TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 16/2023/DS-PT NGÀY 10/03/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 10 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án Dân sự thụ lý số 66/2022/TLPT-DS ngày 07/11/2022 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”; Do bản án Dân sự sơ thẩm số 18/2022/DS-ST ngày 30/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà bị kháng cáo; Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 05/2023/QĐXX-PT ngày 13/02/2023 giữa:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1953.
Địa chỉ: Thôn X, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Đ: Anh Trần Trung K, sinh năm 1975; Địa chỉ: Số nhà 45A/133, phố T, phường P, thành phố H, tỉnh Hải Dương.
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Duy T (Nguyễn Văn T), sinh năm 1963 Địa chỉ: Khu 8, Thị trấn T, huyện T tỉnh Hải Dương.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Ủy ban nhân dân thị trấn T do ông Trần Văn Tuấn - Chức vụ chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn là người đại diện theo pháp luật. (Đề nghị xử vắng mặt) 3.2. Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1950; địa chỉ: Khu 1, Thị trấn T, huyện T tỉnh Hải Dương.
3.3. Bà Nguyễn Thị N1, sinh năm 1969, Địa chỉ: Khu 6, Thị trấn T, huyện T tỉnh Hải Dương.
3.4. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1966, địa chỉ: Khu 7, Thị trấn T, huyện T tỉnh Hải Dương.
3.5. Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1960.
Địa chỉ : Khu 8, Thị trấn T, huyện T tỉnh Hải Dương 3.6.Anh Nguyễn Văn T1, sinh năm 1984.
Đều cư trú tại: Khu 8, Thị trấn T, huyện T tỉnh Hải Dương 3.7. Bà Trần Thị T2 (Thao), sinh năm 1960.
Địa chỉ: khu 2, Thị trấn T, huyện T tỉnh Hải Dương (Bà T2 ủy quyền cho ông Nguyễn Văn H tham gia tố tụng) 3.8. Bà Phạm Thị L1, sinh năm 1962; Địa chỉ cư trú cuối cùng: Khu 8 Thị trấn T, huyện T tỉnh Hải Dương.
3.9.Chị Nguyễn Thị P, sinh năm 1983. Chị P ủy quyền cho anh T1 tham gia tố tụng.
3.10 Bà Nguyễn Thị T3, sinh năm 1968.
Địa chỉ: Khu 8, Thị trấn T, huyện T tỉnh Hải Dương 3.11 Chị Nguyễn Thanh T4, sinh năm 1989.
Địa chỉ: P1005; Tòa nam chung cư C - số 116, T, Y, C, Hà Nội.
3.12 Anh Nguyễn Văn T5, sinh năm 1991.
Địa chỉ: Tập thể Bộ tư lệnh cảnh vệ; số 192B Q, phường Q, Quận B, thành phố Hà Nội.
- Người đại diện theo ủy quyền của ông T; bà T3; bà N; ông H; bà L; bà N1; chị T4; anh T5, chị P, anh T1: Anh Mậu Xuân C, sinh năm 1985; Địa chỉ: P1005; Tòa nam chung cư Chelse Park – số 116, Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
4. Người làm chứng:
- Ông Nguyễn Xuân T, sinh năm 1957 Địa chỉ: Khu 8, Thị trấn T, huyện T tỉnh Hải Dương - Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1949 - Ông Bùi Ngọc N, sinh năm 1947 Địa chỉ: Khu 7, thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương - Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1956 Địa chỉ: Khu 6, thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương - Ông Bùi Đức H, sinh năm 1960 Địa chỉ: Số 55/111 cụm 1, đường Đông Khê, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
- Bà Nguyễn Thu T - Công chức địa chính thị trấn Thanh Hà - Ông Nguyễn Ngọc T - Trạm trưởng trạm y tế thị trấn Thanh Hà.
- Bà Nguyễn Thị N - Công chức tư pháp thị trấn Thanh Hà.
- Ông Nguyễn Văn H - Trưởng khu 8, thị trấn Thanh Hà.
- Ông Cao Trung K -Trưởng khu 6, thị trấn Thanh Hà.
5. Người kháng cáo: nguyên đơn ông Nguyễn Duy T, ông Nguyễn Văn H, ông Nguyễn Văn T1.
(Có mặt anh C, chị Th; các đương sự khác và người làm chứng vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, bản tự khai; các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Bố mẹ đẻ ông là Nguyễn Văn N, Nguyễn Thị S. Hai cụ N, S sinh được 07 người con chung gồm: Nguyễn Thị N; Nguyễn Văn Đ; Nguyễn Văn H; Nguyễn Văn T (Nguyễn Duy T); Nguyễn Thị N1; Nguyễn Thị L; Nguyễn Văn H (ông H đã chết năm 1987, không có vợ con). Cụ N chết ngày 29/7/1985; cụ S chết ngày 11/01/2013. Trước khi chết hai cụ không để lại di chúc và không để lại nghĩa vụ nào đối với nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức cá nhân và không có con nuôi, con riêng nào khác.
Khi các cụ còn sống, có tài sản chung gồm: Thửa số 31 tờ bản đồ số 36 năm 2010 diện tích 1363,7m2 loại đất ở đô thị; tài sản trên đất có 01 nhà gỗ 03 gian diện tích khoảng 45m2; 01 bếp diện tích khoảng 20m2 ở Khu 8, Thị trấn T, huyện T tỉnh Hải Dương. Tài sản trên đất đến nay không còn vì đã bị vợ chồng ông T phá dỡ; thửa đất này do vợ chồng ông Nguyễn Văn T đang quản lý sử dụng.
Thửa số 32 diện tích 444,1m2; thửa số 49 diện tích 193,4m2 đều là loại đất ở đô thị; trên đất không có tài sản của hai cụ, hiện do ông H và các con đang quản lý sử dụng.
Do ông Đ là con trưởng, có nguyện vọng về ở trên đất của bố mẹ và nhiều lần đặt vấn đề chia thừa kế di sản của bố mẹ nhưng vợ chồng ông T không đồng ý vì vậy đã phát sinh tranh chấp. Thửa đất ông T đang quản lý có diện tích rộng; thửa đất ông H quản lý có diện tích nhỏ. Ông Đ yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ S để lại ½ diện tích là 681,85m2 tự trị giá 2.500.000đ/m2 = 1.704.625.000 đồng chia 06 con = 284.104.000 đồng, ông Đ xin hưởng bằng hiện vật và có trách nhiệm thanh toán bằng tiền cho các đồng thừa kế khác phần chênh lệch vượt quá xuất thừa kế nếu có yêu cầu.
Ngày 18/5/2022, ông Đ khởi kiện bổ sung yêu cầu khởi kiện. Vì lý do riêng nên tại đơn khởi kiện ông không yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ N và 02 thửa đất số 32; 49. Nay ông khởi kiện bổ sung yêu cầu chia di sản thừa kế của hai cụ Ng S gồm 03 thửa đất số 31; 32; 49. Tổng giá trị suất thừa kế theo yêu cầu khởi kiện bổ sung tạm tính là 507.500.000 đồng. Ngoài ra cụ S còn được chia tiêu chuẩn theo quyết định 721 nhưng ông tự nguyện không yêu cầu chia; đối với diện tích đất ông T mua của ông N; diện tích bị trừ tiêu chuẩn 721; diện tích dôi dư theo số liệu thẩm định và kết quả định giá ông Đ nhất trí không có ý kiến gì.
* Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông T; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm các ông bà N; H; N1; L; T do ông Mậu Xuân C là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều thống nhất trình bày:
Về nguồn gốc đất; các con của hai cụ; thời gian chết của hai cụ N, cụ S như phía nguyên đơn trình bày là đúng, các ông bà không bổ sung thêm. Các ông bà không chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế vì các lý do như sau: Khoảng từ năm 1980, 1981 sau khi ông Đ lấy vợ đã chuyển về ở nhờ nhà vợ tại thôn X, xã T, mặc dù gia đình ngăn cản nhưng ông Đ vẫn chuyển đi. Năm 2000, ông Đ có về gia đình đề xuất chia tài sản do ông cha để lại nhưng không được nên ông Đ đã đứng trước ban thờ gia tiên thề trước toàn thể gia đình gồm có cụ S và các anh chị em ruột từ nay không còn tình nghĩa mẹ con, anh em đoạn tuyệt. Cụ S ốm yếu trong suốt thời gian dài, từ năm 2005 đến năm 2012, cụ S bị bệnh tuổi già lẫn mất trí nhớ mặc dù gia đình có thông báo nhưng ông Đ không đến thăm hỏi, không có trách nhiệm, không về chăm sóc mẹ cho đến năm 2013 khi cụ S qua đời ông Đ không về lo ma, chịu tang; không làm tròn bổn phận của người con đối với cha mẹ và anh em. Nay các ông bà nhận thấy, ông Đ không đủ tư cách hưởng di sản thừa kế của hai cụ N S. Việc ông Đ khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ làm cho anh em trong gia đình phẫn nộ. Đề nghị Tòa án bác bỏ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Đ. Nếu phải chia theo quy định của pháp luật các ông bà đề nghị:
Thửa số 31: tính công sức lấp ao diện tích 260m2 trị giá 863.390.000 đồng;
chi phí bảo quản tài sản 78.000.000 đồng; tiền thuế đất phải nộp 18.500.000 đồng và công sức làm tăng giá trị đất.. vì đất không có lối đi nên đề nghị chia di sản bằng tiền. Ngoài ra anh C còn đề nghị: Năm 1993 chia ruộng canh tác gia đình ông T bị trừ 144m2 đất vườn; năm 1997 ông mua của ông N diện tích 180m2 đã bị nhà nước thu hồi 50,1m2, tuy trong giấy tờ mua bán diện tích 180m2 nhưng thực tế diện tích tăng lên vì thời điểm mua bán chỉ áng chừng diện tích, đề nghị căn cứ số liệu số hóa chồng ghép giữa bản đồ 299 và hiện trạng để tính diện tích ông T mua của ông N và diện tích dôi dư do san lấp đất gò, ao phía giáp mương nước tập thể. Các ông bà H; N; N1; L tại phiên tòa đề nghị nếu phải chia di sản thì các ông bà nhận di sản và tặng cho ông T; đối với thửa số 32; 49 đề nghị nhận di sản và tặng cho ông H, anh chị T, P. Đề nghị trước khi chia di sản phải trừ công sức duy trì tôn tạo đã tính toán số liệu nêu trên và được trừ các khoản chi phí mai táng phí cho cụ S tuy nhiên anh C không xuất trình được căn cứ chứng minh chi phí mai táng phí.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Anh Nguyễn Văn T1 và chị Nguyễn Thị P. Chị P ủy quyền cho anh T1 tham gia tố tung đều thống nhất trình bày: Chị P là vợ anh T1. Anh T là con đẻ của ông Nguyễn Văn H và bà Phạm Thị L1; ông bà H L có 02 con chung là Nguyễn Văn T1 và Nguyễn Văn T. Bà L đã bỏ nhà đi nhiều năm, gia đình không biết thư từ tin tức từ năm 1998 đến nay, hiện tại không biết địa chỉ của bà L ở đâu. Sau khi bà L bỏ đi, ông H chung sống như vợ chồng với bà Trần Thị T2 (Thao) giữa ông H và bà T không có con chung. Tại thửa đất số 32 toàn bộ nhà và công trình xây dựng, cây trên đất là của ông H, bà T, vợ chồng anh chị T P. Bà L không có tài sản và công sức gì. Anh không nhất trí với kết luận định giá về giá trị nhà, đề nghị định giá lại. Anh T và ông H đề nghị trích trả tiền san lấp, tôn tạo là 220.399.050 đồng; tiền thuế đất 7.800.000 đồng; công sức duy trì 468.000.000 đồng đối với thửa số 32; thửa số 49 công sức san lấp 239.388.600 đồng; công sức trông nom 234.000.000 đồng.
Bà Trần Thị T2 (Thao) do ông Nguyễn Văn H đại diện theo ủy quyền trình bày: Ông H có vợ là Phạm Thị L1. Ông H và bà L có 02 con chung là Nguyễn Văn T1 và Nguyễn Văn T. Do bà L bỏ đi đâu không rõ địa chỉ từ nhiều năm. Năm 1995 đến tháng 12/2021 bà chung sống như vợ chồng với ông Nguyễn Văn H giữa bà và ông H không có con chung. Bà và ông H có trồng cây san lấp, làm nhà mái bằng nhỏ trên đất của hai cụ N S; nhà kiên cố là của vợ chồng anh chị T P tại thửa số 32; san lấp đất tại thửa số 49. Bà đề nghị tự nguyện cho ông H, không yêu cầu giải quyết quyền lợi. Bà ủy quyền cho ông H tham gia tố tụng.
Chị Nguyễn Thanh T4; anh Nguyễn Văn T5 đều ủy quyền cho anh C thống nhất trình bày: Anh chị là con đẻ của ông bà T. Năm 1993 chia ruộng canh tác, anh chị bị trừ 36m2/xuất x 2 = 72m2 vào đất vườn. Đề nghị trước khi chia di sản trích trả diện tích bị trừ và đề nghị trừ chung cùng vị trí của ông bà T. Anh chị đã có văn bản ủy quyền cho anh C tham gia tố tụng.
Đại diện theo pháp luật Ủy ban nhân dân thị trấn T trình bày: Theo bản đồ 299 năm 1983 tên chủ sử dụng là cụ N gồm các thửa: 125 =168m2; thửa 121 =760m2; thửa 120 =260m2; thửa 115 = 344m2; 114 = 100m2 - Theo sổ mục kê năm 1983 thể hiện: Chủ sử dụng tên cụ Nguyễn Văn N gồm các thửa: 106 = 168m2(A); 307 =44m2(gò); 241 = 100m2(gò); 243 =344m2(2 lúa); 273= 260m2(gò); 274=760m2(T). Tổng diện tích 1632m2.
- Theo sổ mục kê năm 1983, tổng diện tích 1676m2, tăng lên 44m2. Lý do có sự nhầm lẫn số thửa 307 diện tích 44m2 tuy có tên trong sổ mục kê tên cụ N nhưng đây là đất công thuộc Uỷ ban nhân dân thị trấn Thanh Hà (viết tắt UBND) quản lý nên không có thửa 307. Thửa 307 diện tích 44m2 đổi thành thửa 73 diện tích 64m2 là đất của UBND thị trấn.
- Theo bản đồ năm 1998 và sổ mục kê, tên chủ sử dụng ông Nguyễn Văn T gồm thửa sau: Thửa 44 diện tích 1332 m2, chênh lệch tăng thêm so với 299 là 312,8m2. Lý do tăng diện tích là do năm 1997, ông T mua diện tích 180m2 đất của ông Cao Văn N có giấy tờ chuyển nhượng có xác nhận của UBND Thị trấn Thanh Hà và san lấp, vượt lập 132,8m2. Vị trí san lấp, vượt lập không xác định được. Theo bản đồ năm 2010 bản đồ hiện trạng, chủ sử dụng ông Nguyễn Văn T quản lý thửa số 31 diện tích 1363,7m2. Diện tích tăng lên so với bản đồ 1998 là 30,9m2, tăng lên so với 299 là 343,7m2. Lý do tăng là sai số do đo đạc. Theo biên bản thẩm định tại chỗ năm 2022 diện tích thực tế theo hiện trạng sử dụng 1340,9m2, biến động giảm so với năm 2010 là 22,8m2. Lý do trừ 50,1m2 bị thu hồi do làm đường giao thông; diện tích còn lại sai số đo đạc. Đề nghị Tòa án căn cứ số liệu đo đạc theo biên bản thẩm định. Nếu Tòa án có căn cứ xác định có diện tích dôi dư do san lấp, vượt lập. Ủy ban nhân dân thị trấn nhất trí và đề nghị tạm giao cho người đang quản lý, tiếp tục quản lý sử dụng.
- Ông Nguyễn Văn H và con trai là anh Nguyễn Văn T1 đang quản lý gồm thửa 43, diện tích 444,2m2; năm 2010 thửa số 43 đổi thành thửa số 32 diện tích 440,1m2; số liệu cơ bản trùng khớp với 299. Đo theo hiện trạng theo biên bản thẩm định năm 2022 diện tích 454,9m2, diện tích tăng so với 299 là 10,9m2 do san lấp vượt lập.
Thửa số 72 diện tích 182,0m2. Năm 2010 thửa số 72 đổi thành thửa số 49 diện tích 193,4m2; đo theo hiện trạng thẩm định năm 2022 diện tích 190,9m2 tăng 22,9m2 do san lấp vượt lập.
Theo biên bản xác minh ngày 29/9/2022. Ủy ban nhân dân thị trấn xác định diện tích tăng do ông H đang quản lý là do sai số nay xác định lại là do san lấp, vượt lập mà có chứ không phải là đất của hai cụ N S. Vị trí đất bị thu hồi của ông H là do san lấp; vị trí đất của ông T bị thu hồi là do mua của ông N.
- Thời điểm năm 1993 chia ruộng đất. Hộ gia đình ông T được chia gồm 04 nhân khẩu; cụ Sợi (lấy tên cụ N) được chia 01 nhân khẩu. Tiêu chuẩn được chia mỗi nhân khẩu là 01 sào 3 thước = 432m2. Hộ gia đình ông T được chia tổng là 1728m2, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông T được cấp tổng diện tích là 1584m2 diện tích còn thiếu 144m2, theo sổ sách của trưởng khu 6 cũ thì hộ ông T có bị trừ vào đất vườn. Cụ thể hộ ông T bị trừ 144m2 của 04 nhân khẩu.
Đối với tiêu chuẩn của cụ S (N) tại biên bản xác minh ngày 24/8/2022 Ủy ban xác định không bị trừ vào đất vườn. Qua kiểm tra đối chiếu xác định tiêu chuẩn của cụ S được chia là 432m2; bị trừ vào đất vườn 72m2. Diện tích theo giấy chứng nhận 361,8m2 (có sai số nhỏ).
- Vị trí đất thửa số 31 ông T đang quản lý giáp ranh 02 cạnh là các hộ gia đình liền kề đã xây dựng nhà, tường bao nên không thể mở lối đi; 02 cạnh còn lại có cạnh giáp đường liên khu và rãnh tiêu thoát nước của tập thể. Nếu phải chia bằng hiện vật vị trí có cạnh giáp rãnh thoát nước tập thể. Ủy ban nhân dân thị trấn đồng ý để chủ sử dụng mở lối đi qua rãnh thoát nước nhưng yêu cầu kích thước đường rãnh thoát nước đảm bảo kỹ thuật theo yêu cầu chung.
- Đối với diện tích đất thửa số 31 vì trong cùng diện tích đất có đất vườn ao không xác định được vị trí đất vườn, đất ao, có đủ điều kiện công nhận là đất ở chủ sử dụng không phải nộp tiền sử dụng đất.
- Đối với diện tích đất thửa 49 có nguồn gốc đất vườn, ao trong khu dân cư không đủ điều kiện chuyển mục đích do trừ diện tích hành lang giao thông, diện tích còn lại không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
* Những người làm chứng gồm các ông bà:
- Anh Nguyễn Văn T trình bày: Anh là con đẻ của ông Nguyễn Văn H và Phạm Thị L1; bà L hiện bỏ đi không rõ địa chỉ, anh khẳng định anh và bà L không có tài sản và công sức đóng góp gì tại thửa số 32; 49.
- Trưởng khu 6, ông Cao Trung K trình bày: Theo sổ sách do khu theo dõi. Diện tích tiêu chuẩn 721 hộ ông T được chia gồm 04 nhân khẩu; cụ N (S) được chia 01 nhân khẩu, hộ ông T bị trừ 144m2 vào đất vườn; cụ Sợi bị trừ 72m2 vào đất vườn.
- Trưởng khu 8 ông Nguyễn Văn H trình bày: Vị trí đất nhà ông T có cạnh giáp đường tiêu thoát nước tập thể. Nếu mở lối đi, yêu cầu chủ sử dụng phải có nghĩa vụ xây cống đảm bảo kỹ thuật theo yêu cầu đủ điều kiện thoát nước của tập thể.
Các ông bà Nguyễn Xuân T; Nguyễn Thị T; Bùi Ngọc N; Nguyễn Thị T; Bùi Đức H: Các ông bà T, N, H có quan hệ là con cô, con cậu; anh em con bá, con dì; ông T là chú và là trưởng chi; bà T là hàng xóm sinh sống lâu năm gần nhà ông T. Các ông bà đều thống nhất trình bày: Khi hai cụ N S còn sống có tài sản là vườn đất, có nhà nhưng đã cũ hư hỏng từ lâu nên không còn hiện vật; việc hai cụ cho đất các con hay chưa các ông bà không biết. Các ông bà chứng kiến khi cụ S còn sống ông Đ đã về đòi chia đất nhưng không được chấp nhận, cả nhà khuyên bảo nhưng ông Đ không nghe. Năm 2000 ông Đ đã về thắp hương gia tiên và tuyên bố từ mặt mẹ và anh em, họ hàng. Không có trách nhiệm và chăm sóc cha mẹ khi còn sống; khi mẹ chết không về chịu tang, lo ma, cúng giỗ. Ông Đ không đủ tư cách yêu cầu chia di sản thừa kế của hai cụ N S.
- Ông T – Trạm trưởng trạm y tế thị trấn cung cấp: Ông H không có sổ thần kinh; không thuộc diện theo dõi và lĩnh thuốc hàng tháng tại trạm y tế;
- Bà N công chức tư pháp thị trấn cung cấp: Bà L không có hộ khẩu thường trú và không có mặt tại địa phương; hiện tại địa phương không biết bà L đi đâu làm gì và không có địa chỉ liên lạc.
* Tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, kết quả xác định như sau:
-Thửa số 31 tờ bản đồ số 36 do ông T quản lý: Diện tích 1340,9m2 đất ở đô thị đường loại II, nhóm B, vị trí 1, từ vị trí giáp đường WB2 đến mét thứ 20 (chiều sâu 20m) có giá theo giá thị trường là 18.000.000đồng/m2; từ vị trí số 2 tính từ mét thứ 21 đến hết chiều dài thửa đất giá theo giá thị trường 7.000.000 đồng/m2; đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở không công nhận là đất ở có giá theo giá thị trường 3.500.000 đồng/m2. Tài sản trên đất của vợ chồng ông bà T gồm công trình xây dựng tổng trị giá 812.718.000 đồng; cây cối trên đất tổng trị giá 35.994.000 đồng (có bảng kê chi tiết kèm theo).
- Thửa số 32 đo hiện trạng theo biên bản thẩm định 454,9m2 là loại đất vườn trong khu dân cư loại 2B, vị trí 3 (đường loại II nhóm B, vị trí 3) có giá theo giá thị trường 3.000.000 đồng/m2; tài sản trên đất của gia đình ông H và vợ chồng anh T tổng trị giá 550.344.000 đồng; cây cối trên đất tổng trị giá 9.739.000 đồng (có bảng kê chi tiết kèm theo).
- Thửa số 49 đo thực tế theo biên bản thẩm định 190,9m2 trị giá theo giá thị trường là 340.000 đồng/m2; công sức san lấp trị giá 147.000 đồng/m3; tài sản trên đất không có; cây cối trên đất trị giá 5.595.000 đồng. (có bảng kê chi tiết kèm theo).
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2022/DS-ST ngày 30/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà đã căn cứ Điều 213, 219, 221, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 660, 688, khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015. Điều 33, 131 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Khoản 5 Điều 26, Điều 35; Điều 147; Điều 157; Điều 158, Điều 165; Điều 166; Điều 227, Điều 228, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 103 Luật đất đai năm 2013; Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990; Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990; Nghị quyết số 58/1998/QH-UBTVQH 10; Luật phí, lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án; Xử:
- Chấp nhận việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn Đ đối với yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn N là quyền sử dụng đất tại thửa số 32; 49 tờ bản đồ số 36. Đình chỉ đối với yêu cầu này.
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn Đ đối với yêu cầu chia di sản thừa kế của hai cụ Nguyễn Văn N, Nguyễn Thị S tại thửa số 31 và chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thị S tại thửa số 32; 49.
1.1. Xác định diện và hàng thừa kế thứ nhất của hai cụ N S gồm các ông bà:
Nguyễn Thị N; Nguyễn Văn Đ; Nguyễn Văn H; Nguyễn Duy T (Nguyễn Văn T); Nguyễn Thị N1; Nguyễn Thị L.
1.2. Xác định di sản chia thừa kế theo pháp luật:
- Quyền sử dụng đất thửa số 31: Diện tích theo hiện trạng thẩm định 1340,9m2, trong đó có 760m2 đất ở trị giá 7.000.000đ/m2 = 5.320.000.000 đồng và 260m2 đất vườn trị giá 3.500.000 đồng/m2 = 910.000.000 đồng. Tổng 6.230.000.000 đồng là tài sản chung hợp nhất đồng thời là di sản thừa kế của hai cụ Nguyễn Văn N, Nguyễn Thị S.
- Quyền sử dụng đất thửa số 32, theo hiện trạng thẩm định 454,9m2; Trong đó có diện tích 444,2m2 đất vườn trị giá 3.000.000 đồng/m2 = 1.332.600.000 đồng. Có ½ giá trị tài sản còn lại của cụ N hết thời hiệu chia thừa kế. Có ½ giá trị tài sản của cụ S là di sản chia thừa kế để chia - Quyền sử dụng đất thửa số 49, theo hiện trạng thẩm định diện tích 190,9m2 trong đó có 168m2 đất vườn không đủ điều kiện công nhận là đất ở trị giá 340.000 đồng/m2 = 57.120.000 đồng, có ½ trị giá tài sản của cụ N hết thời hiệu chia thừa kế. có ½ trị giá tài sản của cụ S là di sản chia thừa kế để chia;
Cả 03 thửa đất trên đều thuộc tờ bản đồ số 36; địa chỉ tại khu 8 thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
1.3. Trích công sức:
- Thửa số 31: Trích công sức san lấp, duy trì tôn tạo cho vợ chồng ông T diện tích 200m2 đất ở trị giá 1.400.000.000 đồng và diện tích 144m2 đất bị trừ tiêu chuẩn 721 vào đất vườn trị giá 504.000.000 đồng.
- Thửa 32: Trích công sức san lấp, duy trì, tôn tạo cho ông H, bà L, bà T (Thảo) và vợ chồng anh Nguyễn Văn T1, Nguyễn Thị P diện tích 100m2 trị giá 300.000.000 đồng;
- Thửa số 49: Trích công sức san lấp, duy trì, tôn tạo cho ông Nguyễn Văn H, bà L, bà T (Thảo) và anh chị Nguyễn Văn T1, Nguyễn Thị P diện tích 24m2 trị giá 8.160.000 đồng.
1.4. Xác định di sản và phân chia di sản:
+ Thửa số 31 tờ bản đồ số 36:
- Di sản còn lại để chia 676m2 trị giá 4.326.000.000 đồng (Trong đó có 116m2 đất vườn trị giá 3.500.000đ/m2 = 406.000.000 đồng/6 = 67.550.000 đồng/xuất (làm tròn) tương ứng 19,3m2 đất; diện tích 560m2 đất ở trị giá 7.000.000đ/m2 = 3.920.000.000 đồng/6 = 653.100.000 đồng/xuất, tương ứng 93,3m2 đất. Tổng mỗi xuất thừa kế được hưởng 112,6m2 trị giá 720.650.000 đồng/xuất.
* Chia hiện vật:
- Giao cho các ông bà Nguyễn Văn H; Nguyễn Duy T (Nguyễn Văn Thành); Nguyễn Thị N; Nguyễn Thị L; Nguyễn Thị N1 mỗi người quyền sử dụng diện tích 112,6m2 trị giá 720.650.000 đồng (trong đó mỗi người có 93.3m2 đất ở trị giá 653.100.000 đồng; 19,3m2 đất vườn trị giá 67.550.000 đồng đất vườn) Tổng diện tích 563m2.
- Ghi nhận sự tự nguyện nhận di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị N, bà Nguyễn Thị N1, bà Nguyễn Thị L tặng cho ông Nguyễn Duy T (Nguyễn Văn Thành).
- Giao cho vợ chồng ông Nguyễn Duy T (Nguyễn Văn Thành), Nguyễn Thị T3 cùng các con là anh chị Nguyễn Thanh T4, Nguyễn Văn T5 quản lý sử dụng đất tổng diện tích 1224,0m2 (Trong đó có 224,5m2 đất vườn; 914,9m2 đất ở; tạm giao 84,6m2 đất dôi dư). Theo hình vẽ gồm các điểm A2, A3, A4, A5, A6. A7, A8, A9, A10, A11, A12, A13, A14, A15, A16, A17, A17, A2” đến A2’ đất có toàn bộ cây cối và công trình xây dựng của vợ chồng ông bà T tổng trị giá 846.112.000 đồng.
Ghi nhận sự tự nguyện nhập là tài sản chung hợp nhất của ông Nguyễn Duy T (Nguyễn Văn Thành) với bà Nguyễn Thị T3.
- Giao cho ông Nguyễn Văn Đ quyền sử dụng đất diện tích 112,6m2 theo hình gồm các điểm A1; A2; A2’ A2”; A17’; A18 (có sơ đồ kèm theo) (trong đó 19,3m2 đất vườn; 93,3m2 đất ở) trị giá 720.650.000 đồng; tạm giao 4,3 m2 đất dôi dư) trên đất có 01 cây dừa trị giá 600.000 đồng; 04 cây mít tổng trị giá 1.480.000 đồng; 01 cây gấc nhỏ và 4,9m tường bao giáp mương nước tập thể; 28,51m tường bao trị giá 0 đồng giáp đất ông X và ông T. Ông Đ phải thanh toán trả vợ chồng ông T giá trị tiền cây trên đất tổng số tiền 2.080.000 đồng. Ông Đ phải tự tạo lối đi qua rãnh thoát nước tập thể, kích thước đường rãnh thoát nước đảm bảo thông số, kỹ thuật theo yêu cầu của địa phương.
+ Thửa số 32; 49:
- Giao cho ông Nguyễn Văn H, bà Phạm Thị L1, bà Trần Thị T2(Thao) và anh chị Nguyễn Văn T1, Nguyễn Thị P quyền sử dụng đất diện tích 454,9m2 tại thửa số 32 tờ bản đồ số 36; địa chỉ khu 8, thị trấn Thanh Hà theo hình gồm các điểm A1, A2, A3, A4, A4’, A5, A6, A7, A8, A9, A10, A11, A12, A13 đến A1 có sơ đồ kèm theo. (Trong đó tạm giao diện tích 222,1m2 di sản của cụ Nghiễm hết thời hiệu; tạm giao 10,7m2 đất dôi dư; giao 122,1m2 di sản của cụ Sợi; giao 100m2 công sức san lấp, duy trì) trên đất có toàn bộ công trình xây dựng và cây cối tổng trị giá 560.083.000 đồng - Giao và tạm giao quyền sử dụng đất vườn diện tích 190,9m2 tại thửa số 49 tờ bản đồ số 36; địa chỉ khu 8, thị trấn Thanh Hà cho ông H, bà L, bà T (Thao) và anh chị T, P quản lý sử dụng theo hình vẽ gồm các điểm A1, A2, A3, A3’, A4, A5, A6, A7, A8, A9, A9’, A10 đến A1 (có sơ đồ kèm theo). (Trong đó tạm giao diện tích 84m2 di sản của cụ Nghiễm hết thời hiệu; giao diện tích 60m2 di sản của cụ Sợi và diện tích 24m2 công sức san lấp; tạm giao diện tích 22,9m2 đất dôi dư) trên đất có cây cối tổng trị giá 5.595.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn H có trách nhiệm thanh toán giá trị kỷ phần di sản bằng tiền cho các ông bà Nguyễn Văn Đ; Nguyễn Văn Thành; Nguyễn Thị N; Nguyễn Thị N1; Nguyễn Thị L mỗi người tổng số tiền 64.400.000 đồng.
Ghi nhận sự tự nguyện nhận kỷ phần di sản thừa kế của các ông bà N1; T;
N; Lành tặng cho ông Nguyễn Văn H.
Ngoài ra bản án còn tuyên nghĩa vụ chậm thanh toán nghĩa vụ, án phí và quyền kháng cáo.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 13/10/2022 bị đơn ông Nguyễn Duy T, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn H, anh Nguyễn Văn T1 kháng cáo một phần bản án sơ thẩm. Đề nghị cấp phúc thẩm: Xem xét lại thời hiệu khởi kiện đối với thửa 31 tờ bản đồ 36 đối với di sản của cụ Nghiễm, không trừ thời hiệu khởi kiện 2 năm 6 tháng; Yêu cầu tính lại công sức tôn tạo, giữ gìn của gia đình ông Huy, anh Thăng ở 2 thừa 32, 49 một cách thỏa đáng; Phân bổ lại phần di sản của ông Đ được hưởng theo sơ đồ chồng ghép giữa bản đồ 299 và sơ đồ hiện trạng thẩm định.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Nguyên đơn có đơn xin vắng mặt, giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Đại diện bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan do ông Mậu Xuân C trình bày: Ông T, ông H, anh T1 giữ nguyên các nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận kháng cáo của ông T, ông H, anh T1.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến: Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng; Về quan điểm giải quyết vụ án: Sau khi vị đại diện Viện kiểm sát phân tích các tình tiết của vụ án, các căn cứ xem xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, ý kiến của các bên đương sự, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) áp dụng khoản 1 Điều 308 BLTTDS, không chấp nhận kháng cáo của Ông T, ông H, anh T1 giữ nguyên bản án sơ thẩm số 18/2022/DS-ST ngày 30/9/2022 của Toà án nhân dân huyện Thanh Hà; Về án phí: miễn án phí cho các đương sự có kháng cáo do là người cao tuổi, anh T1 phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng:
Kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Duy T, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn H, anh Nguyễn Văn T1 trong thời hạn luật định là kháng cáo hợp lệ được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Về nội dung: Xét nội dung kháng cáo của ông Nguyễn Duy T, ông Nguyễn Văn H, anh Nguyễn Văn T1:
2.1. Về kháng cáo đề nghị xem xét lại thời hiệu khởi kiện đối với thửa 31 tờ bản đồ 36 đối với di sản của cụ N :
Ngày 17/3/2022, ông Đ khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn N chết ngày 29 tháng 7 năm 1985 nên thời điểm mở thừa kế được xác định trước ngày 01/7/1991. Tuy nhiên, di sản của cụ N, cụ S là thửa đất số 31 tờ bản đồ số 36 có đất và nhà ở gắn liền với đất, xác minh tại cơ quan quản lý đất đai tại địa phương không xác định vị trí cụ thể các loại đất, nên thời gian từ 01/7/1996 đến 01/01/1999 không được tính vào thời hiệu thừa kế. Căn cứ khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015, Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao thì thời hiệu chia di sản thừa kế của cụ N là thửa đất số 31 tờ bản đồ số 36 vẫn còn, nên cấp sơ thẩm đã xác định còn thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đối với di sản thừa kế của cụ N cụ S tại thửa 31, tờ bản đồ 36 và chia thừa kế theo pháp luật di sản của cụ N, cụ S đối với diện tích trên cho các đồng thừa kế là đúng pháp luật. Do vậy, nội dung kháng cáo của ông T, ông H, anh T1 đề nghị xem xét thời hiệu chia thừa kế của cụ N đã hết là không có căn cứ chấp nhận.
2.3. Đối với nội dung đương sự kháng cáo đề nghị xem xét tính lại công sức tôn tạo, giữ gìn của gia đình ông H, anh T1 tại thửa đất 32, thửa đất 49 một cách thỏa đáng :
Căn cứ kết quả xác minh tại địa phương, lời khai của các đương sự, yêu cầu công sức của những người trực tiếp quản lý, sử dụng đất tại 3 thửa đất là ông T, ông H, anh T1 tại bản án sơ thẩm đã xem xét tính toán đầy đủ công sức của gia đình ông T, ông H, anh T1, trừ phần công sức trước khi chia di sản thừa kế là phù hợp pháp luật. Tuy nhiên, người kháng cáo cho rằng công sức tính như vậy chưa thỏa đáng. Xem xét tính công sức đối với từng thửa cụ thể như sau:
Đối với thửa đất số 32: Diện tích đất 444,2m2 x 3.000.000 đồng/m2 =1.332.600.000 đồng là tài sản chung của hai cụ N S chia 2 = 222,1m2 trị giá 666.300.000 đồng; di sản của cụ N hết thời hiệu và đương sự không yêu cầu chia. Xác định ½ là di sản của cụ S trị giá 666.300.000 đồng, đã trích công sức duy trì, tạo lập từ đất gò, ao thành đất vườn như hiện nay cho ông H và vợ chồng anh T1 bằng 100m2 trị giá 300.000.000 đ.
Đối với thửa đất số 49: Diện tích 168m2 x 340.000 đồng/m2 = 57.120.000 đồng là tài sản chung của hai cụ N S chia 2 = 84m2, di sản của cụ N hết thời hiệu. Di sản của cụ S là 84m2 trị giá 28.560.000 đồng. Trước khi chia di sản trích công sức san lấp, vượt lập cho ông H và anh chị T1, P 24m2 trị giá 8.160.000 đồng; Di sản còn lại để chia 60m2 trị giá 20.400.000 đồng chia 6 kỷ phần thừa kế, 01 kỷ phần thừa kế = 3.400.000 đồng.
Như vậy đối với gia đình ông H, anh T1 đối với thửa 32 công sức được tính gần bằng một nửa di sản của cụ S; thửa 49 công sức được tính bằng hơn 2 kỷ phần thừa kế là đã thỏa đáng, phù hợp. Mặt khác gia đình ông H được quyền tiếp tục quản lý, sử dụng phần di sản hết thời hiệu của cụ N tại hai thửa đất trên theo quy định pháp luật. Do vậy quyền và lợi ích hợp pháp gia đình ông H, anh T1 đã được đảm bảo nên kháng cáo của đương sự về nội dung này là không có căn cứ chấp nhận.
2.3 Đối với nội dung đương sự kháng cáo đề nghị phân bổ lại phần di sản của ông Đ được hưởng theo sơ đồ chồng ghép giữa bản đồ 299 và sơ đồ hiện trạng thẩm định.
Sau khi trích công sức và trừ diện tích 721 bị trừ vào đất vườn cho vợ chồng ông T. Di sản còn lại để chia là 676m2 trong đó có 116m2 đất vườn trị giá 406.000.000 đồng; 560m2 đất ở trị giá 3.920.000.000 đồng. Tổng trị giá 4.326.000.000 đồng chia 6 kỷ phần = 720.650.000 đồng/xuất. Kỷ phần mỗi xuất thừa kế được hưởng là 112,6m2 trị giá 720.650.000đ. (Trong đó có 93,3m2 = 653.100.000 đồng đất ở; 19,3m2 = 67.550.000 đồng đất vườn).
Các ông bà Đ, N, H, T, N1, L được hưởng mỗi xuất 112,6m2 trị giá 720.650.000 đồng (Trong đó có 93.3m2 x 7.000.000 đồng/m2 = 653.100.000 đồng đất ở; 19,3m2 trị giá 67.550.000 đồng đất vườn) đều tự nguyện nhận di sản tặng cho ông T của các ông bà N; H; N1; L. Tổng diện tích 450,4m2. Như vậy vợ chồng ông T và các con được hưởng gồm: 144m2 (tiêu chuẩn bị trừ) + 232m2 (mua của Nam) + 200m2 (công sức duy trì, tôn tạo) + 563m2 (kỷ phần di sản được chia của ông T, ông H, bà N, bà N1, bà L) + 84,6m2 (diện tích dôi dư). Tổng = 1224m2 (làm tròn số). (Trong đó tạm giao diện tích 84,6m2 đất dôi dư) trên đất có toàn bộ công trình xây dựng và cây cối tổng trị giá 846.112.000 đồng.
Do thửa đất số 31 có diện tích đất rộng, nguyên đơn đề nghị được hưởng kỷ phần thừa kế bằng hiện vật nên tại bản án sơ thẩm chia bằng hiện vật cho ông Đ tại vị trí theo sơ đồ là đảm bảo quyền lợi chung cho các hàng thừa kế. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhất trí chia một phần đất cho ông Đ chỉ đề nghị xác định loại đất cho phù hợp. Đối với thửa đất này tại bản án sơ thẩm đã chia cho nguyên đơn theo tỷ lệ tương ứng các loại đất của di sản thừa kế, vị trí chia phù hợp cho nguyên đơn, bị đơn sử dụng. Đối với thửa đất số 49 và thửa 32 do phần di sản thừa kế của cụ N hết thời hiệu, nên tiếp tục giao cho người đang quản lý là gia đình ông H có quyền quản lý sử dụng. Phần di sản của cụ S còn lại là diện tích đất nhỏ, nên chia kỷ phần thừa kế bằng giá trị như bản án sơ thẩm là phù hợp.
[3] Từ những nhận định nêu trên, HĐXX thấy rằng cấp sơ thẩm đã tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ đầy đủ, xác định đúng đầy đủ hàng thừa kế, di sản thừa kế và phân chia thừa kế phù hợp pháp luật. Các nội dung kháng cáo của ông T, ông H, anh T1 không có căn cứ chấp nhận nên cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[4] Về án phí: Kháng cáo của ông T, ông H, anh T1 không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Tuy nhiên, ông H là người cao tuổi được miễn án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm. Ông T, anh T1 phải chịu án phí phúc thẩm dân sự được đối trừ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.
Vì các lẽ trên;
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Duy T (Nguyễn Văn T; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn H, anh Nguyễn Văn T1; giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 18/2022/DS-ST ngày 30/9/2022 của Toà án nhân dân huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
2. Về án phí:
- Miễn án phí phúc thẩm dân sự sơ thẩm cho ông Nguyễn Văn H.
- Ông Nguyễn Duy T (Nguyễn Văn T), anh Nguyễn Văn T1 mỗi người phải chịu 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm được đối trừ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Chi cục thi thành án dân sự huyện Thanh Hà theo biên lai thu số AA/2021/0000563 và biên lai thu số AA/2021/0000564 đều ngày 17/10/2022. (Ông T, anh T1 đã nộp đủ án phí phúc thẩm dân sự).
3. Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, cấp phúc thẩm không xem xét và đã có hiệu lực kể từ khi hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án phúc thẩm (Ngày 10/3/2023).
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 16/2023/DS-PT
Số hiệu: | 16/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 10/03/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về