một khúc vải của công ty và xin được giảm nhẹ hình phạt bằng việc bà S xin nghỉ việc để bà S được hưởng chế độ. Ông đã nhìn thấy đơn của bà S vào khoảng từ 09 giờ đến 10 giờ trong ngày. Ông chỉ biết sự việc như vậy, ông không biết sự việc gì khác. Ông xin được vắng mặt trong tất cả các thủ tục tố tụng tại tòa.

Người làm chứng Trần Thị Phương L trình bày:Bà là công nhân của Công ty TNHH Nam of L, công việc của bà là lễ tân, hành chính văn phòng. Vào khoảng tháng 3 năm 2019, bà có dọn dẹp các loại giấy tờ trên bàn làm việc của ông Phan Vân Tr. Khi đó, bà có nhìn thấy một tờ giấy viết tay, chữ viết màu xanh được kẹp trong bìa trình ký màu xanh dương có dòng chữ: “Đơn xin xem xét” của bà S. Trước đó, tôi có nghe việc bà S lấy một khúc vải nên bà tò mò cầm lên xem. Bà nhớ có nội dung: Bà S thấy một khúc vải lạ nên lấy về may đồ và bà S xin nghỉ việc để được hưởng chế độ. Bà chỉ biết sự việc như vậy, bà không biết sự việc gì khác. Bà xin được vắng mặt trong tất cả các thủ tục tố tụng tại tòa.

Người làm chứng Nguyễn Thị Ngọc L trình bày:Bà là công nhân của Công ty TNHH Nam of L, công việc của bà là quản đốc xưởng. Bà không nhớ rõ cụ thể thời gian bà S lấy trộm một khúc vải của công ty. Nhưng bà nhớ hôm đó, bà S tăng ca đến 20 giờ tối mới ra về. Đến sáng ngày hôm sau, bà S có đến công ty nhưng không vào làm việc. Bà S có gọi điện thoại kêu bà ra nhà vệ sinh gặp bà S. Bà S nói với bà rằng: Bà S xấu hổ không vô xưởng làm, bà S nhờ bà xin ban giám đốc giảm nhẹ hình phạt cho bà S. Khi đó, bà có khuyên bà S vô xưởng làm nhưng bà S không đồng ý. Cùng ngày hôm đó, bà có làm biên bản tại xưởng cắt để xin giảm hình phạt cho bà S. Bà chỉ biết sự việc như vậy, bà không biết sự việc gì khác. Bà xin được vắng mặt trong tất cả các thủ tục tố tụng tại tòa.

Người làm chứng Phí Thị H trình bày: Vào tháng 3 năm 2019, bà là nhân viên phòng quản lý nhân sự của Công ty TNHH Nam of L. Bà làm việc tại công ty đến tháng 5 năm 2019 thì bà nghỉ việc. Bà không nhớ ngày cụ thể bà S lấy khúc vải của công ty. Bà chỉ nghe mọi người trong công ty kể lại: Khi bà S tan ca tối về thì bảo vệ phát hiện trong cốp xe của bà S có một khúc vải thì bà S đã khóc lóc năn nỉ bảo vệ. Bà được bà S và ông Tr kể lại: Khi bị phát hiện lấy vải của công ty, bà S đã khóc lóc van xin ông Tr, ông Tr đã yêu cầu bà S về để mai giải quyết chứ ông Tr không hứa bỏ qua sự việc nêu trên.

 Đến sáng ngày hôm sau, bà S quay lại làm việc. Đến khoảng 08 đến 09 giờ, công ty có mời bà S lên làm việc, bà S khóc lóc, năn nỉ công ty không sa thải để bà được tiếp tục làm việc. Bà đã đề xuất với ông Tr ban hành quyết định sa thải và ban hành kèm quyết định cho nghỉ việc để bà S được đi làm việc ở nơi khác. Khi đó, bản thân bà S cũng đã đề xuất với công ty cho bà S được nghỉ việc để bà S được đi làm việc ở nơi khác. Bà không trình bày gì thêm, bà xin được vắng mặt trong tất cả thủ tục tố tụng tại Tòa.

Người làm chứng Ông Phan Vân Tr trình bày: Khoảng 20 giờ ngày 15/3/2019, bảo vệ gọi điện thoại cho ông thông báo trong quá trình kiểm tra xe công nhân tan ca ra về thì bảo vệ phát hiện bà S – công nhân xưởng cắt có biểu hiện rất lạ, bà S cho bảo vệ mở cốp xe ở phía sau nhưng từ chối không cho bảo vệ mở cốp xe ở phía trước. Bảo vệ đã gọi điện thoại cho ông. Ông đã vào công ty và yêu cầu bà S mở cốp xe, bà S chấm chừ quanh co rồi cũng mở cốp xe. Bảo vệ phát trong cốp xe của bà S có một bó vải gồm nhiều khúc vải cuộn lại. Khi thấy các khúc vải được bó lại, ông khẳng định đây là vải tại xưởng cắt để chờ lên chuyền may. Đồng nghĩa với việc vải này còn giá trị sử dụng của công ty. Vải của công ty đều là vải nhập khẩu không có ở Việt Nam, nếu đưa ra thị Tr không xin phép sẽ bị phạt về vi phạm bản quyền về chất liệu sản phẩm. Vì vậy, bảo vệ đã giữ lại và ghi nhận sự việc tại thời điểm đó cho bà S ký xác nhận. Lúc đó, người nhà của bà S đã vào gặp ông liên tục năn nỉ, thuyết phục ông đừng lập biên bản, xin đừng sa thải và bà S từ chối ký tên. Ông bảo bà S về nhưng bà S vẫn không đồng ý. Bà S kiên quyết cùng người nhà đi theo sau lưng ông năn nỉ không lập biên bản, không sa thải. Ông đã khuyên mọi người về và 20 phút sau bà S cùng người nhà về.

Vào ngày 16/3/2019, bà S được bố trí làm việc bình thường. Khoảng 08 hoặc 09 giờ, bà S đến Văn phòng công ty xin gặp bà Phí Thị Hảo và bà S cũng muốn gặp ông. Lúc ấy, bà S làm việc với bà Hảo. Thanh tra công ty tiếp nhận biên bản ghi nhận sự việc từ bảo vệ, chuyển cho bà S ký tên để hoàn thành hồ sơ. Sau đó, công ty tổ chức cuộc họp giữa Ban quản lý và Ban chấp hành công đoàn trao đổi nội dung: Xét theo mức độ vi phạm thì bà S là vi phạm lần đầu mặc dù bà S tự ý sử dụng vải công ty may túi đựng bình nước treo ngay xe.

 Khi xảy ra sự việc bà S quanh co, khóc lóc, năn nỉ, kiên quyết không ký tên vào biên bản của bảo vệ ngay tại thời điểm đó và gây chú ý làm mất trật tự ngay cổng chính của công ty. Bà S còn gọi người nhà vào công ty năn nỉ, thuyết phục vô tình gây sức ép cho công ty, làm sự việc trở nên khó xử. Qua báo cáo sự việc của trưởng bộ phận, buổi sáng bà S vào làm việc không tập trung, không ở vị trí làm việc mà ở ngoài xưởng. Qua quá trình trao đổi, công ty xử lý kỷ luật lao động đối với bà S.

Ngay sau đó, bà S năn nỉ công ty cho bà nghỉ việc theo đơn. Bà S nói công ty ra quyết định sa thải như vậy bà không còn mặt mũi nào nhìn vào xã hội và bà còn đi xin việc làm nơi khác, thời gian bà S gắn bó với công ty đã hơn 15 năm nên mong Ban giám đốc và phòng ban xem lại.

Ban giám đốc đã tiến hành xem xét lại sự việc, quá trình làm việc của bà S và hoàn cảnh của bà S, dựa trên biên bản họp của Ban giám đốc và đơn xin nghỉ việc theo nguyện vọng của bà S. Phòng tổ chức hành chính đại diện là bà Phí Thị Hảo đã ban hành quyết định thôi việc về việc chấm dứt hợp đồng lao động với lý do bận việc gia đình. Bà S đã hiểu rõ, đồng ý sự việc trước khi ra về. Cùng ngày, ban lãnh đạo công ty đã tiến hành lập biên bản số 01/2019 ngày 16/3/2019 về việc thu hồi và hủy quyết định sa thải và biên bản thanh lý hợp đồng lao động. Hiện nay, ông không còn làm việc tại công ty NOL và đang làm việc tại công ty khác. Ông xin được vắng mặt trong tất cả buổi làm việc liên quan đến vụ án nêu trên.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 03/2020/LĐ-ST ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã áp dụng 228, Điều 229, Điều 244 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Căn cứ Điều 36, Điều 37, Điều 42, Điều 48, Điều 123 Bộ luật lao động; Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm năm 2013; Căn cứ Điều 592 Bộ luật dân sự 2015; Căn cứ Điều 4, Điều 13, Điều 14, Điều 30, Điều 33 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội ngày 30 tháng 12 năm 2016, bà S được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm xử:

1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà S đối với yêu cầu hưởng chế độ thai sản là 04 tháng tiền lương với số tiền là 23.129.400 đồng.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà S về việc yêu cầu hủy quyết định sa thải số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019.

Hủy quyết định sa thải số số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019.

3. Không chấp nhận đối với yêu cầu khởi kiện khác của bà S gồm:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S về việc yêu cầu hủy quyết định số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019 về việc chấm dứt hợp đồng.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S về việc yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L phải đọc loa xin lỗi bà trước toàn công ty.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S về việc buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L nhận bà trở lại làm việc và bồi thường 02 tháng tiền lương do Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là với số tiền 11.564.700 đồng và bồi thường lương và bảo hiểm xã hội trong những ngày không được làm việc với số tiền là 126.459.995 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu của bà S về việc nếu Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L không nhận bà S trở lại làm việc thì phải bồi thường cho bà với tổng số tiền là 186.000.000 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 07/10/2020, nguyên đơn bà S có đơn kháng cáo với nội dung: Đề nghị Tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bà, trong đó việc bồi thường tiền lương và bảo hiểm xã hội trong những ngày không làm việc được tính từ ngày 16/3/2019 đến ngày Tòa án đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và thư ký đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Người tham gia tố tụng chấp hành đúng qui định của pháp luật. Về nội dung: Đơn kháng cáo của bà S nộp trong thời hạn luật định nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Nhận thấy, bà S đã vi phạm nội qui của công ty và công ty đã ban hành quyết định sa thải Bà S, nhưng do bà S năng nỉ công ty giảm bớt mức độ kỉ luật, cho bà xin nghỉ việc để được hưởng các chế độ. Công ty cũng đã ban hàng quyết định nghỉ việc đối với bà S, sau khi có quyết định nghỉ việc thì bà S làm thủ tục xin hưởng Bảo hiểm và trợ cấp thất nghiệp, trong hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp thì bà S cũng ghi chấm dứt hợp đồng lao động là do bận việc gia đình và bà S ký tên. Do đó, yêu cầu kháng cáo của bà S là không có cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Qua nghiên cứu toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra và tranh luận tại phiên tòa, nội dung yêu cầu kháng cáo của bà S, lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa phúc thẩm, đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Tòa án sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp “xử lý kỉ luật theo hình thức sa thải” là có căn cứ. Sau khi tòa án xét xử sơ thẩm vào ngày 30/9/2020, ngày 07/10/2020 bà S có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, Bà S thuộc Tr hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên đơn kháng cáo của bà S là hợp lệ, được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Đối với đại diện của Bảo Hiểm Xã Hội tỉnh Tiền Giang có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt, nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án vắng mặt đại diện Bảo Hiểm Xã hội tỉnh Tiền Giang theo qui định tại khoản 2 Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung: Bà S vào làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam of L kể từ ngày 30/01/2004. Bà đã ký kết hợp đồng lao động lần thứ nhất xác định thời hạn 12 tháng từ ngày 01/02/2005 đến ngày 31/01/2006; Hợp đồng lao động thứ hai xác định thời hạn 12 tháng từ ngày 01/02/2006 đến 03/01/2007 và Hợp đồng lao động không xác định thời hạn số 77/05/2004NOL-HĐLĐ vào ngày 01/02/2007 với công việc đánh số tại phân xưởng cắt, mã nhân viên là C- 0215; Mức lương hiện hưởng là 5.782.350 đồng. Ngày 16/3/2019 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam of L đã chấm dứt hợp đồng lao động với bà S thì phát sinh tranh chấp. Sau khi tòa án sơ thẩm xét xử, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S, bà S đã kháng cáo bản án sơ thẩm.

[3] Xét nội dung kháng cáo của bà S, Hội đồng xét xử thấy rằng. Ngày 16/3/2019 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam of L đã ban hành 02 quyết định cùng số cùng ngày là quyết định sa thải số số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019 và quyết định số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019 về việc chấm dứt hợp đồng.

[3.1]Đối với quyết định sa thải số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019, tòa án sơ thẩm đã nhận định sự việc bà S lấy vải của công ty vào ngày 15/3/2019 đến ngày 16/3/2019 công ty đã ra quyết định sa thải là không đúng quy trình xử lý kỷ luật sa thải được quy định tại Điều 123 Bộ luật lao động và Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính Phủ quy định chi và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật lao động. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam of L đã ra biên bản thu hồi quyết định này là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính Phủ quy định chi và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật lao động. Tuy nhiên, Công ty NOL thu hồi quyết định sa thải bằng biên bản thu hồi không làm ảnh hưởng đến nội dung và kết quả của việc thu hồi quyết định sa thải nên Hội đồng xét xử sơ thẩm đã chấp nhận và cần hủy quyết định sa thải số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019 cho đúng quy định pháp luật.Sau khi tòa sơ thẩm xét xử hủy quyết định sa thải số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019 thì các đương sự không có kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không đặt ra xem xét, giải quyết.

[3.2] Đối với quyết định số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019 về việc chấm dứt hợp đồng lao động thì bà S có kháng cáo, yêu cầu Tòa án phúc thẩm tuyên hủy quyết định này, buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam of L bồi thường cho bà tất cả các khoản với tổng số tiền là 147.204.000 đồng. Căn cứ tài liệu thu thập có trong hồ sơ và lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa phúc thẩm, xuất phát từ việc “Bảo vệ công ty xét xe công nhân ra về và phát hiện cốp xe chị Trần Thị Thu S có một bó vải..” đã được Bảo vệ lập biên bản Bà S có ký tên và ghi nội dung “Do thấy vải lạ nên tôi có lấy 1 khúc để may quần mặc đi làm. Xin BGĐ và PTCHC xem xét” (bút lục số 101). Chính hành vi này bà S đã vi phạm nội quy của Cty. Đồng thời ngày 16/3/2019 Bà S cũng đã ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam of L với lý do “ vi phạm điều 1.6.2 trang 18 NQLĐ (có hành vi trộm cắp tài sản trong Công Ty)”. Tại đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp ghi ngày 11/4/2019 do bà S lập để gửi cho Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang xin hưởng trợ cấp thất nghiệp “Lý do chấm dứt hợp đồng lao động: Bận việc gia đình”. Xét nội dung bản án sơ thẩm đã xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S về việc Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S về việc yêu cầu hủy quyết định số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019 về việc chấm dứt hợp đồng và không chấp nhận các yêu cầu bồi thường tiền 186.000.000đồng cũng như đọc loa xin lỗi bà S là đúng pháp luật. Bởi lẽ, bản thân bà S đã vi phạm nội qui lao động đã bị lập biên bản về hành vi này bà S cũng đã ký tên vào biên bản sự việc, đồng thời bà S cũng đã ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động xem như hai bên đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo qui định tại khoản 3 Điều 36 của Luật lao động. Các chế độ bảo hiểm và phụ cấp của bà S đã được thanh toán đầy đủ tính đến ngày chấp dứt hợp đồng lao động. Quá trình kháng cáo bà S cũng không cung cấp thêm chứng cứ gì mới để chứng minh, nên không có cơ sở để chấp nhận đơn kháng cáo của bà S . Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm theo qui định tại khỏan 1 Điều 308 của bộ luật tố tụng dân sự.

[4] Xét ý kiến phát biểu và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là co cơ sở nên được chấp nhận.

[5]Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà S được miễn án phí dân sự phúc thẩm theo qui định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội ngày 30 tháng 12 năm 2016, đồng thời bà S cũng có đơn xin miễn án phí .

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 308 , Điều 148, khoản 2 điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự ;

- Căn cứ Điều 36, Điều 37, Điều 42, Điều 48, Điều 123 Bộ luật lao động; Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm năm 2013; Căn cứ Điều 592 Bộ luật dân sự 2015; Căn cứ Điều 4, Điều 13, Điều 14, Điều 30, Điều 33 Nghị định số 05/2015/NĐ- CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội ngày 30 tháng 12 năm 2016, bà S được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm;

Xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà S, giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm số 03/2020/LĐ-ST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang .

2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà S đối với yêu cầu hưởng chế độ thai sản là 04 tháng tiền lương với số tiền là 23.129.400 đồng.

3. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà S về việc yêu cầu hủy quyết định sa thải số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019.

Hủy quyết định sa thải số số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019.

4. Không chấp nhận đối với yêu cầu khởi kiện khác của bà S gồm:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S về việc yêu cầu hủy quyết định số 049/2019/NOL-QĐNV ngày 16/3/2019 về việc chấm dứt hợp đồng.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S về việc yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L phải đọc loa xin lỗi bà trước toàn công ty.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S về việc buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L nhận bà trở lại làm việc và bồi thường 02 tháng tiền lương do Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là với số tiền 11.564.700 đồng và bồi thường lương và bảo hiểm xã hội trong những ngày không được làm việc với số tiền là 126.459.995 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu của bà S về việc nếu Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam of L không nhận bà S trở lại làm việc thì phải bồi thường cho bà với tổng số tiền là 186.000.000 đồng.

5.Về án phí: Bà S không phải chịu án phí phúc thẩm và án phí sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1638
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 02/2021/LĐ-PT ngày 26/02/2021 về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải

Số hiệu:02/2021/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tiền Giang
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 26/02/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;