TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN SỐ 97/2024/DS-PT NGÀY 08/04/2024 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 08 tháng 4 năm 2024, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa công khai tại trụ sở để xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số 04/TBTL-TA ngày 09/01/2024 về “Tranh chấp quyền sử dụng đất” do bản án dân sự sơ thẩm số 26/2023/DS-ST ngày 27/9/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 354/2024/QĐ-PT ngày 01/3/2024 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, giữa:
Nguyên đơn: Ông Phan Anh T và bà Lê Thị T1 (Lê Thị Nguyệt A); địa chỉ: A V, tổ G, phường Y, thành phố P, tỉnh Gia Lai; ông T và bà Thanh vắng mặt, có đơn đề nghị hoãn phiên tòa.
Bị đơn: Ban Q, tỉnh Gia Lai; địa chỉ: đường C, thôn C, xã D, thành phố P, tỉnh Gia Lai
Người đại diện theo ủy quyền: ông Nguyễn Thế Tuấn K (Phó trưởng ban Q, tỉnh Gia Lai), có mặt
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh G; địa chỉ: B T, phường T, thành phố P, tỉnh Gia Lai, vắng mặt
2. Ủy ban nhân dân xã B; đường T, xã B, thành phố P, tỉnh Gia Lai, vắng mặt.
Người làm chứng:
1. Ông Võ Đình X, sinh năm 1951; địa chỉ: E V, phường Y, thành phố P, tỉnh Gia Lai, vắng mặt
2. Ông Nguyễn Hữu C, sinh năm 1950; địa chỉ: C T, xã B, thành phố P, tỉnh Gia Lai, vắng mặt
3. Ông A N, sinh năm 1947; địa chỉ: Làng P, xã B, thành phố P, tỉnh Gia Lai, vắng mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Đơn khởi kiện ngày 02/3/2022 và quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn ông Phan Anh T và bà Lê Thị T1 trình bày:
Vợ chồng tôi là chủ sở hữu quyền sử dụng thửa đất có diện tích 15.000m2 tại thôn F xã B (thửa đất có tứ cận: Phía Đông giáp đất bà M; phía Tây giáp thửa đất của bà G; phía Nam giáp đất rừng thông; phía Bắc giáp đường đi vào đập thủy lợi B - nay là đường L). Nguồn gốc thửa đất như sau:
- Năm 1990, vợ chồng tôi có nhu cầu cần đất để làm nhà ở và tăng gia sản xuất nên vợ tôi tên Lê Thị Nguyệt A (Lê Thị T1) đã đứng đơn xin cấp đất và được Tập đoàn S1 thuộc thôn F (nay là thôn D) xã B cấp diện tích 1.000m2 đất để làm nhà và sản xuất nông nghiệp; thửa đất nằm trên trục đường đi vào đập thủy lợi B, nay là đường L. Vợ chồng tôi nhận đất và quản lý, canh tác, sử dụng từ đó cho đến nay.
- Năm 1995, vợ chồng tôi nhận chuyển nhượng thêm thửa đất của ông Lê Hồng T2 giáp với thửa đất của chúng tôi. Thửa đất nhận chuyển nhượng có diện tích 14.000m2, kích thước 100 x 140m (có tứ cận: phía Đông giáp đất bà M; phía Tây giáp thửa đất tôi; phía Nam giáp đất rừng thông; Bắc đường đi vào đập thủy lợi B nay là đường L). Ông T2 có lập “Giấy sang nhượng đất” đề ngày 19-12-1995 để sang nhượng cho tôi toàn bộ 14.000m2 đất, tài sản gắn liền với đất là 1 căn nhà bằng gỗ và 1 giếng đào, giấy sang nhượng được Ủy ban nhân dân xã B xác nhận ngày 20-12-1995. Vợ chồng tôi đã hoàn trả đủ số tiền cho ông T2 theo thỏa thuận tại giấy sang nhượng đất trên và được ông T2 bàn giao diện tích đất, tài sản trên đất và canh tác liên tục.
Như vậy, quyền sử dụng 15.000m2 đất nằm trên trục đường đi vào đập thủy lợi Biển Hồ là tài sản hợp pháp của vợ chồng tôi, có nguồn gốc rõ ràng, do chúng tôi trực tiếp quản lý và sử dụng liên tục. Sau đó, vì đặc thù công việc nên vợ chồng tôi phải đi làm ăn xa, khi trở về thì phát hiện 11.000m2 đất trong 15.000m2 đất trên của vợ chồng tôi đã bị lấn chiếm để trồng thông. Ngay khi phát hiện sự việc, chúng tôi nhiều lần đến Ủy ban nhân dân xã B để yêu cầu trả lại đất thì Ủy ban nhân dân xã B cho biết cây là do Ban Q trồng. Vì vậy, chúng tôi nhiều lần đến và yêu cầu Ban Q trả lại đất cho chúng tôi, đồng thời yêu cầu Ủy ban nhân dân xã B can thiệp để được bảo vệ quyền lợi nhưng cả hai cơ quan này đều hẹn nhiều lần mà không giải quyết dứt điểm và trả lại thửa đất đã lấn chiếm của chúng tôi cho chúng tôi. Riêng 4.000m2 đất còn lại vợ chồng tôi vẫn tiếp tục sử dụng.
Gần đây khi chúng tôi đi đăng ký cấp quyền sử dụng đất đối với phần diện tích này thì được thông báo là phần đất này hiện cũng đã được điều chỉnh đưa vào diện tích đất của Ban Q; do đó, chúng tôi không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quá trình khiếu nại thì vợ chồng tôi được biết ngày 29-12-2011, Ban Q được Ủy ban nhân dân tỉnh G cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BH 121906 2 cho toàn bộ diện tích đất thuộc quyền quản lý của Ban Q, trong đó chồng lấn lên 11.000m2 đất của vợ chồng tôi.
Trong khi đất chúng tôi sử dụng có nguồn gốc hợp pháp từ năm 1990 và 1995 (năm 1995 là năm tôi nhận sang nhượng, thực tế ông T2 sử dụng còn trước đó nhiều năm nữa). Đặc biệt 02 thửa đất của 02 hộ liền kề hướng Đông và hướng Tây của chúng tôi thì lại được chừa ra, thửa đất của vợ chồng tôi nằm giữa 02 thửa đất đó lại bị cấp chồng lấn cho Ban Q. Đồng thời, diện tích 4.000m2 đất mà vợ chồng tôi đang sử dụng thì năm 2021 lại tiếp tục bị điều chỉnh là đất rừng để giao tiếp cho Ban Q. Mặc dù chưa được cấp vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên nhưng đã được điều chỉnh trên bản đồ tổng thể của tỉnh Gia Lai.
Việc Ủy ban nhân dân tỉnh G cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Q và điều chỉnh tăng diện tích đất cho Ban Q chồng lấn lên diện tích đất hợp pháp của chúng tôi là không đúng pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng tôi.
Do đó, chúng tôi khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:
+ Buộc Ban Q phải trả cho vợ chồng tôi 15.000m2 đất đã lấn chiếm, trong đó 11.000m2 đã trồng thông và đã bị cấp chồng trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất BH 121906 ngày 29-12-2011 của Ban Q và 4.000m2 bị điều chỉnh tăng diện tích đất rừng giao cho Ban Q (15.000m2 đất thuộc thửa đất có tử cận phía Đông giáp đất bà M; phía Tây giáp thửa đất của bà G; phía Nam giáp đất rừng thông; phía Bắc đường đi vào đập thủy lợi Biển Hồ nay là dường Lê Văn S). + Hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BH 121906 ngày 29-12-2011 do Ủy ban nhân dân tỉnh G cấp cho Ban Q để trả lại diện tích đất cấp chồng lên đất của vợ chồng tôi là 11.000m2 * Ngày 10/4/2023, ông Phan Anh T và bà Lê Thị T1 (Lê Thị Nguyệt A) có đơn thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện với nội dung: Buộc Ban Q phải trả cho vợ chồng ông T diện tích đất chưa có giấy chứng nhận 3.585,4 m2 tại đường L, thôn D (thôn E cũ), xã B, thành phố P, tỉnh Gia Lai, đất trồng cây lâu năm, có tứ cận: Phía Đông giáp đất bà M, có kích thước 47,36m + 34,31m; Phía Tây giáp đất bà G, có kích thước 13,17m; Phía Nam giáp: đất ông V có kích thước 15,9m và đất rừng đã có giấy chứng nhận, có kích thước 94,49m + 32,51m + 50,13m + 5,56m; Phía Bắc giáp đường L, có kích thước 143,07m.
Bị đơn Ban Q trình bày:
- Báo cáo số 65/BC-BQL ngày 24/3/2022 của Ban quản lý rừng thể hiện nội dung (BL 67), về diện tích: theo kết quả kiểm tra thực tế năm 2017 của UBND xã B và Ban Q qua chỉ dẫn của hộ Phan Anh T tại thực tế hiện trường là 1,4ha (Diện tích trong đơn khởi kiện là 1,5ha theo giấy tờ mua bán do ông T cung cấp), đến thời điểm hiện tại đơn vị chưa nhận được Sơ đồ bản vẽ hay bản đồ thửa đất của ông Phan Anh T. Căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BH 121906 được UBND tỉnh cấp ngày 29/12/2011, theo hồ sơ này, diện tích tại vị trí hộ ông T khởi kiện là 1,4ha, trong đó + 1,1 ha là diện tích đất có rừng trồng T3 ba lá trồng năm 3 1996 nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của đơn vị, thuộc địa giới hành chính phường Y và xã B; + 0,3 ha là diện tích đất có rừng trồng T3 ba lá trồng năm 1996 nhưng không nằm trong giấy CNQSD đất của đơn vị và thuộc địa giới hành chính phường Y. Đến nay, ranh giới hành chính quản lý tại khu vực này có sự thay đổi, cụ thể là ranh giới trong Giấy CNQSD đất năm 2011 đã thay đổi so với ranh giới theo Quyết định số 527/QĐ-UBND ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh G, về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh qui hoạch 3 loại rừng tỉnh Gia lai đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Tại ranh giới hành chính theo Quyết định 527 thì 1,4 ha trên thuộc địa giới hành chính cụ thể như sau:
- 1,25 ha thuộc địa giới hành chính xã B, theo hiện trạng được rà soát có: 0.3 ha là rừng T3 (hiện Ban QLRPH Bắc Biển H quản lý) và nằm ngoài diện tích đã cấp Giấy CNQSD đất cho đơn vị; 0,95 ha gồm rừng T3 (0,74ha) và đất trạng thái NN (đất hiện trạng nông nghiệp; 0,21ha) và nằm trong diện tích đã cấp Giấy CNQSD đất cho đơn vị, đang được đơn vị quản lý;
- 0,15 ha thuộc địa giới hành chính phường Y, được UBND phường Y quản lý. Toàn bộ diện tích nói trên đều là qui hoạch rừng phòng hộ, Ban Q vẫn quản lý bảo vệ theo qui định của pháp luật.
- Biên bản lấy lời khai của BQLRPH Bắc Biển Hồ ngày 04/4/2022 (BL 48) thể hiện:
+ Trên cơ sở Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận và số liệu được Ban Q cung cấp tại Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 04 tháng 02 năm 2008 của UBND tỉnh G và kết quả rà soát dự án 661 giai đoạn 2009 - 2010 của các BQL rừng phòng hộ đã được phê duyệt; Quyết định số 1363A/QĐ UBND ngày 19/10/2011 của UBND tỉnh G về việc phê duyệt Dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của Ban Q. Ranh giới và diện tích của Ban Q đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, phường, UBND huyện và thành phố ký xác nhận. Đồng thời ngày 08/12/2011, Sở N2 có Công văn số 987/SNN-LN gửi Sở T5 về việc về việc thống nhất số liệu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Q. Cho nên Sở T5 đề nghị trình UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận cho Ban Q diện tích là 8.171,6 ha bao gồm 5.660,9 ha đất rừng phòng hộ và 2.510,7 ha đất rừng sản xuất thuộc ranh giới 03 huyện: Chư Păh, Ia G1 và thành phố P. Do đó việc UBND tỉnh G cấp giấy chứng nhận cho Ban Q năm 2011 là đúng quy định và phù hợp với số liệu, ranh giới Ban Q đang quản lý sử dụng (có Hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ kèm theo)
+ Trước khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Ban Q trồng cây thông ba lá và quản lý toàn bộ diện tích từ đó cho đến nay.
+ Thửa đất tranh chấp được cơ quan quản lý nhà nước lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho Ban Q từ năm 1996. Ban quản lý là đơn vị trồng rừng trên cơ sở hồ sơ thiết kế trồng rừng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Ban quản lý rừng quản lý và bảo vệ từ đó cho đến nay.
+ Hiện nay tài sản trên diện tích đất trên là rừng trồng thông ba lá từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, đơn vị đang quản lý bảo vệ theo quy định.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan UBND tỉnh G trình bày:
- Tại văn bản số 618/UBND-BTCD ngày 01/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh G (BL 281):
+ Đối với nội dung khởi kiện: Ban Q tiền thân là Trạm trồng rừng quốc doanh Pleiku trực thuộc UBND thị xã P được thành lập theo Quyết định số 111/QĐ-UB/TC ngày 11/7/1980 của UBND tỉnh G - Kon Tum. Ngày 21/12/2004, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 144/2004/QĐ-UB về việc chuyển đổi Trạm Trồng rừng quốc doanh Pleiku thành Ban Q được củng cố đổi mới theo Quyết định số 50/QĐ-UBND ngày 01/3/2007 là đơn vị sự nghiệp kinh tế, hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh N2.
- Việc UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BH121906 ngày 29/12/2011 cho Ban Q là đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, cụ thể:
Trên cơ sở Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận và số liệu được Ban Q cung cấp tại Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 04/02/2008 của UBND tỉnh G và kết quả rà soát Dự án 661 giai đoạn 2009 - 2010 của các Ban Quản lý rừng phòng hộ đã được phê duyệt; Quyết định số 1363A/QĐ-UBND ngày 19/10/2011 của UBND tỉnh G về việc phê duyệt Dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của Ban Q. Ranh giới và diện tích của Ban Q đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, phường, UBND huyện và thành phố ký xác nhận. Đồng thời, ngày 08/12/2011, Sở N2 có Công văn số 987/SNN-LN gửi Sở T5 về việc thống nhất số liệu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Q. Do đó, Sở T5 đã đề nghị trình UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận cho Ban Q diện tích là 8.171,6 ha, bao gồm: 5.660,9 ha đất rừng phòng hộ và 2.510,7 ha đất rừng sản xuất thuộc ranh giới 03 huyện: Chư Păh, Ia G1 và thành phố P. Năm 1996, Ban Q1 thực hiện việc trồng rừng là theo đúng nhiệm vụ được Nhà nước giao, đúng mục đích phòng hộ xung yếu. Trong quá trình trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ từ năm 1996 đến năm 2017 (21 năm) không xảy ra tranh chấp; vì vậy, việc Ban Q được giao quản lý diện tích trên là đúng quy định của pháp luật.
Rừng trồng mục đích phòng hộ xung yếu là tài sản của Nhà nước thuộc sở hữu toàn dân, việc xâm hại đến khu vực rừng này là vi phạm quy chế quản lý rừng phòng hộ được quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
+ Về việc tham gia tố tụng: Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử vắng mặt UBND tỉnh G trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án nêu trên.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan UBND xã B, thành phố P, tỉnh Gia Lai trình bày: Qua thống kê, kiểm kê hằng năm thì kể từ khi UBND tỉnh G cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Q thì khu vực đất trên ghi nhận là đất rừng phòng hộ do Ban Q, còn giai đoạn trước khi Ban quản lý rừng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì UBND xã không biết có lập bản đồ hay không? Người làm chúng là ông Võ Đình X trình bày: Tôi (X) là Tập đoàn trường Tập đoàn sản xuất thôn F, xã B, Ban dầu diện tích đất tranh chấp là đất của Tập đoàn sản xuất thôn F, sau quy hoạch thủy lợi đã san ủi lấy đất màu để làm đập Biển Hồ nên trên đất chỉ còn sỏi, đá cuội khô cằn. Ông T làm đơn xin đất ở xã B, UBND xã B chỉ qua cho Tập đoàn sản xuất thôn F cấp đất cho ông T, tôi đã chỉ đất và ký xác nhận cho ông T; cùng thời điểm có một số hộ như ông Trường G2, ông T2 cũng có đơn xin cấp đất, ông Trường G2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi được cấp đất ông T, bà T1 đã canh tác trồng các loại cây ngắn ngày và các loại cây ăn trái, xây dựng nhà tạm và đào giếng trên đất được cấp; vị trí đất được cấp là đất xấu không tốt khi trồng cây rất khó chăm sóc nên vợ chồng ông T đi làm ăn xa một thời gian, thỉnh thoảng có đến vườn chăm sóc nhưng không thường xuyên. Năm 1996 Ban Q đã tiến hành thuê nhân công trồng rừng đại trà và đã trồng cây thông trên phần đất mà hợp tác xã đã cấp cho vợ chồng ông T, bà T1. Trong cùng thời gian Tập đoàn sản xuất thôn cấp đất cho vợ chồng ông T, bà T1 thì còn cấp đất cho hộ ông T2, hộ ông Trường G2; các hộ này có đất được cấp gần vị trị đất đã cấp cho vợ chồng ông T, bà T1, hộ ông T2 cách đất ông T bà T1 là 10m, còn hộ ông Trường G2 thì cách đất ông T khoảng 50m, đến nay hộ ông T2, hộ ông Trường G2 vẫn còn sinh sống trên đất đã được cấp trước đây.
- Người chứng ông Nguyễn Hữu C trình bày: Ông làm Chủ tịch UBND xã B từ năm 1989, khi ông Lê Hồng T2 và ông Phan Anh T sang nhượng đất có đến trụ sở UBND xã B và được bộ phận Văn phòng Ủy ban ghi nội dung, sau đó trình lên Ông và ông ký tại giấy sang nhượng đất ngày 19/12/1995 giữa ông Lê Hồng T2 và ông Phan Anh T, sau đó được đóng dấu đỏ của UBND xã B. Ông không biết ông Lê Hồng T2, ông Phan Anh T là ai, việc mua bán đất, vị trí mua bán đất nêu tại giấy sang nhượng giữa các bên ông không biết.
- Người làm chứng ông A N trình bày: Năm 1989, Ông làm Phó chủ tịch UBND xã B còn ông Nguyễn Hữu C làm chủ tịch UBND xã B, lúc đó ông được phân công phụ trách văn hóa, xã hội, Ông có ký xác nhận vào ĐƠN XIN CẤP ĐẤT ngày 08/5/90 và có đóng dấu của UBND xã B sau khi họ nộp đơn xin xác nhận ở UBND xã, còn ông không biết gì về bà N1 cũng như không biết gì về vị trí đất tại đơn đã nêu.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 26/2023/DS-ST ngày 27/9/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai quyết định:
Căn cứ vào các Điều 26, Điều 34, Điều 37, Điều 39, Điều 147, Điều 150, Điều 157, Điều 165; Điều 244 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính; Điều 26 và Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;
Áp dụng Điều 6, Điều 30, khoản 2 Điều 31, Điều 36 Luật Đất đai năm 1993; Điều 203 Luật Đất đai năm 2013
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phan Anh T và bà Lê Thị T1 về việc: Buộc Ban Q phải trả cho vợ chồng ông diện tích đất chưa có giấy chứng nhận 3.585,4 m2 tại đường L, thôn D (thôn E cũ), xã B, thành phố P, tỉnh Gia Lai, đất trồng cây lâu năm, có tứ cận: Phía Đông giáp đất bà M, có kích thước 47,36m + 34,31m; Phía Tây giáp đất bà G2, có kích thước 13,17m; Phía Nam giáp: đất ông V có kích thước 15,9m và đất rừng đã có giấy chứng nhận, có kích thước 94,49m + 32,51m + 50,13m + 5,56m; Phía Bắc giáp đường L, có kích thước 143,07m.
2. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản:
Buộc nguyên đơn ông Phan Anh T và bà Lê Thị T1 phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 12.700.000 đồng. Ông Phan Anh T và bà Lê Thị T1 đã nộp đủ.
3. Về án phí: Nguyên đơn ông Phan Anh T và bà Lê Thị T1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 24.386.416 đồng nhưng được khâu trừ vào số tiền 6.250.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí lệ phí số 0000098 ngày 09/3/2022 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai, ông Phan Anh T và bà Lê Thị T1 phải tiếp tục nộp số tiền là 18.136.416 đồng.
Sau khi xét xử sơ thẩm:
- Ngày 10/10/2023 (trong hạn kháng cáo), ông Phan Văn T4 có đơn kháng cáo nên Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Thông báo số 283/TB-TA ngày 10/10/2023 yêu cầu ông T4 trong hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo phải nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho Tòa án. Ngày 17/10/2023 ông T4 nhận được Thông báo và ngày 20/10/2023 ông T4 nộp tạm ứng án phí, nhưng đến ngày 06/11/2023 ông T4 mới nộp Biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai. Tại Quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn số 08/2023/QĐ-PT ngày 11/12/2023, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng nhận định ông T4 nộp Biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai quá thời hạn quy định tại Điều 276 Bộ luật tố tụng dân sự mà không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc lý do khách quan khác nên không chấp nhận kháng cáo của ông T4 và hoàn trả ông T4 tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.
- Ngày 25/10/2023 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 32/QĐ-VKS-DS, kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm số 26/2023/DS-ST ngày 27/9/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai về phần án phí với lý do Bản án sơ thẩm chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản thuộc về ai, không xem xét giá trị nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T4, do đó phải áp dụng điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2026/NQ-UBTVQH 14 buộc ông T4 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch mới đúng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông T4 chịu án phí có giá ngạch là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông T4. Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Đại diện Viện kiểm sát phát biểu:
+ Về việc tuân theo pháp luật tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án đến phiên tòa phúc thẩm hôm nay, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự;
+ Về nội dung: giữ nguyên Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 32/QĐ- VKS-DS ngày 25/10/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm về phần án phí.
- Căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; căn cứ việc hỏi và tranh luận; căn cứ ý kiến của những người tham gia tố tụng và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Tại Quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn số 08/2023/QĐ- PT ngày 11/12/2023, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng nhận định ông T4 nộp Biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai quá thời hạn quy định tại Điều 276 Bộ luật Tố tụng dân sự mà không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc lý do khách quan khác nên không chấp nhận kháng cáo của ông T4 và hoàn trả ông T4 tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông T4 có đơn xin hoãn phiên tòa, nhưng Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm quyết định tiến hành xét xử phúc thẩm do có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 32/QĐ-VKS-DS ngày 25/10/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mà không xem xét kháng cáo của ông T4. [2] Xét Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 32/QĐ-VKS-DS ngày 25/10/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, cấp phúc thẩm xét thấy Bản án sơ thẩm chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản thuộc về ai mà không xem xét giá trị; do đó, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2026/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp và quản lý án phí, lệ phí Tòa án thì ông T4 chỉ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch 300.000 đồng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông T4 chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch 24.386.416 đồng là áp dụng không đúng pháp luật nên chấp nhận quyết định kháng nghị, sửa một phần bản án sơ thẩm về án phí dân sự sơ thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 26/2023/DS-ST ngày 27/9/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai về phần án phí như sau:
“3. Về án phí: Nguyên đơn ông Phan Anh T và bà Lê Thị T1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng, khấu trừ vào số tiền ông T, bà T1 đã nộp tạm ứng án phí sơ thẩm 6.250.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí lệ phí số 0000098 ngày 09/3/2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai thì ông Phan Anh T và bà Lê Thị T1 được hoàn trả 5.950.000 đồng” Các quyết định còn lại của Bản án sơ thẩm dân sự sơ thẩm số 26/2023/DS- ST ngày 27/9/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã có hiệu lực pháp luật.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 97/2024/DS-PT về tranh chấp quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 97/2024/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 08/04/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về