TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH B
BẢN ÁN 09/2021/DS-ST NGÀY 09/06/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ YÊU CẦU HUỶ GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Trong các ngày 27/5/2021 và ngày 09/06/2021, tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh B, mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 17/2020/TLST-DS ngày 01 tháng 7 năm 2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 05 /QĐXXST-DS ngày 10 tháng 5 năm, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Đinh Khắc V - Sinh năm: 1957. Địa chỉ: Thôn N, xã H, huyện C, tỉnh B. Có mặt.
- Bị đơn: Bà Đinh Thị D . HKTT: Địa chỉ: Thôn N, xã H, huyện C, tỉnh B. Chỗ ở hiện nay: Thôn Đ, xã Y, huyện P, tỉnh N. Có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Đinh Khắc D – Sinh năm: 1961. Có mặt
2. Bà Đinh Thị V – Sinh năm: 1964. Có mặt
3. Ông Đinh Khắc S – Sinh năm: 1968.có mặt
4. Bà Dương Thị Nguyện – Sinh năm: 1957. Có mặt Cùng địa chỉ: Thôn N, xã H, huyện C, tỉnh B
5. Bà Đinh Thị B – Sinh năm: 1966. Địa chỉ: Thôn N, xã N, huyện C, tỉnh B. Có mặt
6. Ông Đàm Văn S – Sinh năm: 1954. Vắng mặt
8. Chị Đàm Thị H – Sinh năm: 1977. Có mặt
9. Anh Đàm Trọng H – Sinh năm: 1980. Có mặt Cùng địa chỉ: Thôn Đ, xã Y, huyện P, tỉnh N
10. Anh Đàm Trọng H – Sinh năm: 1982. Địa chỉ: Thôn N, xã H, huyện C, tỉnh B. Vắng mặt Người đại diện theo ủy quyền của ông S, chị H, anh H, anh H là bà Đinh Thị D.
11. Ủy ban nhân dân huyện C, tỉnh B. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Dương Ngọc Tân – Chức vụ: Phó Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện C. có mặt tại phiên toà ngày 27/5/2021. Có đơn xin vắng mặt tại phiên toà ngày 09/6/2021.
- Những Người làm chứng gồm:
1. Ông Đinh Khắc Tr - sinh năm 1975. Vắng mặt
2. Ông Đinh Khắc Th - sinh năm 1951. Có mặt
3, Ông Đinh Khắc Th - sinh năm 1970. Vắng mặt
4. Ông Lường Văn L - sinh năm 1986. Vắng mặt.
5. Ông Lèng Hữu P - sinh năm 1938. Vắng mặt
6. Bà Nguyễn Thị V - sinh năm 1960. Vắng mặt 7. Bà Chung Thị Đ - sinh năm 1963. Vắng mặt.
8. Bà Nguyễn Thị Ch - sinh năm 1978. Vắng mặt 9. Ông Đinh Khắc Ng. Có mặt tại phiên toà ngày 27/5/2021. Vắng mặt tại phiên toà ngày 09/6/2021.
Cùng địa chỉ: Thôn Nà Mẩy, xã H, huyện C, B.
10. Ông Đinh Sỹ Nh - sinh năm 1948. Vắng mặt Địa chỉ: Bó Pja, xã Q, huyện Đ, tỉnh B.
NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và các biên bản lấy lời khai và tại phiên tòa nguyên đơn ông Đinh Khắc V trình bày:
- Vị trí tranh chấp thuộc thôn N, xã H, huyện C, tỉnh B, vị trí tranh chấp, diện tích tranh chấp với tổng diện tích 728,5m2 đã được Toà án xác định theo biên bản xem xét thẩm định ngày 20/4/2021.
Nguồn gốc đất tranh chấp của bố mẹ của ông V đã khai phá và sau đó chia cho ông V từ năm 1971, Ông V quản lý liên tục cho đến nay trên đất có trồng Chè và trồng cây Tre và trên đất có mộ của bà Lèng Thị K (là mẹ đẻ của ông V).
Hiện nay các bụi Tre vẫn còn, khi bà D lên tranh chấp thì có phát các loại cây Chè và cây Tre đi gần hết.
- Về quá trình kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Lần thứ nhất khoảng năm 1995-1996: là chính sách phủ xanh đất trống đồi trọc được triển khai đến toàn xã và được thôn triển khai lại cho các hộ dân.
Việc nhận đất lâm nghiệp do các hộ dân đi nhận, tự phát ranh giới để nhận đất, lúc đó căn cứ vào diện tích đất của thôn và căn cứ vào diện tích các hộ kê khai nhận. ví dụ: nhiều gia đình thời điểm đó làm nương rẫy nhiều nhưng khi nhận thì cũng chỉ nhận được một phần diện tích, phần diện tích còn lại chia còn chia các hộ khác không có đất do không làm nương rẫy bao giờ.
Gia đình nhà Ông V có kê khai và được cấp sổ bìa xanh (hồ sơ giao đất lâm nghiệp) nhưng không liên quan đến đất hiện nay có tranh chấp với bà D.
Ông Đinh Sỹ Nh là trưởng thôn thời điểm giao đất rừng năm 1995-1996.
- Lần cấp đất thứ 2 khoảng năm 2002: là việc thực hiện cấp đổi từ sổ bìa xanh (hồ sơ giao đất lâm nghiệp) sang sổ bìa đỏ, khi triển khai năm 2002 về thủ tục không triển khai đo đạc lại thửa đất mà chỉ tiến hành thu hồi hồ sơ giao đất lâm nghiệp để được cấp sổ bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), khi cấp đổi thì gia đình ông V cũng không kê khai liên quan đến thửa đất có tranh chấp.
- Lần thứ 3 khoảng năm 2014: triển khai đo đạc lại thửa đất để tiến hành kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình ông V cũng có tiến hành kiểm tra lại thửa đất của gia đình quản lý và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Liên quan đến khu đất tranh chấp với bà D, từ năm 1997 đã được trưởng thôn thông báo là đất quốc phòng không kê khai, do vậy năm 2014 gia đình ông V cũng không kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông V không biết bà D được kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào thời gian nào, lúc đặt phần mộ bà Lèng Thị K lúc đó bà D có ý K là để phần mộ này trên đất thuộc quyền quản lý của bà D nhưng sau đó cũng không xảy ra tranh chấp cho đến năm 2020 mới có tranh chấp.
Nay ông Đinh Khắc V khởi kiện yêu cầu bà Đinh Thị D trả lại đất tranh chấp và yêu cầu Toà án huỷ phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bà Đinh Thị D đã cấp vào phần đất của ông V.
Phần đất có phần mộ của bà Lèng Thị K có diện tích 53,2m2, bà Đinh Thị D có đề nghị không xem xét giải quyết trong vụ án, ông Đinh Khắc V thống nhất với ý K của bà Đinh Thị D.
Tại phiên toà ông Đinh Khắc V khai nhận trên đất tranh chấp hiện nay còn các bụi Tre, do các cây Chè trồng lâu năm đã chết.
Từ năm 1997, ông Đinh Khắc V không phát trồng cây trên đất mà chỉ trông coi các bụi Tre.
2. Bị đơn bà Đinh Thị D trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên toà trình bày:
Đất tranh chấp ở khu đồi C thuộc thôn N, xã H, huyện C, tỉnh B. Diện tích đất tranh chấp hiện đang nằm trong thửa đất 1209, tờ bản đồ số 2 đã được UBND huyện C cấp GCNQSDĐ số CB964254 ngày 31/12/2014 cho bà D, về diện tích, vị trí tranh chấp đúng như kết quả Toà án đã xem xét thẩm định tại chỗ ngày 20/4/2021.
-Về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất: Thửa đất 1209 bao gồm cả phần đất tranh chấp từ năm 1958 thì bố mẹ bà D là ông Đinh Khắc Dũng (Chết năm 1961) và mẹ Hoàng Thị Nhung (Đã chết năm 2011) đã khai phá trồng Tre, trồng Chè. Năm 1963 - 1964 mẹ bà D trồng bông tại đúng vị trí đất tranh chấp. Sau đó đất bỏ không một thời gian.
Từ năm 1975 đến 1977 bà D trồng lúa mỗi năm trồng một khoảnh trên thửa đất số 1209.
Sau năm 1977, bà D trồng cây cọ, cây tre, cây mai trên thửa đất số 1209, tại phần đất tranh chấp hiện nay vẫn còn cây Cọ, cây Tre do bà D trồng.
Sau khi trồng các cây chè, cây cọ, cây tre, cây mai thì gia đình bà D không trồng thêm cây gì, chỉ quản lý các cây đã trồng.
- Về quá trình kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Năm 1994: bắt đầu triển khai giao đất lâm nghiệp tại xã Hn về đến khoảng năm 1995 là đo đạc thực tế và đến khoảng năm 1997 thì Nhà nước cấp đất lâm nghiệp được triển khai đến toàn xã H và được thôn triển khai lại cho các hộ dân, việc triển khai giao đất này được tiến hành họp nhiều lần.
Về hiện trạng chung tại xã H đất trồng đồi trọc, do dân làm nương ót lẻ tẻ, khi triển khai nhận đất các hộ phải kê khai nhận diện tích tối thiểu phải trên 3000m2 (không hạn chế diện tích tối đa), các hộ dân khi nhận đất lâm nghiệp thì phải nhường đất nương ót ở khu vực khác cho các hộ dân khác, vì các hộ làm nương rẫy đa phần không đủ diện tích 3000m2.
Tại thời điểm nhận đất lâm nghiệp nhận đất theo rông, khe và nhận đất từ chân lô.
Sau khi nhường đất các hộ tiến hành kê khai nhận đất, không có tranh chấp thì được Nhà nước giao để quản lý, lúc đo giao xác định đất của Nhà nước, không còn là đất nương ót của các hộ.
Khoảng năm 2002- 2003: chuyển đổi từ hồ sơ giao đất lâm nghiệp sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không tiến hành đo đạc lại mà chỉ đến thực địa để kiểm tra và sau đó thu hồi hồ sơ giao đất lâm nghiệp và tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc triển khai cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều được triển khai trong thôn.
Lần thứ 3 khoảng năm 2014: tiến hành đo đạc bằng thiết bị vệ tinh, có đi kiểm tra theo hiện trạng và tiến hành làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Lần cấp đổi thứ 3 này cũng được triển khai trong toàn xã và triển khai đến thôn tổ để tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Đến năm 2014 bà D tiếp tục được cấp đổi GCNQSDĐ số CB964254 đối với thửa đất 1209 tờ bản đồ số 2. Từ năm 2014 gia đình bà D vẫn quản lý, sử dụng thửa đất được cấp bao gồm cả phần đất tranh chấp nhưng chỉ quản lý các cây đã trồng mà không trồng thêm cây gì cho đến khi tranh chấp xảy ra.
Năm 2012, mẹ ông V là bà Lèng Thị K chết và có chôn cất tại phần đất tranh chấp, do bà D đã chuyển nơi khác sinh sống nên không được biết, gia đình ông V không hỏi ý K của bà D, sau đó bà D có ý K không nhất trí nhưng do phần mộ đã được đào xong thuộc loại việc nóng, bà D cũng không có ý K gì tranh chấp thêm.
Về nguồn gốc các cây Tre trên đất, bà D khai nhận: số bụi tre này, bà D không biết có từ thời gian nào và do ai trồng, năm 2020 khi phát rừng để trồng cây thì gia đình ông V trình bày là cây Tre của ông V, gia đình bà D có đề nghị trả tiền để ông V chặt các bụi Tre hoặc mua lại các bụi Tre nhưng gia đình ông V không đồng ý, lúc đó ông V trình bày tài sản trên đất có 02 bụi Tre, không có các cây Chè trên đất.
Sau khi có kết quả xem xét thẩm định tại chỗ, bà D xác định đối với phần diện tích đất có Mộ xác định theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ bà D không yêu cầu giải quyết.
Bị đơn không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và có yêu cầu phản tố đề nghị Toà án công nhận quyền sử dụng đối với diện tích đất tranh chấp và buộc ông V phải chặt bỏ, di rời các cây cối, tài sản của ông V trên diện tích đất tranh chấp.
3. Những Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Những Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đàm Văn S, chị Đàm Thị H, anh Đàm Trọng H, anh Đạm Trọng H là chồng và con của của bà Đinh Thị Dịnh: đã uỷ quyền cho bà D tham gia giải quyết vụ án.
3.2. Ông Đinh Khắc D trình bày trong quá trình giải quyết vụ án:
Đất tranh chấp ở khu đồi C thuộc thôn N, xã H, huyện C, tỉnh B.
Nguồn gốc thửa đất tranh chấp do bố đẻ là Định Khắc Tạ (Đã chết năm 1996) và mẹ đẻ là bà Lèng Thị K (Đã chết năm 2012) khai phá từ năm 1971 để trồng Chè sau đó ông V trồng Tre. Từ năm 1978, sau khi lập gia đình, ông V và vợ là bà Nguyện quản lý các cây Chè, cây Tre đã trồng và không trồng thêm cây gì đến khi xảy ra tranh chấp với bà D.
Hiện nay trên đất tranh chấp còn các cây Tre do ông V trồng từ trước năm 1978 và vài gốc Chè, có phần mộ của mẹ đẻ là bà Lèng Thị K.
Ông V được bố mẹ đẻ giao quản lý thửa đất hiện nay có tranh chấp, việc giao đất không có giấy tờ gì. Tuy nhiên các anh em trong gia đình đều thống nhất khu đất tranh chấp bố mẹ đã giao cho ông V sử dụng và không có ý K gì. Ông V có toàn quyền quyết định với khu đất tranh chấp.
Nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông Đinh Khắc V.
Ông Đinh Khắc V và bà Đinh Thi D có trình bày đối với phần mộ của bà Lèng Thị K có diện tích 53,2m2 không xem xét giải quyết trong vụ án, ông Đinh Khắc D thống nhất với ý K trên của ông V, bà D.
3.3. Bà Dương Thị Nguyện trình bày trong quá trình giải quyết vụ án:
Vị trí tranh chấp thuộc Đồi C thôn N, xã H, huyện C, tỉnh B.
Nguồn gốc đất là của bố mẹ chồng để lại cho vợ chồng ông V từ năm 1978, khi tặng cho vợ chồng ông V không làm giấy tờ và từ năm 1978 đến nay vợ chồng ông V quản lý, sử dụng thửa đất tranh chấp nhưng không trồng thêm cây cối gì cho đến khi xảy ra tranh chấp với bà D.
Về tài sản trên đất hiện nay còn 03 khóm Tre do ông V trồng từ năm 1971 và vài gốc Chè từ thời bố mẹ ông V trồng và có phần mộ bà Lèng Thị K chôn cất trên đất tranh chấp năm 2012.
Bà Dương Thị Nguyện thống nhất với yêu cầu khởi kiện của ông Đinh Khắc V và thống nhất với ý K trình bày của ông V.
3.4. Anh Đinh Khắc S trong quá trình giải quyết vụ án trình bày:
Vị trí tranh chấp thuộc thôn N, xã H, huyện C, tỉnh B.
Nguồn gốc đất của bố mẹ đẻ là ông Định Khắc Tạ (Đã chết năm 1996) và mẹ đẻ là bà Lèng Thị K (Đã chết năm 2012) đã khai phá từ năm 1971 và đã giao cho anh Đinh Khắc V quản lý liên tục cho đến nay trên đất có trồng Chè và trồng cây Tre và trên đất có mộ của bà Lèng Thị K. Hàng năm, anh Đinh Khắc V vẫn quản lý, phát cây và chăm sóc Chè và Tre trên đất.
Đất là của anh Đinh Khắc V, anh S không liên quan đến đất này vì đã được bố mẹ đẻ chia cho anh V.
Anh S không có tài sản trên đất.
Ông Nh có thông báo toàn thôn đây là đất thuộc quốc phòng quản lý nên không được kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Anh S không biết bà D được kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào thời gian nào, lúc đặt phần mộ bà Lèng Thị K lúc đó bà D có ý K là để phần mộ này trên đất thuộc quyền quản lý của bà D nhưng sau đó cũng không xảy ra V để tranh chấp cho đến năm 2020 mới có tranh chấp.
Ông Đinh Khắc V và bà Đinh Thi D có trình bày đối với phần mộ của bà Lèng Thị K có diện tích 53,2m2 không xem xét giải quyết trong vụ án, Anh S thống nhất với ý K trên của ông V, bà D.
3.5. ông Đinh Khắc D, bà Đinh Thị V, bà Đinh Thị B quá trình giải quyết vụ án: thống nhất với lời trình bày và yêu cầu khởi kiện của ông Đinh Khắc V. Nhất trí với thoả thuận giữa ông Đinh Khắc V và bà Đinh Thi D có trình bày đối với phần mộ của bà Lèng Thị K có diện tích 53,2m2 không xem xét giải quyết trong vụ án.
3.6. UBND huyện C, đại diện theo uỷ quyền trình bày: Về trình tự, thủ tục giao đất lâm nghiệp cho bà D. Thực hiện chủ trương giao đất lâm nghiệp thời điểm năm 1994, Ủy ban nhân dân huyện Bạch Thông (nay là huyện C) đã triển khai tới các xã, UBND xã đã triển khai tới các hộ dân rất nhiều lần. Đối với hồ sơ gia đất lâm nghiệp cho bà Đinh Thị D được thực hiện đầy đủ theo quy định theo pháp luật.
Chính sách giao đất lâm nghiệp năm 1997 chính sách giao đất giao rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc.
Sau khi giao đất lâm nghiệp năm 1997, còn có các lần cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2014, về trình tự, thủ tục đều được triển khai để xã, thôn, tổ và thông báo cho các hộ dân được biết và có đến hiện trường thửa đất để xem xét thửa đất.
Hồ sơ giao đất lâm nghiệp năm 1997: về quy định chung thời điểm đó không bắt buộc phải có chữ ký của các hộ giáp ranh.
Đối với thửa đất có tranh chấp thuộc thửa số 1209 tờ bản đồ số 2 tại xã H, các bên đương sự trình bày là năm 1997 thuộc quy hoạch đất Quốc Phòng, tuy nhiên hiện nay không có tài liệu nào xác định khu vực tranh chấp thuộc khu vực Quốc Phòng.
4. Những Người làm chứng:
4.1. Ông Lèng Hữu P trình bày trong quá trình giải quyết vụ án:
Ông P có biết việc tranh chấp đất giữa ông V và bà D vì hai Người trên đều là cháu . Đất tranh chấp ở khu đồi C. Về diện tích không biết chính xác, cạnh phía dưới giáp ao của ông Đinh Khắc Tr.
Nguồn gốc đất đầu tiên do mẹ ông V là bà Lèng Thị K (đã chết) phát trồng Chè, trồng Tre từ trước năm 1990. Hàng năm ông V vẫn khai thác các cây Tre nhưng chưa trồng thêm cây gì. Khi bà K mẹ ông V chết, ông V chôn cất tại vị trí đất tranh chấp.
Đến năm 2020 bà D phát khu đất tranh chấp thì xảy ra tranh chấp.
Việc giao đất lâm nghiệp có được thôn có tổ chức họp và triển khai giao đất cho các hộ dân. Đối với những phần đất có diện tích nhỏ thì các hộ đổi nhau để đủ diện tích được cấp.
Trưởng thôn thời điểm đó là ông Nh có thông báo khu đồi C thuộc đất Quốc phòng nên không ai được nhận đất ở khu vực đó.
4.2. Bà Chung Thị Đ trình bày trong quá trình giải quyết vụ án:
Giao đất lâm nghiệp lần đầu tại xã H về chủ trương giao đất lâm nghiệp được triển khai tại các cuộc họp thôn, sau đó các hộ dân đi kê khai và được cấp đất. Đối với mảnh đất mồ mả của gia đình bà Đ ở cùng khu đồi C cùng với đất ông V, bà D do thuộc đất Quốc Phòng nên không được cấp đất. Các hộ dân có đất ở khu đồi Có Vài chưa ai được cấp GCNQSDĐ nhưng không hiểu sao bà D lại được cấp GCNQSDĐ ở khu vực đó.
Bà Đ chưa thấy bà D canh tác phần đất nào ở khu đồi C. Đến năm 2020 bà D mới phát cây ở khu đồi C để trồng quế.
Trước khi có chủ trương cấp sổ bìa xanh gia đình ông V đã có cây Tre, Cọ ở khu đồi C do mẹ ông V trồng ở phần đất của ông V giáp với đất bà Ch.
4.3. Bà Nguyễn Thị Ch trình bày trong quá trình giải quyết vụ án:
Do năm 2012 bà Ch lấy chồng và sinh sống ở đây nên về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất không nắm được chỉ nghe gia đình nhà chồng nói là có đất ở cạnh đất của gia đình ông V quản lý.
Được biết gia đình nhà chồng nói phần đất ở C của gia đình do thuộc đất Quốc phòng nên chưa được cấp giấy tờ gì về quyền sử dụng đất.
Bà Ch chưa thấy bà D canh tác phần đất nào ở khu đồi C. Đến năm 2020 bà D mới phát cây ở khu đồi C để trồng Quế.
4.4. Bà Nguyễn Thị V trình bày:
Bà V được bà D đi thuê đi phát rừng tại khu vực đồi C, lúc đó giữa ông V và bà D chưa xảy ra tranh chấp về đất đai.
Hiện trạng tại thời điểm phát cây là đất đồi do để ót lâu năm, cây cối tự mọc và trên đất thì có các cây Chè, cây Tre có từ ngày trước đó và các cây tạp khác tự mọc.
Trước năm 1997, gia đình ông V trước đó có trồng Chè, có cây Tre trên đất tranh chấp nhưng tại thời điểm năm 1997 thì gia đình ông V không còn làm nương rẫy và sau năm 1997 gia đình ông V để cây mọc tự nhiên.
Bà V được biết đồi C là đất là khu vực quốc phòng không giao cho ai, còn hiện trạng đất là đất để cây mọc tự nhiên, từ năm 1997 đến nay là đất cây mọc tự nhiên không ai canh tác, quản lý.
Về trình tự, thủ tục giao đất năm 1997 bà V trình bày:
- bà V được tham gia các họp triển khai giao đất và được triển khai thông qua thôn tổ và khi nhận đất lúc đó trên cơ sở các hộ thoả thuận với nhau để nhận đất và khi đó triển khai nhận đất theo khe và rông và các hộ gia đình nếu có đất nương rẫy trên đất thì thoả thuận với nhau để được nhận đất lâm nghiệp, xin đất của nhau hoặc đổi đất cho nhau để nhận đất được tập trung, khi giao đất có đi nhận đất trên thực tế.
- Trong trường hợp trên đất có Tre, có cây Cọ và các tài sản khác trên đất lâm nghiệp khi giao đất lâm nghiệp năm 1997 có thoả thuận để mua bán, trao đổi và đất thì vẫn đồng ý giao cho Người nhận đất lâm nghiệp.
- Khi giao đất lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp đã có Mộ của gia đình nhà khác lúc đó quy định Người được giao đất lâm nghiệp không được trồng cây trong phạm vi 05mét tính từ tim Mộ.
Đối với đất lâm nghiệp của gia đình bà Nguyễn Thị V tại thời điểm năm 1997, thời điểm đó khi nhận đất lâm nghiệp của gia đình gia đình bà V thì lúc đó cũng có nhiều hộ làm nương rẫy trước đó, vì các hộ làm nương rẫy diện tích nhỏ lẻ, do vậy bà V và các hộ gia đình này thoả thuận để được nhận đất tập trung. Không có tranh chấp và tôi được giao đất.
Bà V cũng có đất nương rẫy ở nhiều chỗ khác và năm 1997 thì bà V cũng nhường đất nương rẫy cho các hộ khác để được nhận đất lâm nghiệp tập trung.
4.6. Anh Lường Văn L trình bày: Anh L hiện nay là trưởng thôn N.
Vị trí tranh chấp thuộc đồi C, vị trí ngay ở trong xóm và sát với nhà bà D trước đấy.
Anh L làm trưởng thôn từ năm 2014 cho đến này, thời điểm này đang làm thủ tục chỉnh lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về thủ tục triển khai chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2014 có họp thôn để triển khai, lúc đó triển khai là hộ nào có đất thì tiến hành phát tuyến để cán bộ chuyên môn đo đạc và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và triển khai từ chỗ giáp ranh khu đất lâm nghiệp của ông Hà Văn Tác (hiện nay đã chia cho con trai là Lường Hà Chấn) sang đến khu đằng sau trường nội trú giáp với đất lâm nghiệp của thôn Nà Mầy là thuộc đất của UBND xã H quản lý và quy hoạch đất quốc phòng (có văn bản của UBND xã và có bản đồ kèm theo), khu đất này năm 2014 có quy định là không được đo giao, tuy nhiên bà D có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đó nên bà D đề nghị đo và chỉnh lý lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sau này được tiến hành xem xét lại hiện trạng thửa đất và cấp chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà D.
Có đến thửa đất để xác định lại thửa đất của các hộ.
Năm 2014 có đi xem xét tại thực địa thửa đất của bà D, thời điểm đó cũng chưa có tranh chấp nên cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà D.
Năm 2014 Ông V không có tranh chấp, cùng thời điểm năm 2014 ông V có kê khai chỉnh lý đối với các thửa đất khác.
Trước đó thôn không được hoà giải việc tranh chấp đất giữa bà D và ông V, cho đến khoảng đầu năm 2020, bà D có ý định trồng cây ăn quả, trên đất có một búi Tre của ông V, do vậy bà D đề nghị ông V chặt đi hoặc bán lại cho bà D để làm vườn thì hai bên có xảy ra tranh chấp.
Tại thôn N hiện nay không có hương ước, quy ước về quy định diện tích về mồ mả.
4.7. Anh Đinh Khắc Th trình bày:
Anh Đinh Khắc Th hiện nay là bí thư chi bộ thôn N.
Vị trí tranh chấp thuộc đồi C, vị trí ngay ở trong xóm và sát với nhà bà D trước đấy.
Trên đỉnh C có ụ pháo và ngoài ra có bãi tập bắn của xã, hiện nay không còn sử dụng mà là địa điểm của trường nội trú, địa điểm này cách xa khu vực tranh chấp khoảng 300m-400m và đồi C là một địa điểm rộng lớn, anh Th được biết là điểm bãi bắn là không được giao cho các hộ dân, còn vị trí tranh chấp anh Th không biết có thuộc đất Quốc Phòng hay không.
- Về trình tự, thủ tục giao đất lâm nghiệp:
Khoảng năm 1996 - 1997 là thời điểm giao đất lâm nghiệp lần đầu tại xã H, được triển khai thông qua thôn, trong đó:
Toàn bộ đất lâm nghiệp trước đó tại thôn N chưa được giao đất lâm nghiệp cho ai, chưa ai có quyền sử dụng đất, hiện trạng đất là đất nương ót, hiện trạng đất lâm nghiệp lúc đó đa phần là đất làm nương rẫy của các hộ.
Hiện trạng các hộ quản lý đất nương rẫy lúc đó nhỏ lẻ không thuận lợi cho việc giao đất để quản lý đất lâm nghiệp, toàn thôn có họp lại bàn với nhau là diện tích nhỏ lẻ đó sẽ không lấy lại mà triển khai các đất nương rẫy của các hộ gộp lại thành khu để giao cho một hộ quản lý và các hộ khác đi nhận đất ở nơi khác, lúc đó vẫn thoả thuận là căn cứ vào địa điểm mỗi hộ nhận đất ở nơi xa thì sẽ nhận một lô đất lâm nghiệp ở chỗ gần, thời điểm đó gộp đất lại và chia lại cho các hộ dân để thuận lợi cho việc canh tác và quản lý.
Lúc đó triển khai khoảng vài trăm mét vuông cho đến khoảng 2000m2 thì không cấp đất.
Sau khi thống nhất thì họp nhận đất và không xảy ra tranh chấp thì giao cho các hộ dân để quản lý.
Lúc cấp không hạn chế diện tích tối đa được nhận và số lô đất được nhận vì thời điểm đó đất lâm nghiệp không có giá trị kinh tế nên nhiều hộ không nhận đất.
Lúc đó giao đất tại thôn các hộ dân trong đó có cả hai hộ ông V và bà D không có vướng mắc vì tại thôn đã trải qua 03 lần (một lần giao khoảng năm 1997, một lần cấp đổi giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất khoảng năm 2002, một lần thứ 3 khoảng năm 2014 là chỉnh lý đều không phát sinh tranh chấp.
Thực tế này xảy ra khi giao đất và cho đến thời điểm hiện nay thì vẫn tồn tại thì về việc xử lý tại địa phương vẫn công nhận quyền sử dụng đất của Người có sổ bìa đỏ nhưng cây cối vẫn thuộc quản lý của chủ trước đó.
Việc tranh chấp giữa ông V và bà D: năm 2020 thì gia đình bà D có đề nghị gia đình ông V chặt bụi Tre để trả lại đất của ông V hoặc đề nghị ông V bán lại cho bà Dình số cây Tre thì hai bên mới phát sinh tranh chấp.
Phần mồ mả không có quy định về phải cách bao nhiêu mét nhưng thực tế các bên đều công nhận về sự tồn tại của mồ mả trên đất, phần mồ mả này có trước khi giao đất thì như vậy còn phần mồ mả về sau thì anh Th không được biết.
4.8. Lời khai của ông Đinh Sỹ Nh trình bày:
- Về trình tự, thủ tục giao đất lâm nghiệp năm 1997:
Việc triển khai giao đất tại xã H triển khai từ năm 1994 Hiện trạng đất lâm nghiệp trước đó tại thôn N hiện trạng đất là đất nương ót, hiện trạng đất lâm nghiệp lúc đó đa phần là đất làm nương rẫy của các hộ lẻ tẻ không tập trung, do vậy có triển khai trong thôn thông qua họp thôn để các hộ tự thoả thuận với nhau về việc nhận đất, diện tích dưới 2000m2 thì không đo đạc, phần diện tích đó thoả thuận giao cho một chủ quản lý, còn trong trường hợp không thoả thuận được thì phần đất đó coi như không có chủ.
Lúc triển khai là giao theo rộng, khe và nhận từ chân lô cho đến đỉnh lô, không cho các hộ nhận một phần diện tích trong lô đất.
Lúc triển khai xong các hộ tại thôn N không có ý K tranh chấp, các hộ dẫn đoàn đo đạc đi xem xét hiện trạng thửa đất được giao và sau đó tiến hành đo vẽ và thông qua các hộ được xem, được biết và không có tranh chấp thì được cấp đất, trường hợp có tranh tranh chấp thì không được cấp đất cho đến khi giải quyết xong tranh chấp.
Lúc triển khai nếu có suối thì giao cách suối 12m để tránh sói mòn, lở đất.
Nếu đất có Mộ trước đó thì khi giao đất không được phát trồng cây trong phạm vi: 05m từ tim mộ ra để tránh động chạm đến Mộ.
Trên đất nếu có Chè, Xoan, Cọ, Tre thì các hộ có trách nhiệm chặt, khai thác, sử dụng để giao đất cho chủ sử dụng đất, việc có tài sản trên đất không có đồng thời được Nhà nước giao đất.
Trường hợp các hộ không có ý K về tài sản trên đất, không kê khai, đăng ký cấp đất thì coi như từ bỏ không nhận đất và tài sản trên đất.
Việc triển khai trong thời gian từ năm 1994 đến năm 1997, nội dung triển khai theo sự chỉ dẫn của cán bộ và dân tự thoả thuận không có văn bản, đến nay ông Nh không còn giữ các tài liệu liên quan đến việc giao đất năm 1997.
- Về địa danh C là địa điểm có diện tích rộng lớn, trên núi có ụ pháo của Trung Quốc, không có quy hoạch đất quốc phòng:
Nhà bà D có nhà, đất tại Đồi C và bà D có kê khai để được Nhà nước giao đất, trên đất thời điểm năm 1997 có mấy cây Chè của ông V nhưng trên diện tích cụ thể bao nhiêu m2 thì ông Nh không được biết, được biết là vị trí để phần Mộ của bà Lăng Thị K hiện nay là trên đất trồng Chè của bà D.
4.9. Ông Đinh Khắc Ng trình bày: Trong thời gian ông Đinh Khắc Ng làm trưởng thôn không được triển khai khu vực Đồi C không được giao cho các hộ.
Các lần triển khai giao đất đều được thông qua các cuộc họp thôn, có mặt của các hộ trong thôn, các hộ đi nhận đất và kê khai với nhà nước.
Vị trí nhận đất của các hộ đều được công khai tại cuộc họp thôn, các hộ đều được biết vị trí đất của các hộ được nhận, trường hợp các hộ không nhận đất hoặc không có ý K coi như từ bỏ không nhận đất và các hộ khác kê khai để được Nhà nước giao đất.
Thời điểm đó đất lâm nghiệp không có giá trị kinh tế nên nhiều hộ không kê khai để được Nhà nước giao đất.
Đối với vị trí có tranh chấp bà D được kê khai để Nhà nước giao đất, không có tranh chấp, các lần cấp đổi và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa ông V và bà D không có tranh chấp.
- Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát trình bày quan điểm:
Về thủ tục tố tụng: Việc chấp hành pháp luật của những Người tiến hành tố tụng từ khi thụ lý vụ án đến trước khi nghị án tuân theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Việc chấp hành pháp luật của Hội đồng xét, thư ký Toà án: Tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Việc chấp hành pháp luật của đương sự: đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và có tham gia hoà giải, tham gia phiên họp và có mặt theo giấy triệu tập của Toà án và chấp hành tốt nội quy của Toà án.
Về nội dung vụ án: Căn cứ Điều 100, 166 và Điều 203 Luật Đất đai; Điều 26, 34 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 32 Luật tố tụng hành chính:
Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đinh Khắc V Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn bà Đinh Thị D: bà D được sử dụng diện tích đất tranh chấp. Buộc ông V phải chặt bỏ, di rời các tre, cây chè của ông V trên diện tích đất tranh chấp.
Án phí: ông Đinh Khắc V phải chịu án phí, chi phí thẩm định theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh L tại phiên toà. Hội đồng xét xử xét thấy: [1] Về quan hệ tranh chấp, thẩm quyền giải quyết: vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất được thụ lý giải quyết theo khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự và có yêu cầu huỷ quyết định cá biệt của Uỷ ban nhân dân huyện C, tỉnh B, do vậy, căn cứ Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính,vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh B.
[2]Về diện tích đất tranh chấp: Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của đương sự:
2.1. Diện tích tranh chấp có diện tích 782,5m2 (có sơ đồ thể hiện toạ độ, chiều dài các cạnh) được xác định bằng các điểm 1,2,3,8,9,10,11,12,13,1, trong đó phần diện tích 53,2m2 có phần Mộ được xác định bằng các điểm 4,5,6,7 (có sơ đồ, toạ độ, chiều dài các cạnh).
- Phần diện tích tranh chấp thuộc thửa số 13 khoảnh 8 tiểu khu 253 diện tích 0,77ha, theo bản đồ địa chính đo đạc, chỉnh lý năm 2014 thuộc thửa số 1209 bản đồ số 02 diện tích 5.773,2m2.
- Tài sản trên đất bao gồm 04 bụi Tre và cây mọc tự nhiên không đếm số lượng cây và có các cây Chè có đường kính trung bình 03cm.
- Xung quanh đất tranh chấp là đất lâm nghiệp của bà Đinh Thị D hiện trạng trên đất là cây rừng tự nhiên do bà D quản lý và có nền nhà của D.
- Hiện trạng là đất lâm nghiệp có độ dốc lớn.
[3]. Xét yêu cầu khởi kiện của ông Đinh Khắc V và yêu cầu phản tố của bà Đinh Thị D, Hội đồng xét xử nhận định:
Căn cứ lời khai của những Người làm chứng, lời khai đương sự khai thống nhất về trình tự giao đất lâm nghiệp năm 1997, Hội đồng xét xử có căn cứ khẳng định
[3.1]. Về quy trình, thủ tục triển khai giao đất tại thôn N:
Hiện trạng đất lâm nghiệp tại thôn N trước năm 1997 là đất nương ót, là đất làm nương rẫy của các hộ.
Hiện trạng các hộ quản lý đất nương rẫy nhỏ lẻ không thuận lợi cho việc giao đất để quản lý đất lâm nghiệp, toàn thôn có tổ chức họp triển khai đất nương rẫy của các hộ gộp lại và các hộ gia đình nhận đất lâm nghiệp, tự thoả thuận trong nhân dân vị trí nhận đất lâm nghiệp, vị trí nhận đất lâm nghiệp đều được đến thực địa để nhận đất và công khai trong các cuộc họp của thôn.
Để nhận đất được tập trung diện tích đất khoảng vài trăm mét vuông cho đến khoảng 2000m2 thì không kê khai nhận đất, không hạn chế diện tích tối đa được nhận.
Nhận đất từ chân lô và nhận đất theo hiện trạng tự nhiên khe, rông.
Sau khi họp trong thôn thống nhất vị trí nhận đất không có tranh chấp, các hộ gia đình có trách nhiệm dẫn cán bộ đo đạc đến thực địa nhận phần đất của gia đình.
Sau khi hoàn Th việc đo đạc, có tổ chức họp thôn để các hộ kê khai nhận đất lâm nghiệp.
Việc triển khai giao đất tại thôn N được bắt đầu triển khai đến các hộ dân từ năm 1994, trong năm 1995 triển khai giao đất đến năm 1997 tiến hành các thủ tục và UBND cấp có thẩm quyền tiến hành giao đất lâm nghiệp cho các hộ quản lý
[3.2]. Đối với đất có tranh chấp:
[3.2.1]- Xét về chính sách giao đất giao lâm nghiệp:
Hội đồng xét xử nhận định: Chính sách giao đất lâm nghiệp nhằm mục đích bảo vệ rừng, phục hồi rừng, phát triển kinh tế, làm giàu từ rừng được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 2-CP, ngày 15/01/1994.
Tại Điểm b Khoản 1 Điều 14 của Nghị định số 02-CP, ngày 15/01/1994 quy định " Người sử dụng đất lâm nghiệp có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a....
b. Được nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích đất lâm nghiệp được giao".
Đây là chính sách giao đất lâm nghiệp của Nhà nước, Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã thực hiện chính sách của Nhà nước quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Luật đất đai năm 1993 quy định :
"1.
2. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho Người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Tại Khoản 2 Điều 10 của Luật đất đai năm 2003 và Khoản 5 Điều 26 của Luật đất đai năm 2013 tiếp tục kế thừa và quy định.
[3.2.2].Về quá trình kê khai đối với đất có tranh chấp:
Căn cứ vào hồ sơ giao đất lâm nghiệp bà Đinh Thị D được nhà nước giao bao gồm lô đất lâm nghiệp số 13 khoảnh 8 tiểu khu 253, trong đó có phần diện tích tranh chấp.
Năm 2002, khi tiến hành chuyển đổi hồ sơ đất lâm nghiệp sang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà D được UBND huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2014, tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Đinh Thị D được UBND huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong đó có thửa số 1209 tờ bản đồ số 2, phần diện tích tranh chấp thuộc thửa số 1209 tờ bản đồ số 2.
Ông Đinh Khắc V cũng thừa nhận tại thời điểm cấp giao đất năm 1997 được triển khai giao đất, Ông V có kê khai giao đất lâm nghiệp tại vị trí khác và cũng được Nhà nước giao đất lâm nghiệp, ông V cũng thừa nhận không kê khai đối với phần diện tích đất tranh chấp và trong các lần cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2002 và năm 2014, ông V được biết và có thực hiện việc cấp đổi với các thửa đất lâm nghiệp khác.
Như vậy Hội đồng xét xử có căn cứ khẳng định từ năm 1997, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2002, bà Đinh Thị D được Nhà nước giao đất lâm nghiệp đối với thửa số 13 khoảnh 8 tiểu khu 253, trong đó có phần diện tích tranh chấp và năm 2014 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Đinh Thị D được UBND huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số thửa 1209 tờ bản đồ số 2 trong đó có phần diện tích tranh chấp.
- Về nguồn gốc và quá trình quản lý:
Ông Đinh Khắc V trình bày: "nguồn gốc đất tranh chấp có nguồn gốc đất của ông V trồng cây Tre và cây Chè, lý do không kê khai nhận đất với lý do được trưởng thôn triển khai giao đất lâm nghiệp năm 1997 là đất thuộc khu vực Quốc Phòng không giao cho các hộ dân quản lý" Về tình tiết này, Hội đồng xét xử nhận định:
Việc giao đất tại thôn N triển khai từ năm 1994 diễn ra trong nhiều cuộc họp, trong đó triển khai thông qua toàn thôn để các hộ nhận đất, các hộ được nhận đất lâm nghiệp trên cơ sở là đất nương ót của nhiều hộ để đảm bảo việc nhận đất được tập trung, các hộ được dẫn đoàn đi nhận đất tại thực địa, sau khi hoàn Th tiến hành họp thôn để thông qua vị trí đất các hộ đã nhận, trong trường hợp không có tranh chấp thì được Nhà nước giao đất lâm nghiệp, việc triển khai giao đất diễn ra trong thời gian từ năm 1994 đến năm 1997 đều không có tranh chấp.
Bà D khai nhận đất sau giao cho các hộ dân không còn là đất nương ót của các hộ là có căn cứ và trong quá trình giải quyết vụ án bà D không thừa nhận nguồn gốc đất tranh chấp là nương ót của ông Đinh Khắc V là phù hợp với các quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Luật đất đai năm 1993 và các các quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Luật đất đai năm 2003 và Khoản 5 Điều 26 của Luật đất đai năm 2013.
Ông Đinh Khắc V khai nhận tại thời điểm kê khai cấp đất năm 1997, do trưởng thôn triển khai là không cấp đất tại Đồi C do thuộc đất Quốc Phòng, Hội đồng xét xử nhận định về tình tiết này như sau:
- Đối với bà Đinh Thị D sinh sống có làm nhà tại Đồi C từ năm 1977 cho đến năm 2000 mới chuyển nơi khác sinh sống, do vậy việc bà D xin kê khai đất lâm nghiệp xung quanh nhà bà D vào năm 1997 đối với thửa đất số 13 khoản 8 tiểu khu 253 diện tích 0,77ha là đúng quy định.
Xét thấy năm 1997, nhà nước giao đất lâm nghiệp cho bà Đinh Thị D đến năm 2002 cấp đối giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và năm 2014 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Đinh Thị D, không có văn bản của Nhà nước xác định đất đã cấp cho bà Đinh Thị D thuộc đất Quốc Phòng.
Tại biên bản xác minh tại UBND huyện C và UBND xã H Bộ chỉ huy quân sự tỉnh B đều xác nhận đất của bà Đinh Thị D không thuộc quy hoạch đất Quốc Phòng, ông Đinh Khắc Nh cũng khẳng định không được triển khai khu vực đất đã cấp cho bà Đinh Thị D thuộc diện đất Quốc Phòng.
Ông Đinh Khắc V trình bày là không có cơ sở.
Về tình tiết ông Đinh Khắc V trình bày:"trên đất có trồng cây Chè, cây Tre và quản lý liên tục, gia đình bà Đinh Thị D không quản lý đối với khu vực tranh chấp", Hội đồng xét xử nhận định:
- Tại thời điểm cấp đất năm 1997, khi giao nhận đất lâm nghiệp, hiện trạng đất lâm nghiệp còn tồn tại cây Cọ, cây Tre, cây Chè và Mộ trên các thửa đất nương ót của chủ quản lý cũ.
Do vậy khi Người được giao đất lâm nghiệp có trách nhiệm thoả thuận và trả tiền đối với các cây cối, tài sản trên đất cho chủ cũ nếu có yêu cầu, đối với phần Mộ đã có trước đó thì phần đất cách phần Mộ có khoảng cách 05m, như vậy phải hiểu rằng đất có Mộ trên đó thì ngoài phần diện tích Mộ không được trồng cây lâu năm trong phạm vi 05m, diện tích còn lại vẫn giao cho các hộ dân.
Về tình tiết này các bên đương sự đều thừa nhận nên được Hội đồng xét xử xác định là sự thật.
Xét thấy tại thời điểm giao đất năm 1997, ông V không kê khai để được cấp đất và không đề cập đến các tài sản có trên đất tranh chấp để trên cơ sở đó có yêu cầu được bồi thường khi chuyển giao đất, do vậy Hội đồng xét xử đánh giá tại thời điểm năm 1997, ông Đinh Khắc V đã xác định các tài sản là các cây Chè, cây Tre được trồng trước năm năm 1997 nếu có thì không còn thuộc quản lý của gia đình V.
Mặt khác ông V khai trồng các cây Tre trước năm 1993, từ năm 1994 đã triển khai giao đất lâm nghiệp tại thôn N, bà Đinh Thị D không thừa nhận lời trình bày này của ông V, kết quả xem xét thẩm định tại chỗ trên đất có 04 búi tre và các cây Chè lẻ tẻ đường kính dưới 03 cm, không đủ cơ sở để khẳng định đã được trồng trước thời điểm giao đất.
Về tình tiết Ông V khai là phát cây để lấy khai thác lấy Chè hàng nằm là không có cơ sở, bởi lẽ:
- Trên đất có trồng cây Tre thuộc loại có tán lá rộng và độ che phủ lớn, ở phía dưới trồng cây Chè để hái Chè hàng năm là không hợp lý.
- Lời khai của bà Nguyễn Thị V (là em dâu của ông V) trú cùng thôn khai nhận được bà D thuê phát cây thuê cho bà Đinh Thị D tại khu vực có tranh chấp và khẳng định từ năm 1997 hiện trạng đất để cây mọc tự nhiên, không ai canh tác.
- Tại các biên bản xác minh ngày 17/4/2020 xác minh tài sản trên đất có thống kê đến các cây Tre không thống kê đến các cây Chè trên đất.
- Ông V cũng thừa nhận từ năm 1997, ông V không phát cây mà để cây mọc tự nhiên.
Căn cứ hồ sơ giao đất lâm nghiệp số 6276/QĐ-UB,ngày 21/11/1997 thể hiện phần diện tích tranh chấp thuộc lô số 13 khoảnh 8 tiểu khu 253 là loại đất được giao để khoanh nuôi và trong quá trình quản lý ngoài khu vực tranh chấp với ông V, diện tích xung quanh bà D vẫn để cây mọc tự nhiên là phù hợp với quy định của pháp luật là khoanh nuôi.
Xét thấy trong quá trình quản lý bà D vẫn tiến hành cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2014.
Hội đồng xét xử có căn cứ khẳng định bà Đinh Thị D vẫn liên tục quản lý đất với phần diện tích đất có tranh chấp.
Về tính tiết năm 2012, phía gia đình ông V cho rằng được chôn cất phần mộ của bà Lăng Thị K trên đất tranh chấp, đề nghị được quản lý khu đất và có các cây Tre trên đất nên yêu cầu được quản lý toàn bộ khu vực tranh chấp.
Hội đồng xét xử nhận định: Phía gia đình ông V cũng thừa nhận năm 2012 khi đưa phần Mộ của bà Lăng Thị K đến chôn cất trên thửa đất, bà Đinh Thị D lúc đó đã chuyển nơi khác sinh sống nhưng bà D có ý K không đồng ý là hoàn toàn phù hợp với lời khai của bà D, bà D trình bày lúc đó thuộc việc ma chay nên bà D cũng không có ý K tranh chấp.
Xét thấy trong quá trình vụ án: các bên đương sự đã thống nhất phần diện tích có một được xác định bằng các điểm 4,5,6,7 (có sơ đồ, có toạ độ, chiều dài các cạnh kèm thep biên bản xem xét thẩm định tại chỗ) với diện tích 53,2m2 tách ra không xem xét giải quyết trong vụ án, do vậy Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.
Mặt khác việc quản lý việc có 04 cây tre trên đất không đủ cơ sở để ông Đinh Khắc V đòi phần diện tích bao gồm cả các bụi Tre và diện tích xung quanh với tổng diện tích tranh chấp 782,5m2 (bao gồm cả phần diện tích có Mộ).
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đinh Khắc V.
Chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Đinh Thị D xác định đất tranh chấp của bà Đinh Thị D và buộc vợ chồng ông Đinh Khắc V chặt phá, tháo dỡ, di chuyển 04 bụi tre, các cây Chè và tài sản hợp pháp khác của vợ chồng ông V trả lại đất tranh chấp cho bà Đinh Thị D.
[3.5]. Đối với yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CB 964254 - ngày 31/12/2014 của UBND huyện C, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Đinh Thị D và ông Đàm Văn S: Do yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất của ông Đinh Khắc V không được chấp nhận, do vậy không chấp nhận yêu cầu khởi kiện huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
[4]. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Chi phí xem xét thẩm định tổng số tiền: 1.900.000 đ (một triệu chín trăm nghìn đồng), do yêu cầu khởi kiện của ông V không được chấp nhận do đó ông Đinh Khắc V phải chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định.
Số tiền: 5.100.000 đ (năm triệu một trăm nghìn đồng) được trả lại cho ông Đinh Khắc V.
[5]. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Đinh Khắc V phải chịu án phí dân sự sơ thẩm với số tiền: 300.000 đ (ba trăm nghìn đồng) được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 02022 - ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Cục thi hành án dân sự tỉnh B.
Bà Đinh Thị D không phải chịu án phí vụ kiện được trả lại số tiền:
300.000 đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 02086 - ngày 02/4/2021.
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 26; Điều 34; Điều 37; Điều 39; Điều 147; Điều 157, Điều 158 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 166; Điều 203 Luật đất đai 2013; Khoản 2 Điều 2 của Luật đất đai năm 1993; Khoản 2 Điều 10 của Luật đất đai năm 2003 và Khoản 5 Điều 26 của Luật đất đai năm 2013; Điều 32 Luật tố tụng hành chính năm 2015; Điều 2, Điều 14 của Nghị định số 02-CP, ngày 15/01/1994; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng áp phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đinh Khắc V đối với yêu cầu có quyền sử dụng đất (có sơ đồ thể hiện toạ độ, chiều dài các cạnh) được xác định bằng các điểm 1,2,3,8,9,10,11,12,13, có diện tích 729,3m2 (sau khi đã trừ phần diện 53,2m2 có phần Mộ) thuộc thửa số 1209 tờ bản đồ số 2 Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp đo đạc, chỉnh lý năm 2014.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đinh Khắc V yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số số CB 964254 - ngày 31/12/2014 của UBND huyện C, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Đinh Thị D và ông Đàm Văn S.
2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Đinh Thị D: Bà Đinh Thị D có quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được xác định bằng các điểm 1,2,3,8,9,10,11,12,13, có diện tích 729,3m2 (sau khi đã trừ phần diện 53,2m2 có phần Mộ).
Ông Đinh Khắc V có trách nhiệm tháo dỡ, di chuyển, chặt phá 04 bụi tre, các cây Chè và các tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng ông Đinh Khắc V trên phần diện tích đất tranh chấp và trả lại diện tích đất tranh chấp cho bà Đinh Thị D.
3. Phần diện tích 53,2m2 có phần Mộ được xác định bằng các điểm 4,5,6,7 (có sơ đồ, toạ độ, chiều dài các cạnh): Toà án không xem xét giải quyết.
(Có sơ đồ, toạ độ, chiều dài các cạnh kèm theo bản án).
4. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ:
Chi phí xem xét thẩm định tổng số tiền: 1.900.000 đ (một triệu chín trăm nghìn đồng).
Ông Đinh Khắc V phải chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định.
Số tiền: 5.100.000 đ (năm triệu một trăm nghìn đồng) được trả lại cho ông Đinh Khắc V.
5. Về án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:
Ông Đinh Khắc V phải chịu án phí dân sự sơ thẩm với số tiền: 300.000 đ (ba trăm nghìn đồng) được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 02022 - ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Cục thi hành án dân sự tỉnh B.
Bà Đinh Thị D không phải chịu án phí vụ kiện được trả lại số tiền:
300.000 đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 02086 - ngày 02/4/2021 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh B.
“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì Người được thi hành án dân sự, Người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.
Các đương sự có mặt tại phiên toà quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên toà có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án./.
Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 09/2021/DS-ST
Số hiệu: | 09/2021/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 09/06/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về