TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
BẢN ÁN 26/2022/DS-PT NGÀY 28/07/2022 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT, YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN
Ngày 28 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 08/2022/TLPT-DS ngày 13 tháng 5 năm 2022 về việc Tranh chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2022/DS-ST ngày 28 tháng 3 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 19/2022/QĐ-PT ngày 29 tháng 6 năm 2022, Quyết định hoãn phiên tòa số: 37/2022/QĐ-PT ngày 14 tháng 7 năm 2022, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Chu Văn A. Cư trú tại: Khu P, thị trấn L, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:
1. Ông Bế Quang H; có mặt.
2. Ông Chu Thế V; có mặt.
Luật sư Văn phòng luật sư H, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn.
- Bị đơn: Bà Trịnh Thị L. Cư trú tại: Khu N, thôn H, xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Trịnh Thị L: Anh Vi Văn H. Cư trú tại: Thôn H, xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn (văn bản ủy quyền ngày 21-02-2022); có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
1. Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Xuân M: Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện L, tỉnh Lạng Sơn (văn bản ủy quyền ngày 14-12- 2021); vắng mặt.
2. Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lương Đình O: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn (văn bản ủy quyền ngày 15-02-2022); vắng mặt.
3. Bà La Thị T. Cư trú tại: Khu P, thị trấn L, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
4. Chị Vi Thị D. Cư trú tại: Thôn K, xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
5. Anh Vi Đức V; vắng mặt.
6. Chị Vi Thị Thu G; có mặt.
7. Anh Vi Văn T; vắng mặt.
8. Chị Vi Thị S; vắng mặt.
9. Anh Vi Văn K; vắng mặt.
10. Anh Vi Văn H; có mặt.
Cùng cư trú tại: Thôn H, xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn.
Người đại diện theo ủy quyền của chị Vi Thị D, anh Vi Đức V, chị Vi Thị Thu G, anh Vi Văn T, chị Vi Thị S, anh Vi Văn K: Anh Vi Văn H. Cư trú tại: Thôn H, xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn (văn bản ủy quyền ngày 23-02-2022); có mặt.
- Người làm chứng:
1. Ông Trần Văn T, sinh năm 1959. Cư trú tại: Thôn K II, xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
2. Bà Trần Thị H, sinh năm 1966. Cư trú tại: Khu P, xã H, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
3. Bà Hoàng Thị N, sinh năm 1955. Cư trú tại: Khu M, thị trấn L, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
4. Ông Hoàng Văn N, sinh năm 1962. Cư trú tại: Khu P, thị trấn L, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
5. Ông Nông Xuân H, sinh năm 1953. Cư trú tại: Số nhà 35, khu M, thị trấn L, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
6. Ông Đường Trường S, sinh năm 1960. Cư trú tại: Khu C, thị trấn L, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
7. Ông Nông Văn C, sinh năm 1974. Cư trú tại: Thôn K II, xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
8. Ông Nông Văn H. Cư trú tại: Thôn P, xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
9. Ông Hoàng Văn N1, sinh năm 1963. Cư trú tại: Xóm N, khu P, thị trấn L, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
10. Ông Chu Văn B, sinh năm 1962. Cư trú tại: Số 6, khu P, thị trấn L, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
- Người kháng cáo: Ông Chu Văn A, là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và Bản án dân sự sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ông Chu Văn A có vợ là bà La Thị T.
Anh Vi Đức V, chị Vi Thị D, chị Vi Thị Thu G, anh Vi Văn T, chị Vi Thị S, anh Vi Văn K, anh Vi Văn H là con của bà Trịnh Thị L và ông Vi Văn B (đã chết năm 1997).
Thửa đất số 1075, tờ bản đồ địa chính đất lâm nghiệp số 01 xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn (viết tắt là thửa đất số 1075) có tổng diện tích 4.358m2 đất RSX quy chủ là bà Trịnh Thị L. Thửa đất trên đã được Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn (viết tắt là UBND huyện) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (viết tắt là GCNQSDĐ) số BD612907 ngày 10-9-2011 cho bà Trịnh Thị L.
Thửa đất số 1076, tờ bản đồ địa chính đất lâm nghiệp số 01 xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn (viết tắt là thửa đất số 1076) có tổng diện tích 12.807m2 đất RSX quy chủ là bà Trịnh Thị L. Thửa đất trên đã được UBND huyện cấp GCNQSDĐ số BD612908 ngày 10-9-2011 cho bà Trịnh Thị L.
Thửa đất số 1159, tờ bản đồ địa chính đất lâm nghiệp số 01 xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn (viết tắt là thửa đất số 1159) có tổng diện tích 8.110m2 đất RSX quy chủ là bà Trịnh Thị L. Thửa đất trên đã được UBND huyện cấp GCNQSDĐ số BD612909 ngày 10-9-2011 cho bà Trịnh Thị L.
Thửa đất số 1196, tờ bản đồ địa chính đất lâm nghiệp số 01 xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn (viết tắt là thửa đất số 1196) có tổng diện tích 12.085m2 đất RSX quy chủ là bà Trịnh Thị L. Thửa đất trên đã được UBND huyện cấp GCNQSDĐ số BD612910 ngày 10-9-2011 cho bà Trịnh Thị L.
Thửa đất số 1195, tờ bản đồ địa chính đất lâm nghiệp số 01 xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn (viết tắt là thửa đất số 1195) có tổng diện tích 145.191m2 đất RSX quy chủ Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn (viết tắt là UBND xã Đ) chưa được cấp GCNQSDĐ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nào.
Theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 12-01-2022 xác định: Đất tranh chấp có tổng diện tích là 1.014,3m2 đất RSX tại thôn H, xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, trong đó: 105,3m2 thuộc một phần thửa đất số 1195 và 909m2 thuộc một phần thửa đất số 1075. Trên đất có 01 cây thông (đã thực hiện làm giám định), 02 cây bạch đàn, 02 cây sở, 09 cây gỗ thông thường, 01 cây trám và các gốc vầu đã bị chặt có mật độ 03cây/m2. Giá trị đất theo giá thị trường 9.000đồng/m2.
Kết luận giám định tư pháp ngày 18-02-2022 của Giám định viên ông Đinh Thanh T kết luận: Việc UBND huyện cấp GCNQSDĐ ngày 10-9-2011 đối với thửa đất số 1075 cho bà Trịnh Thị L được thực hiện đúng theo quy trình tại khoản 2 Điều 135 Nghị định số: 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ, đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Đất đai năm 2003. Tuy nhiên, theo đơn xin cấp GCNQSDĐ ngày 25-10-2008 tại phần người sử dụng đất ghi là hộ bà Trịnh Thị L nhưng khi cấp GCNQSDĐ lại là bà Trịnh Thị L, UBND huyện cần kiểm tra, rà soát, đính chính lại nếu có sai sót để đảm bảo việc cấp GCNQSDĐ đúng đối tượng.
Kết luận giám định tuổi cây ngày 18-01-2022 của Giám định viên ông Triệu Lương H kết luận: Cây thông trên diện tích đất tranh chấp (theo yêu cầu giám định của nguyên đơn) có tuổi là 19 ± 1 năm tuổi, tương đương với năm trồng là 2003 (sai số có thể cộng trừ 01 năm tuổi).
Kết luận giám định tuổi cây ngày 10-02-2022 của Giám định viên ông Triệu Lương H kết luận: Cây thông trên diện tích đất không có tranh chấp (theo yêu cầu giám định của bị đơn) có tuổi là 18 ± 1 năm tuổi, tương đương với năm trồng là 2004 (sai số có thể cộng trừ 01 năm tuổi).
Tại cấp sơ thẩm:
Theo đơn khởi kiện nguyên đơn xác định đất tranh chấp có diện tích khoảng 725m2 nằm trong một phần thửa đất số 1075 đã được cấp GCNQSDĐ cho bị đơn. Sau khi có kết quả xem xét thẩm định tại chỗ, nguyên đơn xác định đất tranh chấp có diện tích 1.014,3m2 trong đó: 105,3m2 huộc một phần thửa đất số 1195 và 909m2 thuộc một phần thửa đất số 1075. Phần đất nguyên đơn đang sử dụng trồng cây keo năm 2020 hiện không có tranh chấp sát liền kề đất tranh chấp có diện tích 5.159m2 thuộc một phần thửa đất số 1195. Nguyên đơn xác định khoảng 800m2 đất tranh chấp thuộc một phần diện tích đất do vợ chồng nguyên đơn khai hoang vào năm 1990 rồi trồng 90 thông, cây trám trên cả khu đất cũng vào năm 1990 và tiếp tục trồng 01 gốc vầu vào đất tranh chấp năm 1994. Đất tranh chấp còn lại khoảng 200m2 trước năm 1994 do ông Phùng Văn K canh tác trồng sắn. Sau năm 1994, ông Phùng Văn K vào miền Nam sinh sống nên nguyên đơn đã quản lý diện tích đất này. Tổng diện tích khu đất gia đình nguyên đơn khai phá (có cả phần đất đang tranh chấp) là hơn 6.000m2, giữa đất tranh chấp và đất không có tranh chấp mà nguyên đơn đang sử dụng có đường hào từ xưa để lại. Năm 2011, nguyên đơn bắt đầu cạo nhựa thông trên cả khu đất và không có tranh chấp với ai. Năm 2019, nguyên đơn khai thác (lấy gỗ) các cây thông đã trồng trên cả khu đất (cả trên phần đất tranh chấp). Tuy nhiên, có cây thông cong queo trên đất tranh chấp nên không khai thác. Khi khai thác, nguyên đơn có thông báo đến Hạt Kiểm lâm của huyện theo quy định. Trong quá trình quản lý sử dụng hơn 6.000m2 đất tại đây và phần đất rừng khác gần khu đất tranh chấp gia đình nguyên đơn chưa kê khai cấp GCNQSDĐ. Gia đình bị đơn không hề có quá trình quản lý, sử dụng đất tranh chấp, việc bị đơn được cấp GCNQSDĐ đối với phần đất tranh chấp khi nào nguyên đơn không nắm được. Đối với cây trên đất tranh chấp nguyên đơn xác định: Cây thông đã thực hiện giám định là do nguyên đơn trồng năm 1990, các cây vầu trên đất nguyên đơn trồng năm 1994, bị đơn đã phá bỏ năm 2021 chỉ còn lại gốc, 02 cây bạch đàn mọc từ mầm chồi, 09 cây gỗ thông thường là do mọc tự nhiên, 01 cây trám và 02 cây sở do nguyên đơn trồng nhưng không nhớ rõ năm. Nguyên đơn yêu cầu được quản lý sử dụng 1.014,3m2 đất đang có tranh chấp, được quyền sở hữu tài sản trên đất, bị đơn phải bồi thường thiệt hại cây vầu đã bị chặt là 13.693.500đồng và yêu cầu xem xét GCNQSDĐ của bị đơn đối với đất tranh chấp. Nguyên đơn đã nộp tạm ứng chi phí tố tụng số tiền 27.000.000đồng và đề nghị giải quyết chi phí này theo quy định. Do là người cao tuổi nên nguyên đơn xin được miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Bà La Thị T nhất trí với ý kiến nguyên đơn đã đưa ra ở trên.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Trịnh Thị L là anh Vi Văn H trình bày: Bị đơn không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bởi không có căn cứ pháp luật. Đất tranh chấp có nguồn gốc thuộc một phần đất gia đình bị đơn quản lý, sử dụng từ năm 1975, gia đình bị đơn đã đào đường hào làm ranh giới. Trong quá trình quản lý sử dụng đất, gia đình bị đơn đã được cấp Sổ xanh và sau này được cấp GCNQSDĐ đối với nhiều thửa đất rừng trong đó có thửa đất số 1075. Quá trình sử dụng không ai có tranh chấp đất đai, gia đình bị đơn có trồng thông trên đất tranh chấp và cả phần đất không có tranh chấp tại thửa đất số 1075 vào năm 2003. Sau đó, gia đình đã khai thác nhiều lần, gần hết số cây thông đã trồng trên khu đất vào năm 2021. Năm 2020, nguyên đơn mới trồng rừng keo trên phần đất của mình sát đất tranh chấp (có đường hào ranh giới), còn trước đó thì nguyên đơn không trồng gì. Năm 2021, khi bị đơn chặt các cây vầu trên đất để trồng cây mới thì mới có tranh chấp. Các cây trồng trên đất tranh chấp gồm cây trám, cây sở, cây gỗ thông thường, cây vầu đều là cây mọc tự nhiên, còn cây thông đã thực hiện giám định là do bị đơn trồng cùng thời điểm với các cây thông trên đất không tranh chấp mà bị đơn đã khai thác hiện còn sót lại vài cây trong đó có 01 cây đã thực hiện giám định. Bị đơn đã nộp tạm ứng chi phí tố tụng số tiền 12.000.000đồng, bị đơn tự chịu chi phí giám định cây thông trên đất không có tranh chấp là 9.790.000đồng, còn các chi phí khác đề nghị giải quyết theo quy định. Do là người cao tuổi nên bị đơn đề nghị được miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phía bị đơn gồm anh Vi Đức V, chị Vi Thị D, chị Vi Thị Thu G, anh Vi Văn T, chị Vi Thị S, anh Vi Văn K, anh Vi Văn H nhất trí với ý kiến của bị đơn đã đưa ra ở trên.
Đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn trình bày: Việc UBND huyện cấp GCNQSDĐ ngày 10-9-2011 cho bị đơn đối với thửa đất số 1075 là đúng trình tự, thủ tục, đối tượng sử dụng đất tại thời điểm cấp giấy. Trước khi cấp giấy, UBND huyện không nhận được đơn kiến nghị, đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai với thửa đất, không có ai thắc mắc hoặc khiếu nại gì về kết quả niêm yết danh sách các trường hợp đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ. Thửa đất số 1195 có tổng diện tích 145.191m2 được quy hoạch là đất RSX, chỉ có một phần nhỏ quy hoạch là đất ở tại nông thôn, thửa đất này đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ theo quy định, tài sản trên đất được phép tồn tại.
Đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn trình bày: Thửa đất số 1195 có tổng diện tích 145.191m2 đất rừng sản xuất, quy chủ UBND xã Đ nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ cho ai. UBND xã không quản lý, không yêu cầu quản lý thửa đất này. Tài sản trên đất là cây vầu, cây thông, cây trám ... không rõ do ai trồng. UBND xã đề nghị giải quyết đất tranh chấp tại thửa đất này theo quy định của pháp luật và không có ý kiến, yêu cầu đề nghị gì.
Những người làm chứng về phía gia đình nguyên đơn gồm có ông Trần Văn T, bà Trần Thị H, bà Hoàng Thị N, ông Hoàng Văn N, ông Nông Xuân H, ông Đường Trường S, ông Nông Văn C, ông Nông Văn H, ông Chu Văn B cho biết: Đất tranh chấp và cây trên đất là của nguyên đơn, họ chưa từng thấy bị đơn quản lý đất và trồng cây trên đất. Tuy nhiên, mốc thời gian về việc trồng cây trên đất của nguyên đơn những người làm chứng khai không đồng nhất nhau.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2022/DS-ST ngày 28-3-2022 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, đã quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được quản lý, sử dụng đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản cụ thể: Nguyên đơn và bà La Thị T được quyền quản lý và sử dụng diện tích 105,3m2 đất thuộc một phần thửa đất số 1195. Nguyên đơn và bà La Thị T có nghĩa vụ đăng ký, kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho nguyên đơn số cây vầu đã chặt trên diện tích 105,3m2 với tổng số tiền là 1.422.000đồng.
2. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn được quản lý, sử dụng 909m2 đất thuộc một phần thửa đất số 1075 theo GCNQSDĐ ngày 10-9-2011 do UBND huyện cấp cho bị đơn. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải bồi thường số cây vầu đã chặt trên diện tích 909m2 với tổng số tiền là 12.271.000 đồng. Bị đơn được quản lý và sử dụng diện tích 909m2 đất thuộc một phần thửa đất số 1075 theo GCNQSDĐ ngày 10-9-2011 do UBND huyện cấp cho bị đơn và sở hữu tài sản trên đất.
3. Buộc bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phía bị đơn phải chấm dứt hành vi tranh chấp quyền sử dụng đất tại mục 1 với nguyên đơn và bà La Thị T.
4. Buộc nguyên đơn, bà La Thị T phải chấm dứt hành vi tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại mục 2 với bị đơn.
Ngoài ra, Bản án còn tuyên về nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng, lãi suất chậm trả, án phí, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Trong thời hạn luật định, nguyên đơn ông Chu Văn A kháng cáo đề nghị sửa một phần Bản án sơ thẩm, ông không chấp nhận toàn bộ mục 2 phần quyết định của Bản án, ông yêu cầu được quyền quản lý, sử dụng diện tích 909m2 đất thuộc một phần thửa đất số 1075 đã được cấp GCNQSDĐ cho bị đơn và sở hữu tài sản trên đất, yêu cầu bị đơn phải bồi thường giá trị cây vầu đã chặt là 12.271.000đồng trên diện tích đất trên.
Cấp phúc thẩm đã yêu cầu các đương sự cung cấp chứng cứ và trả lời làm rõ về việc giao đất, giao rừng của gia đình bị đơn; đồng thời, yêu cầu các cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến đất tranh chấp. Qua đó, xác định được các vấn đề sau:
Theo Sổ lâm bạ xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn năm 1994 thống kê hiện trạng rừng và đất trồng rừng khi nhận đất rừng tại thôn H thể hiện: Bản đồ giao đất giao rừng, ông Vi Văn B đứng tên lô 66, tiểu khu (khoảnh) II, địa danh N, diện tích 1,25ha, thuộc loại rừng sản xuất, trạng thái rừng trồng, loại cây chủ yếu: Thông và bạch đàn theo Quyết định số 262. Theo Sổ lâm bạ xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn năm 1995 thống kê hiện trạng rừng và đất trồng rừng khi nhận đất rừng tại thôn H thể hiện: Khi chuyển sang Bản đồ giao đất lâm nghiệp Dự án C.H.L.B Đức năm 1995, ông Vi Văn B đứng tên lô 181, tiểu khu (khoảnh) II, địa danh N, diện tích 1,25ha, thuộc loại rừng sản xuất, trạng thái rừng trồng, loại cây chủ yếu: Thông và bạch đàn theo Quyết định số 262.
Ngày 08-6-2022, Giám định viên ông Triệu Lương H có Văn bản số 21/CV-HKL ngày 08-6-2022 về việc giám định tuổi cây. Tại văn bản này thể hiện quy trình, các bước, điều kiện cụ thể ... để thực hiện việc giám định tuổi cây theo quy định của pháp luật.
Ngày 14-7-2022, cấp phúc thẩm nhận được kết quả số hóa, chồng ghép Bản đồ giao đất lâm nghiệp Dự án C.H.L.B Đức với Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn thể hiện: Thửa đất số 1075 không thuộc lô 181 tiểu khu (khoảnh) II, địa danh N, diện tích 1,25ha, thuộc loại rừng sản xuất, trạng thái rừng trồng, loại cây chủ yếu: Thông và bạch đàn, theo Quyết định số 262 giao cho ông Vi Văn B.
Ngày 18-7-2022, Hạt Kiểm lâm huyện L, tỉnh Lạng Sơn có Văn bản số:
86/CV-KL về việc cung cấp tài liệu chứng cứ thể hiện: Việc sinh trưởng phát triển bình thường của cây vầu, việc khai thác, quản lý lâm sản của các hộ gia đình trên địa bàn huyện.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Ông Chu Văn A giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, giữ nguyên nội dung kháng cáo. Bà La Thị T nhất trí với nội dung kháng cáo của ông Chu Văn A.
Anh Vi Văn H không chấp nhận các nội dung kháng cáo của ông Chu Văn A, anh đề nghị giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm.
Người làm chứng bà Hoàng Thị N cho biết: Mặc dù bà không có đất rừng tại khu vực tranh chấp nhưng từ năm 1990 bà đã đi qua khu vực tranh chấp thì có thấy nguyên đơn quản lý đất, chăm sóc cây thông, cây vầu ... trên đất. Khu đất này trước đây là đất hoang, các cây trên đất do ai trồng, trồng khi nào bà không chứng kiến, diện tích đất tranh chấp giữa các bên ra sao bà không nắm rõ; theo bà việc phân chia ranh giới đất ruộng thường là các bờ bao, còn việc phân chia ranh giới đất rừng giữa các chủ đất thường là đường hào, đường nước chảy.
Người làm chứng ông Nông Xuân H cho biết: Tuy ông không có đất đai gần đất tranh chấp nhưng năm 2005 ông có được vào khu đất tranh chấp mua vầu, hái măng với nguyên đơn và sau này ông cũng được vào đó hái măng, mua vầu nhiều lần của nguyên đơn. Ông không chứng kiến nguyên đơn trồng thông, trồng vầu trên đất tranh chấp nhưng ông cũng thừa nhận thông thường việc phân chia ranh giới đất rừng giữa các chủ đất thường là đường hào, đường nước chảy.
Người làm chứng ông Nông Văn C cho biết: Khi còn nhỏ ông thường đi chăn trâu gần đất tranh chấp. Diện tích đất tranh chấp cụ thể giữa các bên ra sao ông không nắm rõ. Trước đây khu đất này là đất trống, sau này ông có thấy cây thông, cây vầu trên đất. Theo ông, cây vầu là do nguyên đơn trồng tại khu vực đất trước đây do người khác để lại cho nguyên đơn sử dụng. Nhà ông cũng có đất rừng và việc phân chia ranh giới đất rừng giữa các chủ đất thường là đường hào, đường nước chảy.
Người làm chứng ông Hoàng Văn N1 cho biết: Ông không chứng kiến việc nguyên đơn trồng cây trên đất tranh chấp, ông cũng không xác định được chính xác diện tích đất tranh chấp giữa các bên cụ thể ra sao. Nhà ông cũng có đất rừng và thông thường việc phân chia ranh giới đất rừng giữa các chủ đất thường là đường hào, đường nước chảy.
Người làm chứng ông Chu Văn B cho biết: Khi ông đi làm ruộng vườn, chăn trâu thường xuyên qua đường rừng P, ông thấy nguyên đơn sử dụng đất, chăm sóc cây trên đất không có tranh chấp với ai. Do không có mặt khi Tòa án xem xét thẩm định tại chỗ nên ông không xác định được diện tích đất tranh chấp cụ thể giữa các bên. Nhà ông cũng có đất rừng và việc phân chia ranh giới đất rừng giữa các chủ đất thường là đường hào, đường nước chảy.
Ông Bế Quang H, ông Chu Thế V là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Đất tranh chấp do nguyên đơn quản lý, sử dụng từ năm 1990, nguyên đơn trồng cây thông và cây trám vào năm 1990 sau đó trồng dặm cây thông nhiều lần và trồng cây vầu vào năm 1994. Do vậy, nguyên đơn không thể xác định được chính xác năm trồng cây thông đã giám định, thực tế trên đất có các cây vầu đã bị bị đơn chặt vào năm 2021. Qua văn bản của Hạt Kiểm lâm huyện thì cây vầu không thể mọc tự nhiên. Việc trồng cây trên đất và việc quản lý đất của nguyên đơn được nhiều người làm chứng xác nhận. Đường hào giữa phần đất tranh chấp với phần đất nguyên đơn đang sử dụng không có tranh chấp có từ trước để lại, đây không phải là đường phân chia ranh giới đất giữa nguyên đơn và bị đơn. Mặt khác, diện tích đất tại Sổ xanh của nhà bị đơn không thuộc phần đất đang có tranh chấp. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn, sửa Bản án sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật tố tụng và giải quyết vụ án cụ thể như sau:
1. Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Quá trình thụ lý, giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa đã được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình; có đương sự vắng mặt nhưng đã có ủy quyền, có đơn xin xét xử vắng mặt; có người làm chứng vắng mặt nhưng đã có đề nghị xét xử vắng mặt hoặc đã có ý kiến trong hồ sơ vụ án. Nên Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án là đúng quy định của pháp luật.
2. Về việc giải quyết kháng cáo: Căn cứ vào nguồn gốc đất tranh chấp; căn cứ vào quá trình quản lý, sử dụng đất; căn cứ các kết luận giám định tuổi cây thông; căn cứ kết luận giám định về hồ sơ cấp GCNQSDĐ của bị đơn; căn cứ vào hiện trạng thực tế có đường hào phân định ranh giới rõ ràng từ nhiều năm đã được cấp sơ thẩm thu thập. Đồng thời, căn cứ các tài liệu chứng cứ do cấp phúc thẩm đã thu thập bổ sung như kết quả chồng ghép bản đồ, văn bản trả lời của Hạt Kiểm lâm huyện có đủ cơ sở xác định: Diện tích 909m2 đất tranh chấp thuộc một phần thửa đất số 1075 thuộc quyền quản lý sử dụng của bị đơn nên yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn là không có căn cứ để chấp nhận. Đối với nội dung kháng cáo yêu cầu hủy một phần GCNQSDĐ đối với diện tích đất tranh chấp tại thửa đất số 1075 thuộc kháng cáo quá hạn và không được thụ lý nên Viện kiểm sát không nhận định, đánh giá. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm có thiếu sót tại mục 5 phần quyết định của Bản án đã giải quyết gộp cả phần chi phí tố tụng và tiền bồi thường thiệt hại về tài sản để tính toán và khấu trừ là không đảm bảo đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự nên cần phải sửa nội dung này để đảm bảo quyền lợi cho các bên. Do sửa Bản án sơ thẩm nên nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; xử không chấp nhận kháng cáo của ông Chu Văn A; sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2022/DS-ST ngày 28-3-2022 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn như phân tích ở trên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thủ tục tố tụng: Phiên tòa mở lần thứ 2 và đã được triệu tập hợp lệ, có đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự tuy vắng mặt nhưng người đại diện theo uỷ quyền có mặt hoặc có đơn xin xét xử vắng mặt; có người làm chứng vắng mặt nhưng đã có đề nghị xét xử vắng mặt, có người vắng mặt không có lý do. Căn cứ Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt những người này.
[2] Về yêu cầu khởi kiện: Tại khoản 1 Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Như vậy, xem xét hủy quyết định cá biệt không phải là yêu cầu của đương sự. Mặt khác, dù đương sự không yêu cầu thì trách nhiệm của Tòa án khi giải quyết vụ việc dân sự vẫn phải xem xét về quyết định cá biệt.
[3] Xét kháng cáo của nguyên đơn yêu cầu được quản lý, sử dụng diện tích 909m2 đất thuộc một phần thửa đất số 1075, được sở hữu tài sản hiện có trên đất và yêu cầu bị đơn phải bồi thường số tiền 12.271.000đồng là giá trị cây vầu đã chặt trên diện tích đất trên, thấy rằng:
[4] Trong vụ án này, nguyên đơn yêu cầu cấp sơ thẩm giải quyết đất tranh chấp có tổng diện tích 1.014,3m2 trong đó: 105,3m2 thuộc một phần thửa đất số 1195 và 909m2 thuộc một phần thửa đất số 1075. Diện tích đất tranh chấp trên từ năm 1990 đến trước tháng 7-2021 không có tranh chấp giữa hai bên. Vào tháng 7- 2021, khi bị đơn chặt cây vầu trên đất thì mới xảy ra tranh chấp với nhau.
[5] Xét về nguồn gốc đất tranh chấp thấy: Tại cấp sơ thẩm nguyên đơn cho rằng vào năm 1990 gia đình nguyên đơn đã khai phá đất hoang được khoảng hơn 6.000m2 trong đó có khoảng 800m2 đất tranh chấp. Năm 1990, nguyên đơn đã trồng khoảng 90 cây thông trên toàn bộ khu đất đã khai phá, trong đó trồng khoảng 5 đến 6 cây thông trên 800m2 đất tranh chấp. Diện tích đất tranh chấp còn lại khoảng 200m2 gần điểm A1, A3 và gần khu đường đất thể hiện trên Trích đo khu đất tranh chấp trước năm 1994 là do ông Phùng Văn K canh tác trồng sắn. Sau năm 1994, ông Phùng Văn K vào miền Nam sinh sống, thì nguyên đơn mới quản lý 200m2 đất này. Năm 1994, nguyên đơn đã đem 01 gốc vầu trồng vào giữa khu đất tranh chấp nhằm mục đích để sau này gia đình sử dụng. Ngoài lời trình bày của mình ra, nguyên đơn không có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh về nguồn gốc đất. Phía bị đơn cho rằng, đất tranh chấp thuộc một phần đất của gia đình bị đơn đã quản lý, sử dụng từ trước năm 1975 và đã được cấp Sổ xanh, sau này được cấp GCNQSDĐ bao gồm các thửa đất số 1075, 1076, 1159 và 1196. Qua số hóa, lồng ghép Bản đồ giao đất lâm nghiệp Dự án C.H.L.B Đức năm 1995 thể hiện: Diện tích 1.014,3m2 đất tranh chấp không thuộc một phần lô 181 tiểu khu II, địa danh N theo Quyết định số 262 giao cho ông Vi Văn B (chồng của bị đơn) và không thuộc lô đất nào trên Bản đồ giao đất lâm nghiệp Dự án C.H.L.B Đức năm 1995.
[6] Xét về quá trình quản lý, sử dụng đất tranh chấp thấy: Cả hai bên đều cho rằng đất tranh chấp thuộc một phần đất nằm trong khu đất của gia đình mỗi bên đang sử dụng. Qua kiểm tra các tài liệu, chứng cứ thấy: Gia đình nguyên đơn đang quản lý, sử dụng 5.159m2 đất RSX thuộc một phần thửa đất số 1195, phần đất này giáp liền kề với đất tranh chấp bởi đường hào. Trên một phần đất không có tranh chấp nguyên đơn mới trồng cây keo vào năm 2020, diện tích trồng cây keo sát với phần đất đang có tranh chấp và được ngăn cách với phần đất tranh chấp bởi đường hào. Gia đình bị đơn đang quản lý, sử dụng 3.396m2 đất RSX thuộc một phần thửa đất số 1075, phần đất này giáp liền kề với đất tranh chấp không có sự phân định mốc giới gì trên thực địa. Trên phần đất không có tranh chấp sau khi thu hoạch một số cây thông vào năm 2021, gia đình bị đơn hiện mới trồng thêm một số cây khác.
[7] Nguyên đơn, bị đơn đều cho rằng có được trồng thông trên đất tranh chấp. Nguyên đơn trồng thông vào năm 1990 và đã khai thác cây thông (lấy gỗ) năm 2019. Bị đơn trồng thông cùng thời điểm với các cây thông khác trên phần đất không có tranh chấp và đã nhiều lần khai thác cây thông (lấy gỗ) nhưng chưa khai thác hết cây thông đã trồng. Trên đất tranh chấp chỉ còn lại 01 cây thông do cây nhỏ, thân cây không thẳng nên hai bên không thực hiện khai thác lấy gỗ. Theo Kết luận giám định tuổi cây thì: Cây thông trên diện tích đất tranh chấp (theo yêu cầu của nguyên đơn) có tuổi là 19 ± 1 năm tuổi, tương đương với năm trồng là 2003. Cây thông trên diện tích đất bị đơn đang quản lý, sử dụng không có tranh chấp (theo yêu cầu của bị đơn) có tuổi là 18 ± 1 năm tuổi, tương đương với năm trồng là 2004. Như vậy, tuổi cây thông trên đất tranh chấp không phù hợp với ý kiến của nguyên đơn mà phù hợp với ý kiến của bị đơn.
[8] Đối với Kết luận giám định tuổi cây thông trên đất tranh chấp tại cấp sơ thẩm các đương sự không có ý kiến gì. Tại cấp phúc thẩm, nguyên đơn đề nghị giám định lại tuổi cây với lý do cây thông đó phải được trồng từ năm 1994, ngoài lý do này ra không còn lý do nào khác. Do đó, không có căn cứ để cho rằng Kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Mặt khác, nguyên đơn cung cấp 04 bức ảnh (chụp màu) đối với cây thông đã thực hiện giám định thể hiện: Tại gốc cây đó còn phần thân cây cao cách mặt đất khoảng 20cm nhưng đã không còn nguyên vẹn, bị nấm mốc… nên cũng không đủ điều kiện để thực hiện lấy mẫu giám định theo quy định. Trên phần đất không có tranh chấp của nguyên đơn cũng không còn cây thông nào được trồng cùng thời điểm theo ý kiến nguyên đơn đã đưa ra. Nhận thấy, tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn khẳng định cây thông đã giám định trên đất tranh chấp là do nguyên đơn trồng năm 1990. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với chính năm trồng cây thông (năm 1994) mà nguyên đơn đã đưa ra tại Đơn đề nghị giám định lại tuổi cây.
[9] Nguyên đơn cung cấp 01 Bảng kê lâm sản ngày 13-6-2019 và cho rằng đây chính là căn cứ thể hiện vào năm 2019 nguyên đơn đã xin cấp có thẩm quyền khai thác các cây thông trên đất tranh chấp. Xét thấy, tại Văn bản số 86 ngày 18-4- 2022 của Hạt Kiểm lâm huyện xác định: Từ đầu năm 2018 đến cuối năm 2020, gia đình nguyên đơn, bị đơn không làm văn bản về việc khai thác lâm sản với Hạt Kiểm lâm huyện vì theo Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16-11-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định: Chủ rừng tự quyết định việc khai thác, sau khai thác chủ lâm sản tự lập bảng kê lâm sản. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn đã khẳng định: Năm 1990 nguyên đơn chỉ được trồng 5-6 cây thông trên đất tranh chấp và thông thường một cây thông khi đến tuổi khai thác lấy gỗ sẽ đạt 05 khúc gỗ/01cây, mỗi khúc gỗ dài 2m. Tại Bảng kê lâm sản thể hiện khai thác được 162 khúc gỗ thông với 7,41m3 nhưng không thể hiện việc khai thác thông ở địa điểm nào. Mặt khác, nguyên đơn cũng thừa nhận tại đất không có tranh chấp giáp liền kề và khu đất rừng sản xuất khác cũng được nguyên đơn trồng thông và khai thác cùng thời điểm với việc khai thác cây thông ở đất tranh chấp. Do đó, ý kiến của nguyên đơn đưa ra là không có căn cứ và không phù hợp với thực tế.
[10] Trên đất tranh chấp hiện có 02 cây bạch đàn, 02 cây sở, 09 cây gỗ thông thường, 01 cây trám. Cả nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận: Cây bạch đàn là do mọc từ mầm chồi của gốc cây có từ trước đó, gốc cây này không phải do gia đình nguyên đơn, bị đơn trồng; các cây gỗ thông thường cũng là cây mọc tự nhiên. Nguyên đơn cho rằng mình là người trồng cây trám, cây sở nhưng không nhớ chính xác năm trồng; bị đơn thì cho rằng đó là các cây mọc tự nhiên trên đất đã lâu. Ngoài ra, trên đất còn có các gốc cây vầu bị đơn chặt vào tháng 7-2021 với mật độ 3 cây/m2. Nguyên đơn cho rằng các cây vầu đã bị chặt do nguyên đơn đem 01 gốc vầu trồng năm 1994 vào giữa khu đất tranh chấp, nhằm mục đích để sau này gia đình sử dụng sản phẩm; nguyên đơn đã chăm sóc 01 gốc vầu đó nên sau này vầu đã phát triển, lan ra thành rừng vầu và đã khai thác cây măng nhiều năm; nguyên đơn sử dụng cây vầu không chỉ trong sinh hoạt đời sống mà còn bán măng, bán vầu cho nhiều người khác tại địa phương. Những người mua măng, mua vầu đó cũng đã có xác nhận cho nguyên đơn về vấn đề này. Bị đơn thì cho rằng các cây vầu này là cây mọc tự nhiên, gặp điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi gần với nguồn nước thì sẽ tự mọc lan ra xung quanh. Tất cả những người làm chứng trong vụ án là do nguyên đơn yêu cầu đưa vào tham gia tố tụng đều cho rằng nguyên đơn là người trồng thông, trồng vầu ... trên đất tranh chấp và là người quản lý, sử dụng đất tranh chấp.
[11] Xét lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn và những người làm chứng về các cây trồng trên đất, thấy rằng: Ngoài lời khai của mình ra, không ai có tài liệu, chứng cứ gì để thể hiện về vấn đề đã trình bày. Tại Văn bản số 86 ngày 18-4-2022 của Hạt Kiểm lâm huyện xác định: Cây vầu thuộc nhóm danh mục cây lấy thân ... tuổi khai thác cây vầu chưa có văn bản nào quy định, cây vầu được trồng từ năm 1994 đến nay trong điều kiện sinh trưởng phát triển bình thường là phát triển thành rừng vầu nếu không có tác động của con người (như khai thác, chặt phá, đốt cháy...). Những người làm chứng đều không xác định được chính xác đất tranh chấp có diện tích ra sao, cụ thể như thế nào trong số diện tích đất nguyên đơn đang quản lý sử dụng tại khu vực đó và cũng không chứng kiến việc nguyên đơn trồng cây thông, cây vầu ... trên đất. Mặt khác, năm trồng các cây này người làm chứng khai cũng khác nhau; thậm trí có người làm chứng lời khai tại phiên tòa phúc thẩm còn mâu thuẫn với lời khai tại cấp sơ thẩm. Ông Trần Văn T xác định từ năm 1990 nguyên đơn đã trồng vầu trên đất tranh chấp (bút lục 73). Bà Hoàng Thị N xác định từ năm 1990 trở đi thấy vợ chồng nguyên đơn trồng thông, vầu, trám, sở trên đất (bút lục 79). Ông Hoàng Văn N có nhìn thấy nguyên đơn trồng vầu được trên 10 năm trên đất tranh chấp, năm trồng vầu chính xác khi nào ông không nhớ chỉ biết là đã trên 10 năm (bút lục 81). Ông Đường Trường S thì lại cho rằng năm 1994 ông đã được đến giúp nguyên đơn phát rừng vầu (bút lục 88). Ông Nông Văn C lại khẳng định ông thấy nguyên đơn trồng cây thông trên đất tranh chấp từ năm 1989 (bút lục 91). Tại Đơn kiến nghị của nhân dân trong xóm P cũng cho rằng từ năm 1990 nguyên đơn đã trồng thông, trồng vầu ... trên đất tranh chấp, tại đơn này được nhiều người làm chứng cùng ký xác nhận (bút lục 446-447). Tại Giấy chứng thực do nguyên đơn lập ngày 05-7-2022 thể hiện: Năm 1994, nguyên đơn mới trồng 5 đến 6 cây thông con, 01 gốc cây vầu, 02 cây sở trên đất tranh chấp để làm ranh giới và bảo quản 20 cây gỗ tạm đang có trên đất tranh chấp (bút lục 448-450). Tại Đơn đề nghị giám định lại tuổi cây thông, nguyên đơn lại xác định năm trồng cây thông trên đất tranh chấp là năm 1994. Như vậy, chính nguyên đơn cũng không xác định được năm trồng cây thông và mâu thuẫn về năm trồng các cây vầu trên đất tranh chấp với người làm chứng khác.
[12] Mặt khác, trên đất tranh chấp vẫn đang tồn tại đường hào phân định phần đất đang có tranh chấp với phần đất nguyên đơn đang quản lý, sử dụng không có tranh chấp. Các đương sự đều xác nhận hiện đường hào này vẫn sâu hơn 20cm, rộng hơn 30cm. Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn cho biết đường hào này có từ trước năm 1990 và tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn xác nhận đường hào đó là do gia đình bị đơn tạo lập. Vị trí đường hào được thể hiện rõ tại Trích đo khu đất tranh chấp, được xác định từ điểm A1, A8, A7, A6, A5 và đường nào này nằm trên cả phần đất tranh chấp của thửa đất số 1075 và thửa đất số 1195. Tất cả những người làm chứng về phía nguyên đơn có mặt tại phiên tòa đều thừa nhận: Thông thường việc phân chia ranh giới đất rừng giữa các chủ đất thường là đường hào, đường nước chảy. Thực tế phần đất rừng gia đình họ đang quản lý, sử dụng cũng được phân chia ranh giới với các chủ đất liền kề là đường hào, đường nước chảy.
[13] Phía nguyên đơn cho rằng mình là người có quá trình quản lý, sử dụng đất tranh chấp đã trên 30 năm nhưng nguyên đơn chưa từng thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Toàn bộ diện tích 5.159m2 đất RSX nguyên đơn đang quản lý, sử dụng không có tranh chấp thuộc một phần thửa đất số 1195, theo Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp thì thửa đất số 1195 quy chủ UBND xã Đ, chưa được cấp GCNQSDĐ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nào. Trong quá trình quản lý, sử dụng đất rừng sản xuất (trong đó có phần đất đang có tranh chấp), đất trồng lúa nước ..., phía bị đơn đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, đã tiến hành đi kê khai phần đất đang sử dụng. Do sử dụng đất ổn định và không có tranh chấp nên bị đơn đã được cấp GCNQSDĐ nhiều thửa đất (trong đó có thửa đất số 1075) và điều này cũng phù hợp với Kết luận giám định tư pháp ngày 18-02-2022 của Giám định viên ông Đinh Thanh T về việc cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số 1075.
[14] Diện tích 105,3m2 đất tranh chấp tuy thuộc một phần thửa đất số 1195 nhưng liền kề với đất tranh chấp thuộc thửa đất số 1075 và giáp với đường đi lại (đường đất), chiều rộng nhất của phần đất này chưa đến 2,5m. Đất tranh chấp 1.014,3m2 của hai thửa đất không hề có sự phân định ranh giới mà tạo liền thành một khu, cây thông thực hiện giám định trên đất nằm ngay sát phần đất này. Đất tranh chấp 1.014,3m2 không có sự phân định ranh giới trên thực tế đối với đất không có tranh chấp mà bị đơn đang quản lý, sử dụng tại thửa đất số 1075, nhưng lại có sự phân định ranh giới là đường hào đối với đất không có tranh chấp mà nguyên đơn đang quản lý, sử dụng tại thửa đất số 1195.
[15] Từ những phân tích, đánh giá trên có đủ căn cứ xác định: Toàn bộ 1.014,3m2 đất tranh chấp thuộc quyền quản lý sử dụng của bị đơn. Cây thông (đã giám định) trên đất là do bị đơn trồng, các cây trồng khác không phải do nguyên đơn trồng nên đương nhiên bị đơn được sở hữu.
[16] Xét thấy, cấp sơ thẩm chưa làm rõ các tài liệu, chứng cứ nên dẫn đến việc đánh giá chứng cứ không khách quan, không toàn diện. Cấp sơ thẩm chỉ đơn thuần căn cứ vào GCNQSDĐ của thửa đất số 1075 mà chấp nhận cho nguyên đơn được quản lý, sử dụng 105,3m2 đất thuộc một phần thửa đất số 1195 và buộc bị đơn phải bồi thường giá trị cây vầu trên đất là không khách quan, không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tất cả các đương sự không kháng cáo những nội dung này, Viện kiểm sát cũng không kháng nghị. Tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị đơn cũng không có khiếu nại hay ý kiến gì về vấn đề này, nên cấp phúc thẩm không xem xét nhưng cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm. Vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, cần giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm đối với nội dung có kháng cáo.
[17] Về chi phí tố tụng: Nguyên đơn đã nộp tạm ứng số tiền 27.000.000đồng, bị đơn đã nộp tạm ứng số tiền 12.000.000đồng. Tổng các loại chi phí tố tụng hết 39.000.000đồng, bao gồm: Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 19.400.000đồng; chi phí giám định cây thông trên đất tranh chấp là 7.990.000đồng; chi phí giám định cây thông trên đất không có tranh chấp là 9.790.000đồng; chi phí giám định việc cấp GCNQSDĐ là 1.820.000đồng. Bị đơn tự nguyện chịu chi phí giám định cây thông trên đất không có tranh chấp là 9.790.000đồng. Đúng ra toàn bộ các chi phí còn lại, nguyên đơn phải chịu do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận nhưng vì cấp sơ thẩm chưa làm rõ các tài liệu chứng cứ, đánh giá chứng cứ không khách quan, không toàn diện và không đúng thực tế nên đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và buộc bị đơn phải chịu chi phí tố tụng là 2.014.000đồng. Tuy nhiên, tất cả các đương sự không kháng cáo nội dung này, Viện kiểm sát cũng không kháng nghị. Tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị đơn cũng không có khiếu nại hay ý kiến gì về vấn đề này, nên cấp phúc thẩm không xem xét nhưng cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
[18] Do nguyên đơn, bị đơn đều người cao tuổi, có đơn xin miễn tiền án phí nên được miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm. Vì vậy, cấp sơ thẩm hoàn trả cho nguyên đơn số tiền tạm ứng án phí đã nộp là đúng quy định của pháp luật.
[19] Mặc dù cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn nhưng do cấp sơ thẩm có vi phạm sau: Tại mục 5 quyết định của Bản án sơ thẩm về nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng nhưng lại quyết định cả về trách nhiệm bồi thường thiệt hại là không phù hợp. Mặt khác, cấp sơ thẩm thực hiện khấu trừ trách nhiệm hoàn trả chi phí tố tụng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa các đương sự với nhau là không đúng với các quy định của Luật Thi hành dân sự trong việc áp dụng thời hiệu yêu cầu thi hành án của người được thi hành án. Vì vậy, cấp phúc thẩm phải sửa bản án đối với vi phạm trên. Do sửa án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm, hoàn trả người kháng cáo số tiền tạm ứng án phí đã nộp.
[20] Xét đề nghị của những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là không có căn cứ pháp lý và không phù hợp với các quy định của pháp luật nên không được chấp nhận.
[21] Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn là có căn cứ pháp lý và phù hợp với các quy định của pháp luật nên được chấp nhận.
[22] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Chu Văn A về việc yêu cầu được quản lý, sử dụng diện tích 909m2 đất thuộc một phần thửa số 1075, tờ bản đồ địa chính đất lâm nghiệp số 01 xã Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; được sở hữu tài sản hiện có trên đất và yêu cầu bị đơn phải bồi thường số tiền 12.271.000đồng là giá trị cây vầu đã chặt trên diện tích đất trên vì không có căn cứ pháp luật; giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2022/DS-ST ngày 28-3-2022 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đối với nội dung có kháng cáo.
2. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2022/DS-ST ngày 28-3-2022 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn về nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng, cụ thể:
Bà Trịnh Thị L tự nguyện chịu chi phí giám định cây thông trên đất không có tranh chấp là 9.790.000đồng và phải chịu 2.014.000đồng tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản, tổng cộng là 11.804.000đồng. Xác nhận, bà Trịnh Thị L đã nộp tạm ứng số tiền 12.000.000đồng, sau khi khấu trừ bà Trịnh Thị L sẽ được hoàn trả lại số tiền 196.000 đồng.
Ông Chu Văn A phải chịu chi phí giám định cây thông trên đất tranh chấp là 7.990.000đồng, chi phí giám định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 1.820.000đồng và tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản là 17.386.000 đồng, tổng cộng là 27.196.000đồng. Xác nhận, ông Chu Văn A đã nộp tạm ứng số tiền 27.000.000đồng, sau khi khấu trừ ông Chu Văn A phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho bà Trịnh Thị L số tiền là 196.000đồng (một trăm chín mươi sáu nghìn đồng).
3. Về án phí dân sự phúc thẩm: Căn cứ khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Ông Chu Văn A không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả lại cho ông Chu Văn A số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2021/0005110 ngày 14-4-2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Lạng Sơn.
4. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./
Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản số 26/2022/DS-PT
Số hiệu: | 26/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lạng Sơn |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/07/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về