Bản án về tranh chấp tài sản thừa kế và yêu cầu hủy GCNQSDĐ số 38/2024/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI 

BẢN ÁN 38/2024/DS-PT NGÀY 29/01/2024 VỀ TRANH CHẤP TÀI SẢN THỪA KẾ VÀ YÊU CẦU HỦY GCNQSDĐ

Ngày 29 tháng 01 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 249/2023/TLPT-DS ngày 19 tháng 6 năm 2023 về việc: “Tranh chấp tài sản thừa kế và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2022/DS-ST ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 480/2024/QĐ-PT ngày 12 tháng 01 năm 2024, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Bùi Thị L, sinh năm 1935; địa chỉ: thôn D, xã T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đại diện theo ủy quyền của bà L: Ông Trần Xuân T, sinh năm 1952; địa chỉ cư trú: Nhà số C, Tổ A, Khu E, phường V, thành phố V, tỉnh Phú Thọ.

2. Bị đơn: Bà Tô Thị N, sinh năm 1933 và anh Bùi Xuân M, sinh năm 1963;

cùng địa chỉ: thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đại diện theo ủy quyền của bà N, anh M: Anh Nguyễn Khánh H, sinh năm 1983; địa chỉ cư trú: thôn K, xã V, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà N, anh M: Ông Giang Văn Q, Luật sư của Công ty L4 Luật thuộc Đoàn Luật sư Thành phố H.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ủy ban nhân dân huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

3.2. Ông Bùi Như T1, sinh năm 1938 (chồng bà Đ); địa chỉ cư trú: Nhà số A Ngách D, Tổ A, khu phố H, phường T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ.

Người đại diện theo ủy quyền của ông T1: Ông Trần Xuân T, sinh năm 1952;

địa chỉ cư trú: Nhà số C, Tổ A, Khu E, phường V, thành phố V, tỉnh Phú Thọ.

3.3. Chị Bùi Thị Minh T2, sinh năm 1967 (con bà Đ); địa chỉ cư trú: Tổ G, khu B, phường D, thành phố V, tỉnh Phú Thọ.

3.4. Anh Bùi Mạnh T3, sinh năm 1969 (con bà Đ); địa chỉ cư trú: Nhà số A T, phường T, quận H, Thành phố Hà Nội.

3.5. Anh Bùi Xuân T4, sinh năm 1971 (con bà Đ); địa chỉ cư trú: Tổ B, Khu A, phường G, thành phố V, tỉnh Phú Thọ.

3.6. Anh Bùi Công T5, sinh năm 1974 (con bà Đ); địa chỉ cư trú: Nhà số A Ngách D, Tổ A, khu phố H, phường T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ.

3.7. Chị Bùi Phương T6, sinh năm 1976 (con bà Đ); địa chỉ cư trú: Tổ D T, phường T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ.

3.8. Anh Bùi Thanh H1, sinh năm 1958 (con ông H2); địa chỉ cư trú: Nhà số A, Tổ C, phường G, thành phố V, tỉnh Phú Thọ.

3.9. Anh Bùi Văn K, sinh năm 1962 (con ông H2); địa chỉ cư trú: thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

3.10. Chị Bùi Thị K1, sinh năm 1965 (con ông H2); địa chỉ cư trú: thôn C, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

3.11. Chị Bùi Thị N1, sinh năm 1968 (con ông H2); địa chỉ cư trú: thôn Đ, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

3.12. Anh Bùi Văn N2, sinh năm 1973 (con ông H2); địa chỉ cư trú: thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

3.13. Chị Bùi Thị V, sinh năm 1968 (con ông T7); địa chỉ: Tổ D, phường M, thành phố B, tỉnh Bắc Giang.

3.14. Chị Ngô Thị L1, sinh năm 1962 (vợ anh M); địa chỉ cư trú: thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đại diện theo ủy quyền của chị V và chị L1: Anh Phạm Dương H3, sinh năm 1993; địa chỉ: Văn phòng Luật sư Đ, tổ dân phố Đ, thị trấn V, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

4. Người làm chứng:

4.1. Ông Đặng Văn H4, sinh năm 1960; địa chỉ cư trú: xã T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

4.2. Bà Bùi Thị L2, sinh năm 1932; địa chỉ: thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

4.3. Ông Tô Văn V1, sinh năm 1946; địa chỉ: thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

4.4. Ông Bùi Xuân H5, sinh năm 1948; địa chỉ: thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

5. Người kháng cáo: Bà Tô Thị N và anh Bùi Xuân M (là bị đơn).

Tại phiên tòa phúc thẩm: Ông Trần Xuân T, anh Bùi Xuân M, anh Nguyễn Khánh H, ông Giang Văn Q, anh Bùi Thanh H1, anh Bùi Văn K, chị Bùi Thị N1, anh Bùi Văn N2, ông Tô Văn V1, ông Bùi Xuân H5 có mặt; những người tham gia tố tụng khác vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo đơn khởi kiện đề ngày 12 tháng 12 năm 2019 và quá trình tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn là bà Bùi Thị L và người đại diện theo uỷ quyền của bà L là ông Trần Xuân T trình bày:

Cụ Bùi Văn T8 (chết năm 1946) và cụ Tô Thị M1 (chết ngày 04/7/2000). Cụ T8 và cụ Mê s được 04 người con gồm: (1) ông Bùi Xuân T9 (đã chết năm 1998) có vợ là bà Tô Thị N và có hai con là Bùi Xuân M và Bùi Thị V; (2) ông Bùi Văn H6 (đã chết năm 1995) có vợ là bà Bùi Thị G (đã chết năm 1985) và các con là Bùi Thanh H1, Bùi Văn K, Bùi Thị K1, Bùi Thị N1, Bùi Văn N2; (3) bà Bùi Thị Đ1 (đã chết ngày 04/11/2019) có chồng là ông Bùi Như T1 và các con là Bùi Mạnh T3, Bùi Công T5, Bùi Xuân T4, Bùi Phương T6, Bùi Thị Minh T2 và (4) bà Bùi Thị L.

Nguồn gốc các thửa đất số 100, 129, 130, tờ bản đồ số 12, địa chỉ thửa đất tại thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc là của cụ Bùi Văn T8 và cụ Tô Thị M1; sau khi cụ T8 chết thì cụ M1 quản lý, sử dụng đất và cụ M1 đã được Ủy ban nhân dân (UBND) huyện V cũ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất có số phát hành B534346, số vào sổ 00714/QSDĐ ngày 10/9/1992.

Ngày 05/6/1997, cụ Tô Thị M1 đã lập “Giấy uỷ quyền thừa kế” về đất đai cho ba người con là bà L, bà Đ1 và ông T9; có xác nhận của T10 khu và Ủy ban nhân dân xã C ngày 28/6/1997. Theo “Giấy uỷ quyền thừa kế” thì cụ M1 chia cho ông T9 thửa đất vườn trên có diện tích là 1.008m2 (phía Đông giáp vườn bà H5, phía Tây giáp vườn ông H7, phía Nam giáp đường liên thôn, phía Bắc giáp vườn bà T11); bà Đ1 và bà L được chia và sử dụng thửa đất vườn dưới có diện tích là 488m2 (phía Đông giáp vườn nhà bà H5, phía Tây giáp vườn nhà ông H8, phía Nam giáp ao hợp tác xã, phía Bắc giáp đường liên thôn), trong đó bà L và bà Đ1 mỗi người được hưởng ½ diện tích là 244m2. Nội dung của “Giấy uỷ quyền thừa kế” trên là chia đất theo GCNQSD đất; tuy nhiên, do quá trình kê khai cấp giấy có sự sai sót nên tại GCNQSD đất đều viết là số thửa 100 nhưng thực tế theo bản đồ 299 là các thửa 100, 129,130. Tài sản thừa kế của cụ M1 là 3 thửa đất theo bản đồ 299 nêu trên, hiện nay bà N và anh M đang quản lý sử dụng.

Sau khi bà N được cấp GCNQSD đất, do cụ M1 không đồng ý cho bà N toàn bộ diện tích đất nên cụ M1 đã yêu cầu bà N đưa lại GCNQSD đất và cụ M1 đã đề nghị UBND xã C lại tên cho cụ M1, cán bộ địa chính của UBND xã C đã sửa chữa từ chữ “Tô Thị N” thành chữ “Tô Thị M1” trong GCNQSD đất nêu trên và trong Sổ cấp GCNQSD đất. Bà L cho rằng việc cấp GCNQSD đất cho bà N đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà L và bà Đ1 nên bà L khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có số phát hành B534346, số vào sổ 00714/QSDĐ do Ủy ban nhân dân huyện V (cũ) cấp ngày 10/9/1992 đứng tên Tô Thị N;

- Chia thừa kế theo theo di chúc ngày 05/6/1997 của cụ Tô Thị Mê . Cụ thể chia cho anh M và bà N đất vườn trên là thửa số 100 hiện nay đo đạc là 764,5m2; chia cho bà Bùi Thị L và bà Bùi Thị Đ1 hai thửa đất vườn dưới, cụ thể: chia cho bà L 210m2 thửa số 130 và 39m2 thửa số 129 và chia cho bà Đ1 249m2 thửa số 129. Do bà Đ1 đã chết nên đề nghị phần của bà Đ1 được hưởng giao cho ông T1 là đại diện cho các đồng thừa kế của bà Đ1 quản lý. Trên diện tích đất được chia có tài sản gì thì buộc bà N và vợ chồng anh M tháo dỡ, di dời để trả lại đất được chia cho bà L, bà Đ1. Trường hợp không chia thừa kế theo di chúc được thì đề nghị chia thừa kế theo pháp luật và chia cho bà L, bà Đ1 hai thửa đất vườn dưới như đề nghị ở trên.

Về chi phí tạm ứng định giá, thẩm định đo đạc bên nguyên đơn đã nộp tổng cộng là 8.000.000 đồng, đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật. Về án phí bà L đề nghị được miễn toàn bộ.

2. Về phía bị đơn, người đại diện theo ủy quyền của bà Tô Thị N và anh Bùi Văn M2 là ông Nguyễn Khánh H trình bày:

Ông thống nhất với lời trình bày của đại diện nguyên đơn về thời gian cụ T8 và cụ M1 chết; họ tên và thời gian chết của các con của cụ T8 và cụ M1; họ tên của vợ, chồng và các con của ông T9, ông H6, bà Đ1.

Thửa đất số 100, tờ bản đồ số 12 có tổng diện tích là 1.296m2 (thực tế gồm ba thửa là thửa 100, thửa 129 và thửa 130) ở thôn B, xã C, huyện V có nguồn gốc là của cụ Tô Thị M1 và cụ Bùi Văn T8. Sau khi ông T9 kết hôn với bà N thì ông T9 và bà N ở trên đất đó. Khi cụ T8 và cụ M1 còn sống, cụ M1 và cụ T8 đã cho ông T9 và bà N diện tích đất trên nên bà N đã được đăng ký kê khai và đứng tên trong sổ đăng ký ruộng đất (sổ 5B) do UBND xã C và quản lý từ những năm 1974 nên đây là tài sản hợp pháp của bà Tô Thị N và ông Bùi Xuân T9. Năm 1992 bà N đã kê khai và được UBND huyện V (cũ) cấp GCNQSD đất ngày 10/9/1992 nên toàn bộ thửa đất này cụ Tô Thị M1 không có quyền và nghĩa vụ gì và cụ M1 không có quyền định đoạt phần diện tích đất trên. Việc cán bộ địa chính xã C sửa chữa chữ “Tô Thị N” thành chữ “Tô Thị M1” trong GCNQSD đất và trong sổ cấp giấy là không đúng thẩm quyền. Diện tích đất trên không còn là tài sản của cụ M1 nên cụ M1 không thể định đoạt trong di chúc. Mặt khác, “Giấy ủy quyền thừa kế” là không đúng vì giấy viết ngày 05/6/1997 đến ngày 28/6/1997 mới xác nhận. Hình thức di chúc không đúng quy định của pháp luật. Cụ M1 không biết chữ nên khi lập di chúc phải có người làm chứng mà người làm chứng phải là người không thuộc hàng thừa kế theo pháp luật. Khi lập di chúc chỉ có cụ M1 và anh H4 (là con trai của bà L) mà anh H4 là thuộc hàng thừa kế thứ hai của cụ M1 nên di chúc không tuân thủ các quy định của pháp luật về cả nội dung và hình thức không khách quan nên văn bản “Giấy ủy quyền thừa kế” ngày 05/6/1997 là không hợp pháp, đồng thời không có bản gốc nên không có giá trị pháp lý.

Bà N đã được cấp GCNQSD đất theo đúng quy định của pháp luật và việc cấp cho bà N là công khai nên GCNQSD đất đã cấp cho bà N là hợp pháp. Trước khi cụ M1 chết, cụ M1 đã đưa lại GCNQSD đất cho bà N, bà N đã biết giấy bị sửa nhưng quá trình từ khi cụ M1 đưa cho bà N do không có nhu cầu giao dịch gì nên bà N không đi làm thủ tục cấp lại giấy.

Cả ba thửa đất là thửa 100, thửa 129 và 130 hiện nay bà N và vợ chồng anh M2, chị L1 đang quản lý sử dụng. Các diện tích đất trên đã được phân định riêng thành từng thửa: trên thửa đất số 100 hiện có 01 ngôi nhà 03 tầng 02 gian xây cấp bốn dùng làm bếp và kho, 02 gian nhà vệ sinh, 02 gian nhà chăn nuôi lợn và 02 gian nhà chăn nuôi bò cùng cây cối trên đất; trên thửa đất số 129, 130 có 06 gian chuồng chăn nuôi lợn cùng cây cối trên đất như táo, xoan, nhãn, chuối, diện tích đất trên đã xây tường bao loan xung quanh.

Nay bà L xác định tài sản trên là di sản thừa kế của cụ T8, cụ M1 và đề nghị chia theo di chúc ngày 05/6/1997, ông là đại diện cho bà N và anh M2 không đồng ý vì đây là tài sản của bà N và ông T9, không phải là di sản thừa kế của cụ M1 để lại. Đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà L; về chi phí tố tụng đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Ý kiến của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Người đại diện theo ủy quyền của ông Bùi Như T1 (chồng bà Bùi Thị Đ1) là ông Trần Xuân T trình bày: Ông T1 nhất trí với toàn bộ lời trình bày như ông đã đại diện cho bà L trình bày và đề nghị đối với phần bà Đ1 được hưởng ông T1 đại diện cho hàng thừa kế của bà Đ1 nhận tài sản và chịu án phí đối với phần tài sản của anh T3, anh T4, anh T5, chị T2, chị T6; còn phần của ông đề nghị được miễn.

3.2. Anh Bùi Mạnh T3, anh Bùi Công T5, anh Bùi Xuân T4, chị Bùi Thị Minh T2, chị Bùi Phương T6 trình bày: Các anh chị là con của ông Bùi Như T1 và bà Bùi Thị Đ1 (chết ngày 04/11/2019). Bà ngoại của các anh chị là cụ Tô Thị M1 khi còn sống ngày 05/6/1997 đã lập giấy ủy quyền thừa kế về đất cho bà Đ1 và bà L được sử dụng lâu dài diện tích đất 488m2, mỗi người được hưởng 244m2, giấy ủy quyền đã được T10 khu và UBND xã C xác nhận ngày 28/6/1997. Sau khi cụ M1 chết, bà Đ1 đã nhiều lần yêu cầu bà N và vợ chồng anh M2 trả đất nhưng bà N và anh M2 không trả. Bà Đ1 đã đề nghị UBND xã C giải quyết, ban đầu bà N và anh M2 đồng ý trả nhưng sau đó lại không đồng ý. Nay bà Đ1 đã chết, các anh chị đồng ý để ông Bùi Như T1 trực tiếp nhận đất do bà N và anh M2 trả và các anh chị không có tranh chấp gì với ông T1. Đề nghị Tòa án giải quyết và xét xử vắng mặt các anh chị.

3.3. Người đại diện theo ủy quyền của chị Ngô Thị L1 trình bày: Bà Tô Thị N là chủ sử dụng hợp pháp của thửa đất 100, tờ bản đồ số 12 có tổng diện tích là 1.296m2 (thực tế gồm ba thửa là thửa 100, 129, 130) ở thôn B, xã C, huyện V và được cấp GCNQSD đất đứng tên bà Tô Thị N từ năm 1992. Quá trình sử dụng, bà N đã đưa lại GCNQSD đất trên cho cụ M1. Việc tại sao giấy chứng nhận lại được sửa tên từ bà N sang cụ M1 thì chị L1 không nắm bắt được. Việc sửa chữa giấy chứng nhận như trên là trái pháp luật, chị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hiện nay các công trình, cây cối trên phần diện tích đất đang có tranh chấp là tài sản của chị L1 và anh M2.

3.4. Người đại diện theo ủy quyền của chị Bùi Thị V trình bày: Thửa đất số 100, tờ bản đồ số 12 có tổng diện tích là 1.296m2 (thực tế gồm ba thửa là thửa 100, thửa 129 và thửa 130) ở thôn B, xã C, huyện V là tài sản hợp pháp của bà Tô Thị Nho .1 Thửa đất trên do cụ Tô Thị Mê t cho bố mẹ chị V từ khoảng năm 1974-1976. Sau khi được tặng cho, bà Tô Thị N có xây dựng 01 gian nhà cấp bốn 03 gian 02 trái, cụ M1 ở một bên và bố mẹ chị V ở một bên. Bà Tô thị N3 là người đi kê khai và đăng ký ruộng đất, đứng tên trong sổ đăng ký ruộng đất, được cấp GCNQSD đất năm 1992. Hiện nay trên đất có một số tài sản là 01 dãy chuồng lợn và một số cây cối lâm lộc, toàn bộ đều thuộc sở hữu của gia đình bà N3, anh M2, chị L1. Nay bà L yêu cầu Toà án giải quyết chia thừa kế theo giấy uỷ quyền thừa kế của cụ M1 để lại, bà V không đồng ý vì đây là tài sản riêng của bà Tô Thị N, không phải là di sản thừa kế của cụ M1 để lại.

3.5. Anh Bùi Thanh H1, anh Bùi Văn K, chị Bùi Thị K1, chị Bùi Thị N1 và anh Bùi Văn N2 thống nhất trình bày:

Các anh chị thống nhất với lời trình bày của đại diện nguyên đơn về thời gian cụ T8 và cụ M1 chết; họ tên và thời gian chết của các con của cụ T8 và cụ M1; họ tên của vợ, chồng và các con của ông T9, ông H6, bà Đ1.

Khi ông H6 và bà G còn sống có ở vào một diện tích đất cạnh đất đang tranh chấp hiện nay. Nguồn gốc diện tích đất của ông H6 và bà G như thế nào các anh chị không nắm rõ, chỉ biết ông H6 và bà G đã ở trên đất từ khi các anh chị còn nhỏ. Hiện nay anh K và anh N2 đang sử dụng và đều đã được cấp GCNQSD đất.

Nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp là của cụ Tô Thị M1 để lại. Khi cụ M1 còn sống, cụ ở một mình trên một phần đất. Tại thời điểm cụ M1 lập giấy ủy quyền thừa kế ngày 05/6/1997, các anh chị cho rằng thời điểm đó cụ Mê ố nặng, không đủ tỉnh táo nên giấy ủy quyền thừa kế ngày 05/6/1997 là không hợp pháp nên đề nghị không công nhận giấy ủy quyền thừa kế ngày 05/6/1997 và đề nghị chia tài sản thừa kế của cụ M1 để lại theo quy định của pháp luật.

Ông H6 chết trước cụ M1 nên các anh chị là người thừa kế của ông H6 đều thống nhất đề nghị chia phần của ông H6 nếu còn sống được hưởng cho 5 người con của ông H6 và thỏa thuận giao cho anh N2 đại diện 5 anh chị em nhận tài sản được chia và chịu án phí và chi phí tố tụng. Sau này các anh chị tự thỏa thuận phân chia. Về vị trí đất được chia đề nghị Tòa án xem xét cho phù hợp được chia vị trí nào nhận vị trí đó; về chi phí tố tụng đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định.

3.6. Người đại diện hợp pháp của UBND huyện V trình bày:

Tại Sổ địa chính lập năm 1974, trang 102, số thứ tự 407, chủ sử dụng đất Tô Thị N gồm 03 thửa là thửa 100, diện tích 1.008m2, loại đất là thổ cư; thửa đất 129+130 diện tích 288m2 là đất vườn và 72m2 là đất 5%. Tại Sổ cấp GCNQSD đất lập năm 1992, số thứ thự 774, chủ sử dụng Tô Thị M1 (đã bị sửa chữa), tờ bản đồ 12, thửa 100, diện tích 1.296m2. Qua kiểm tra, rà soát tài liệu tại kho lưu trữ, hiện không còn lưu giữ hồ sơ liên quan đến việc cấp GCNQSD đất số 534346 do UBND huyện cấp ngày 10/9/1992 cho bà Tô Thị N thửa đất số 100, tờ bản đồ số 12, diện tích 1.296m2, tại địa chỉ xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo hồ sơ địa chính liên quan đến thửa đất nêu trên đang lưu trữ tại UBND xã C cho thấy thông tin chủ sử dụng đất giữa các hồ sơ địa chính không đồng nhất. Sổ cấp giấy chứng nhận tên Tô Thị M1, sổ địa chính tên Tô Thị N, hồ sơ địa chính bị chỉnh sửa. Theo bản đồ 299 đo năm 1984 và sổ địa chính: thửa đất 100, tờ bản đồ số 12 chủ sử dụng đất là Tô Thị N, diện tích là 1.008m2; tuy nhiên theo GCNQSD đất thì diện tích là 1.296m2. Căn cứ Điều 18 Luật Đất đai năm 1987thông tư 302/TT/ĐKTK ngày 28/10/1989, đề nghị Tòa án xác minh tại UBND xã C về nguồn gốc đất, nguyên nhân lý do sửa chữa hồ sơ địa chính làm cơ sở giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2022/DS-ST ngày 12 tháng 9 năm 2022, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định:

Áp dụng khoản 5 Điều 26, Điều 34, khoản 3 Điều 35, Điều 37, Điều 147, Điều 227, Điều 228, điểm b khoản 5 Điều 477 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 612, 649, 650, 651, 660 Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 95, 99, 100 Luật Đất đai năm 2013; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị L: Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số phát hành B 534346 do UBND huyện V, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) cấp ngày 10/9/1992 cho bà Tô Thị N đối với diện tích 1.296m2 thửa đất số 100, tờ bản đồ số 12, ở thôn B, xã C, tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Xác nhận di sản thừa kế của cụ Bùi Văn T8 và cụ Tô Thị M1 là diện tích đất 1.262,7m2. Bao gồm các thửa đất theo bản đồ 299: Thửa số 100 là 764,7m2 (trong đó có 200m2 đất thổ cư và 564,7m2 đất trồng cây lâu năm); thửa 129 là 288m2 đất trồng cây lâu năm; thửa số 130 là 210m2 đất trồng cây lâu năm. Các thửa đất thuộc tờ bản đồ số 12, địa chỉ thửa đất ở thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Trích công sức duy trì và tôn tạo tài sản cho bà Tô Thị N là 127,45m2 (trong đó 30m2 thổ cư và 97,45m2 đất trồng cây lâu năm) thuộc thửa đất số 100. Thể hiện trong sơ đồ là diện tích đất S5, được xác định bởi các mốc giới 9a,9b,9c,10a,9a.

- Trích công sức duy trì và tôn tạo tài sản cho ông Bùi Văn T12 là 127,45m2 đất (trong đó 30m2 thổ cư và 97,45m2 đất trồng cây lâu năm) thửa đất số 100.

3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị L đề nghị chia tài sản thừa kế của cụ Bùi Văn T8 và Tô Thị M1 theo di chúc ngày 05/6/1997.

Chia tài sản thừa kế của cụ Bùi Văn T8 và cụ Tô Thị M1 theo pháp luật. Cụ thể như sau:

- Chia cho bà Bùi Thị L 249m2 đất trồng cây lâu năm, trong đó 210m2 thuộc thửa đất số 130, thể hiện trong sơ đồ là diện tích đất S4, được xác định bởi các mốc giới 11,12,22,20,21,11 và 39m2 thuộc thửa đất số 129, thể hiện trong sơ đồ là diện tích đất S3, được xác định bởi các mốc giới 20,22,23,24,20. Bà L được sử dụng phần tường bao loan xây gạch theo chiều dài của diện tích đất được chia là 27,39m và có trách nhiệm thanh toán cho bà N, anh M2, chị L1 là 5.000.000 đồng.

Buộc bà Tô Thị N, anh Bùi Xuân M, chị Ngô Thị L1 và các thành viên trong gia đình phải tháo dỡ các tài sản còn lại và di dời cây cối nằm trên diện tích chia cho bà L là diện tích S3, được xác định bởi các mốc giới 20,22,23,24,20 và diện tích đất S4, được xác định bởi các mốc giới 11,12,22,20,21,11.

- Di sản bà Bùi Thị Đ1 được hưởng là 249m2 đất trồng cây lâu năm thửa đất số 129. Thể hiện trong sơ đồ là diện tích đất S2, được xác định bởi các mốc giới 16,17,18,19,24,23,16. Giao cho ông Bùi Như T1 quản lý diện tích đất bà Đ1 được hưởng. Ông T1 được sử dụng phần tường bao loan xây gạch theo chiều dài của diện tích đất được chia là 26,1m và có trách nhiệm thanh toán cho bà N, anh M, chị L1 là 5.000.000 đồng.

Buộc bà Tô Thị N, anh Bùi Xuân M, chị Ngô Thị L1 và các thành viên trong gia đình phải tháo dỡ tài sản là một phần chuồng lợn và di dời tài sản và cây cối còn lại trong diện tích đất di sản thừa kế bà Đ1 được hưởng và ông T1 đại diện cho các đồng thừa kế của bà Đ1 nhận giao là diện tích đất S2, được xác định bởi các mốc giới 16,17,18,19,24,23,16.

- Di sản thừa kế ông Bùi Văn H6 được hưởng là 254,9m2 (trong đó 80m2 thổ cư và 174,9m2 đất trồng cây lâu năm) thuộc thửa đất số 100. Thể hiện trong sơ đồ là diện tích đất S6, được xác định bởi các mốc giới 9d,9c,10a,10,9d. Giao cho anh Bùi Văn N2 quản lý diện tích đất ông H6 được hưởng.

Buộc bà Tô Thị N, anh Bùi Xuân M, chị Ngô Thị L1 và các thành viên trong gia đình phải tháo dỡ các tài sản là chuồng bò, tường bao loan và di dời tài sản còn lại và cây cối nằm trên diện tích đất ông H6 được hưởng và anh N2 đại diện cho các đồng thừa kế của ông H6 nhận giao là diện tích đất S6, được xác định bởi các mốc giới 9d,9c,10a,10,9d. Nếu bà Tô Thị N, anh Bùi Xuân M, chị Ngô Thị L1 và các thành viên trong gia đình không tự nguyện tháo dỡ, di dời sẽ bị cưỡng chế phá dỡ theo quy định của pháp luật.

- Di sản thừa kế ông Bùi Văn T12 được hưởng là 254,9m2 (trong đó 60m2 thổ cư và 194,9m2 đất trồng cây lâu năm) thuộc thửa đất số 100. Tổng phần di sản ông T12 được hưởng và công duy trì tài sản là 382,35m2 (trong đó 90m2 thổ cư và 292,35m2 đất trồng cây lâu năm) thuộc thửa đất số 100. Thể hiện trong sơ đồ là diện tích đất S1, được xác định bởi các mốc giới 9d,1,2,3,4,5,6,7,8,9,9a,9b,9c,9d. Giao cho anh Bùi Văn M2 quản lý diện tích đất ông T12 được hưởng và công duy trì tài sản.

Các diện tích và thửa đất chia trên thuộc tờ bản đồ số 12, địa chỉ thửa đất ở thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Các đương sự được liên hệ cơ quan có thẩm quyền kê khai đăng kí để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 100 Luật đất đai năm 2013.

Kèm theo bản án là sơ đồ hiện trạng thửa đất.

3. Về án phí và chi phí tố tụng:

3.1.Về án phí dân sự sơ thẩm: Miễn án phí cho bà Bùi Thị L, bà Tô Thị N và ông Bùi Văn T13 đối với phần ông T13 được hưởng của bà Đ1. Anh Bùi Văn N2 phải chịu 16.524.000đ (Mười sáu triệu năm trăm hai mươi tư nghìn đồng chẵn); anh Bùi Văn M2 phải chịu 18.877.500đ (Mười tám triệu tám trăm bảy mươi bảy nghìn năm trăm đồng chẵn). Ông Bùi Như T1 đại diện cho các đồng thừa kế của bà Đ1 phải chịu 622.500đ (Sáu trăm hai mươi hai nghìn năm trăm đồng).

3.2.Về chi phí tố tụng: Anh Bùi Xuân M, ông Bùi Như T1, anh Bùi Văn N2 mỗi người phải trả cho bà Bùi Thị L 2.000.000đ (Hai triệu đồng chẵn).

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về nghĩa vụ chịu lãi suất trong trường hợp người phải thi hành án chậm thi hành khoản tiền phải thi hành án còn lại; phổ biến quyền kháng cáo và thủ tục thi hành bản án dân sự cho các đương sự theo quy định.

5. Kháng cáo:

Ngày 19/9/2022, bị đơn là bà Tô Thị N và anh Bùi Xuân M có đơn kháng cáo đối với toàn bộ bản án sơ thẩm, cùng nội dung cho rằng Bản án sơ thẩm không khách quan và thực tế làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà N và anh M; yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

6. Tại phiên tòa phúc thẩm:

6.1. Nguyên đơn giữ nguyên đơn khởi kiện; người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Trần Xuân T đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

6.2. Bị đơn giữ nguyên đơn kháng cáo.

6.3. Hội đồng xét xử đã giải thích và tạo điều kiện cho các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án nhưng các đương sự không thỏa thuận được.

6.4. Chủ tọa phiên tòa công bố nội dung 04 Vi bằng của Văn phòng T15 cùng lập ngày 30/11/2023 do nhân viên của Công ty Luật TNHH Tôi Yêu Luật thuộc Đoàn Luật sư Thành phố H (nơi bị đơn bà Tô Thị N và anh Bùi Xuân M yêu cầu Luật sư Giang Văn Q bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp) giao nộp cho Tòa án cấp phúc thẩm ngày 22/12/2023.

6.5. Người dại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày ý kiến: Các đương sự đều thừa nhận nguồn gốc đất có tranh chấp là của cụ T8, cụ M1; quá trình sử dụng đất, trên cơ sở lời khai của những người con của bà Đ1 và của một số người làm chứng cùng với hồ sơ vụ án thể hiện từ khi bà N ở trên đất, xây dựng nhà trên đất kiên cố, bà N kê khai đứng tên tại sổ đăng ký đất đai từ năm 1974 và được cấp GCNQSD đất năm 1992, các con cụ M1 ở xung quanh nhưng không phản đối gì, từ đó đã có đủ cơ sở xác định cụ M1 đã tặng cho bị đơn toàn bộ 3 thửa đất. Vì vậy, toàn bộ diện tích đất tranh chấp gồm 03 thửa 100, 129, 130 không còn là di sản thừa kế. Mặt khác, cụ M1 là người không biết chữ, văn bản “Giấy ủy quyền di chúc” của cụ M1 không đủ người làm chứng theo quy định nên văn bản này vô hiệu cả hình thức, nội dung. Với các căn cứ nêu trên, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

6.6. Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về việc chấp hành pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở Tòa án cấp phúc thẩm: Những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đầy đủ, đúng các thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; việc Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt một số người tham gia tố tụng là đúng theo quy định tại Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự; những người tham gia tố tụng chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng.

Về nội dung giải quyết vụ án: Sau khi đánh giá, phân tích các tình tiết của vụ án và các quy định của pháp luật có liên quan, Kiểm sát viên xác định kháng cáo của bà Tô Thị N và anh Bùi Xuân M là không có căn cứ pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà Tô Thị N, anh Bùi Xuân M; đối với sự nhầm lẫn về diện tích đất được chia tại phần quyết định của bản án sơ thẩm (S) đề nghị sửa lại cho đúng.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa; ý kiến của các đương sự; ý kiến của người đại diện hợp pháp, của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, của những người tham gia tố tụng khác và ý kiến của Kiểm sát viên phát biểu tại phiên tòa,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thống nhất xác định:

Cụ Bùi Văn T8 (chết năm 1946) và cụ Tô Thị M1 (chết năm 2000) có 04 người con gồm: (1) ông Bùi Xuân T9 (đã chết năm 1998) có vợ là bà Tô Thị N và có hai con là anh Bùi Xuân M, chị Bùi Thị V; (2) ông Bùi Văn H6 (đã chết năm 1995) có vợ là bà Bùi Thị G (đã chết năm 1985) và các con là anh Bùi Thanh H1, anh Bùi Văn K, chị Bùi Thị K1, chị Bùi Thị N1, anh Bùi Văn N2; (3) bà Bùi Thị Đ1 (đã chết ngày 04/11/2019) có chồng là ông Bùi Như T1 và các con là anh Bùi Mạnh T3, anh Bùi Công T5, anh Bùi Xuân T4, chị Bùi Phương T6, chị Bùi Thị Minh T2 và (4) là bà Bùi Thị L.

Các thửa đất có tranh chấp gồm các thửa 100, 129, 130 cùng tờ bản đồ số 12 (bản đồ 299) tại thôn B, xã C đều có nguồn gốc là của cụ Bùi Văn T8 và cụ Tô Thị Mê . Sau khi cụ T8 chết, cụ M1 cùng các con ở trên các thửa đất này; đến khi các con lấy vợ, lấy chồng thì chỉ còn cụ M1, ông T9 và vợ là bà Tô Thị N cùng con ông T9 ở trên đất.

Căn cứ vào Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì những tình tiết, sự kiện nêu trên là sự thật, không phải chứng minh.

[2] Xem xét các tài liệu, hồ sơ địa chính có liên quan đến các thửa đất tranh chấp do UBND xã C cung cấp thì thấy: Tại Sổ đăng ký ruộng đất lập năm 1974 thể hiện 03 thửa đất gồm thửa 100 (diện tích 1.008m2 đất thổ cư), thửa 129 và thửa 130 (diện tích 288m2 đất vườn) chủ sử dụng là Tô Thị N; tại bản đồ 299 lập năm 1984 thể hiện cụ Tô Thị M1 có 03 thửa đất gồm thửa 100 (diện tích 1.008m2), thửa 129 (diện tích 288m2) và thửa 130 (diện tích 210m2); tại Sổ cấp GCNQSD đất lập năm 1992 thể hiện là 01 thửa số 100, tờ bản đồ 12, diện tích 1.296m2, chủ sử dụng là Tô Thị M1 (đã bị sửa chữa thành chữ “Mê”); theo bản đồ đo đạc năm 2001 tờ số 6 thì hộ cụ Tô Thị M1 có 02 thửa đất là thửa số 226 (diện tích 780,8m2) và thửa số 251 (diện tích 739,4m2).

[3] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Bùi Thị L về việc hủy GCNQSD đất và chia thừa kế theo theo di chúc ngày 05/6/1997 của cụ Tô Thị M1, trường hợp không chia thừa kế theo di chúc được thì đề nghị chia thừa kế theo pháp luật đối với diện tích đất nêu tại mục [1] ở trên thì thấy:

[3.1] Theo lời trình bày của bà Bùi Thị L thì khi cụ M1 biết sự việc UBND huyện V cấp GCNQSD đất cho bà Tô Thị N đối với toàn bộ diện tích đất trên vào năm 1992, do cụ M1 không đồng ý cho đất bà N nên cụ M1 đã yêu cầu bà N đưa lại GCNQSD đất cho cụ; cụ M1 đã đề nghị UBND xã C lại tên trong GCNQSD đất và được cán bộ địa chính của UBND xã C sửa chữa từ chữ “Tô Thị N” thành chữ “Tô Thị M1” trong GCNQSD đất và trong Sổ cấp GCNQSD đất.

[3.2] Tại Biên bản làm việc ngày 10/8/2022 (bút lục: 230-232A), ông Lê Huy D (nguyên là cán bộ địa chính xã C giai đoạn 1990-1992) trình bày: “Năm 1992 có chủ trương cấp GCNQSD đất, bà N đã tự kê khai và được UBND huyện V (cũ) cấp GCNQSD đất số phát hành B534346, số vào sổ 00774/QĐ-QSDĐ ngày 10/9/1992. Sau khi GCNQSD đất được cấp cho bà N, cụ M1 biết và không đồng ý với việc cấp GCNQSD đất cho bà N đối với thửa đất của cụ nên cụ đã lên UBND xã C đề nghị thay đổi tên trong giấy chứng nhận và sổ sách quản lý đất đai... Thời điểm đó tôi làm cán bộ địa chính thấy rằng nguồn gốc đất là của cụ Tô Thị M1 và cụ M1 đang là người quản lý, sử dụng nên tôi đã sửa tên bà NHO sang tên cụ MÊ trong GCNQSD đất và đóng dấu treo. Sau khi được sửa tên trong GCN, cụ M1 mang GCNQSD đất về, các thành viên trong gia đình cụ M1 và bà N đều biết việc sửa đổi tên trong GCNQSD đất nhưng không ai có ý kiến gì”.

[3.3] Về chứng cứ bà Bùi Thị L giao nộp kèm theo Đơn khởi kiện là văn bản phô tô có công chứng “Giấy uỷ quyền thừa kế” mang tên cụ Tô Thị Mê l ngày 05/6/1997, có xác nhận của T10 khu 8 và xác nhận của UBND xã C ngày 28/6/1997 thể hiện có nội dung:

“Hiện nay, tôi tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng suy giảm trầm trọng. Vì lý do sức khỏe như vậy và để đề phòng có sự tranh chấp đất đai giữa các con, các cháu trong gia đình, khi chẳng may tôi bị lâm bệnh nặng đột ngột.

Nay tôi làm đơn này ủy quyền thừa kế sử dụng đất lâu dài của tôi, hiện đang sử dụng hợp pháp theo “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” (bìa đỏ) số 00774 QSDĐ…/ do Ủy ban nhân dân huyện V cấp ngày 10 tháng 9 năm 1992 cho các con tôi như sau:

1) Con trai: Bùi Văn T12, cán bộ hưu trí. Được thừa kế và sử dụng lâu dài: Miếng đất vườn trên đang ở hiện nay với diện tích 1008m2 pa Đông giáp vườn bà H5, phía Tây giáp nhà anh K, phía Nam giáp đường liên thôn, phía Bắc giáp nhà bà T11.

2) Hai con gái là Bùi Thị L và Bùi Thị Đ1: Được thừa kế và sử dụng lâu dài (miếng đất vườn dưới, mỗi người ½). Miếng đất này có diện tích là 488m2 (Với điều kiện là sau khi tôi mất đi, hai người con gái mới được quyền cùng nhau sử dụng). Phía Đông giáp vườn nhà bà H5, phía Tây giáp vườn ông H8, phía Nam giáp ao Hợp tác xã, phía Bắc giáp đường liên thôn”.

[3.4] Về việc xác nhận “Giấy uỷ quyền thừa kế” mang tên cụ Tô Thị Mê lập ngày 05/6/1997 nêu trên, tại Biên bản ghi nhận sự việc ngày 31/3/2022 (bút lục:

200a), ông Bùi Văn H9 (nguyên là Trưởng khu hành chính thôn B giai đoạn 1994- 1999) trình bày:

“Tôi có xác nhận vào giấy ủy quyền thừa kế của cụ Tô Thị M1 ngày 05/6/1997. Giấy ủy quyền này là do anh H4 con của bà L mang đến cho tôi ký. Trước khi ký, tôi có mang giấy ủy quyền đến đọc lại cho cụ M1 nghe và hỏi cụ giấy ủy quyền về nội dung để lại đất 1008m2 cho ông T12 và 488m2 cho bà L, bà Đ1 mỗi người ½ có đúng ý chí của cụ M1 không thì cụ M1 khẳng định là đúng nên tôi đã xác nhận và UBND xã cũng xác nhận.

Tôi được biết, trước đó vì muốn chia đất cho các con, cụ M1 đã nhiều lần lên UBND xã đề nghị giải quyết nhưng chỉ đề nghị miệng nên UBMD xã hướng dẫn làm văn bản. Cụ M1 về làm giấy ủy quyền trên.

Đối với diện tích đất của ông H6 bà G ở trước kia là của cụ T8, cụ M1 cho, hiện nay phần đất trên do anh K và anh N2 sử dụng. Việc cụ M1 cho ông H6 đất vào thời điểm khoảng năm 1960 sau khi ông H6 lấy vợ và ra ở riêng.

Đối với diện tích đất mà cụ M1 thể hiện trong giấy ủy quyền ngày 05/6/1997 là đất ông cha của gia đình cụ T8. Sau khi cụ T8 lấy cụ M1 thì hai cụ ở trên đất đó, hiện nay diện tích đất này do bà N và anh M sử dụng. Toàn bộ diện tích đất anh M bà N đang sử dụng và diện tích đất gia đình ông H6 trước kia là một thửa đều có nguồn gốc là đất của cụ T8, cụ M1. Do cụ M1 đã tách cho ông H6 trước và thời điểm cho ông H6 thì ông T12 đang đi công tác nên cụ chưa tách đất do vậy trong giấy ủy quyền không đề cập đến đất đã cho ông H6. Khi cụ M1 còn sống thì phần đất trong giấy ủy quyền vẫn do cụ M1 quản lý, sử dụng. Cụ M1 không ở chung với con nào”.

Tại Biên bản làm việc ngày 10/8/2022 (bút lục: 231-232), ông Bùi Văn H9 tiếp tục trình bày: “Sau khi bà N được cấp GCNQSD đất, cụ M1 đã lên UBND xã C đề nghị sửa chữa lại tên trong GCN sang tên cụ M1. Sau khi GCNQSD đất được sửa sang tên cụ, cụ M1 mang về và gửi bà Kiền H10 (mẹ đẻ của tôi). Khi cụ M1 ốm nặng, bà Kiền H10 đã mang trả lại GCNQSD đất cho cụ M1. Khi GCNQSD đất được sửa sang tên cụ M1, bà N và các thành viên trong gia đình đều biết, không ai có ý kiến gì. Năm 1997, cụ M1 đã nhiều lần lên UBND xã đề nghị chia đất cho các con, UBND xã hướng dẫn cụ viết bằng văn bản nên cụ M1 đã nhờ anh H4 là con bà L viết giấy ủy quyền thừa kế. Anh H4 sau khi viết giấy đã mang lên UBND xã xin xác nhận nhưng UBND không xác nhận và hướng dẫn về xin xác nhận của trưởng thôn. Anh H4 đã mang giấy đến nhờ tôi xác nhận nhưng tôi chưa kí luôn và yêu cầu anh H4 đưa cụ M1 sang nhà tôi để tôi hỏi lại ý kiến cụ M1. Sau khi cụ M1 sang nhà, tôi đã đọc lại toàn bộ nội dung giấy ủy quyền thừa kế ngày 05/6/1997 do anh H4 viết (đọc 02 lần) cho cụ M1 nghe. Cụ M1 nhất trí với nội dung giấy ủy quyền thì tôi xác nhận… Trong biên bản làm việc ngày 31/3/2022, tôi có trình bày là tôi mang giấy đến hỏi cụ M1 về nội dung trong giấy ủy quyền nhưng tại thời điểm đó tôi nhầm, thực tế là tôi yêu cầu ông H4 đưa cụ M1 đến nhà tôi để xác nhận. Sau khi xin xác nhận của UBND xã, ông H4 là người giữ giấy ủy quyền. Đến ngày giỗ của cụ M1, năm nào tôi không nhớ rõ, ông H4 đã đưa giấy ủy quyền thừa kế nêu trên cho ông M giữ còn bà L giữ bản phô tô chứng thực. Sau khi ông H4 giao bản gốc giấy ủy quyền thừa kế của cụ M1 cho anh M thì giữa các thành viên trong gia đình có viết một thỏa thuận khác để cho bà L, bà Đ1 mỗi người một diện tích đất bằng một suất đất theo quy định của xã. Giấy này do tôi viết và các thành viên trong gia đình đã ký, anh M là người giữ giấy. Còn hiện nay ai giữ thì tôi không biết…”.

[3.5] Về thời điểm xảy ra tranh chấp, tại Biên bản làm việc ngày 10/8/2022 (bút lục: 232), ông Nguyễn Văn L3 (nguyên là cán bộ địa chính giai đoạn tháng 4 năm 1992) trình bày: “Thời điểm cấp GCNQSD đất cho hộ bà Tô Thị N (đã được sửa chữ NHO) là tháng 10/1992. Theo bản đồ 299, ngăn cách giữa thửa 100 với thửa 129 và 130 là đường trục chính liên thôn... Năm 2001, theo chủ trương chung là đo đạc lại toàn bộ diện tích đất trong xã và cấp lại GCNQSD đất theo hiện trạng đo đạc thì đối với thửa đất có nguồn gốc của cụ M1 (phần đất hiện tại ông M đang sử dụng và làm nhà ở) là thửa 226, diện tích 780.8m2, còn phất đất phía dưới (giáp ao) là thửa 251, diện tích 739.4m2. Khi đó cụ M1 đã chết, giữa các con cháu của cụ M1 có tranh chấp liên quan đến các phần đất của cụ M1 để lại nên các thửa đất này chưa được cấp lại GCNQSD đất theo đúng diện tích đo đạc. Sở dĩ thửa 251 rộng hơn so với diện tích đất ban đầu vì gia đình bà N đã phá các khóm tre giáp hồ nên diện tích đất được rộng hơn. Giữa bà L, bà Đ1 và gia đình bà N đã nhiều lần xảy ra tranh chấp, tôi là người trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp và hòa giải...”.

[3.6] Tại “Biên bản hội nghị hòa giải tranh chấp đất đai theo di chúc” do UBND xã C ngày 04/7/2019 (bút lục: 13,14) thể hiện anh Bùi Xuân M (con ông T12, bà N) có ý kiến: “Năm 2002 đã giải quyết, tôi đồng ý chia theo di chúc. Đối với diện tích đất thừa do tôi cải tạo tôi đề nghị UBND xã cho hưởng nhưng 2 bà Bùi Thị Đ1, Bùi Thị L không đồng ý. Sau này nhiều lần họp gđ 2 bà Đ1, L cũng đồng ý lấy 288m2 (mỗi bà 144m2). Tôi không hiểu sao bây giờ lại có đơn đòi đất theo đơn thừa kế… Tôi đồng ý thực hiện theo di chúc thừa kế và đề nghị 2 bà Đ1, L hỗ trợ 20 triệu tiền do tôi tôn tạo, đổ đất”; ông T là đại diện của bà Đ1, bà L có ý kiến: “tôi đồng ý hỗ trợ 20 triệu đồng cho ông M”. Trên cơ sở đó, Hội nghị kết luận: “ông M đồng ý thực hiện theo di chúc và ông T đồng ý hỗ trợ 20 triệu đồng cho công sức cải tạo, đổ đất”.

[3.7] Đối với ý kiến của bị đơn, quá trình tố tụng tại Tòa án người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:

Thửa đất số 100, tờ bản đồ số 12 có tổng diện tích là 1.296m2 (thực tế gồm ba thửa là thửa 100, thửa 129 và thửa 130) có nguồn gốc là của cụ Tô Thị M1 và cụ Bùi Văn T8. Sau khi ông T12 kết hôn với bà N thì ông T12 và bà N ở trên đất đó. Khi cụ T8 và cụ M1 còn sống, cụ M1 và cụ T8 đã cho ông T12 và bà N diện tích đất trên nên bà N đã đăng ký kê khai và được đứng tên trong sổ đăng ký ruộng đất (sổ 5B) do UBND xã C năm 1974 nên đây là tài sản hợp pháp của bà N và ông T12. Năm 1992, bà N đã kê khai và được UBND huyện V (cũ) cấp GCNQSD đất ngày 10/9/1992 nên toàn bộ thửa đất này không còn là tài sản của cụ M1, cụ Tô Thị M1 không thể định đoạt phần diện tích đất trên. Việc cán bộ địa chính xã C sửa chữa chữ “Tô Thị N” thành chữ “Tô Thị M1” trong GCNQSD đất và trong sổ cấp giấy là không đúng thẩm quyền. Mặt khác, “Giấy ủy quyền thừa kế” viết ngày 05/6/1997 không tuân thủ các quy định của pháp luật về cả nội dung và hình thức không khách quan nên văn bản này là không hợp pháp, đồng thời không có bản gốc nên không có giá trị pháp lý. Về việc GCNQSD đất bị sửa, trước khi cụ M1 chết, cụ M1 đã đưa lại GCNQSD đất cho bà N, bà N đã biết giấy bị sửa nhưng quá trình từ khi cụ M1 đưa cho bà N do không có nhu cầu giao dịch gì nên bà N không đi làm thủ tục cấp lại giấy.

[3.8] Các con của bà Bùi Thị Đ1 (bà Đ1 chết ngày 04/11/2019) và ông Bùi Như T1 gồm anh Bùi Mạnh T3, anh Bùi Công T5, anh Bùi Xuân T4, chị Bùi Thị Minh T2, chị Bùi Phương T6 trình bày: Bà ngoại của các anh chị là cụ Tô Thị M1 khi còn sống ngày 05/6/1997 đã lập “Giấy ủy quyền thừa kế” cho bà Đ1 và bà L được sử dụng diện tích đất 488m2, mỗi người được hưởng 244m2, giấy ủy quyền đã được T10 khu và UBND xã C xác nhận ngày 28/6/1997. Sau khi cụ M1 chết, bà Đ1 đã nhiều lần yêu cầu bà N và vợ chồng anh M trả đất nhưng bà N và anh M không trả. Bà Đ1 đã đề nghị UBND xã C giải quyết, ban đầu bà N và anh M đồng ý trả nhưng sau đó lại không đồng ý. Nay bà Đ1 đã chết, các anh chị đồng ý để ông Bùi Như T1 trực tiếp nhận đất do bà N và anh M trả và các anh chị không có tranh chấp gì với ông T1.

[3.9] Các con của ông Bùi Văn H6 (đã chết năm 1995) và bà Bùi Thị G (đã chết năm 1985) là anh Bùi Thanh H1, anh Bùi Văn K, chị Bùi Thị K1, chị Bùi Thị N1, chị Bùi Văn N2 có lời khai được Tòa án cấp sơ thẩm tổng hợp như sau:

Khi ông H6 và bà G còn sống có ở vào một diện tích đất cạnh đất đang tranh chấp hiện nay. Nguồn gốc diện tích đất của ông H6 và bà G như thế nào các anh chị không nắm rõ, chỉ biết ông H6 và bà G đã ở trên đất từ khi các anh chị còn nhỏ. Hiện nay anh K và anh N2 đang sử dụng và đều đã được cấp GCNQSD đất. Đối với diện tích đất đang tranh chấp có nguồn gốc là của cụ Tô Thị M1 để lại. Khi cụ M1 còn sống, cụ ở một mình trên một phần đất. Tại thời điểm cụ M1 lập “Giấy ủy quyền thừa kế” ngày 05/6/1997, các anh chị cho rằng khi đó cụ Mê ốm nặng, không đủ tỉnh táo nên giấy ủy quyền này là không hợp pháp. Các anh chị đề nghị không công nhận “Giấy ủy quyền thừa kế” ngày 05/6/1997 và đề nghị chia tài sản thừa kế của cụ M1 để lại theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên ngoài lời khai trên, trong hồ sơ vụ án còn có lời khai của các anh chị Bùi Văn K, Bùi Thị K1, Bùi Thị N1, Bùi Văn N2 tại Biên bản ghi lời khai ngày 10/6/2022 (bút lục: 250) thể hiện nội dung: “Chúng tôi giữ nguyên lời khai như các biên bản đã khai tại Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trước đây. Ngoài ra chúng tôi bổ sung một số nội dung sau: Bố mẹ chúng tôi là cụ H6 và cụ G đã được cụ M1 (là mẹ cụ H6) cho một diện tích đất khoảng hơn 500m2 (din tích đất này giáp với phần diện tích đất các bên đang tranh chấp), thời gian cho thì chúng tôi không nhớ vì cụ M1 đã cho bố tôi từ rất lâu khi bố chúng tôi còn sống. Cụ H6 chết năm 1995, trước cụ M1. Sau khi cụ H6 chết thì diện tích đất trên được chia cho hai người con của cụ H6 và cụ G là ông K và ông N2. Hiện nay, cả hai ông đều đã được cấp GCNQSD đất và ở trên phần diện tích đất được chia trên…”.

[3.10] Xem xét một số chứng cứ mới là 04 Vi bằng do do anh Bùi Xuân M (là bị đơn) yêu cầu Văn phòng T15 cùng lập ngày 30/11/2023 thì thấy:

(1) Tại Vi bằng số 194 thể hiện bà Bùi Thị L2 (sinh năm 1932; địa chỉ: thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc; là Đảng viên, nguyên là Chủ tịch Hội phụ nữ xã C và nguyên là Trưởng thôn B, xã C) trình bày như sau:

“Tôi sinh ra và lớn lên tại thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà tôi gần ngay với nhà của cụ ông Bùi Văn T8 và cụ bà Tô Thị M1 nên tôi nắm rất rõ về tình trạng cũng như nguồn gốc thửa đất của cụ ông Bùi Văn T8 và cụ bà Tô Thị Mê .

Tôi xác nhận thửa đất mà gia đình ông Bùi Xuân M đang quản lý sử dụng và thửa đất do gia đình ông Bùi Văn K và ông Bùi Văn N2 đang quản lý sử dụng có cùng địa chỉ tại thôn B, xã C đều có nguồn gốc là của cụ ông Bùi Văn T8 và cụ bà Tô Thị M1 để lại.

Khoảng năm 1958, sau khi lập gia đình, ông Bùi Văn H6 được bà Tô Thị M1 cho một phần thửa đất để xây dựng nhà cửa ra ở riêng. Thửa đất mà ông Bùi Văn H6 được bà M1 chia cho này nằm cùng một dải đất với thửa đất mà hiện nay ông Bùi Xuân M đang quản lý, sử dụng. Sau khi ông Bùi Văn H6 chết, thửa đất mà ông Bùi Văn H6 được bà Tô Thị M1 cho được để lại cho hai người con của ông H6 là ông Bùi Văn K và ông Bùi Văn N2 tiếp tục quản lý, sử dụng.

Ngoài ra, ông Bùi Văn H6 còn được cụ Tô Thị M1 cho một thửa đất khác cũng có địa chỉ tại thôn B, xã C có diện tích khoảng 70m2 (giáp với nhà ông Nguyễn Văn H11 và ông Thanh T14). Thửa đất này gia đình ông H6 đã chuyển nhượng cho người khác…”.

(2) Tại Vi bằng số 197 thể hiện ông Tô Văn V1 (sinh năm 1946; địa chỉ: thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc; là cháu ruột cụ M1) trình bày với nội dung tương tự như của bà Bùi Thị L2 ở trên. Ngoài ra, ông V1 còn cung cấp thửa đất mà ông Bùi Văn K và ông Bùi Văn N2 đang quản lý sử dụng có diện tích khoảng 500m2.

(3) Tại Vi bằng số 198 thể hiện ông Bùi Xuân H5 (sinh năm 1948; địa chỉ: thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc; là cháu ruột cụ T8) trình bày:

“… Nguồn gốc thửa đất này có chung nguồn gốc ban đầu giống với thửa đất của gia đình nhà tôi đang quản lý, sử dụng đều là của các cụ đời trước tạo lập rồi để lại cho ông nội tôi là cụ Bùi Văn H12 và em của ông nội tôi là cụ Bùi Văn Trực tiếp t1 sử dụng.

Khi ông T8 lấy bà M1 thì ông T8 và bà M1 cùng nhau quản lý thửa đất được các cụ chia cho ông Bùi Văn T8.

Tôi khẳng định và xác nhận thửa đất mà ông Bùi Văn K và ông Bùi Văn N2 đang quản lý sử dụng có diện tích khoảng 500m2 giáp với nhà ông Bùi Xuân M có địa chỉ tại thôn B, xã C… có nguồn gốc là của cụ ông Bùi Văn T8 và cụ bà Tô Thị M1 để lại.

Khi ông Bùi Văn H6 lấy vợ, lập gia đình đã được bà Tô Thị Mê t2 cho một phần thửa đất để xây dựng nhà cửa ra ở riêng. Thửa đất mà ông Bùi Văn H6 được bà M1 chia cho này nằm cùng một dải đất với thửa đất mà hiện nay ông Bùi Xuân M đang quản lý, sử dụng. Sau khi ông Bùi Văn H6 chết, ông Bùi Văn K và ông Bùi Văn N2 là con của ông H6 tiếp tục quản lý, sử dụng thửa đất được bà Tô Thị M1 cho nêu trên.

Tôi cho rằng, lý do khi bà Tô Thị Mê c phần thửa đất còn lại cho những người con khác mà không cho ông Bùi Văn H6 nữa là vì ông H6 đã được bà M1 chia đất cho trước đó rồi…”.

(4) Tại Vi bằng số 199 thể hiện ông Bùi Xuân M chỉ dẫn vị trí thửa đất của gia đình ông đang quản lý, sử dụng hiện có tranh chấp liền kề với thửa đất ông M xác định của cụ M1 cho ông H6, sau khi ông H6 chết thì ông K, ông N2 đang quản lý sử dụng và thửa đất có diện tích khoảng 70m2 đã được ông H6 chuyển nhượng cho người khác cách thửa đất nhà ông M khoảng 200m.

[3.11] Trên cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, lời trình bày của các đương sự và của những người làm chứng nêu trên, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ xác định:

Thứ nhất, về yêu cầu hủy GCNQSD đất: Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá việc năm 1992 UBND huyện V (cũ) cấp GCNQSD đất cho bà Tô Thị N đối với toàn bộ diện tích đất của cụ T8, cụ M1 mà không có ý kiến của cụ M1 và các đồng thừa kế của cụ T8 là không đầy đủ và không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các đồng thừa kế; đồng thời, diện tích đất cấp trong giấy chứng nhận cũng không phù hợp với diện tích đất và số thửa trong bản đồ 299 và thực tế sử dụng. Ngoài ra, việc cán bộ địa chính xã C sửa chữa tại GCNQSD đất và Sổ cấp GCN mục chủ sử dụng đất từ “Tô Thị N” thành “Tô Thị Mê” cũng rõ ràng trái pháp luật. Vì vậy, đã quyết định hủy GCNQSD đất có số phát hành B534346, số vào sổ 00774/QSDĐ do UBND huyện V, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) cấp ngày 10/9/1992 cho bà Tô Thị N (được sửa thành Tô Thị M1) là có căn cứ, đúng pháp luật.

Thứ hai, về việc xác định giá trị pháp lý của “Giấy ủy quyền thừa kế” do cụ M1 lập ngày 05/6/1997:

Thời điểm cụ Tô Thị Mê l “Giấy ủy quyền thừa kế” thì Bộ luật Dân sự năm 1995 đang có hiệu lực thi hành, tại Bộ luật này có quy định như sau:

“Điều 652. nh thức của di chúc Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản, thì có thể di chúc miệng… Điều 653. Di chúc bằng văn bản bao gồm:

1- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

trấn;

2- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

3- Di chúc bằng văn bản có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị 4- Di chúc bằng văn bản có chứng nhận của Công chứng nhà nước.

Điều 655. Di chúc hợp pháp 1- Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật… 3- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

4- Di chúc bằng văn bản không có chứng nhận, chứng thực như quy định tại Điều 660 của Bộ luật này chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 656. Ni dung của di chúc bằng văn bản 1- Di chúc phải ghi rõ:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản;

đ) Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

2- Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang, thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Điều 657. Ni làm chứng cho việc lập di chúc Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

1- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

2- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

3- Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.

Điều 659. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc, thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng;

những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc phải tuân theo quy định tại Điều 656 và Điều 657 của Bộ luật này.

Điều 660. Di chúc có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn Người lập di chúc có thể yêu cầu Công chứng nhà nước chứng nhận hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực bản di chúc”.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy:

Về hình thức, cụ M1 lập di chúc bằng văn bản nhưng do cụ không biết chữ nên cụ đã nhờ anh H4 (là con bà L) viết hộ. Theo lời trình bày của ông Bùi Văn H9 đã trích dẫn tại mục [3.4] ở trên đã xác định: “… Năm 1997, cụ M1 đã nhiều lần lên UBND xã đề nghị chia đất cho các con, UBND xã hướng dẫn cụ viết bằng văn bản nên cụ M1 đã nhờ anh H4 là con bà L viết giấy ủy quyền thừa kế. Anh H4 sau khi viết giấy đã mang lên UBND xã xin xác nhận nhưng UBND không xác nhận và hướng dẫn về xin xác nhận của trưởng thôn. Anh H4 đã mang giấy đến nhờ tôi xác nhận nhưng tôi chưa kí luôn và yêu cầu anh H4 đưa cụ M1 sang nhà tôi để tôi hỏi lại ý kiến cụ M1. Sau khi cụ M1 sang nhà, tôi đã đọc lại toàn bộ nội dung giấy ủy quyền thừa kế ngày 05/6/1997 do anh H4 viết (đọc 02 lần) cho cụ M1 nghe. Cụ M1 nhất trí với nội dung giấy ủy quyền thì tôi xác nhận… Sau khi xin xác nhận của UBND xã, ông H4 là người giữ giấy ủy quyền. Đến ngày giỗ của cụ M1, năm nào tôi không nhớ rõ, ông H4 đã đưa giấy ủy quyền thừa kế nêu trên cho ông M giữ còn bà L giữ bản phô tô chứng thực…”. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định chỉ có ông Bùi Văn H9 làm chứng cho việc cụ M1 lập di chúc là đúng, tuy nhiên lại chưa xem xét bản di chúc này đã được UBND xã C xác nhận ngày 28/6/1997 là chưa đầy đủ.

Về nội dung của di chúc: Các đương sự đều thừa nhận tài sản cụ M1 phân chia tại “Giấy ủy quyền thừa kế” gồm có 03 phần diện tích đất đều là tài sản của cụ T8, cụ M1; cụ T8 chết năm 1946, tính đến năm 1997 là 51 năm và sự việc năm 1992 UBND huyện V cấp GCNQSD đất cho bà N, cụ M1 đã yêu cầu UBND xã C tên thành cụ M1 đã chứng minh trước khi lập “Giấy ủy quyền thừa kế” thì 03 phần diện tích đất này chưa được chia cho ai mà do cụ M1 trực tiếp quản lý. Mặt khác, căn cứ vào lời khai của anh Bùi Văn K, chị Bùi Thị K1, chị Bùi Thị N1, anh Bùi Văn N2 (là các con của ông Bùi Văn H6, bà Bùi Thị G) tại Biên bản ghi lời khai ngày 10/6/2022 đã trích dẫn tại mục [3.8] và lời khai của bà Bùi Thị L2, ông Tô Văn V1, ông Bùi Xuân H5 đã trích dẫn tại mục [3.10] ở trên thì có đủ cơ sở xác định: cụ T8 và cụ M1 khi còn sống không những có 03 thửa đất (thửa số 100, thửa số 129 và thửa số 130) như các đương sự trình bày, ngoài ra hai cụ còn có khoảng trên 500m2 đất có vị trí nằm tiếp giáp với thửa đất số 100; diện tích trên 500m2 đất này sau khi ông Bùi Văn H6 lấy vợ (bà G), khoảng năm 1958-1960 cụ M1 đã tách ra cho vợ chồng ông H6 bà G để xây dựng nhà cửa ra ở riêng và sau khi bà G, ông H6 lần lượt chết thì anh Bùi Văn K, anh Bùi Văn N2 tiếp tục sử dụng cho đến nay. Đối với các thửa đất tranh chấp, kể từ ngày cụ M1 lập “Giấy ủy quyền thừa kế” năm 1997, cụ M1 chết năm 2000, quá trình bà B rồi bà L yêu cầu bà N, anh M trả lại đất cho đến khi bà L khởi kiện vụ án (năm 2019) thì toàn thể những người con của ông H6, bà G đều không có ý kiến gì. Chỉ đến khi khi được Tòa án triệu tập tham gia tố tụng thì các anh chị Bùi Thanh H1, Bùi Văn K, Bùi Thị K1, Bùi Thị N1, Bùi Văn N2 (là các con của ông H6, bà G) mới có ý kiến không công nhận “Giấy ủy quyền thừa kế” của cụ M1 và yêu cầu chia thừa kế.

Như vậy, mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm xác định chỉ có ông Bùi Văn H9 làm chứng cho việc cụ M1 lập di chúc là đúng, tuy nhiên lại chưa xem xét bản di chúc này đã được UBND xã C xác nhận ngày 28/6/1997 là chưa đầy đủ. Đồng thời, trên cơ sở những nội dung phân tích ở trên cho thấy tại thời điểm cụ M1 lập “Giấy ủy quyền thừa kế”, cụ M1 hoàn toàn minh mẫn, tự nguyện, không bị lừa dối, ép buộc, có đủ năng lực hành vi dân sự; việc các anh chị con của ông H6, bà G cho rằng thời điểm này cụ M1 không minh mẫn là không có cơ sở; về nội dung, cụ M1 phân chia đất cho các con gồm ông T12, bà L, bà Đ1 (bà L và bà Đ1 chỉ được nhận đất sau khi cụ chết) mà không chia cho ông H6 nữa là thể hiện đúng ý chí của cụ, bảo đảm sự công bằng cho các con và nhằm mục đích rõ ràng là “để đề phòng có sự tranh chấp đất đai, giữa các con, cháu trong gia đình khi chẳng may tôi lâm bệnh đột ngột”. Căn cứ vào quy định tại Điều 255, Điều 652, khoản 3 Điều 653, Điều 655, Điều 660, Điều 670, Điều 676 của Bộ luật Dân sự năm 1995 thì có đủ cơ sở xác định “Giấy ủy quyền thừa kế” của cụ M1 lập ngày 05/6/1997 hoàn toàn phù hợp với ý chí của cụ M1 và phù hợp với quy định của pháp luật.

Khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm xác định “Giấy ủy quyền thừa kế” của cụ M1 lập ngày 05/6/1997 không hợp pháp cả về hình thức và nội dung, từ đó chia di sản thừa kế của cụ T8, cụ M1 đối với 03 thửa đất (số 100, số A, số A) theo pháp luật một phần là do chưa đánh giá đầy đủ chứng cứ; một phần là do đương sự chưa cung cấp đầy đủ chứng cứ và trình bày thiếu chính xác những tình tiết khách quan của vụ án. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm, trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, các chứng cứ đương sự mới giao nộp bổ sung và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm đã làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án, có đủ căn cứ để sửa một phần bản án sơ thẩm công nhận “Giấy ủy quyền thừa kế” của cụ M1 lập ngày 05/6/1997 là có hiệu lực pháp luật.

[4] Về việc xác định diện tích đất được chia theo “Giấy ủy quyền thừa kế” của cụ M1 lập ngày 05/6/1997:

Tại “Giấy ủy quyền thừa kế”, cụ M1 chia: Ông Bùi Văn T12 được thừa kế miếng đất diện tích 1008m2 (phía Đông giáp vườn bà H5, phía Tây giáp nhà anh K, phía Nam giáp đường liên thôn, phía Bắc giáp nhà bà T11); bà Bùi Thị L và bà Bùi Thị Đ1 mỗi người được thừa kế ½ miếng đất diện tích 488m2 (phía Đông giáp vườn nhà bà H5, phía Tây giáp vườn ông H8, phía Nam giáp ao Hợp tác xã, phía Bắc giáp đường liên thôn).

Trên cơ sở xem xét hồ sơ quản lý đất đai do UBND xã C cung cấp tại mục [2] ở trên, ý kiến của UBND xã C và kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 15/5/2020, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định quyền sử dụng đất là di sản của cụ T8, cụ M1 thực tế hiện nay tại thửa 100 có diện tích 764,7m2 (trong đó có 200m2 là đất ở và 546,7m2 đất trồng cây lâu năm); tại thửa 129 có diện tích 288m2 đất trồng cây lâu năm và tại thửa 130 có diện tích 210m2 đất trồng cây lâu năm với vị trí cụ thể tại sơ đồ hiện trạng kèm theo Bản án sơ thẩm là có căn cứ. Theo kết quả định giá tài sản tranh chấp, Hội đồng định giá đã xác định: quyền sử dụng đất ở có trị giá 4.000.000 đồng/m2; quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm có trị giá 60.000 đồng/m2.

Mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm chia di sản thừa kế theo pháp luật nhưng cũng đã chia cho bà L, ông N (theo đề nghị của các đồng thừa kế của bà Đ1) tại thửa số 129 và thửa số 130 theo đúng vị trí diện tích đất cụ M1 đã chia cho bà L, bà Đ1 tại “Giấy ủy quyền thừa kế” lập ngày 05/6/1997; đồng thời giải quyết đối với những tài sản trên đất bảo đảm có căn cứ pháp luật. Vì vậy, cần giữ nguyên cách chia diện tích đất cho bà L và ông T1 như quyết định của Bản án sơ thẩm.

Đối với thửa đất 100 (diện tích thực tế là 764,7m2) tạm giao cho anh Bùi Văn M2 đại diện cho các đồng thừa kế của ông Bùi Văn T12 quản lý theo đúng ý chí của cụ Tô Thị Mê . Trường hợp các đồng thừa kế của ông T12 có tranh chấp thì có quyền khởi kiện bằng vụ án khác.

[5] Về nghĩa vụ chịu án phí và chi phí tố tụng: Do Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm và chi phí tố tụng được xác định lại theo quy định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 và Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2022/DS-ST ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Căn cứ vào các Điều 34, 147, 148, 157, 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm b khoản 2 Luật Tố tụng hành chính;

Căn cứ vào Điều 255, Điều 652, khoản 3 Điều 653, Điều 655, Điều 660, Điều 670, Điều 676 của Bộ luật Dân sự năm 1995; các Điều 627, 628, 630, 635, 643 của Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 95, 99, 100 Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 6 Điều 15, Điều 26, điểm a khoản 7 Điều 27, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án, Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị L.

1. Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số phát hành B 534346 do Ủy ban nhân dân huyện V, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) cấp ngày 10 tháng 9 năm 1992 cho bà Tô Thị N (đã bị sửa thành: Tô Thị Mê) đối với thửa đất số 100, tờ bản đồ số 12, tổng diện tích 1.296m2 tại xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Công nhận “Giấy ủy quyền di chúc” do cụ Tô Thị Mê l ngày 05 tháng 6 năm 1997, được UBND xã C xác nhận ngày 28 tháng 6 năm 1997 có hiệu lực pháp luật.

3. Xác định di sản thừa kế của cụ Bùi Văn T8 và cụ Tô Thị M1 là quyền sử dụng diện tích 1.262,7m2 đất tại địa chỉ thôn B, xã C, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc, theo bản đồ 299 tờ số 12 gồm 03 thửa: thửa đất số 100, diện tích 764,7m2 (trong đó có 200m2 đất thổ cư và 564,7m2 đất trồng cây lâu năm); thửa đất số 129, diện tích 288m2 đất trồng cây lâu năm; thửa đất số 130, diện tích 210m2 đất trồng cây lâu năm. Chia di sản thừa kế của cụ Bùi Văn T8 và cụ Tô Thị M1 theo di chúc cụ thể như sau:

3.1. Chia cho bà Bùi Thị L được quyền sử dụng 249m2 đất trồng cây lâu năm, trong đó có 210m2 thuộc thửa đất số 130, được thể hiện tại sơ đồ kèm theo Bản án là vị trí S4 thuộc phạm vi các điểm 11-12-22-20-21-11 và 39m2 thuộc thửa đất số 129, được thể hiện tại sơ đồ kèm theo Bản án là vị trí S3 thuộc phạm vi các điểm 20-22-23-24-20. Bà L được sử dụng đoạn tường bao loan xây gạch theo chiều dài của diện tích đất được chia là 27,39m và có trách nhiệm thanh toán cho bà Bùi Thị N4, anh Bùi Xuân M, chị Ngô Thị L1 số tiền giá trị đoạn tường bao nêu trên là 5.000.000 (năm triệu) đồng.

Buộc bà Tô Thị N, anh Bùi Xuân M, chị Ngô Thị L1 và các thành viên trong gia đình phải tháo dỡ các tài sản còn lại và di dời cây cối nằm trên diện tích đất chia cho bà Bùi Thị L nêu trên.

3.2. Chia cho những người thừa kế của bà Bùi Thị Đ1 được quyền sử dụng 249m2 đất trồng cây lâu năm thuộc thửa đất số 129, được thể hiện tại sơ đồ kèm theo Bản án là vị trí S2 thuộc phạm vi các điểm 16-17-18-19-24-23-16. Giao cho ông Bùi Như T1 quản lý diện tích đất trên; ông T1 được sử dụng đoạn tường bao loan xây gạch theo chiều dài của diện tích đất được chia là 26,1m và có trách nhiệm thanh toán cho bà Bùi Thị N4, anh Bùi Xuân M, chị Ngô Thị L1 số tiền giá trị đoạn tường bao nêu trên là 5.000.000 (năm triệu) đồng.

Buộc bà Tô Thị N, anh Bùi Xuân M, chị Ngô Thị L1 và các thành viên trong gia đình phải tháo dỡ tài sản là một phần chuồng lợn và di dời tài sản, cây cối còn lại trong diện tích đất giao cho ông Bùi Như T1 quản lý nêu trên.

3.3. Chia cho những người thừa kế của ông Bùi Văn T12 được quyền sử dụng 764,7m2 đất thuộc thửa đất số 100 (trong đó có 200m2 đất thổ cư và 564,7m2 đất trồng cây lâu năm), được thể hiện tại sơ đồ kèm theo Bản án là vị trí S1+S5+S6 thuộc phạm vi các điểm 1-2-3-4-5-6-7-8-9-9a-10a-10-1. Giao cho anh Bùi Văn M2 đại diện cho những người thừa kế của ông T12 quản lý diện tích đất trên.

(Có sơ đồ hiện trạng thửa đất kèm theo bản án sơ thẩm).

4. Các đương sự được quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền kê khai đăng kí để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

5. Về án phí và chi phí tố tụng:

5.1.Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho bà Bùi Thị L, bà Tô Thị N và ông Bùi Văn T13 đối với phần ông T13 được hưởng của bà Đ1.

- Anh Bùi Văn M2 và chị Bùi Thị V phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với 2/3 phần giá trị di sản của ông T12 được hưởng. Cụ thể, anh Bùi Văn M2 phải chịu 12.300.000 (mười hai triệu ba trăm nghìn) đồng; chị Bùi Thị V phải chịu 12.300.000 (mười hai triệu ba trăm nghìn) đồng.

- Anh Bùi Mạnh T3, anh Bùi Công T5, anh Bùi Xuân T4, chị Bùi Thị Minh T2, chị Bùi Phương T6 do ông T13 làm đại diện phải chịu 622.500 (sáu trăm hai mươi hai nghìn năm trăm) đồng.

3.2. Về chi phí tố tụng: Căn cứ vào các Điều 157, 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự, bà Tô Thị N và anh Bùi Xuân M mỗi người phải trả cho bà Bùi Thị L 3.000.000 (ba triệu) đồng.

4. Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Tô Thị N và anh Bùi Xuân M không phải chịu; trả lại cho anh Bùi Xuân M 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm do anh Phạm Dương H3 nộp thay anh M tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006917 ngày 07 tháng 11 năm 2022.

5. Về nghĩa vụ chịu lãi suất trong trường hợp người phải thi hành án chậm trả số tiền phải thi hành án còn lại và thủ tục thi hành bản án dân sự được thực hiện theo hướng dẫn tại phần quyét định của Bản án sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 29/01/2024./ 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

25
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp tài sản thừa kế và yêu cầu hủy GCNQSDĐ số 38/2024/DS-PT

Số hiệu:38/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/01/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: [email protected]
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;