TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
BẢN ÁN 33/2022/DS-PT NGÀY 28/07/2022 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Trong các ngày 26 và 28 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 01/2022/TLPT-DS ngày 07 tháng 01 năm 2022. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2021/DS-ST ngày 07 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 12/2022/QĐ-PT ngày 07 tháng 3 năm 2022 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị D, sinh năm 1954; địa chỉ: Số nhà 1, ngõ 2 phố Chiền, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc, “có mặt”.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn Đ – Luật sư Công ty Luật TNHH MTV Thái Đ, “có mặt”.
2. Bị đơn: Bà Phạm Thị S, sinh năm 1956; địa chỉ: Số nhà 36, ngõ Nhà Thờ, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc, “có mặt”.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Bà Trần Thị G, sinh năm 1944; nơi cư trú: Khu 12, ngõ Nhà Thờ, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Gái: Anh Ngô Nam U, sinh năm 1969; Địa chỉ: Số 4, ngách 1, đường Trần Quốc Toản, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc (Văn bản ủy quyền ngày 28/10/2021), “có mặt”.
+ Bà Trần Thị H, sinh năm 1960; nơi cư trú: Số nhà 9, ngõ 53 phố Nguyễn Khiết, phường Ph, quận R, thành phố Hà Nội, “có mặt”.
+ Anh Dương Đức Th, sinh năm: 1975; nơi cư trú: Khu tập thể máy xay cũ, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc, “có mặt”.
+ Bà Trần Thị B, sinh năm 1948; địa chỉ: Số 20, ngõ 43 Phùng Khoang, phường E, huyện Y, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền của bà B: Anh Trần Văn L, sinh năm 1981; địa chỉ: Số nhà 36 ngõ Nhà Thờ, đường Trần Quốc Toản, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc (Văn bản ủy quyền ngày 22/5/2020), “có mặt”.
+ Chị Nguyễn Thị M, sinh năm 1980; địa chỉ: Số nhà 36 ngõ Nhà Thờ, đường Trần Quốc Toản, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc, “có mặt”.
+ Anh Trần Văn L, sinh năm 1981; địa chỉ: Số nhà 36 ngõ Nhà Thờ, đường Trần Quốc Toản, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc, “có mặt”.
+ Chị Trần Thanh P, sinh năm 1983; địa chỉ: Số nhà 18B, ngõ 5, đường Lam Sơn, phường I, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc, “vắng mặt”.
+ Anh Trần Văn T, sinh năm 1978; địa chỉ: Số nhà 336/5 đường Nguyễn Văn Lương, phường 12, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh, “vắng mặt”.
4. Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Trần Thị D và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị G, bà Trần Thị H và anh Dương Đức Th.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 14 tháng 10 năm 2019, các lời trình bày tiếp theo trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn bà Trần Thị D trình bày:
Bố mẹ bà là cụ Trần Văn A và cụ Đoàn Thị C có 06 người con, trong đó có 05 người con đẻ và 01 người con nuôi, là bà Trần Thị B, ông Trần X, bà Trần Thị D, bà Trần Thị N, bà Trần Thị H và bà Trần Thị G (là con nuôi). Trong 06 người con thì ông X chết năm 2005 có vợ là bà Phạm Thị S và 03 con là anh Trần Văn T, anh Trần Văn L và chị Trần Thanh P; bà N chết năm 2006 có chồng là ông Dương Đức Ch (chết năm 2006) và 02 con là anh Dương Đức K (đã chết không có vợ con) và anh Dương Đức Th.
Cụ A và cụ C có tạo dựng được khối tài sản chung là 587m2 đất trong đó có 200m2 đất ở và 387m2 đất vườn, thuộc thửa đất số 13, tờ bản đồ số 12, tại số 36, ngõ Nhà Thờ, đường Trần Quốc Toản, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 12/12/2003 đứng tên cụ Trần Văn A. Trên đất có 03 gian nhà thờ cũ đến năm 2010 thì các chị em trong gia đình đã phá 03 gian nhà thờ cũ để xây 03 gian nhà thờ mới như hiện nay; 01 nhà cấp bốn 03 gian. Năm 1963 cụ C chết; năm 1982 cụ A chết, trước khi chết cụ C và cụ A không để lại di chúc, kể từ khi cụ A và cụ C chết, bà S cùng các con vẫn quản lý toàn bộ số tài sản này. Năm 2014 bà D làm đơn yêu cầu chia tài sản chung theo quy định nhưng không đủ điều kiện khởi kiện nên Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, sau đó bà D và các đồng thừa kế yêu cầu bà S và các con chia tài sản thừa kế của cụ A và cụ C theo quy định, nhưng bà S và các con không đồng ý. Vì vậy, bà D khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ A, cụ C cho các đồng thừa kế theo pháp luật, sau đó bà thay đổi yêu cầu khởi kiện đề nghị để lại phần khuôn viên đã làm nhà thờ diện tích 201,4 m2, trong đó diện tích nhà thờ là 53,8m2 là tài sản chung của tất cả các đồng thừa kế. Diện tích còn lại chia đều cho các hàng thừa kế theo quy định của pháp luật và bà đề nghị được lấy bằng hiện vật. Riêng phần đóng góp xây nhà thờ hết 280.000.000 đồng, trong đó bà D, bà B, bà H mỗi người góp 50.000.000 đồng, còn lại 130.000.000 đồng là của bà S (gồm bà S, anh L, chị P và chị M) bà không yêu cầu giải quyết. Giả sử phần nhà thờ này nằm trên phần đất của ai được chia thì người đó được sử dụng, không phải thanh toán tiền đóng góp xây nhà thờ cho những người còn lại.
Bị đơn bà Phạm Thị S trình bày: Thừa nhận lời trình bày nguyên đơn về thành phần gia đình, thời điểm cụ A, cụ C chết cũng như khối tài sản chung của cụ A, cụ C để lại bao gồm 587m2 đất trong đó có 200m2 đất ở và 387m2 đất vườn, thuộc thửa đất số 13, tờ bản đồ số 12, tại số 36, ngõ Nhà Thờ, đường Trần Quốc Toản, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cụ Trần Văn A và trên đất có 03 gian nhà thờ;
01 nhà cấp bốn 03 gian như lời trình bày của bà D là đúng. Tuy nhiên bà xin bổ sung như sau: Năm 1977 bà lấy ông X và về làm dâu sống chung với gia đình cụ A trên diện tích thửa đất này. Cụ C chết năm 1963 trước khi bà lấy ông X; năm 1982 cụ A chết, trước khi chết cụ A có để lại di chúc cho vợ chồng bà được thừa kế toàn bộ tài sản của cụ A và cụ C, di chúc do cụ A viết ngày 06/9/1982, đến ngày 10/5/2004 ông X có nhờ ông Phan Huy O1 là trưởng khu ký xác nhận vào di chúc của cụ A. Trên diện tích 587m2 đất mà cụ A, cụ C để lại có 03 gian nhà thờ nhỏ, 03 gian nhà cấp IV còn lại xung quanh là ao. Đến năm 1993 gia đình bà tiến hành lấp ao làm chuồng chăn nuôi lợn, năm 2004 bà xây thêm 02 gian nhà để ở. Năm 2010 gia đình bà cùng bà D, bà B, bà H phá 03 gian nhà thờ nhỏ xây lại thành nhà thờ lớn như hiện nay hết 280.000.000 đồng trong đó bà B, bà D, bà H mỗi người đóng góp 50.000.000 đồng, gia đình bà đóng góp 130.000.000 đồng. Hiện toàn bộ diện tích thửa đất này vẫn do bà và vợ chồng anh Trần Văn L (là con trai bà) quản lý sử dụng. Nay bà D khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế thửa đất trên theo pháp luật bà không đồng ý. Bà đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà D. Nếu phải chia tài sản thừa kế bà đề nghị xem xét đến công sức giữ gìn, tôn tạo của bà đối với tài sản thừa kế. Đối với số tiền gia đình bà góp 130.000.000 đồng xây nhà thờ bà cũng đồng ý với ý kiến của bà D không yêu cầu Tòa án giải quyết, nếu phần nhà thờ này nằm trên phần đất của ai được chia thì người đó được sử dụng không phải thanh toán chênh lệch tài sản cho người khác.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị H, bà Trần Thị G và anh Dương Đức Th thống nhất trình bày: Bà H, bà G, anh Th hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bà D, không có ý kiến bổ sung gì. Bà H, bà G, anh Th cũng thống nhất để lại phần diện tích 201,4m2 làm khuôn viên nhà thờ và là tài sản chung của các đồng thừa kế, còn lại chia đều cho các hàng thừa kế theo quy định của pháp luật và đề nghị được lấy bằng hiện vật. Kỷ phần của bà H, bà G, anh Th được nhận đề nghị được sát nhập với kỷ phần của bà D và giao cho bà D quản lý sử dụng. Đối với phần đóng góp công sức xây dựng nhà thờ, bà H, bà G, anh Th cũng đồng ý với ý kiến của bà D và bà S không yêu cầu Tòa án giải quyết, nếu phần nhà thờ này nằm trên phần đất của ai được chia người đó được sử dụng không phải thanh toán chênh lệch tài sản cho người khác.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Trần Thị B là anh Trần Văn L trình bày: Thừa nhận lời trình bày của nguyên đơn và bị đơn về khối tài sản mà cụ Trần Văn A và cụ Đoàn Thị C để lại là đúng. Đối với phần tài sản chung của cụ A, cụ C để lại gồm 587m2 đất thuộc thửa đất số 13, tờ bản đồ số 12, tại số 36, ngõ Nhà Thờ, đường Trần Quốc Toản, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc hiện bà D yêu cầu chia thừa kế thì bà B không đồng ý. Vì trước khi chết cụ A có để lại giấy tờ với nội dung là cho vợ chồng ông X, bà S được thừa hưởng toàn bộ đất đai, có trách nhiệm trông nom hương hỏa thờ cúng các cụ sau này. Trường hợp Tòa án tiến hành phân chia di sản thừa kế, kỷ phần của bà B được hưởng do không có nhu cầu sử dụng nên bà tặng cho anh Trần Văn L. Đối với phần đóng góp công sức xây dựng nhà thì bà B cũng đồng ý với ý kiến của bà D và bà S không yêu cầu Tòa án giải quyết, nếu phần nhà thờ này nằm trên phần đất của ai được chia thì người đó được sử dụng không phải thanh toán chênh lệch tài sản cho người khác.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Trần Văn L, chị Nguyễn Thị M (là vợ anh L) và chị Trần Thanh P thống nhất trình bày: Anh chị hoàn toàn đồng ý với lời trình bày của bà S. Quá trình làm ăn, sinh sống trên thửa đất cụ C, cụ A tạo dựng bao gồm 587m2 đất ở, thuộc thửa đất số 13, tờ bản đồ số 12, tại số nhà 36, ngõ Nhà Thờ, đường Trần Quốc Toản, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc, gia đình anh chị xây thêm 02 gian nhà để ở, năm 2008 xây thêm 02 gian phòng kinh doanh bi-a, năm 2010 cùng gia đình xây lại thành nhà thờ lớn như hiện nay. Anh, chị đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà D về việc chia tài sản thừa kế của cụ A và cụ C, trường hợp phải chia anh chị đề nghị xem xét đến công sức của bố mẹ anh chị trong việc giữ gìn, tôn tạo tài sản, xem xét đến hoàn cảnh của gia đình anh không có chỗ ở nào khác và đề nghị giao tài sản cho gia đình anh quản lý sử dụng, gia đình anh chị sẽ thanh toán giá trị chênh lệch bằng tiền cho các hàng thừa kế; đối với phần thừa kế của bà B tặng cho anh L anh xin nhận và đề nghị sát nhập vào kỷ phần của bà S giao cho bà S quản lý sử dụng. Đối với kỷ phần thừa kế của ông X, anh L và chị P thống nhất giao cho bà S quản lý sử dụng. Đối với phần đóng góp công sức xây dựng nhà thờ hết 130.000.000 đồng anh chị cũng đồng ý với ý kiến của bà D và bà S, bà H không yêu cầu Tòa án giải quyết, nếu phần nhà thờ này nằm trên phần đất của ai được chia người đó được sử dụng không phải thanh toán chênh lệch tài sản cho những người còn lại.
Với nội dung như trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2021/DS-ST ngày 07 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định:
Căn cứ các Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 165, Điều 166 Bộ luật Tố tụng dân sự; Các Điều 611, Điều 612, Điều 613, Điều 614, Điều 623, Điều 649, Điều 650, Điều 651, Điều 653, Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 166, Điều 170, Điều 179 Luật Đất đai năm 2013; Án lệ Số Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị D về việc yêu cầu chia tài sản thừa kế của cụ Trần Văn A và cụ Đoàn Thị C theo pháp luật;
Chia tài sản thừa kế của cụ Trần Văn A và cụ Đoàn Thị C theo pháp luật cho những người được hưởng thừa kế như sau:
Chia cho bà Trần Thị D, bà Trần Thị G, bà Trần Thị H, anh Dương Đức Th 337,6m2, trong đó có 112m2 đất ở và 225,6m2 đất vườn (kỷ phần mỗi người là 84,4m 2, trong đó có 28m2 đất ở và 56,4m2 đất vườn). Phần đất chia cho bà Trần Thị D, bà Trần Thị G, bà Trần Thị H, anh Dương Đức Th có chiều, cạnh cụ thể như sau:
Chỉ giới 1,2,3,4,O,5,6,12,13,14,15,16,17,18,19 = 337,6m2, trong đó: Cạnh 1 - 2 giáp đất ông A1 = 6,48m; cạnh 2 - 3 giáp đường đi ra ngõ = 3,55m; cạnh 3 - 4 giáp đường đi ra ngõ = 2,86m; cạnh 4 - 5 giáp đất ông A2 = 7,44m; cạnh O- 5 giáp đất ông A2 = 0,37m; cạnh 5 - 6 giáp đất ông A2 = 3,7m; cạnh 6 -12 giáp đất chia cho bà S = 24,52m; cạnh 12 - 13 giáp đất bà A3 = 4,71m; cạnh 13 -14 giáp đất bà H = 2,07m; cạnh 14-15 giáp đất bà H = 0,66m; cạnh 15-16 giáp đất bà H = 2,73m; cạnh 16- 17 giáp đất ông A4 = 6,43m; cạnh 17-18 giáp đất ông A4 = 0,47m; cạnh 18 – 19 giáp đất ông A1 = 9,36m; cạnh 19 - 1 giáp đất ông A1 = 0,37m, trên đất có 03 gian nhà thờ diện tích xây dựng 53,8m2 cùng toàn bộ công trình trên đất (có sơ đồ hiện trạng kèm theo).
Chia cho bà Phạm Thị S, anh Trần Văn T, anh Trần Văn L, chị Trần Thanh P 253,2m2, trong đó có có 84m2 đất ở và 169,2m2 đất vườn (bao gồm kỷ phần thừa kế của ông Trần X; bà Trần Thị B cho anh Trần Văn L và 01 kỷ phần bà S, ông X được hưởng do có công sức giữ gìn tôn tạo tài sản thừa kế, mỗi kỷ phần là 84,4m 2, trong đó có 28m2 đất ở và 56,4m2 đất vườn). Đối với kỷ phần thừa kế của ông X giao cho bà S quản lý khi các đương sự yêu cầu sẽ được giải quyết bằng vụ án khác.
Phần đất chia cho bà Phạm Thị S, anh Trần Văn T, anh Trần Văn L, chị Trần Thanh P có chiều cạnh cụ thể như sau:
Chỉ giới 6,7,8,9,10,11,12 = 253,2m2, trong đó cạnh 6-7 giáp đất ông A2 = 7,23m; cạnh 7-8 giáp đất bà O2 =13,26m; cạnh 8-9 giáp đất bà O2 = 1,39m; cạnh 9-10 giáp đất ông O1 = 19,64m; cạnh 10 – 11 giáp ngõ Nhà thờ = 7,15m; cạnh 11 – 12 giáp đất bà A3 = 8,02m; cạnh 12- 6 giáp đất chia cho bà D, bà G, bà H, anh Th = 24,52m; trên đất có 01 nhà cấp IV diện tích 39,3m2; 01 nhà cấp IV diện tích 40,2m2; 01 gian quán bán hàng diện tích 35,5 m2, bếp cùng công trình phụ diện tích 23,9m2; diện tích phòng bi-a còn lại 67,1m2; phần mái tôn còn lại diện tích 47,5m2 (có sơ đồ hiện trạng kèm theo).
Bà S, anh L, chị M có trách nhiệm tháo dỡ 76,8m2 diện tích xây dựng phòng bi-a và 59,4m2 mái tôn trên phần đất chia cho bà D, bà G, bà H, anh Th.
Diện tích phòng bi-a phải tháo dỡ có chiều cạnh cụ thể như sau: Diện tích tháo dỡ có chỉ giới 76,8m2 = 5,6,I,K,L,M,N,O; trong đó cạnh 5- 6 = 3,7m; cạnh 6 – I = 15,27m; cạnh I-K = 5,66m; cạnh K - L = 1,12m; cạnh L-M = 6,36m; cạnh M-N = 0,97m; cạnh N-O = 7,86m; cạnh O – 5 = 0,37m (có sơ đồ hiện trạng kèm theo).
Phần mái tôn phải tháo dỡ có chiều cạnh như sau: 12,13,14,K,I= 59,4m2 trong đó cạnh 12-13 =4,71m; cạnh 13-14 = 2,07m; cạnh 14-K = 9,97m; cạnh K-I = 5,66m; cạnh I -12 = 9,25m (có sơ đồ hiện trạng kèm theo).
Ngoài ra bản án còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí, quyền kháng cáo, nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật cho các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn bà Trần Thị D và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị G, bà Trần Thị H và anh Dương Đức Th có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm vì án sơ thẩm xử sai, vi phạm nghiêm trọng về trình tự tố tụng cũng như việc đánh giá chứng cứ và giải quyết xét xử, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc hủy bản án sơ thẩm số 15/2021/DS-ST ngày 07 tháng 10 năm 2021 của Toà án nhân dân thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn bà D và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà G, bà H và anh Th vẫn giữ nguyên quan điểm như nội dung đơn kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà D, bà H, bà G và anh Th; hủy bản án sơ thẩm vì Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng về trình tự tố tụng cũng như việc đánh giá chứng cứ và giải quyết xét xử, cụ thể: Quá trình giải quyết vụ án, bà D trình bày gia đình ông X bà S đã bán một phần diện tích đất trên cho ông Phạm Mạnh O3 và ông Phan Huy O1 nhưng khi xây dựng hồ sơ vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã không thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ là hồ sơ cấp đất trước đây cho cụ Trần Văn A (giai đoạn từ năm 1982 đến năm 1987) mà chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Yên cấp ngày 12/12/2003 mang tên hộ cụ Trần Văn A với diện tích đất là 587m2 và hiện trạng đo đạc thực tế diện tích thửa đất trên là 591,1m2. Đối với phần diện tích đất 337,6m2 giáp lối đi ra ngõ đường Lý Tự Trọng, mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm chia phần đất này cho bà D, bà H, bà G, anh Th nhưng không xác định ranh giới, lối đi cụ thể và giao phần đất này cho bà D quản lý. Nếu các đương sự có nhu cầu tách phần đất này ra thành từng phần riêng biệt thì tách bằng cách nào và nếu trong trường hợp bà D chết thì các con bà D có được hưởng phần đất này không? Đối với nhà thờ mặc dù giữa các bên không có văn bản thỏa thuận về việc nhà thờ làm tài sản chung của các đồng thừa kế nhưng xét về mục đích, ý chí của các bên khi xây dựng nhà thờ đều tự nguyện bằng việc đóng góp tiền thì cần phải xác định nhà thờ này là tài sản chung không chia.
Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa phúc thẩm Thẩm phán, Thư ký Tòa án và Hội đồng xét xử đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định; các đương sự đều chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà H, bà G, anh Th;
sửa một phần bản án sơ thẩm số 15/2021/DS-ST ngày 07/10/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên.
Căn cứ các Điều 26, 35, 39, 147, 165, 166 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 611, 612, 613, 614, 623, 649, 650, 651, 653, 660 Bộ luật Dân sự 2015; các Điều 166, 170, 179 Luật Đất đai 2013; Án lệ số 05 và số 06 ngày 06/4/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết 326/UBNTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về án phí, lệ phí Tòa án:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị D về chia di sản thừa kế của cụ Trần Văn A và cụ Đoàn Thị C theo pháp luật.
Xác định di sản thừa kế của cụ Trần Văn A và cụ Đoàn Thị C là quyền sử dụng đất tại thừa số 13, tờ bản đồ sộ 12 theo mốc giới (1, 2,3,4,5,6,7,8,10, 11, 19, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 1) có diện tích 591,1m2 (trong đó 200m2 đất ở và 391,1 m2 đất vườn) thuộc ngõ Nhà Thờ, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc có tổng giá trị là: 11.641.500.000 đồng (Mười một tỷ sáu trăm bốn mươi mốt triệu năm trăm nghìn đồng).
Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Trần Văn A và cụ Đoàn Thị C gồm: Bà Trần Thị B; ông Trần X (đã chết); bà Trần Thị D, bà Trần Thị N (đã chết), bà Trần Thị H và bà Trần Thị G. Ông Trần X và bà Phạm Thị S được hưởng công sức duy trì, tôn tạo bằng một suất thừa kế. Nên di sản thừa kế sẽ chia đều cho 07 (06 suất thừa kế và 01 suất duy trì tôn tạo). Mỗi suất trị giá là: 1.663.071.428 đồng.
Bà Phạm Thị S, anh Trần Văn T, anh Trần Văn L và chị Trần Thanh P là người được hưởng kỷ phần thừa kế, công duy trì tôn tạo của ông Trần X. Anh Dương Đức Th là người được hưởng kỷ phần thừa kế của bà Trần Thị N.
Bà Phạm Thị S, anh Trần Văn L, anh Trần Văn T, chị Trần Thanh P có quyền quản lý, sử dụng diện tích 253,5m2 đất (gồm 85,8m2 đất ở và 167,7 m2 đất vườn) có tổng trị giá là 5.768.100.000 đồng (Năm tỷ bảy trăm sáu mươi tám triệu một trăm nghìn đồng) và toàn bộ tài sản trên đất theo mốc giới (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 1). Tổng trị giá tài sản mà bà S, anh L, anh T, chị P được hưởng, được chia là 03 suất thừa kế bằng 4.989.214.285đồng.
Chia cho bà Trần Thị G 1.663.071.428 đồng. Bà S, anh L, anh T, chị P phải có trách nhiệm thanh toán cho bà Trần Thị G số tiền là 778.885.714 đồng.
Phần diện tích đất còn lại là 337,6m2 (Trong đó: 114,2 m2 đất ở + 223,4 m2 đất vườn), có tổng trị giá bằng: 5.873.400.000 đồng. Phần đất này cần phải được chia cho bà D, bà H, anh Th bằng đất. Nếu người nào được chia diện tích có trị giá lớn hơn 1.663.071.428 đồng thì người đó phải thanh toán giá trị mà mình được nhận lớn hơn một suất thừa kế cho người được nhận bằng đất nhưng có giá trị thấp hơn 01 suất thừa kế, trong đó có cả bà G (Bà G sẽ được thanh toán số tiền là: 884.185.714 đồng, ngoài số tiền mà bà S, anh L, anh T, chị P phải có trách nhiệm thanh toán cho bà Trần Thị G số tiền là 778.885.714 đồng).
Về tiền chi phí tố tụng, về án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự phúc thẩm các đương sự phải chịu theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
1. Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của nguyên đơn bà Trần Thị D và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị G, bà Trần Thị H, anh Dương Đức Th trong hạn luật định; bà D, bà G, bà H được miễn nộp tạm ứng án phí phúc thẩm và anh Th đã nộp tạm ứng án phí nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
2. Về nội dung vụ án: Bà Trần Thị D khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Trần Văn A và cụ Đoàn Thị C để lại là quyền sử dụng đất diện tích 587m2 tại thửa số 13, tờ bản đồ số 12 đã được Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Yên (nay là thành phố Vĩnh Yên) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 12/12/2003 đứng tên cụ Trần Văn A. Thửa đất trên có diện tích đo đạc thực tế theo hiện trạng sử dụng là 591,1m2 (trong đó 200m2 đất ở và 391,1m2 đất vườn) tại số 36, ngõ Nhà Thờ, đường Trần Quốc Toản, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc. Trên thửa đất có ngôi nhà cấp IV 03 gian có diện tích 40,2m2 do cụ A xây năm 1972; 02 gian nhà lợp ngói diện tích 39,3m2; 03 gian nhà cấp IV mái tôn diện tích 143,9m2; 01 nhà cấp IV diện tích 35,5m2; 01 gian bếp cùng công trình phụ diện tích 23,9m2 và 01 lán lợp tôn diện tích 106,9m2 do gia đình bà S, anh L xây dựng để phục vụ nhu cầu kinh doanh, sinh hoạt của gia đình. Ngoài ra, năm 2010 gia đình bà S, cùng bà B, bà D và bà H phá dỡ 03 gian nhà thờ cũ để làm 03 gian nhà thờ mới diện tích 53,8m2 trên thửa đất như hiện trạng.
Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn bà D và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà H, bà G, anh Th đều cho rằng di sản thừa kế mà cụ A, cụ C để lại là quyền sử dụng đất có diện tích lớn hơn so với diện tích được cấp giấy chứng nhận ngày 12/12/2003. Vì năm 1987 trước thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì vợ chồng ông X, bà S đã bán bớt một phần diện tích đất của cụ A, cụ C cho ông Phạm Mạnh O3, sau đó ông O3 đã chuyển nhượng tiếp cho người thứ ba. Tiếp đó đến năm 2005 thì vợ chồng ông X, bà S lại bán một phần diện tích đất cho ông Phan Huy O1. Bà D, bà H, bà G và anh Th cho rằng Tòa cấp sơ thẩm xác định thiếu di sản của cụ C và cụ A để lại; đồng thời đề nghị Tòa án phải điều tra, xác minh cụ thể phần diện tích đất mà vợ chồng ông X, bà S đã bán cho ông O3 và ông O1 để xác định lại khối di sản của cụ C, cụ A nhằm đảm bảo quyền lợi của các thừa kế. Ngoài ra, bà D, bà H, bà G và anh Th còn yêu cầu để lại phần khuôn viên đất đã làm nhà thờ diện tích là 201,4m2 (trong đó diện tích nhà thờ là 53,8m2) là tài sản chung của tất cả các đồng thừa kế và chỉ chia thừa kế đối với phần diện tích còn lại là 389,7m2 theo pháp luật.
Đối với ngôi nhà cấp IV 03 gian do cụ A xây năm 1972 có diện tích 40,2m2, quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự đều thừa nhận ngôi nhà này đã hết khấu hao vì vậy Tòa án sẽ không tính giá trị ngôi nhà vào di sản thừa kế.
3. Xét kháng cáo của nguyên đơn bà Trần Thị D và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị G, bà Trần Thị H và anh Dương Đức Th, Hội đồng xét xử thấy rằng:
[3.1]. Về thời hiệu chia di sản thừa kế: Năm 1963 cụ C chết, năm 1982 cụ A chết không để lại di chúc. Căn cứ vào khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015, Tòa án cấp sơ thẩm xác định vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện là đúng pháp luật. Khi chết, cụ C và cụ A không để lại di chúc nên di sản của cụ A và cụ C được chia thừa kế theo pháp luật.
[3.2]. Về hàng thừa kế: Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thừa nhận cụ A và cụ C có 05 con đẻ và 01 con nuôi là bà Trần Thị B, ông Trần X, bà Trần Thị D, bà Trần Thị N, bà Trần Thị H và bà Trần Thị G. Vì vậy, bà B, ông X, bà D, bà N, bà H và bà G là hàng thừa kế thứ nhất, được hưởng thừa kế tài sản của cụ A và cụ C. Do ông Trần X đã chết năm 2005 nên vợ, con ông là bà Phạm Thị S, anh Trần Văn T, anh Trần Văn L và chị Trần Thị P là những người được hưởng kỷ phần thừa kế của ông X. Bà Trần Thị N chết năm 2009, có chồng là ông Dương Đức Ch (chết năm 2006) và 02 con là Dương Đức K (chết năm 2006) và Dương Đức Th nên anh Th là người được hưởng kỷ phần thừa kế của bà N. Tòa án cấp sơ thẩm xác định hàng và diện thừa kế trong vụ án là đầy đủ, đúng pháp luật.
[3.3]. Về di sản thừa kế:
Theo đơn khởi kiện đề ngày 14/10/2019 và đơn khởi kiện bổ sung ngày 27/11/2019 thì nguyên đơn bà Trần Thị D yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của A và cụ C để lại là quyền sử dụng đối với thửa đất số 13, tờ bản đồ số 12, diện tích 587m2 tại số 36, ngõ Nhà Thờ, đường Trần Quốc Toản, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.
Thấy rằng, bà D, bà H, bà G và anh Th đều thừa nhận biết rõ việc vợ chồng ông X, bà S bán đất cho ông Toàn và ông Hiếu nhưng không phát sinh tranh chấp và cũng không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật chứng tỏ họ cũng chấp nhận việc bán đất của ông X, bà S. Ngoài ra, việc bán đất cũng đã diễn ra từ rất lâu và người mua đã xây dựng nhà, công trình kiên cố, sử dụng ổn định thậm chí đã chuyển nhượng lại cho người khác theo quy định của pháp luật nên cần tôn trọng sự thật, giữ nguyên hiện trạng thửa đất như hiện tại nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người nhận chuyển nhượng đất. Vì vậy, yêu cầu của bà D, bà H, bà G và anh Th về việc điều tra, xác minh để xác định lại di sản của cụ C, cụ A ngoài diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận là không có cơ sở nên không được chấp nhận.
Đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc đề nghị xác định phần khuôn viên nhà thờ có diện tích 201,4m2 là tài sản chung để thờ cúng không chia thừa kế và đề nghị chỉ chia thừa kế theo pháp luật đối với phần đất còn lại có diện tích 389,7m2. Thấy rằng, do người có di sản không có di chúc xác định tài sản để lại dùng vào việc thờ cúng và các thừa kế cũng không thống nhất được với nhau về việc để lại một phần di sản làm tài sản chung không chia thừa kế nên yêu cầu này của bà D, bà H, bà G và anh Th là không có cơ sở. Căn cứ đơn khởi kiện của nguyên đơn, Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản thừa kế của cụ A, cụ C để lại là quyền sử dụng đối với thửa số 13, tờ bản đồ số 12 có diện tích đo đạc thực tế là 591,1m2 (trong đó 200m2 đất ở và 391,1m2 đất vườn) tại số 36 ngõ Nhà Thờ, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc và toàn bộ khối di sản này phải được chia cho các thừa kế theo pháp luật là có căn cứ, đúng pháp luật. Vì vậy, phần kháng cáo này không được chấp nhận.
Theo yêu cầu của các đương sự, ngày 07/6/2022 Tòa án cấp phúc thẩm đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá lại tài sản đang có tranh chấp. Trên cơ sở kết quả thẩm định ngày 09/6/2020 của Tòa án cấp sơ thẩm và kết quả thẩm định ngày 07/6/2022 của Tòa án cấp phúc thẩm xác định được hiện trạng thửa đất số 13, tờ bản đồ số 12 theo mốc giới 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 19, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 1 có tổng diện tích là 591,1m2 (trong đó 200m2 đất ở và 391,1m2 đất vườn) có 02 lối đi gồm 01 lối đi giáp ngõ Nhà Thờ, phường Q và 01 lối đi ra ngõ đường Lý Tự Trọng, phường Q, thành phố V. Đối với phần đất phía ngoài giáp ngõ Nhà Thờ mà cấp sơ thẩm đã chia cho ông X, bà S và anh L theo mốc giới 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, 1 có diện tích là 253,5m2 được xác định tỷ lệ tương ứng với 85,8m2 đất ở và 167,7m2 đất vườn. Đối với phần đất phía trong giáp lối đi ra ngõ đường Lý Tự Trọng mà cấp sơ thẩm đã chia cho bà D, bà H, bà G và anh Th theo mốc giới 1, 12, 11, 19, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 1 có diện tích là 337,6m2 được xác định tỷ lệ tương ứng với 114,2m2 đất ở và 223,4m2 đất vườn (có sơ đồ đo vẽ chi tiết kèm theo bản án).
Kết quả định giá lại tài sản ngày 07/6/2022 của Hội đồng định giá thể hiện: Đối với phần diện tích đất ở phía ngoài giáp ngõ Nhà Thờ được định giá 34.000.000 đồng/01m2 đất ở và 17.000.000 đồng/01m2 đất vườn. Đối với phần diện tích đất ở phía trong giáp lối đi ra ngõ đường Lý Tự Trọng được định giá 26.000.000 đồng/01m2 đất ở và 13.000.000 đồng/01m2 đất vườn. Các đương sự đều nhất trí với giá trị trên và không có ý kiến gì. Như vậy, xác định được tổng giá trị tài sản thừa kế của cụ A và cụ C để lại là 11.641.500.000 đồng, trong đó phần diện tích đất 253,5m2 phía ngoài giáp ngõ Nhà Thờ có giá trị là 5.768.100.000 đồng [(85,8m2 x 34.000.000đồng) + (167,7m2 x 17.000.000đồng) và phần diện tích đất 337,6m2 phía trong giáp lối đi ra ngõ đường Lý Tự Trọng có giá trị là 5.873.400.000 đồng [(114,2m2 x 26.000.000đồng) + (223,4m2 x 13.000.000đồng)].
[3.4]. Về công sức giữ gìn, tôn tạo tài sản:
Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, bà D, bà H, bà G, anh Th đều cho rằng gia đình bà S không có công sức trong việc giữ gìn, tôn tạo tài sản. Vì gia đình ông X, bà S đã bán một phần diện tích đất trong khối di sản của cụ A và cụ C để lại cho ông Phạm Mạnh O3 vào năm 1987 và bán cho ông Phan Huy O1 vào năm 2005 nên đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét không cho gia đình bà Sự được hưởng công sức giữ gìn, tôn tạo tài sản bằng một kỷ phần thừa kế.
Căn cứ vào lời khai các bên và các tài liệu thu thập được thấy rằng, mặc dù quyền sử dụng đối với thửa đất số 13, tờ bản đồ số 12, tại số nhà 36, ngõ Nhà Thờ, phường Q, thành phố V là tài sản chung của cụ A và cụ C tuy nhiên việc duy trì, quản lý, tôn tạo đối với toàn bộ diện tích đất này có công rất lớn của gia đình ông X, bà S. Thửa đất này trước kia ½ diện tích là ao, đến năm 1993 ông X, bà S tiến hành lấp ao để chăn nuôi, sau đó cải tạo khu này thành các phòng kinh doanh bi-a cho anh L quản lý và sử dụng thì thửa đất mới có diện tích bằng phẳng như hiện tại. Thấy rằng, gia đình ông X bà S đã có công sức trong việc trông giữ, bảo quản, duy trì, tôn tạo khối tài sản chung của cụ A và cụ C từ năm 1993 đến nay đã gần 30 năm. Để đảm bảo quyền lợi của gia đình bà S thì cần trích một kỷ phần thừa kế trong khối tài sản chung của cụ A, cụ C cho ông X, bà S theo đúng tinh thần của Án lệ số 05/2016 ngày 06/4/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông X, bà S có công sức giữ gìn, tôn tạo tài sản và được hưởng 01 kỷ phần thừa kế là có căn cứ, đúng pháp luật. Do vậy, kháng cáo của nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà H, bà G, anh Th đề nghị không cho ông X, bà S được hưởng công sức giữ gìn, tôn tạo tài sản bằng 01 suất thừa kế không được Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận.
[3.5]. Về phân chia di sản thừa kế: Di sản thừa kế của cụ A và cụ C được xác định là quyền sử dụng đất đối với thửa số 13, tờ bản đồ số 12, diện tích 591,1m2 (trong đó 200m2 đất ở và 391,1m2 đất vườn) tại số 36, ngõ Nhà Thờ, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc trị giá là 11.641.500.000 đồng được chia làm 07 kỷ phần bằng nhau, trong đó bà D, ông X, bà G, bà B, bà H, bà N mỗi người được 01 kỷ phần và 01 kỷ phần chia cho ông X, bà S do đã có công sức duy trì, tôn tạo tài sản thừa kế. Như vậy, một kỷ phần thừa kế được chia có giá trị là 1.663.071.000 đồng (11.641.500.000đồng : 7).
Trên cơ sở hiện trạng sử dụng, kỷ phần được chia và nhu cầu thực tế của các bên, Hội đồng xét xử thấy rằng:
[3.5.1] Bà S, anh T, anh L, chị P được hưởng 01 kỷ phần thừa kế của ông X. Đối với kỷ phần thừa kế của bà B, bà B đã tặng cho anh L nên anh L được hưởng 01 kỷ phần thừa kế này. Ông X, bà S được hưởng 01 kỷ phần do có công sức duy trì, tôn tạo tài sản thừa kế. Tổng cộng bà S, anh T, anh L và chị P được chia 03 kỷ phần thừa kế. Quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, bà S, anh L, chị P đều thống nhất nhập kỷ phần thừa kế của mình được hưởng làm tài sản chung của gia đình.
Thấy rằng gia đình bà S hiện đã xây nhà, công trình và đang sinh sống, kinh doanh ổn định trên phần đất diện tích 253,5m2 phía ngoài giáp ngõ Nhà Thờ theo mốc giới 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, 1 nhằm tránh xáo trộn về chỗ ở cũng như tạo điều kiện cho gia đình bà được tiếp tục có chỗ kinh doanh, buôn bán ổn định để mưu sinh hàng ngày thì cần giao phần diện tích đất này cho gia đình bà S quản lý, sử dụng như Tòa án cấp sơ thẩm đã chia là phù hợp.
Như đã phân tích ở trên, phần đất diện tích 253,5m2 phía ngoài giáp ngõ Nhà Thờ (gồm 85,8m2 đất ở và 167,7m2 đất vườn) có giá trị là 5.768.100.000 đồng. Do đó, gia đình bà S có trách nhiệm thanh toán số tiền chênh lệch cho các đồng thừa kế còn lại là 778.887.000 đồng [5.768.100.000đồng – (1.663.071.000đồng x 3)].
[3.5.2] Đối với phần đất diện tích 337,6m2 phía bên trong giáp lối đi ra ngõ đường Lý Tự Trọng, phường Q, thành phố V theo mốc giới 1, 12, 11, 19, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 1: Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn bà D và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà H, anh U, anh Th đều cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm chia phần diện tích đất trên làm 04 kỷ phần thừa kế cho bà D, bà H, bà G và anh Th nhưng không phân định rõ ràng, cụ thể vị trí từng phần cho mỗi người được hưởng thừa kế, không có lối đi giữa các thửa đất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các đương sự và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm. Thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm có sai sót trong việc chia thừa kế cho bà D, bà H, bà G, anh Th đối với diện tích 337,6m2 phía bên trong giáp lối đi ra ngõ đường Lý Tự Trọng như yêu cầu kháng cáo là có căn cứ. Tuy nhiên, sai sót này Tòa án cấp phúc thẩm khắc phục được nên không cần hủy bản án mà chỉ cần sửa lại cách chia là đảm bảo quyền lợi của đương sự.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà D, bà H, anh Th đều có nguyện vọng xin nhận kỷ phần thừa kế bằng hiện vật, còn bà G đồng ý nhận thừa kế bằng giá trị hiện vật. Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Hội đồng xét xử chia phần đất diện tích 337,6m2 phía bên trong giáp lối đi ra ngõ đường Lý Tự Trọng theo mốc giới 1, 12, 11, 19, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 1 cho bà D, bà H, anh Th; đối với kỷ phần thừa kế của bà G thì chia bằng giá trị hiện vật.
Thấy rằng, hiện trạng diện tích 337,6m2 đất theo mốc giới 1, 12, 11, 19, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 1 có hình thể là một đa giác, không vuông, với nhiều cạnh gấp khúc và chỉ có 01 lối đi ra đường ngõ, trên đất đã có 01 nhà thờ ba gian, diện tích 53,8m2, nhà thờ được xây chênh vênh, có để lại khoảng trống phía sau lưng nhà. Với hiện trạng như vậy mà chia diện tích đất trên làm ba suất trong đó phải giữ nguyên nhà thờ là không khả thi sẽ dẫn đến tình trạng làm manh mún đất, ảnh hưởng đến tài sản trên đất là nhà thờ và đặc biệt là không có lối đi vào các thửa đất được chia. Hiện tại, trên phần đất này các đương sự mới xây nhà thờ còn các công trình thiết yếu đi kèm như bếp, nhà vệ sinh chưa có. Vì vậy, khi phân chia thì cũng cần tính toán để lại một phần đất xây các công trình thiết yếu này tránh việc ảnh hưởng đến mỹ quan, tâm linh của ngôi nhà thờ. Căn cứ hiện trạng thửa đất và tài sản trên đất như đã phân tích thì nếu chia diện tích đất trên làm 03 suất theo nguyện vọng của bà D, bà H, anh Th cũng như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được chia đất. Trong vụ án này cả ba đương sự có nguyện vọng được hưởng thừa kế bằng hiện vật đều đã có chỗ ở ổn định và thực tế cũng không ở trên thửa đất này. Hơn nữa, các đương sự đều nhất trí cao với kết luận định giá đất mà cấp phúc thẩm đã tiến hành nên việc được hưởng bằng hiện vật hay giá trị hiện vật đều khách quan, công bằng và không có sự chênh lệch, thiệt thòi đối với người không được nhận hiện vật.
Vì vậy, phần đất diện tích 337,6m2 phía bên trong giáp lối đi ra ngõ đường Lý Tự Trọng theo mốc giới 1, 12, 11, 19, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 1 không thể chia làm 03 phần mà chỉ có thể chia được tối đa làm 02 phần mới có thể giữ nguyên được khuôn viên nhà thờ cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người được chia quyền sử dụng đất. Để thuận lợi cho người sử dụng thì cần giữ lại một phần đất có diện tích 4,8m2 theo mốc giới 27, 28, 29, 32, 27 trong tổng diện tích 337,6m2 làm lối đi chung từ ngõ vào. Phần còn lại sẽ chia làm 02 suất, trong đó một suất có diện tích là 146,4m2 theo mốc giới 1, 12, 11, 19, 35, 34, 33, 32, 29, 30, 31, 1 và suất còn lại có diện tích là 186,4m2 theo mốc giới 27, 32, 34, 35, 19, 22, 23, 24, 25, 26, 27 trên đất có 01 nhà thờ ba gian diện tích 53,8m2. Thấy rằng, cần chia hiện vật cho bà D và bà H là con gái của cụ A theo nguyện vọng của các bà và buộc các bà phải thanh toán chênh lệch về tài sản cho các thừa kế không nhận hiện vật là phù hợp.
Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thừa nhận bà H có công sức lớn nhất trong việc xây dựng nhà thờ đồng thời để đảm bảo đúng theo di nguyện của cụ A thì cần chia cho bà H phần diện tích có ngôi nhà thờ trên đất, phần diện tích đất còn lại chia cho bà D.
Theo đó, chia cho bà H quyền sử dụng diện tích 188,8m2 đất gồm 67,1m2 đất ở và 121,7m2 đất vườn (tính cả 2,4m2 làm lối đi chung) theo mốc giới 27, 32, 34, 35, 19, 22, 23, 24, 25, 26, 27 có tổng giá trị là 3.326.700.000 đồng [(67,1m2 x 26.000.000 đồng) + (121,7m2 x 13.000.000 đồng)]. Bà H có trách nhiệm thanh toán số tiền chênh lệch cho các đồng thừa kế còn lại là 1.663.629.000 đồng (3.326.700.000đồng - 1.663.071.000đồng).
Chia cho bà D quyền sử dụng diện tích 148,8m2 đất gồm 47,1m2 đất ở và 101,7m2 đất vườn (tính cả 2,4m2 làm lối đi chung) theo mốc giới 1, 12, 11, 19, 35, 34, 33, 32, 29, 30, 31, 1 có tổng giá trị là 2.546.700.000 đồng [(47,1m2 x 26.000.000 đồng) + (101,7m2 x 13.000.000 đồng)]. Bà D có trách nhiệm thanh toán số tiền chênh lệch cho các đồng thừa kế còn lại là 883.629.000 đồng (2.546.700.000đồng - 1.663.071.000đồng).
[3.5.3] Gia đình bà S, bà D, bà H có trách nhiệm thanh toán số tiền chênh lệch cho các đồng thừa kế còn lại, cụ thể như sau:
Bà S, anh T, anh L, chị P có trách nhiệm thanh toán cho bà G số tiền là 778.887.000 đồng.
Bà D có trách nhiệm thanh toán cho bà G số tiền là 883.629.000 đồng (2.546.700.000đồng - 1.663.071.000đồng).
Bà H có trách nhiệm thanh toán cho anh Th 01 suất thừa kế tương ứng với số tiền là 1.663.071.000 đồng và thanh toán cho bà G số tiền là 555.000 đồng.
[4]. Về chi phí tố tụng:
Toàn bộ chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản tại cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm là 8.800.000 đồng (cấp sơ thẩm hết 5.000.000 đồng và cấp phúc thẩm hết 3.800.000 đồng) bà D đã nộp. Bà D yêu cầu các đương sự khác phải thanh toán lại cho bà theo quy định của pháp luật. Vì vậy, cần buộc các đương sự phải trả số tiền chi phí tố tụng cho bà D; trong đó bà H, bà G, anh Th mỗi người phải trả số tiền là 1.257.000 đồng (làm tròn); Bà S, anh L, anh T, chị P phải trả số tiền là 3.771.000 đồng (làm tròn).
[5]. Về án phí sơ thẩm:
Tổng giá trị di sản thừa kế của cụ A, cụ C là 11.641.500.000 đồng. Giá trị mỗi kỷ phần thừa kế là 1.663.071.000 đồng, do đó mỗi đương sự phải chịu án phí trên kỷ phần của mình được hưởng được làm tròn là 61.892.000 đồng [36.000.000đồng + 3% x (1.663.071.000đồng - 800.000.000đồng)].
Đối với phần công sức giữ gìn, tôn tạo tài sản thừa kế mà ông X, bà S được hưởng do bà S không phải là người thừa kế theo pháp luật nên bà S không phải chịu án phí, còn ông X phải chịu án phí. Đây là phần công sức chung của vợ chồng nên ông X và bà S mỗi người được hưởng ½ giá trị tương ứng với số tiền là 831.535.500 đồng (1.663.071.000đồng : 2).
Ngoài án phí về thừa kế mà đương sự phải chịu trên kỷ phần của mình được hưởng thì ông X, bà D, bà H, bà G, bà B, anh Th mỗi người còn phải chịu án phí thanh toán công sức cho bà S với số tiền là 6.158.000 đồng {[36.000.000đồng + 3% x (831.535.500 đồng – 800.000.000đồng)] : 6}.
Ông X còn phải chịu án phí về công sức với số tiền là 36.946.000 đồng [36.000.000đồng + 3% x (831.535.500đồng – 800.000.000đồng)]. Do ông X đã chết, các thừa kế của ông X phải có nghĩa vụ chịu thay bằng tài sản của ông X được chia, tổng cộng là 104.996.000 đồng (61.892.000đồng + 6.158.000đồng + 36.946.000đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Bà D, bà H, bà G là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên được miễn án phí theo quy định. Anh Th có đơn xin miễn án phí với lý do gia đình kinh tế khó khăn nhưng không thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí nên phải chịu án phí theo quy định với số tiền là 68.050.000 đồng (61.892.000đồng + 6.158.000 đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Bà B thuộc trường hợp được miễn án phí nên anh L cũng được miễn án phí đối với kỷ phần thừa kế nhận tặng cho của bà B.
[6]. Về án phí dân sự phúc thẩm:
Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên nguyên đơn bà Trần Thị D và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị G, bà Trần Thị H và anh Dương Đức Th không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309; các Điều 147, 156, 157, 158, 163, 164, 165 và 166 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Sửa bản án sơ thẩm số 15/2021/DS-ST ngày 07/10/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên.
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị D về việc chia di sản thừa kế của cụ Trần Văn A và cụ Đoàn Thị C theo pháp luật.
Di sản thừa kế của cụ Trần Văn A và cụ Đoàn Thị C là quyền sử dụng đất tại thửa số 13, tờ bản đồ số 12 theo mốc giới 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 19, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 1 có diện tích 591,1m2 (trong đó 200m2 đất ở và 391,1m2 đất vườn) thuộc ngõ Nhà Thờ, phường Q, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc có giá trị là 11.641.500.000 đồng (Mười một tỷ sáu trăm bốn mươi mốt triệu năm trăm nghìn đồng).
Hàng thừa kế của cụ Trần Văn A và cụ Đoàn Thị C gồm: Bà Trần Thị B;
ông Trần X; bà Trần Thị D, bà Trần Thị N, bà Trần Thị H và bà Trần Thị G.
Bà Phạm Thị S, anh Trần Văn T, anh Trần Văn L và chị Trần Thanh P là người được hưởng kỷ phần thừa kế của ông Trần X.
Anh Dương Đức Th là người được hưởng kỷ phần thừa kế của bà Trần Thị N.
Bà Phạm Thị S, anh Trần Văn L, anh Trần Văn T, chị Trần Thanh P có quyền quản lý, sử dụng diện tích 253,5m2 đất (gồm 85,8m2 đất ở và 167,7m2 đất vườn) có giá trị là 5.768.100.000 đồng (Năm tỷ bảy trăm sáu mươi tám triệu một trăm nghìn đồng) và toàn bộ tài sản trên đất theo mốc giới 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 1.
Bà Trần Thị H có quyền quản lý, sử dụng diện tích 186,4m2 đất (gồm 67,1m2 đất ở và 119,3m2 đất vườn) có giá trị là 3.326.700.000 đồng (Ba tỷ ba trăm hai mươi sáu triệu bảy trăm nghìn đồng) và toàn bộ tài sản trên đất trong đó có 01 nhà thờ ba gian diện tích 53,8m2 theo mốc giới 27, 32, 34, 35, 19, 22, 23, 24, 25, 26, 27.
Bà Trần Thị D có quyền quản lý, sử dụng diện tích 146,4m2 đất (gồm 47,1m2 đất ở và 99,3m2 đất vườn) có giá trị là 2.546.700.000 đồng (Hai tỷ năm trăm bốn mươi sáu triệu bảy trăm nghìn đồng) theo mốc giới 1, 12, 11, 19, 35, 34, 33, 32, 29, 30, 31, 1.
Dành một phần đất có diện tích 4,8m2 theo mốc giới 27, 28, 29, 32, 27 thuộc quyền sử dụng của bà Trần Thị D và bà Trần Thị H (mỗi người để lại 2,4m2) để làm lối đi chung.
Đất và tài sản trên đất hiện đang do bà S và vợ chồng anh L, chị M trực tiếp quản lý. Bà S, anh L, chị M có nghĩa vụ tự tháo dỡ toàn bộ tài sản là nhà cửa, công trình xây dựng, mái tôn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của bà Trần Thị D để trả lại mặt bằng cho bà D. Nếu bà S, anh L, chị M không tự nguyện tháo dỡ tài sản trên đất thì sẽ bị cưỡng chế phá dỡ theo quy định của pháp luật.
(Có sơ đồ hiện trạng chi tiết thửa đất và tài sản gắn liền quyền sử dụng đất kèm theo bản án).
Bà Phạm Thị S, anh Trần Văn T, anh Trần Văn L, chị Trần Thanh P có nghĩa vụ thanh toán cho bà Trần Thị G số tiền chênh lệch về tài sản là 778.887.000 đồng (Bảy trăm bảy mươi tám triệu tám trăm tám mươi bảy nghìn đồng).
Bà Trần Thị D có nghĩa vụ thanh toán cho bà Trần Thị G số tiền chênh lệch về tài sản là 883.629.000 đồng (Tám trăm tám mươi ba triệu sáu trăm hai mươi chín nghìn đồng).
Bà Trần Thị H có nghĩa vụ thanh toán cho anh Dương Đức Th số tiền chênh lệch về tài sản là 1.663.071.000 đồng (Một tỷ sáu trăm sáu mươi ba triệu không trăm bảy mươi mốt nghìn đồng) và thanh toán cho bà Trần Thị G số tiền chênh lệch về tài sản là 555.000 đồng (Năm trăm năm mươi lăm nghìn đồng).
Các đương sự có quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật sau khi thực hiện xong nghĩa vụ trả tiền theo quyết định của bản án.
2. Về chi phí tố tụng:
Bà Trần Thị H, bà Trần Thị G và anh Dương Đức T mỗi người phải trả cho bà Trần Thị D 1.257.000 đồng (Một triệu hai trăm năm mươi bảy nghìn đồng) tiền chi phí thẩm định và định giá tài sản.
Bà Phạm Thị S, anh Trần Văn L, anh Trần Văn T, chị Trần Thanh P phải trả cho bà Trần Thị D 3.771.000 đồng (Ba triệu bảy trăm bảy mươi mốt nghìn đồng) tiền chi phí thẩm định và định giá tài sản.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự.
3. Về án phí:
Bà Trần Thị D, bà Trần Thị G, bà Trần Thị H được miễn án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Anh Th phải chịu 68.050.000 đồng (Sáu mươi tám triệu không trăm năm mươi nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả lại cho anh Th 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 0004336 ngày 20/12/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Vĩnh Yên nhưng tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án.
Bà Phạm Thị S, anh Trần Văn T, anh Trần Văn L và chị Trần Thanh P phải liên đới chịu 104.996.000 đồng (Một trăm linh tư triệu chín trăm chín mươi sáu nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 33/2022/DS-PT
Số hiệu: | 33/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/07/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về