TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 25/2022/DS-PT NGÀY 18/01/2022 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG
Ngày 18 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 266/2021/DS-PT ngày 17/11/2021 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu bồi thường”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 54/2021/DS-ST ngày 30/9/2021 của Toà án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 265/2021/QĐXX-PT ngày 14/12/2021, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Ngô Thị T, sinh năm 1966.
Địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (có mặt)
- Bị đơn: Ông Đặng Văn G (đã chết)
- Người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Đặng Văn G:
1 - Bà Lê Thị H. (vắng mặt) Địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
2 - Chị Đặng Thị H, chị Đặng Thị C, anh Đặng Văn H.
Địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. (vắng mặt)
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Ủy ban nhân dân xã Y, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn L. Chức vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Y, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. (vắng mặt) Địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Lê Văn L, sinh năm 1960 . (vắng mặt) Địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
- Người làm chứng:
+ Ông Lê Viết V, bà Ngô Thị T.
Địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Cao Xuân H.
Địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Nguyễn Văn P, sinh năm 1962 Địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
+ Bà Nguyễn Thị A, sinh 1974 và ông Phạm Văn Đ, sinh năm 1969.
Địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Trịnh Phú T.
Địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
(Những người này đều vắng mặt không có lý do)
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn bà Ngô Thị T trình bày:
Về nguồn gốc đất tranh chấp: Năm 1999, tôi được gia đình ông Nguyễn Văn P cho phần đất diện tích 1.454,5m2 có tứ cận như sau: Phía Đông giáp suối; Phía Nam giáp đất ông Trịnh Phú T; Phía Tây giáp đất của Ông Hà Đình H (ông H chuyển cho ông Hà Đình T, sau đó T chuyển vợ chồng tôi); Phía Bắc giáp đất của gia đình tôi. Đến năm 2009, tôi có cho ông Đặng Văn G mượn phần đất nói trên để ông G trồng rau. Cuối năm 2009, đầu năm 2010, tôi đồng ý cho ông G mượn đất xây dựng bờ đập, đường mương dẫn nước để ông G làm ăn. Việc cho ông G mượn đất bằng miệng, không có văn bản hay giấy tờ gì cả. Diện tích đất này tôi đã được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 156040, ngày 10/10/2011. Thực tế, diện tích đất này không nằm ở thửa 232 mà nằm ở phía bắc của thửa đất của ông Trịnh Phú T và tiếp giáp với cạnh phía Nam của phần đất tranh chấp.
- Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại: Từ năm 2016, ông G đã viết đơn ra xã kiện tôi để tranh chấp đất bờ đập và đường mương dẫn nước bắt nguồn từ Suối Ea Păl đi qua ruộng của ông Lê Viết V, ruộng của vợ chồng tôi. Khi tôi đến làm trên ruộng có diện tích 3.170,2m2 mà gia đình tôi nhận sang nhượng lại của ông Phạm Văn Đ và bà Nguyễn Thị A vào năm 2015, ông G không cho gia đình tôi bơm nước qua đường mương này, ngăn cản không cho gia đình tôi xuống làm ruộng, gia đình tôi mất 03 năm (06 mùa) không làm được lúa, nên gây thiệt hại. Cụ thể: 01 mùa thu hoạch 03 tấn lúa, trung bình 01 năm thu hoạch 06 tấn lúa. 03 năm thu hoạch 18 tấn. Như vậy, ông G ngăn cản không cho gia đình tôi xuống ruộng để sản xuất gây thiệt hại 18 tấn lúa trong 03 năm, quy ra tiền là 18 tấn x 6.700.000đ/tấn = 120.600.000 đồng (Một trăm hai mươi triệu sáu trăm nghìn đồng).
Vì vậy, tôi yêu cầu Tòa án giải quyết buộc gia đình ông Đặng Văn G (Hiện nay ông Đặng Văn G đã chết thì những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Đặng Văn G là bà Lê Thị H, bà Đặng Thị H, bà Đặng Thị C, ông Đặng Văn H) phải có trách nhiệm:
+ Trả lại cho tôi phần bờ đập và đường mương dẫn nước với diện tích là 570m2 có tứ cận như sau: Phía Đông giáp đất nhà tôi và ông Trịnh Phú T; Phía Tây và phía Bắc giáp đất ông V và đất nhà tôi; Phía Nam giáp đất của nhà tôi và ông T.
+ Bồi thường cho tôi số tiền 120.600.000 đồng (Một trăm hai mươi triệu sáu trăm nghìn đồng).
* Theo đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng tại tòa án bị đơn trình bày:
Tôi (G) có khai hoang được một mảnh đất diện tích khoảng 500 – 600m2 từ năm 1990. Mảnh đất này có một mặt giáp khe suối, một mặt giáp đất bà Ngô Thị T, mặt còn lại giáp đất ông Nguyễn Văn P. Do mảnh đất này thường ngập úng nên chỉ để trồng rau muống, rau khoai. Quá trình sử dụng từ năm 1990 đến năm 2008 thì không có tranh chấp với ai. Vì đất bờ suối thường xảy ra ngập úng, nên tôi đã đổi cho anh Trịnh Phú T một phần còn lại, một phần giáp với gia đình ông Lê Văn L. Tôi dùng làm đập để bơm nước tưới lúa cùng với 04 hộ gia đình gồm có: Cao Xuân H, Lê Viết V, Hà Đình H (Nay là Hà Đình T) và tôi (Đặng Văn G). Nay gia đình ông Lê Văn L cho là đất của ông bà và khởi kiện tôi là không đúng với thực tế. Vì đây là đất của tôi khai phá. Con đập này tôi đắp lên năm 2008. Trước khi làm đập tôi có gọi bà Ngô Thị T xuống chỉ ranh giới xong thì chúng tôi tiến hành công việc. Lúc này không có tranh chấp xảy ra với bà Ngô Thị T cũng như với hộ gia đình nào khác về việc đắp đập làm mương dẫn nước cũng như việc tranh chấp đất đai. Đến khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà T cũng không có ý kiến gì đến phần mương mà chúng tôi xây dựng. Việc đắp đập này không ảnh hưởng đến ruộng đất nhà bà Ngô Thị T. Đến khi ông Lê Văn Đ bán lại đất cho bà Ngô Thị T thì bà T đòi bơm nước sang ruộng riêng nhà bà thì không được tất cả mọi người đồng ý nên mới phát sinh mâu thuẫn, bà T đã đem máy đến múc chân bờ đập nằm trên đất nhà ông G đồng thời phá con mương đi qua ruộng nhà bà A, ông Đ dẫn đến nhà ông H và tôi không thể dẫn nước đến ruộng được. Sau khi bà Ngô Thị T phá mương thì chúng tôi không sử dụng được mương này để dẫn nước, phải dẫn nước từ ruộng nhà ông Lê Viết V qua ruộng nhà ông G và ông H. Sau đó, bà T đòi đập bờ mương của tôi. Đối với yêu cầu khởi kiện của bà Ngô Thị T, chúng tôi không chấp nhận và Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan 1- Đại diện Ủy ban nhân dân xã Y trình bày:
Về nguồn gốc đất tranh chấp: Trước đây thuộc Nông trường cà phê 714 quản lý. Tuy nhiên, các hộ gia đình sinh sống xung quanh khu vực suối tự khai hoang mở rộng bờ lô để sản xuất. Hiện nay, trong bản đồ địa chính có thể hiện con mương dẫn nước do các hộ gia đình tự đóng góp để xây dựng.
Về mương dẫn nước: Do các hộ gia đình ông Trịnh Phú T, Hà Đình H (Nay là Hà Đình T), Lê Viết V, Cao Xuân H và Đặng Văn G cùng góp tiền xây dựng để sử dụng chung. Con mương dẫn nước này được xây dựng giữa đường biên của hai nhà. Đối với diện tích đất đang tranh chấp nằm trong thửa đất 228, tờ bản đồ số 67 là đất giao thông do UBND xã Y đang quản lý. Do đó, bà Ngô Thị T khởi kiện cho rằng diện tích đất đã được đào làm mương dẫn nước là đất của bà Ngô Thị T là không có cơ sở.
Quá trình xây dựng mương dẫn nước thì 05 hộ gia đình không báo cáo với UBND xã, địa chính xã nên UBND xã không nắm được. Khi xảy ra tranh chấp năm 2015 thì UBND xã nắm được toàn bộ sự việc đã cùng các cơ quan, đoàn thể tiến hành hòa giải phân tích diện tích đất đào mương dẫn nước nằm trong tổng diện tích đất công cộng do UBND xã Y quản lý nhưng bà T không đồng ý. Nếu bà T cho rằng đây là đất của bà thì bà Tình phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh ý kiến của mình.
Hiện diện tích đất đang tranh chấp nằm trên đất công cộng của UBND xã Y, do UBND xã quản lý, không cấp cho cá nhân hay hộ gia đình nào sử dụng. Đất là để sử dụng vào mục đích công cộng. Diện tích đất đang tranh chấp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
2- Ông Lê Văn L trình bày:
Ông thống nhất với ý kiến trình bày của nguyên đơn bà Ngô Thị T và không có ý kiến bổ sung gì thêm.
- Người làm chứng:
1- Ông Nguyễn Văn P trình bày:
Năm 1991, tôi có khai hoang mảnh ruộng khoảng 1.400m2 có tứ cận như sau: Phía Đông giáp đất bà T; Phía Tây giáp đất ông T; Phía Nam giáp Suối Ea Păl; Phía Bắc giáp đất nông trường. Đến năm 1999 thì gia đình tôi chuyển đi nơi khác sinh sống thì tôi có cho bà Ngô Thị T diện tích đất này. Thời điểm cho đất này chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc tôi cho đất bà T đã lâu, giờ tôi cũng không nhớ rõ vị trí phần đất mà tôi đã cho bà Tình, việc tranh chấp giữa gia đình bà T với ông G như thế nào tôi không hề biết. Tôi đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
2- Ông Phạm Văn Đ, bà Nguyễn Thị A trình bày:
Năm 2015, gia đình tôi không có nhu cầu sử dụng nên đã sang nhượng cho bà Ngô Thị T thửa đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BI838521, thửa đất số 245, tờ bản đồ số 67, có diện tích là 3170,2m2. Tọa lạc tại Thôn X, xã Y, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Khi sang nhượng chúng tôi chỉ làm giấy tờ tay chưa làm thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện thửa đất vẫn đang đứng tên chúng tôi. Từ tháng 4/2015, tôi đã bàn giao đất và giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà T. Trong quá trình bà T sử dụng đất có cho ai mượn đất hay bán đất lại cho ai thì tôi không rõ. Trước khi bán đất cho bà T thì tôi không có tranh chấp với ai. Còn việc con mương dẫn nước trong đất nhà tôi là đất của nhà tôi, khi chuyển nhượng đất cho bà T thì gia đình tôi chuyển nhượng luôn cả con mương dẫn nước cho bà T. Còn con đường từ nhà đi đến ở đầu ruộng nhà tôi là từ khi ủi ruộng làm lúa nước thì các nhà giúp nhau thống nhất mỗi nhà bỏ ra khoảng 1,5m để làm đường đi, lấy đường cho máy gặt, máy phay đi xuống ruộng. Và đường này là đường đi chung của mọi người và các hộ gia đình làm ruộng ở đấy. Con mương dọc ruộng nhà tôi giáp với nhà ông Lê Viết V, hiện nay mương nước này còn hay không thì tôi không biết. Nay bà T và ông G tranh chấp với nhau liên quan đến mương dẫn nước thì tôi không biết rõ là tranh chấp đoạn mương nào và tranh chấp như thế nào tôi không rõ. Đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
3 - Ông Trịnh Phú T, bà Ngô Thị T trình bày: Vào khoảng năm 1998 đến năm 1999, tôi có mua chị Trịnh Thị N và anh Hà Đình T lô đất khoảng 3.000m2. Lúc đó còn làm màu. Đến năm 2008 hoặc 2009 gì đó, tôi và ông G có đổi khoảng 600m2 ngay góc ruộng, tôi để ông G làm bờ mương để lấy đường mương bơm nước cho mấy hộ tưới nước làm ruộng. Tại thời điểm tôi và ông G đổi đất thì đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc đổi đất của tôi và ông G cụ thể như sau:
Đất ruộng nhà tôi có một mặt giáp suối, và giáp một hỏm đất của ông G. Mỏm đất này giáp sát bờ suối và thấp. Do cần nước tưới cho ruộng nên ông G đã đề nghị với tôi cho ông G được đổi hỏm đất thấp giáp suối của ông G cho tôi, còn tôi cho ông G đắp một con mương dẫn nước đi trên đất của tôi dọc theo bờ lô của tôi. Hiện nay hỏm đất mà ông G đổi cho tôi cùng với diện tích đất của tôi là thửa đất 250, tờ bản đồ số 67 có diện tích 3.735,4m2. Việc đổi đất giữa tôi và ông G chỉ nói bằng miệng mà không có giấy tờ đổi đất. Nay bà T khởi kiện ông G tôi không có ý kiến gì. Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
4 - Ông Lê Viết V trình bày: Vào khoảng năm 1992 khi vào xã Y tôi đã thấy ông G làm ở mảnh đất giáp suối. Đến năm 1998, khi đưa gia đình vào sinh sống tôi vẫn thấy ông G làm. Khi đó tôi làm ngô không có thu nhập nên chúng tôi bảo nhau làm lúa. Do đất của ông G không giáp đất của tôi nên đổi đất cho anh T. Sau khi thống nhất, chúng tôi tiến hành ủi đập, xây mương không xảy ra tranh chấp với ai. Chúng tôi làm lúa được mấy năm thì bà T mua đất của anh Đ và làm được 01 năm thì xảy ra tranh chấp. Bà T mua đất của anh Đ đã làm lúa một thời gian, và sau đó không làm và múc xung quanh có ảnh hưởng đến đất của tôi đang canh tác. Còn lý do vì sao bà T không làm thì tôi không biết. Nay bà T đòi ông G đền bù thì tôi thấy vô lý. Đề nghị Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
Bản án Dân sự sơ thẩm số 54/2021/DS-ST ngày 30/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk đã tuyên xử:
- Căn cứ vào khoản 2, 6 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a, điểm c khoản 1 Điều 39; khoản 1, khoản 4 Điều 91; Điều 147; khoản 1 Điều 157; điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 2 Điều 229; Điều 273; khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Căn cứ Điều 203 Luật Đất đai năm 2013; Điều 584 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn bà Ngô Thị T về việc buộc ông Đặng Văn G phải trả lại diện tích 570m2 đất và bồi thường thiệt hại về tài sản trong 03 năm (2016 – 2019) là 120.600.000 đồng (Một trăm hai mươi triệu sáu trăm nghìn đồng)
1. Buộc Nguyên đơn bà Ngô Thị T phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 2.600.000đ.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 05/10/2021, nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án số 54/2021/DS-ST ngày 30/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của Nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Quan điểm của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk:
- Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đầy đủ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Căn cứ vào các chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ vụ án được làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm, thấy rằng kháng cáo của nguyên đơn là không có căn cứ. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 54/2021/DS-ST ngày 30/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng:
[1.1] Bị đơn kháng cáo trong hạn luật định và nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm hợp lệ. Vì vậy, kháng cáo của bị đơn được xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm là phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung:
[2.1] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn đối với yêu cầu bị đơn trả lại diện tích đất là 570m2 nhận thấy:
Về nguồn gốc đất: Bà T cho rằng bà cho ông G mượn diện tích đất này vào năm 2009 nhưng không được ông G thừa nhận và bà cũng không cung cấp được tài liệu chứng cứ để chứng minh là có sự việc mượn đất giữa bà với ông G. Còn lời khai của những người cùng gia đình ông G thì cho rằng: Phần đất đang tranh chấp có nguồn gốc do ông Đặng Văn G khai hoang và sử dụng từ khoảng năm 1990, đến năm 2008 do ông G và một số hộ dân có nhu cầu nước để phục vụ sản xuất trồng lúa nước, nên ông Đặng Văn G có đổi cho ông Trịnh Phú T để lấy phần đất giáp suối bơm nước và đất làm mương dẫn nước. Việc đổi đất giữa ông T và ông G không lập thành văn bản nhưng được các bên thừa nhận. Sau khi đổi được đất thì ông Đặng Văn G, ông Cao Xuân H, Lê Viết V, Hà Đình H (Nay là Hà Đình T) đã tiến hành đắp đập và đường mương dẫn nước vào tháng 10 năm 2008. Mặt khác, tại thời điểm các hộ dân tiến hành đắp đập, làm mương để dẫn nước tưới tiêu cho đến năm 2011 các hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phần đất tiếp giáp với bờ đập và phần đất có mương dẫn nước này đều không ai có ý kiến gì đối với phần đất được cấp kể cả bà Ngô Thị T.
Ngoài ra, tại biên bản thẩm định tại chỗ ngày 13/01/2020 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar cho thấy: Phần đất mà bà T khởi kiện yêu cầu ông G trả lại không nằm trong phần đất mà bà T đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phần đất đang tranh chấp là phần mương dẫn nước được xác định như sau:
Phần mương thứ nhất có tứ cận như sau: Phía Đông giáp lô đất tại thửa đất 250, cạnh dài 68m; Phía Tây giáp thửa 241 và thửa 248, cạnh dài 68m; Phía Nam giáp thửa 257, cạnh dài 0,4m; Phía Bắc giáp phần mương thứ hai cạnh dài 0,4m. Có diện tích 27,2 m2 Phần mương thứ hai có tứ cận như sau: Phía Đông giáp suối Ea Păl, cạnh dài 07m; Phía Tây giáp phần mương thứ nhất, cạnh dài 08m; Phía Nam giáp phần đất mà bà T cho rằng đây là thửa 232 (thực tế là thửa 250), cạnh dài 27,4m; Phía Bắc giáp thửa 238, cạnh dài 27,4m, có diện tích 205,5m2. Như vậy, hai phần mương này có tổng diện tích là 232,7m2, chứ không phải là 570m2 như khởi kiện của bà Ngô Thị T.
Quá trình xác minh tại chính quyền địa phương thể hiện: Phần diện tích đất giữa bà Ngô Thị T và ông Đặng Văn G đang tranh chấp có nguồn gốc là của Nông trường 714 quản lý. Đến ngày 15/3/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 533/QĐ-UBND về việc thu hồi 20.795.558m2 đất của Nông trường 714 (Trong đó có diện tích đất đang tranh chấp) để giao cho UBND huyện E quản lý. Diện tích đất đang tranh chấp thuộc thôn 7, xã Y không thuộc thửa đất của hộ cá nhân nào, mà thuộc đất giao thông DGT 228, mục đích sử dụng: Đường giao thông công cộng.
Như vậy, đã có đủ cơ sở xác định phần đất đang tranh chấp là đất giao thông DGT 228, mục đích sử dụng: Đường giao thông công cộng; thuộc quyền quản lý của nhà nước. Cụ thể, UBND xã Y đang trực tiếp quản lý. Trước khi bà Ngô Thị T khởi kiện thì ông Đặng Văn G đã không sử dụng phần diện tích này.
Vì vậy, Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Ngô Thị T về việc buộc ông Đặng Văn G trả lại 570m2 đất là có căn cứ.
[2.2] Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền 120.600.000 đồng (Một trăm hai mươi triệu sáu trăm nghìn đồng).
Do không có cơ sở để công nhận diện tích đất 570m2 mà nguyên đơn khởi kiện như đã nêu ở mục [2.1] nêu trên, nên việc bà T yêu cầu gia đình ông Đặng Văn G (Hiện nay ông Đặng Văn G đã chết thì những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Đặng Văn G là bà Lê Thị H, bà Đặng Thị H, bà Đặng Thị C, ông Đặng Văn H) phải bồi thường thiệt hại là không có căn cứ. Hơn nữa, phần diện tích đất mà bà T cho rằng ông G ngăn cản không cho bà T làm trên đất không có mặt nào tiếp giáp với phần đất của ông G, phần phía Tây của lô đất giáp đường nội đồng là con đường đi chung của các hộ dân canh tác ở phía trong, mà phần tiếp giáp này bà T đã múc hố sâu để trữ nước. Vì vậy, việc bà T xuống ruộng canh tác rất thuận lợi. Mặc dù ngày 28/02/2020, bà Ngô Thị T cung cấp cho Tòa án 01 Đơn trình bày, có xác nhận của Ban tự quản thôn xác nhận có đám ruộng bỏ không 03 năm, nhưng không xác đinh nguyên nhân bỏ canh tác. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà T đã cung cấp cho Tòa án một số hình ảnh chứng minh việc gia đình ông G ngăn cản việc gia đình bà canh tác tại thửa đất số 254, tờ bản đồ số 67. Tuy nhiên việc trồng lúa trên đất là một quá trình canh tác kéo dài thường xuyên, liên tục, những hình ảnh của bà T cung cấp chỉ chứng minh được sự việc tranh chấp chứ không chứng minh được thiệt hại do gia đình ông G gây ra.
Từ những phân tích nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy kháng cáo của bà Ngô Thị T là không có căn cứ để chấp nhận, vì vậy cần giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar là phù hợp.
[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do không chấp nhận yêu cầu kháng cáo nên nguyên đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Ngô Thị T. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 54/2021/DS-ST ngày 30/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
- Áp dụng khoản 2, 6 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a, điểm c khoản 1 Điều 39; khoản 1, khoản 4 Điều 91; Điều 147; khoản 1 Điều 157; điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 2 Điều 229; Điều 273; khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Áp dụng Điều 203 Luật Đất đai năm 2013; Điều 584 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 26, Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn bà Ngô Thị T về việc buộc ông Đặng Văn G phải trả lại diện tích 570m2 đất và bồi thường thiệt hại về tài sản trong 03 năm (2016 – 2019) là 120.600.000 đồng (Một trăm hai mươi triệu sáu trăm nghìn đồng)
[2] Về chi phí tố tụng:
Buộc Nguyên đơn bà Ngô Thị T phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 2.600.000đ.
[3] Về án phí:
3.1 Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Ngô Thị T phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch đối với yêu cầu buộc ông Đặng Văn G trả lại 570m2 đất. Bà Ngô Thị T phải chịu 6.030.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch theo mức 120.600.000đ x 5%. Tổng cộng số tiền án phí mà bà Ngô Thị T phải chịu là 6.330.000 đồng.
Được khấu trừ vào 375.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo Biên lai thu số AA/2017/0004781, ngày 26/12/2018; 2.512.500 đồng tiền tạm ứng án phí theo Biên lai thu số AA/2017/0004782, ngày 26/12/2018; 502.500 đồng tiền tạm ứng án phí theo Biên lai thu số AA/2017/0012942, ngày 02/4/2019.
Số tiền án phí dân sự sơ thẩm còn lại Nguyên đơn bà Ngô Thị T phải nộp là 2.940.000 đồng (Hai triệu chín trăm bốn mươi nghìn).
3.2 Án phí dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn bà Ngô Thị T phải chịu 300.000 (Ba trăm ngàn đồng) án phí dân sự phúc thẩm được khẩu trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 60AA/2021/0005548 ngày 20/10/2021 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu bồi thường số 25/2022/DS-PT
Số hiệu: | 25/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 18/01/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về