TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
BẢN ÁN 18/2023/DS-PT NGÀY 07/07/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Trong các ngày 11/5/2023, 09/6/2023, 07/7/2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 34/2022/TLPT-DS ngày 16/12/2022 về “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2022/DS-ST ngày 21/10/2022 của Toà án nhân dân huyện Nh, tỉnh Ninh Bình bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 12/2023/QĐ-PT ngày 14/3/2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 11/2023/QĐ-PT ngày 12/4/2023, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 04/2023/QĐPT-DS ngày 11/5/2023, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 05/2023/QĐPT-DS ngày 09/6/2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: bà Trần Thị X, sinh năm 1951. Địa chỉ: thôn Y, xã Qu, huyện Nh, tỉnh Ninh Bình. (Có mặt)
- Bị đơn: bà Trần Thị H1, sinh năm 1961. Địa chỉ: thôn Y, xã Qu, huyện Nh, tỉnh Ninh Bình. (Có mặt)
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Bà Trần Thị H2, sinh năm 1951. Địa chỉ: Địa chỉ: thôn Y, xã Qu, huyện Nh, tỉnh Ninh Bình. (Vắng mặt phiên tòa ngày 11/5/2023, có mặt phiên tòa ngày 07/7/2023 và ngày 09/6/2023).
+ Bà Trần Thị Ph, sinh năm 1958. Địa chỉ: thôn T, xã L, huyện Nh, tỉnh Ninh Bình. (Vắng mặt phiên tòa ngày 11/5/2023, có mặt phiên tòa ngày 07/7/2023 và ngày 09/6/2023).
+ Bà Trần Thị H3, sinh năm 1958. Địa chỉ: thôn H, xã M, huyện V, tỉnh Nam Định. (Có mặt phiên tòa ngày 11/5/2023 và ngày 09/6/2023, vắng mặt phiên tòa ngày 07/7/2023).
+ Bà Trần Thị Th1, sinh năm 1964. Địa chỉ: Địa chỉ: thôn Y, xã Qu, huyện Nh, tỉnh Ninh Bình. (Có mặt phiên tòa ngày 11/5/2023 và ngày 09/6/2023, vắng mặt phiên tòa ngày 07/7/2023).
+ Bà Trần Thị V, sinh năm 1969. Địa chỉ: thôn YTh, xã Y, huyện Nh, tỉnh Ninh Bình. (Có mặt phiên tòa ngày 11/5/2023 và ngày 09/6/2023, vắng mặt phiên tòa ngày 07/7/2023).
+ Bà Trần Thị Y1, sinh năm 1973. Địa chỉ: thôn L, xã Đ, huyện Nh, tỉnh Ninh Bình. (Có mặt) + Bà Trần Thị Th2, sinh năm 1973. Địa chỉ: thôn Y, xã Qu, huyện Nh, tỉnh Ninh Bình. (Có mặt) 4. Người kháng cáo: bà Trần Thị H1 (bị đơn), bà Trần Thị Y1 (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan).
5. Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị: Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện đề ngày 06/10/2021, trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là bà Trần Thị X trình bày:
Bố mẹ bà là cụ Trần Văn Ph1 (chết năm 2014), cụ Đặng Thị H4 (chết năm 2019). Khi chết bố mẹ bà không để lại di chúc. Bố mẹ bà có 09 người con gồm:
bà Trần Thị H2, bà Trần Thị Th2, bà Trần Thị X, bà Trần Thị Ph, bà Trần Thị H3, bà Trần Thị H1, bà Trần Thị Th1, bà Trần Thị V, bà Trần Thị Y1. Bố mẹ bà không có con nuôi hay con riêng nào khác. Di sản bố mẹ bà để lại gồm: 01 căn nhà 3 gian cấp 4 (hiện nay làm nhà thờ do bà quản lý, trông coi); 01 thửa đất số 427 tờ bản đồ số 5b, diện tích 1.800m2; địa chỉ thửa đất: xã Y, huyện Nh, tỉnh Ninh Bình; đất đã được Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) huyện Nh, tỉnh Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây viết tắt là GCNQSDĐ) ngày 31/12/2013 mang tên ông Trần Văn Ph1 (sau đây viết tắt là thửa đất số 427).
Năm 2017 khi xảy ra tranh chấp, chị em bà đã khởi kiện ra Tòa án huyện Nh. Tuy nhiên sau đó chị em bà đã rút đơn khởi kiện và tự thỏa thuận chia cho bà Th2 90m2, phần còn lại là để cho cụ Đặng Thị H4. Sau khi mẹ bà mất, bà H1 đã cùng con trai là Bùi Văn V1 đến chiếm nhà đất, đã tự ý xây nhà, không cho chị em bà đến cúng giỗ thắp hương bố mẹ. Nay bà làm đơn này đề nghị Tòa án giải quyết chia di sản của bố mẹ bà để lại theo quy định của pháp luật, di sản gồm: 01 thửa đất số 427 diện tích 1.800m2 (trong đó có 360m2 đất ở; 1.390m2 đất vườn; 50m2 đất ao), đề nghị trừ đi 90m2 đất đã chia cho bà Th2 và 01 căn nhà 3 gian cấp 4 hiện nay làm nhà thờ do bà quản lý, trông coi. Đề nghị chia bằng hiện vật, những phần đất bà H1 chưa xây dựng sẽ chia.
Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn là bà Trần Thị H1 và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị V, bà Trần Thị Th1, bà Trần Thị H3 trình bày:
Các bà xác định về nguồn gốc đất và hàng thừa kế cũng như di sản thừa kế như nguyên đơn trình bày là đúng. Ngày 12/8/2017, các bà X, Th1, Ph, V, H3, H1 và cụ H4 đã họp gia đình thống nhất giao cho cụ H4 được toàn quyền sử dụng diện tích đất 1.800m2. Ngày 23/3/2018 cụ H4 và các con đã họp thống nhất, cùng ký vào bản thỏa thuận: giao cho bà Trần Thị Th2 được sử dụng 90m2, tại thửa đất số 427 nêu trên. Ngày 21/8/2018, cụ H4 và các con đã họp thống nhất, cùng ký vào bản thừa kế: giao cho bà H1 được sở hữu 03 gian nhà cấp 4, trên diện tích đất 1.710m2 tại thửa đất số 427. Vì vậy di sản thừa kế mà cụ Ph1 để lại trong khối tài sản chung với cụ H4 đã được định đoạt khi cụ H4 còn sống. Bà H1 đề nghị: đã có di chúc của cụ H4 để lại phần tài sản cho bà H1 nên phần cụ H4 không được chia, chỉ chia ½ diện tích của quyền sử dụng 1.710m2. Bà đề nghị chia cho bà X, bà Y1, bà H2, bà Ph phía nhà cũ của bố mẹ vì phần giáp đất đã chia cho bà Th2 chính là cái ao cũ bà đã mua đất về lấp và trồng cây, xây dựng chuồng lợn. Phần nhà thờ cũ là đất nền chưa xây dựng công trình gì kiên cố trên đó. Nếu không đồng ý thì bà đề nghị căn cứ pháp luật giải quyết.
Bà V, bà Th1, bà H3 đề nghị: công nhận di chúc cụ H4 để lại, phần chia theo pháp luật các bà không nhận và nhường cho bà H1 để thờ cúng các cụ.
Trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị Th2, bà Trần Thị Y1, bà Trần Thị H2, bà Trần Thị Ph trình bày:
Các bà xác định về nguồn gốc đất và hàng thừa kế cũng như di sản thừa kế như nguyên đơn trình bày là đúng. Các bà không công nhận di chúc do bà H1 xuất trình vì di chúc không hợp pháp.
Quan điểm của bà Th2: đất của bà đã được chia thì bà xin nhận, phần còn lại chia đều để đảm bảo quyền lợi cho mọi người.
Quan điểm của bà Y1: đề nghị Tòa án căn cứ theo pháp luật để chia thửa đất trên cho chị em bà (sau khi đã trừ 90m2 cho bà Th2), để 01 xuất có nhà thờ cũ làm nơi thờ cúng chung của chị em và giao cho bà X quản lý, còn lại chia đều. Bà không công nhận di chúc vì bà không ký.
Bà H2 và bà Ph đề nghị: chia 1.710 m2 đất là di sản bố mẹ để lại theo pháp luật, chia bằng hiện vật.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2022/DS-ST ngày 21/10/2022 của Toà án nhân dân huyện Nh, tỉnh Ninh Bình đã quyết định: căn cứ Điều 5, khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, các Điều 147, 149, 165, 227, 228, 266, 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; các Điều 357, 468, 609, 611, 612, 613, 618, 623, khoản 1 Điều 650, Điều 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 5 Điều 98, Điều 100, Điều 166, Điều 167 Luật Đất đai năm 2013; điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của bà X đối với quyền sử dụng diện tích 1.710m2 (trong đó có 360m2 đất ở, 1.300m2 đất vườn và 50 m2 đất ao) có tổng giá trị là 227.700.000 đồng, tại thửa số 427.
- Phân chia di sản:
+ Bà H1 được quyền sử dụng đất có diện tích là 1.142,6m2, tổng giá trị là 165.286.000 đồng. Bà H1 tiếp tục được sở hữu, sử dụng các tài sản trên đất bao gồm: 01 nhà mái bằng 1 tầng có diện tích 17,63m2; 01 nhà mái bằng 1 tầng có diện tích 153,45m2; 01 nhà chuồng lợn; 01 sân bê tông; 01 khối lượng tường xây gạch đỏ trên mái ngăn vỉ ruồi chống nóng; 01 tường rào cùng những cây cối có trên phần đất được chia.
+ Bà Th2 được quyền sử dụng diện tích đất 110,4m2 đất vườn có tổng giá trị là 12.144.000 đồng cùng phần tường bao cây cối có trên phần đất được chia.
+ Bà H2 được quyền sử dụng diện tích đất 130m2 đất vườn có tổng giá trị là 14.300.000 đồng cùng toàn bộ các cây cối có trên thửa đất.
+ Bà X được quyền sử dụng diện tích đất 121m2 đất vườn có tổng giá trị là 13.310.000 đồng cùng toàn bộ các cây cối có trên thửa đất.
+ Bà Ph được quyền sử dụng diện tích đất 111,8m2 đất vườn có tổng giá trị là 12.298.000 đồng cùng toàn bộ các cây cối có trên thửa đất.
+ Bà Y1 được quyền sử dụng diện tích đất 89,8m2 đất vườn có tổng giá trị là 9.878.000 đồng cùng toàn bộ các cây cối có trên thửa đất.
(Có sơ đồ kèm theo).
+ Ghi nhận sự thỏa thuận của bà H3, bà V, bà Th1 về việc cho bà H1 được nhận giá trị kỷ phần được chia tương đương giá trị 22.449.000 đồng/thừa kế.
+ Buộc bà H1 phải thanh toán tiền chênh lệch giá trị đất cho các đồng thừa kế, cụ thể như sau: thanh toán cho bà H2 số tiền 8.149.000 đồng; thanh toán cho bà X số tiền 9.139.000 đồng; thanh toán cho bà Y1 số tiền 12.571.000 đồng.
Tạm giao cho bà H1 quản lý 755,8m2 diện tích đất vườn nằm trong khuôn viên đất do gia đình đang sử dụng nhưng hạn chế gia đình bà H1 xây dựng công trình kiên cố trên đất cho đến khi có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phần đất này. Ngoài ra, bản án còn tuyên án phí, quyền kháng cáo cho các bên đương sự, quyền, nghĩa vụ thi hành án.
Ngày 31/10/2022 bà Trần Thị Y1 có đơn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm với nội dung: đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình chia đều phần diện tích đất ở cho bà và các chị em gồm bà Th2, bà H2, bà Ph, bà X. Bà không nhất trí việc bà và các chị em nêu trên được chia toàn phần diện tích đất vườn vì phần diện tích đất của bà và các bà Th2, H2, Ph, X được chia ít hơn so với kỷ phần đất được hưởng và bà không nhất trí lấy tiền bồi thường thay diện tích đất. Bà không nhất trí về vị trí đất được chia, yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình chia lại phần diện tích đất theo hướng tiếp giáp với phần diện tích đất của bà Th2 đã được chia.
Ngày 03/11/2022 bà Trần Thị H1 có đơn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm với nội dung: hủy Bản án số 10/2022/DS-ST ngày 21/10/2022 của Tòa án nhân dân huyện Nh. Chấp nhận bản thừa kế của cụ H4 lập ngày 21/8/2018, giao cho bà được quyền sử dụng 1.710m2 đất và bà được sở hữu toàn bộ tài sản trên đất. Bác đơn khởi kiện của bà X.
Ngày 14/11/2022 Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 05/QĐ-VKS-DS kháng nghị Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2022/DS-ST ngày 21/10/2022 của Toà án nhân dân huyện Nh với nội dung:
Về việc xác định kỷ phần thừa kế: bản án sơ thẩm xác định di sản thừa kế cụ Ph1 và cụ H4 để lại gồm: quyền sử dụng 1.710m2 (sau khi đã trừ đi diện tích 90m2 đất cụ H4 và các chị em trong gia đình đã cho bà Th2 năm 2018) tại thửa đất 427 có giá trị là 227.000.000 đồng là đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc xác định kỷ phần mà mỗi đồng thừa kế được hưởng không chính xác, bởi: bản án sơ thẩm xác định công trông coi, bảo quản, tôn tạo di sản tính cho bà H1 bằng 01 kỷ phần thừa kế là 1.710m2 : 9 =190m2, phần còn lại sau khi trừ đi công của bà H1 được chia đều cho các đồng thừa kế: (1.710m2 - 190m2) : 9 = 168,8m2. Việc xác định kỷ phần thừa kế của bản án có sự mâu thuẫn giữa nhận định và cách tính, dẫn đến tồn tại hai loại kỷ phần thừa kế trong một vụ án. Trong trường hợp này cần xác định 01 kỷ phần thừa kế là: 1.710m2 : 10 =171m2 (trong đó có 01 kỷ phần thừa kế là công trông coi, bảo quản, tôn tạo di sản của bà H1), giá trị mỗi kỷ phần là: 227.000.000 đồng : 10 = 22.700.000 đồng mới chính xác.
Bản án không tuyên buộc bà H1 là người được giao phần tài sản có giá trị cao hơn phần di sản được hưởng phải thanh toán khoản tiền chênh lệch tài sản cho bà Ph là không đúng.
Tại sơ đồ phân chia di sản thừa kế kèm theo bản án, bà Th2 đang quản lý 94,4m2 (tăng 4,4m2 so với phần đất bà Th2 được chia năm 2018) và bà Th2 chia thêm diện tích 110,4m2 đất vườn kéo dài về phía sau. Như vậy, phần diện tích đất thừa chưa được xem xét, gây khó khăn cho đương sự khi làm thủ tục cấp GCNQSDĐ; trong trường hợp này, cần cộng diện tích đất này vào phần diện tích đất chia cho bà Th2 theo quyết định của bản án.
Ngoài ra, việc phân chia đất bằng hiện vật cho các đồng thừa kế của bản án sơ thẩm không phù hợp, có thể chia kỷ phần thừa kế toàn bộ bằng hiện vật (bà H1 được 5 phần), các đồng thừa kế không phải thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho nhau. Mặt khác, phần quyết định của bản án sơ thẩm khi giao cho bà H1 được tiếp tục sở hữu, sử dụng các tài sản trên đất có sự nhầm lẫn về các đơn vị đo chiều dài, đơn vị đo diện tích, đơn vị đo thể tích và không đúng với Bảng áp giá tài sản ngày 09/12/2021 của Hội đồng định giá tài sản huyện Nh.
Vì vậy, Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng: sửa bản án sơ thẩm, xác định lại kỷ phần thừa kế, phân chia lại di sản thừa kế và việc thanh toán chênh lệch tài sản giữa các đồng thừa kế như nội dung đã phân tích trên.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.
- Bà Trần Thị H1, bà Trần Thị Y1 vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
- Các bà Trần Thị X, Trần Thị H2, Trần Thị Ph, Trần Thị Th2 đồng ý với yêu cầu kháng cáo của bà Trần Thị Y1.
- Các bà Trần Thị H3, Trần Thị Th1, Trần Thị V đồng ý với yêu cầu kháng cáo của bà Trần Thị H1.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát như sau: trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các bà X, H1, Y1, Th2 đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ theo các Điều 70,71,72,73 Bộ luật Tố tụng dân sự. Các bà H2, bà Ph, bà H3, bà Th1, bà V đã thực hiện không đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ theo Điều 70,71,72,73 Bộ luật Tố tụng dân sự, không có mặt đầy đủ theo triệu tập của Tòa án để tham gia phiên tòa. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 và khoản 2 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: chấp nhận kháng nghị của Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình, chấp nhận một phần kháng cáo của bà Y1, không chấp nhận kháng cáo của bà H1, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2022/DS-ST ngày 21/10/2022 của Tòa án nhân dân huyện Nh theo hướng: xác định lại giá trị 01 kỷ phần thừa kế mà các đồng thừa kế được hưởng là 22.770.000 đồng. Ghi nhận sự tự nguyện của bà Trần Thị H3, bà Trần Thị V, bà Trần Thị Th1 về việc nhường lại cho bà Trần Thị H1 được nhận phần thừa kế mà các bà được hưởng. Chia lại phần diện tích đất 1.710m2 như sau:
Giao cho bà Th2 phần đất phía Nam giáp đất đã chia cho bà Th2, có cạnh phía Đông giáp đường dài 0,5m kéo thẳng đến cạnh phía Tây giáp phần diện tích đất thừa. Bà Th2 được quyền sử dụng 90m2 đất có kích thước 4,5mx 20m theo thoả thuận của các đương sự năm 2018. Giao cho bà Y1 quyền sử dụng đất có cạnh phía Nam giáp với phần đất chia cho bà Th2, cạnh phía Đông giáp đường dài 5m kéo thẳng đến cạnh phía Tây của thửa đất. Giao cho bà H2 quyền sử dụng đất có cạnh phía Tây giáp diện tích đất thừa, phía Bắc giáp đường dài khoảng 6,38m, phía Đông giáp đất chia cho bà X, phía Nam giáp diện tích đất chia cho bà H1. Giao cho bà X quyền sử dụng thửa đất có cạnh phía Tây giáp đất chia cho bà H2, cạnh phía Bắc giáp đường dài khoảng 8,66m; phía Nam giáp diện tích đất chia cho bà H1 dài 11,76m, phía Đông giáp đất chia cho bà Ph. Giao cho bà Ph quyền sử dụng phần đất còn lại có cạnh phía Tây giáp diện tích đất chia cho bà X, cạnh phía Bắc giáp đường, cạnh Nam giáp diện tích đất chia cho bà H1, phía Đông giáp đường. Giao cho bà H1 quyền sử dụng phần đất ở giữa thửa đất, trên đất có các công trình bà H1 đã xây dựng có cạnh phía Nam giáp diện tích đất chia cho bà Y1; phía Bắc giáp diện tích đất chia cho các bà Ph, X, H2; phía Tây giáp diện tích đất thừa dài khoảng 21,07m; cạnh phía Đông giáp đường thôn. Buộc bà H1 tháo dỡ công trình xây dựng, 01 phần tường bao và di chuyển cây cối do bà H1 tạo lập trên phần đất đã chia cho các bà X, H2, Ph, Y1, Th2. Đương sự nào được hưởng phần đất có giá trị cao hơn phần thừa kế mà mình được hưởng phải thanh toán cho đương sự khác.
Về án phí dân sự sơ thẩm: bà X, bà H2, bà Ph, bà H3, bà H1 được miễn án phí dân sự sơ thẩm do là người cao tuổi. Bà Y1, bà Th2 mỗi người phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần di sản mình được hưởng. Bà H1 phải nộp thay phần án phí mà bà Th1 và bà V phải chịu.
Về án phí dân sự phúc thẩm: bà H1, bà Y1 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; trả lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp cho bà Y1.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng.
[1.1] Đơn kháng cáo của bà H1, bà Y1 và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình làm trong thời hạn pháp luật quy định và đúng hình thức, nội dung nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[1.2] Tại phiên toà ngày 11/5/2023 bà Th1, bà V không uỷ quyền cho bà H1, trực tiếp tham gia tố tụng nên Hội đồng xét xử chấp nhận việc bà Th1, bà V không uỷ quyền cho bà H1.
[1.3] Tại phiên toà ngày 07/7/2023 bà H3, bà Th1, bà V vắng mặt, nhưng tại phiên toà ngày 11/5/2023 và ngày 09/6/2023 các bà H3, Th1, V đã có mặt tại phiên toà trình bày rõ quan điểm của mình. Do đó, việc vắng mặt tại phiên toà ngày 07/7/2023 của các bà H3, Th1, V không ảnh hưởng đến việc xét xử, Hội đồng xét xử xét xử vụ án theo thủ tục chung.
[2] Về nội dung.
[2.1] Về mối quan hệ gia đình.
Cụ Trần Văn Ph1 và cụ Đặng Thị H4 có 09 người con gồm: bà Trần Thị X, bà Trần Thị H2, bà Trần Thị Ph, bà Trần Thị H3, bà Trần Thị H1, bà Trần Thị Th1, bà Trần Thị V, bà Trần Thị Y1, bà Trần Thị Th2. Các đương sự đều thừa nhận: cụ Ph1 và cụ H4 không có bố mẹ nuôi, bố mẹ đẻ của cụ Ph1 và cụ H4 đều chết trước cụ Ph1 và cụ H4.
[2.2] Về xác định những người thừa kế.
Cụ Trần Văn Ph1 (chết năm 2014), cụ Đặng Thị H4 (chết năm 2019). Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Ph1 và cụ H4 là bà X, bà H2, bà Ph, bà H3, bà H1, bà Th1, bà V, bà Y1, bà Th2.
[2.3] Đối với yêu cầu kháng cáo của bà Trần Thị H1.
Cụ Ph1 và cụ H4 khi còn sống có khối tài sản chung là quyền sử dụng 1.800m2 (trong đó có 360m2 đất ở; 1.390m2 đất vườn; 50m2 đất ao) tại thửa đất số 427 và căn nhà cấp 4 trên đất.
Năm 2014 cụ Ph1 chết. Năm 2017 cụ H4 cùng các con phân chia phần di sản của cụ Ph1 lần thứ nhất có văn bản họp gia đình cùng thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất của cụ Ph1 sang tên cho cụ H4. Tuy nhiên, việc phân chia phần tài sản của cụ Ph1 không có chữ ký của cụ H4, bà H2, bà Th2.
Đến ngày 23/3/2018, cụ H4 và các bà Th2, X, H1, Ph, H3, Th1, Y1 có lập Biên bản thoả thuận đồng ý cho bà Th2 90m2 đất vườn; còn 1.710m2 (trong đó có 360m2 đất ở; 1.300m2 đất vườn; 50m2 đất ao) của cụ H4. Tuy nhiên, việc thoả thuận này không có chữ ký của cụ H4, bà H2, bà V.
Ngày 21/8/2018, cụ Đặng Thị H4 và các con đã họp thống nhất, cùng ký vào văn bản có tiêu đề “Bản thừa kế” có nội dung: cụ H4 giao cho bà Trần Thị H1 được sở hữu 03 gian nhà cấp 4 và thửa đất có diện tích 1.710m2 tại thửa đất số 427, bà H1 có quyền sử dụng, thờ cúng, trông nom toàn bộ số tài sản trên.
Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, bà X, bà Y1, bà Th2, bà Ph thừa nhận chữ ký của mình tại mục “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý” trong Bản thừa kế nêu trên. (Bút lục 190, 191).
Phía bà H1, bà Th1, bà V thừa nhận chữ ký của mình trong Bản thừa kế. Tại Bản trình bày ý kiến ngày 23/6/2023, chị Quách Thị V3 (người viết hộ bản thừa kế) và bà H3 đều thừa nhận chữ ký “H3” là do chị V3 ký hộ, không phải chữ ký của bà H3 tại mục “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý” trong Bản thừa kế.
Tại phiên tòa ngày 09/6/2023, bà X đề nghị Hội đồng xét xử giám định chữ viết, chữ ký trong Bản thừa kế ngày 21/8/2018. Hội đồng xét xử đã ban hành Quyết định trưng cầu giám định. Tại Biên bản làm việc ngày 21/6/2023 Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Ninh Bình xác định: các chữ cần giám định trên Bản thừa kế số lượng ít, tài liệu mẫu so sánh ít, mỗi đối tượng giám định có từ 02 đến 04 mẫu so sánh, trong số mẫu so sánh có 03 mẫu là tài liệu được photo, không đủ điều kiện sử dụng làm mẫu so sánh. Do đó Phòng kỹ thuật hình sự không tiếp nhận và không thực hiện giám định theo Quyết định trưng cầu giám định số 01/2023/QĐ-TCGĐ ngày 20/6/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Như vậy văn bản ngày 21/8/2018 có tiêu đề là Bản thừa kế nhưng không phải là bản di chúc hợp pháp của cụ H4. Bản thừa kế nêu trên có nội dung phân chia tài sản là nhà đất của cụ Ph1 và cụ H4. Mặc dù cụ H4 cùng một số người con của cụ H4 đã ký vào Bản thừa kế ngày 21/8/2018 nhưng bà H3 không ký vào văn bản đó nên Hội đồng xét xử xác định văn bản phân chia tài sản chung là nhà đất của cụ Ph1 cụ H4 (Bản thừa kế) ngày 21/8/2018 không có giá trị pháp lý. Do đó bà H1 kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm, chấp nhận Bản thừa kế của cụ Đặng Thị H4 lập ngày 21/8/2018 là không có căn cứ.
[2.4] Đối với yêu cầu kháng cáo của bà Trần Thị Y1.
Ngày 12/10/2021 bà X khởi kiện là trong thời hiệu khởi kiện, văn bản có tiêu đề Bản thừa kế ngày 21/8/2018 (thực tế là văn bản phân chia tài sản chung) không hợp pháp nên di sản của cụ Ph1 cụ H4 được chia theo pháp luật.
Theo kết quả đo đạc ngày 18/5/2023 thì diện tích thực tế của thửa đất là 2.540,3m2, tăng 740,3m2 so với GCNQSDĐ. Các đương sự đề nghị không đưa diện tích đất tăng lên là 740,3m2 vào chia và đề nghị chia theo diện tích đất có trong GCNQSDĐ. Căn cứ vào quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định di sản của cụ Ph1, cụ H4 để lại là quyền sử dụng 1.710m2 (trong đó có 360m2 đất ở; 1.300m2 đất vườn; 50m2 đất ao) tại thửa đất số 427 và căn nhà cấp 4 trên là đúng pháp luật.
Tuy nhiên, đối với phần diện tích đất tăng thêm, Toà án cấp sơ thẩm đã quyết định “Tạm giao cho bà H1 quản lý 755,8m2 diện tích đất vườn nằm trong khuôn viên đất do gia đình đang sử dụng nhưng hạn chế gia đình bà H1 xây dựng công trình kiên cố trên đất cho đến khi có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phần đất này” là giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự, cần rút kinh nghiệm đối với Toà án cấp sơ thẩm về vấn đề này. Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định không xem xét, giải quyết diện tích đất tăng thêm 740,3m2 đất (theo kết quả đo đạc ngày 18/5/2023) trong vụ án này.
Di sản cụ Ph1 và cụ H4 để lại trên thửa đất là 01 căn nhà gỗ 3 gian đã xuống cấp. Hội đồng định giá tài sản xác định thì ngôi nhà này đã khấu hao hết, không còn giá trị kinh tế nên Toà án cấp sơ thẩm không xem xét chia thừa kế là đúng pháp luật.
Tại phiên toà, các đương sự đều thừa nhận phần diện tích đất của cụ Ph1 và cụ H4 đã chia cho bà Th2 năm 2018 là 90m2. Do đó, cần xác định bà Th2 được quyền sử dụng 90m2 đất có kích thước 4,5m x 20m. Như vậy, tổng giá trị di sản còn lại của cụ Ph1 cụ H4 là diện tích 1.710m2 (trong đó có 360m2 đất ở có giá trị là 79.200.000 đồng, 1.300m2 đất vườn có giá trị là 143.000.000 đồng và 50m2 đất ao có giá trị là 5.500.000 đồng), tổng giá trị là 227.700.000 đồng.
Về việc xác định kỷ phần thừa kế: Toà án cấp sơ thẩm xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Ph1 và cụ H4 là 09 người con và xác định công trông coi, bảo quản, tôn tạo di sản tính cho bà H1 bằng 01 kỷ phần thừa kế là đúng pháp luật. Sau khi trừ đi công sức trông coi, tôn tạo di sản của bà H1 thì di sản được chia đều cho các đồng thừa kế, cần xác định 01 kỷ phần thừa kế là: 227.700.000 đồng : 10 = 22.770.000 đồng.
Về phân chia di sản:
Đối với ý kiến của bà Trần Thị H3, Trần Thị V, Trần Thị Th1: đề nghị phần thừa kế mà các bà được hưởng thì để lại cho bà Trần Thị H1 để thờ cúng tổ tiên và không đòi hỏi bất cứ một khoản tiền nào khác. Xét đây là sự tự nguyện của các đương sự không trái pháp luật và đạo đức, vì vậy Hội đồng xét xử ghi nhận và sẽ tính vào phần được chia cho bà H1.
Theo biên bản xác minh ngày 18/5/2023, UBND xã Y1 Quang xác định diện tích 360m2 đất ở tại vị trí đã xây dựng 03 căn nhà (01 nhà cấp 4 hai mái xây dựng năm 1980 nằm trên diện tích 39,5m2 đất ở, 01 nhà mái bằng 1 tầng dùng làm nơi thờ cúng nằm trên diện tích 23,5m2 đất ở, 01 nhà mái bằng dạng mái thái nằm trên diện tích 152,1m2 đất ở) và giếng, công trình phụ, một phần sân bê tông; 50m2 đất ao có vị trí nằm trên một phần sân bê tông; ngoài diện tích đất ở và đất ao đã được xác định, còn lại là đất vườn.
Đối với căn nhà thờ mới và nhà mái bằng cùng các công trình khác bà H1 xây dựng đang sinh sống, xác định căn nhà này là nơi sinh sống duy nhất của gia đình bà H1, vì vậy cần tiếp tục giao cho gia đình bà H1 quản lý và sử dụng 02 căn nhà này.
Đối với một số cây cối do cụ Ph1, cụ H4 trồng, tại Toà án cấp sơ thẩm các đương sự không đề nghị Toà án giải quyết và đều nhất trí Toà án chia vào phần đất của ai thì người đó được quyền sử dụng nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Các bà X, H2, Ph, Y1, Th2 đều trình bày không có nhu cầu lấy một phần tường và cây cối bà H1 đã tạo lập trên đất nên không đồng ý thanh toán giá trị công trình và cây cối của bà H1 trên phần đất các bà được chia.
Tại phiên tòa, bà H1 đề nghị thanh toán một phần tường và cây cối của bà trên phần đất Tòa án chia cho các bà X, H2, Ph, Y1, Th2. Trường hợp các bà X, H2, Ph, Y1, Th2 không nhất trí thanh toán thì bà H1 đồng ý tháo dỡ công trình và di dời cây cối của bà H1 trên phần đất chia cho các bà X, H2, Ph, Y1, Th2.
Xét thấy: hiện nay toàn bộ thửa đất là di sản thừa kế của cụ Ph1, cụ H4 đã được bà H1 xây tường bao xung quanh. Tuy nhiên, khi chia di sản thừa kế thì mỗi một kỷ phần có một phần tường bao bị cắt, không còn giá trị sử dụng nên cần buộc bà H1 phải tháo dỡ công trình xây dựng trên đất, một phần tường và cây cối do bà H1 tạo lập trên phần đất được chia cho các bà X, H2, Ph, Y1, Th2 là đúng pháp luật.
Căn cứ vào hiện trạng thửa đất, vị trí từng loại đất, đảm bảo công năng sử dụng các công trình mà bà H1 đã xây dựng trên đất, đảm bảo tính ổn định, trên cơ sở kết quả thẩm định tại chỗ, nguyện vọng của bà Y1 về việc chia di sản bằng hiện vật theo hướng tiếp giáp với phần diện tích đất của bà Th2 đã được chia là chính đáng, hiện trạng thửa đất có thể chia kỷ phần thừa kế bằng hiện vật, cần chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Y1, chia lại diện tích đất cho phù hợp, cụ thể:
Chia cho bà X thửa đất có vị trí như hình S2 trên sơ đồ, cụ thể: phía Nam giáp đất bà H1 dài 11,76m, phía Bắc giáp đường dài 8,66m, phía Đông giáp đất bà Ph, bà H1 gồm các đoạn có kích thước 9,47m, 4,81m; phía Tây giáp đất bà H2 dài 16,17m; diện tích 154m2 đất (trong đó đất vườn là 114,5m2 + đất ở là 39,5m2), có giá trị là 21.285.000 đồng. Buộc bà H1 phải tháo dỡ công trình xây dựng trên đất, một phần tường và di dời cây trồng của bà H1 trên phần đất được chia cho bà X.
Chia cho bà H2 thửa đất có vị trí như hình S1 trên sơ đồ, cụ thể: phía Nam giáp đất bà H1 dài 9,23m, phía Bắc giáp đường dài 6,38m, phía Đông giáp đất bà X dài 16,17m, phía Tây dài 18,08m; diện tích 130m2 đất vườn có giá trị là 14.300.000 đồng. Buộc bà H1 phải tháo dỡ công trình xây dựng trên đất, một phần tường và di dời cây trồng của bà H1 trên phần đất được chia cho bà H2.
Chia cho bà Ph thửa đất có vị trí như hình S3 trên sơ đồ, cụ thể: phía Nam giáp đất bà H1 gồm các đoạn có kích thước: 5,83m, 2,43m, 7,87m; phía Bắc giáp đường gồm các đoạn có kích thước: 4,98m, 3,18m, 3,21m, 3,15m, 1,23m, 2,19m;
phía Đông giáp đường dài 4,7m; phía Tây giáp bà X dài 9,47m; diện tích 130m2 đất vườn có giá trị là 14.300.000 đồng. Buộc bà H1 phải tháo dỡ công trình xây dựng trên đất, một phần tường và di dời cây trồng của bà H1 trên phần đất được chia cho bà Ph.
Chia cho bà Y1 thửa đất có vị trí như hình S5 trên sơ đồ, cụ thể: phía Nam giáp đất bà Th2 dài 39,10m, phía Bắc giáp đất bà H1 dài 38,20m, phía Đông giáp đường dài 5m, phía Tây dài 5m; diện tích 192,5m2 đất vườn có giá trị là 21.175.000 đồng. Buộc bà H1 phải tháo dỡ công trình xây dựng trên đất, một phần tường và di dời cây trồng của bà H1 trên phần đất được chia cho bà Y1.
Chia cho bà Th2 thửa đất có vị trí như hình S6 trên sơ đồ, cụ thể: phía Nam giáp đất bà Sơn, đất bà Th2 (đã được chia 90m2) gồm các đoạn có kích thước:
19,81m, 0,69m, 4,5m, 20m; phía Bắc giáp đất bà Y1 dài 39,10m; phía Đông giáp đường dài 0,5m; phía Tây dài 5m; diện tích 157,6m2 đất vườn có giá trị là 17.336.000 đồng. Buộc bà H1 phải tháo dỡ công trình xây dựng trên đất, một phần tường, một phần chuồng lợn có diện tích 25,5m2 và di dời cây trồng của bà H1 trên phần đất được chia cho bà Th2.
Chia cho bà H1 được hưởng 1 kỷ phần thừa kế; công trông coi, bảo quản, tôn tạo di sản tính cho bà H1 bằng 01 kỷ phần thừa kế; kỷ phần bà H3, bà V, bà Th1 nhường lại cho bà H1 nên tổng diện tích đất mà bà H1 được chia, được hưởng là 5 kỷ phần là 855m2 đất (180m2 đất ở, 650m2 đất vườn, 25 m2 đất ao) = 113.850.000 đồng. Để đảm bảo tính ổn định và đảm bảo giá trị tài sản các công trình trên đất, cần giao phần có diện tích 945,9m2 trị giá 139.304.000 đồng; trong đó 320,5m2 đất ở (360m2 đất ở - 39,5m2 đất ở), 50m2 đất ao (đã san lấp), 575,4m2 đất vườn cho bà H1 là phù hợp. Riêng đối với phần còn lại của chuồng lợn có diện tích 42,1m2 do bà H1 xây dựng có vị trí nằm ngoài diện tích đất chia di sản thừa kế nên Hội đồng xét xử không xem xét. Do đó, chia cho bà H1 thửa đất có vị trí như hình S4 trên sơ đồ, cụ thể: phía Nam giáp đất bà Y1 dài 38,20m, phía Bắc giáp đất bà H2, bà X, bà Ph gồm các đoạn có kích thước: 9,23m, 11,76m, 4,81m, 5,83m, 2,43m, 7,87m; phía Đông giáp đường gồm các đoạn có kích thước: 3,50m, 15,76m, 4,81m, 6,58m, 2,94m; phía Tây dài 21,07m; diện tích 945,9m2.
Bà H1 tiếp tục được sở hữu, sử dụng các tài sản trên đất bao gồm: 01 nhà mái bằng 1 tầng có diện tích 23,5m2; 01 nhà mái bằng 1 tầng mái chéo phía trước có diện tích 152,1m2; 01 giếng, 01 sân bê tông; 01 phần tường xây gạch đỏ trên mái ngăn vỉ ruồi chống nóng; cổng sắt, bể phốt, phần tường bao và những cây cối có trên phần đất được chia cho bà H1.
(Có sơ đồ kèm theo).
Bà H1 phải thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế chênh lệch cho: bà X là 1.485.000 đồng, bà H2 là 8.470.000 đồng, bà Ph là 8.470.000 đồng, bà Y1 là 1.595.000 đồng, bà Th2 là 5.434.000 đồng.
Tại phần quyết định của bản án sơ thẩm khi giao cho bà H1 được tiếp tục sở hữu, sử dụng các tài sản trên đất có sự nhầm lẫn về các đơn vị đo chiều dài, đơn vị đo diện tích, đơn vị đo thể tích, cụ thể: 01 nhà chuồng lợn cao 3,3m2, 01 sân bê tông có diện tích 16,8m3; 01 khối lượng tường xây gạch đỏ có diện tích 12,3m3; tường có diện tích 24,96m3, trụ có diện tích 5,34m3, móng đá có diện tích 39,49m3. Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về vấn đề này.
Căn cứ vào hiện trạng của thửa đất, Hội đồng xét xử không chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Y1 về việc: chia đều phần diện tích đất ở cho bà và các chị em gồm bà Th2, bà H2, bà Ph, bà X; không nhất trí việc được chia toàn phần diện tích đất vườn.
[2.5] Đối với quyết định kháng nghị phúc thẩm số 05/QĐ-VKS-DS ngày 14/11/2022 của Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng xác định kỷ phần thừa kế, giá trị mỗi kỷ phần là 22.700.000 đồng, buộc bà H1 là người được giao phần tài sản có giá trị cao hơn phần di sản được hưởng phải thanh toán khoản tiền chênh lệch tài sản cho bà Ph là đúng pháp luật.
Tại sơ đồ phân chia di sản thừa kế kèm theo bản án, Toà án cấp sơ thẩm xác định phần đất bà Th2 được chia năm 2018 có diện tích 94,4m2 (tăng 4,4m2) là chưa chính xác, diện tích chính xác là 90m2.
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Ninh Bình về việc có thể chia di sản thừa kế bằng hiện vật và phân chia lại di sản thừa kế như đã nhận định tại mục [2.4] là có cơ sở.
[3] Về chi phí tố tụng (chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 18/5/2023 là 2.100.000 đồng và chi phí đo đạc là 5.000.000 đồng): tại phiên tòa, bà Y1 trình bày bà tự nguyện chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và chi phí đo đạc ngày 18/5/2023. Do đó, Hội đồng xét xử không xem xét.
[4] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bà H1.
Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình và chấp nhận một phần kháng cáo của bà Y1, sửa một phần bản án sơ thẩm về vấn đề nêu trên.
[5] Về án phí dân sự sơ thẩm.
Bà X, bà H2, bà Ph, bà H3, bà H1 là người cao tuổi, thuộc trường hợp được miễn án phí theo quy định của pháp luật.
Các bà Th1, V, Y1, Th2 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị di sản mà mình được hưởng. Cụ thể: 22.770.000 đồng x 5% = 1.138.500 đồng, làm tròn 1.139.000 đồng. Tuy nhiên bà H1 nhận phần thừa kế của bà Th1, bà V và nhận nộp án phí thay nên bà H1 có nghĩa vụ nộp án phí cho phần di sản nhận của bà Th1 và bà V là 2.278.000 đồng.
[6] Án phí dân sự phúc thẩm: do sửa án sơ thẩm nên bà Y1, bà H1 không phải nộp tiền án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 147, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 357, Điều 468, Điều 609, Điều 611, Điều 612, Điều 613, Điều 618, Điều 623, khoản 1 Điều 650, Điều 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 166, Điều 170 Luật Đất đai năm 2013; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 7 Điều 27, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức Th1, miễn, giảm, Th1, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:
1. Không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị H1.
2. Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Trần Thị Y1.
3. Chấp nhận quyết định kháng nghị phúc thẩm số 05/QĐ-VKS-DS ngày 14/11/2022 của Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình.
4. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2022/DS-ST ngày 21/10/2022 của Toà án nhân dân huyện Nh, tỉnh Ninh Bình, cụ thể:
4.1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của bà Trần Thị X đối với quyền sử dụng diện tích 1.710m2 (trong đó có 360m2 đất ở, 1.300m2 đất vườn và 50 m2 đất ao) có tổng giá trị là 227.700.000 đồng (Hai trăm hai mươi bảy triệu bảy trăm nghìn đồng), tại thửa số 427, tờ bản đồ số 5b Bản đồ địa chính xã Y. Địa chỉ thửa đất: xã Y, huyện Nh, tỉnh Ninh Bình. Đất đã được Ủy ban nhân dân huyện Nh, tỉnh Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BP 802344 ngày 31/12/2013 mang tên ông Trần Văn Ph1.
4.2. Phân chia di sản:
4.2.1. Chia cho bà Trần Thị X thửa đất có vị trí như hình S2 trên sơ đồ, cụ thể: phía Nam giáp đất bà H1 dài 11,76m, phía Bắc giáp đường dài 8,66m, phía Đông giáp đất bà Ph, bà H1 gồm các đoạn có kích thước 9,47m, 4,81m; phía Tây giáp đất bà H2 dài 16,17m; diện tích 154m2 đất (trong đó đất vườn là 114,5m2, đất ở là 39,5m2), có giá trị là 21.285.000 đồng (Hai mươi mốt triệu hai trăm tám mươi lăm nghìn đồng). Buộc bà Trần Thị H1 phải tháo dỡ công trình xây dựng trên đất, một phần tường và di dời cây trồng của bà Trần Thị H1 trên phần đất được chia cho bà Trần Thị X.
4.2.2. Chia cho bà Trần Thị H2 thửa đất có vị trí như hình S1 trên sơ đồ, cụ thể: phía Nam giáp đất bà H1 dài 9,23m, phía Bắc giáp đường dài 6,38m, phía Đông giáp đất bà X dài 16,17m, phía Tây dài 18,08m; diện tích 130m2 đất vườn có giá trị là 14.300.000 đồng (Mười bốn triệu ba trăm nghìn đồng). Buộc bà Trần Thị H1 phải tháo dỡ công trình xây dựng trên đất, một phần tường và di dời cây trồng của bà Trần Thị H1 trên phần đất được chia cho bà Trần Thị H2.
4.2.3. Chia cho bà Trần Thị Ph thửa đất có vị trí như hình S3 trên sơ đồ, cụ thể: phía Nam giáp đất bà H1 gồm các đoạn có kích thước: 5,83m, 2,43m, 7,87m; phía Bắc giáp đường gồm các đoạn có kích thước: 4,98m, 3,18m, 3,21m, 3,15m, 1,23m, 2,19m; phía Đông giáp đường dài 4,7m; phía Tây giáp bà X dài 9,47m;
diện tích 130m2 đất vườn có giá trị là 14.300.000 đồng (Mười bốn triệu ba trăm nghìn đồng). Buộc bà Trần Thị H1 phải tháo dỡ công trình xây dựng trên đất, một phần tường và di dời cây trồng của bà Trần Thị H1 trên phần đất được chia cho bà Trần Thị Ph.
4.2.4. Chia cho bà Trần Thị Y1 thửa đất có vị trí như hình S5 trên sơ đồ, cụ thể: phía Nam giáp đất bà Th2 dài 39,10m, phía Bắc giáp đất bà H1 dài 38,20m, phía Đông giáp đường dài 5m, phía Tây dài 5m; diện tích 192,5m2 đất vườn có giá trị là 21.175.000 đồng (Hai mươi mốt triệu một trăm bảy mươi lăm nghìn đồng). Buộc bà Trần Thị H1 phải tháo dỡ công trình xây dựng trên đất, một phần tường và di dời cây trồng của bà Trần Thị H1 trên phần đất được chia cho bà Trần Thị Y1.
4.2.5. Chia cho bà Trần Thị Th2 thửa đất có vị trí như hình S6 trên sơ đồ, cụ thể: phía Nam giáp đất bà Sơn, đất bà Th2 (đã được chia 90m2) gồm các đoạn có kích thước: 19,81m, 0,69m, 4,5m, 20m; phía Bắc giáp đất bà Y1 dài 39,10m; phía Đông giáp đường dài 0,5m; phía Tây dài 5m; diện tích 157,6m2 đất vườn có giá trị là 17.336.000 đồng (Mười bảy triệu ba trăm ba mươi sáu nghìn đồng). Buộc bà Trần Thị H1 phải tháo dỡ công trình xây dựng trên đất, một phần tường, một phần chuồng lợn có diện tích 25,5m2 và di dời cây trồng của bà Trần Thị H1 trên phần đất được chia cho bà Trần Thị Th2.
4.2.6. Chia cho bà Trần Thị H1 thửa đất có vị trí như hình S4 trên sơ đồ, cụ thể: phía Nam giáp đất bà Y1 dài 38,20m, phía Bắc giáp đất bà H2, bà X, bà Ph gồm các đoạn có kích thước: 9,23m, 11,76m, 4,81m, 5,83m, 2,43m, 7,87m; phía Đông giáp đường gồm các đoạn có kích thước: 3,50m, 15,76m, 4,81m, 6,58m, 2,94m; phía Tây dài 21,07m; diện tích 945,9m2 (trong đó 320,5m2 đất ở, 50m2 đất ao, 575,4m2 đất vườn), trị giá 139.304.000 đồng (Một trăm ba mươi chín triệu ba trăm linh bốn nghìn đồng).
Bà H1 tiếp tục được sở hữu, sử dụng các tài sản trên đất bao gồm: 01 nhà mái bằng 1 tầng có diện tích 23,5m2; 01 nhà mái bằng 1 tầng mái chéo phía trước có diện tích 152,1m2; 01 giếng, 01 sân bê tông; 01 phần tường xây gạch đỏ trên mái ngăn vỉ ruồi chống nóng; cổng sắt, bể phốt, phần tường bao và những cây cối do bà H1 trồng có trên phần đất được chia cho bà Trần Thị H1.
(Có sơ đồ kèm theo) 4.2.7. Bà Trần Thị H1 phải thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế chênh lệch cho bà Trần Thị X là 1.485.000 đồng (Một triệu bốn trăm tám mươi lăm nghìn đồng).
Bà Trần Thị H1 phải thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế chênh lệch cho bà Trần Thị H2 là 8.470.000 đồng (Tám triệu bốn trăm bảy mươi nghìn đồng).
Bà Trần Thị H1 phải thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế chênh lệch cho bà Trần Thị Ph là 8.470.000 đồng (Tám triệu bốn trăm bảy mươi nghìn đồng).
Bà Trần Thị H1 phải thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế chênh lệch cho bà Trần Thị Y1 là 1.595.000 đồng (Một triệu năm trăm chín mươi lăm nghìn đồng).
Bà Trần Thị H1 phải thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế chênh lệch cho bà Trần Thị Th2 là 5.434.000 đồng (Năm triệu bốn trăm ba mươi bốn nghìn đồng).
4.2.8. Ghi nhận sự tự nguyện của bà Trần Thị H3, bà Trần Thị V, bà Trần Thị Th1 về việc cho bà Trần Thị H1 được nhận phần thừa kế mà các bà được hưởng, được chia tương đương giá trị 22.770.000 đồng (Hai mươi hai triệu bảy trăm bảy mươi nghìn đồng)/kỷ phần thừa kế.
Các đương sự có trách nhiệm liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
4.3. Về án phí dân sự sơ thẩm.
Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho các bà Trần Thị X, Trần Thị H2, Trần Thị Ph, Trần Thị H3, Trần Thị H1.
Bà Trần Thị Y1, bà Trần Thị Th2, mỗi người phải chịu 1.139.000 đồng (Một triệu một trăm ba mươi chín nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Bà Trần Thị H1 có trách nhiệm nộp thay phần án phí dân sự sơ thẩm cho bà Trần Thị Th1 và bà Trần Thị V với tổng số tiền là 2.278.000 đồng (Hai triệu hai trăm bảy mươi tám nghìn đồng).
5. Án phí dân sự phúc thẩm.
Bà Trần Thị H1 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Bà Trần Thị Y1 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, hoàn trả lại cho bà Trần Thị Y1 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai Th1 số AA/2021/0003757 ngày 31/10/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
6. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất được quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
7. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa Th1ận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
8. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 07/7/2023).
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 18/2023/DS-PT
Số hiệu: | 18/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Ninh Bình |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 07/07/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về